Gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi

Thiên Chúa đã muốn mạc khải mình khi sinh ra trong một gia đình nhân loại, và chính vì thế, gia đình của con người đã trở thành một bức ảnh của Thiên Chúa! Thiên Chúa là Ba Ngôi, Thiên Chúa là sự hiệp thông tình yêu; do đó, gia đình, cho dầu có những khác biệt giữa Mầu nhiệm Thiên Chúa và thụ tạo nhân văn của Người, thì gia đình vẫn phản ánh Mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa là Tình yêu.

 Gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi

Kinh Truyền Tin  - Quảng trường Thánh Phêrô – Chúa Nhật trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, Lễ Thánh Gia, 27/12/2009

Anh chị em thân mến!

Hôm nay là Chúa Nhật lễ Thánh Gia. Chúng ta vẫn còn có thể đứng bên cạnh các mục đồng thành Bê Lem, là những người, một khi nghe lời Sứ thần loan báo, đã hối hả chạy đến hang đá và gặp thấy “Maria, Giuse và Con Trẻ mới sinh nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16). Chúng ta cũng hãy dừng lại chiêm ngưỡng và suy nghĩ về ý nghĩa của quang cảnh này. Các mục đồng là những người đầu tiên chứng kiến quang cảnh Đức Kitô hạ sinh, họ không chỉ hiện diện trước mặt Con Trẻ Giêsu, mà còn hiện diện trước mặt một gia đình bé nhỏ: mẹ, cha và con trẻ sơ sinh. Thiên Chúa đã muốn mạc khải mình khi sinh ra trong một gia đình nhân loại, và chính vì thế, gia đình của con người đã trở thành một bức ảnh của Thiên Chúa! Thiên Chúa là Ba Ngôi, Thiên Chúa là sự hiệp thông tình yêu; do đó, gia đình, cho dầu có những khác biệt giữa Mầu nhiệm Thiên Chúa và thụ tạo nhân văn của Người, thì gia đình vẫn phản ánh Mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa là Tình yêu. Người nam và người nữ, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, đã trở nên “một xương một thịt” trong hôn nhân (St 2,24), nghĩa là hiệp thông tình yêu làm phát sinh một sự sống mới. Gia đình nhân loại, theo một nghĩa nào đó, là hình ảnh của Chúa Ba Ngôi, xét về phương diện tình yêu liên vị, và sự phong phú của tình yêu.

Phụng vụ hôm nay đề nghị cho chúng ta giai thoại rất nổi tiếng trong Tin Mừng tường thuật việc Đức Giêsu, khi lên 12 tuổi, đã ở lại trong Đền Thờ Giêrusalem, mà cha mẹ không hề hay biết. Sau ba ngày lo lắng tìm con, ông bà rất ngạc nhiên thấy con mình trong Đền thờ, đang thảo luận với các tiến sĩ luật. Khi Đức Maria hỏi Người tại sao làm thế, thì Đức Giêsu đã trả lời Mẹ là Người phải “có bổn phận ở trong nhà Cha Người”, nghĩa là nhà của Thiên Chúa (x. Lc 2,49). Qua giai thoại này, chúng ta thấy cậu thiếu niên Giêsu đầy nhiệt huyết đối với Thiên Chúa và Đền thờ. Chúng ta tự hỏi: Nhờ ai mà Đức Giêsu học biết yêu mến những “công việc” của Cha Người? Dĩ nhiên với tư cách là con, Đức Giêsu đã có một kiến thức thân tình với Cha của Người, với Thiên Chúa, đã có một tương giao cá nhân sâu xa và thường xuyên với Thiên Chúa, nhưng, trong nền văn hoá cụ thể của Đức Giêsu, chắc chắn là Người đã học biết từ cha mẹ mình kinh nguyện, tình yêu đối với Đền thờ và những cơ chế của Israel. Như thế, chúng ta có thể khẳng định được rằng quyết định của Đức Giêsu ở lại trong Đền thờ là kết quả của mối tương giao thân tình của Người đối với Chúa Cha, nhưng cũng là kết quả của nền giáo dục mà Người đã nhận được từ Đức Maria và Thánh cả Giuse. Ở đây, chúng ta có thể thoáng thấy ý nghĩa đích thực của nền giáo dục Kitô giáo: đây là kết quả của một sự cộng tác mà ta phải luôn luôn tìm kiếm giữa những nhà giáo dục và Thiên Chúa. Gia đình Kitô giáo ý thức rằng con cái là một hồng ân, và là một dự định của Thiên Chúa. Do đó, gia đình không thể xem chúng là sở hữu của mình, nhưng, một khi phục vụ cho kế hoạch của Thiên Chúa qua con cái, thì gia đình được kêu mời giáo dục con cái, để chúng có được một sự tự do lớn lao hơn, đó là tự do nói lên tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa để thi hành thánh ý Người. Đức Trinh Nữ Maria là mẫu gương tuyệt hảo của tiếng “xin vâng” này. Chúng ta hãy phó dâng cho Người tất cả các gia đình, và đặc biệt cầu nguyện cho sứ mệnh giáo dục rất cao quý của họ. Và giờ đây, tôi xin được ngỏ lời bằng tiếng Tây Ban Nha với tất cả những ai đang tham dự lễ Thánh gia tại Madrid.

Tôi thân ái chào các vị mục tử và giáo dân đang quy tụ về Madrid, để cử hành lễ Thánh gia thành Nazareth. Làm sao ta có thể không nhắc lại ý nghĩa thực sự của ngày lễ này? Thiên Chúa, Đấng đã đến trần gian, trong lòng một gia đình, chỉ cho chúng ta thấy rằng cơ chế này là con đường chắc chắn để gặp gỡ và hiểu biết Thiên Chúa, và đồng thời, là tiếng mời gọi chúng ta không ngừng làm việc để mọi người được kết hợp chung quanh tình yêu. Như thế, một trong những điều lớn lao nhất mà chúng ta, với tư cách là những Kitô hữu, chúng ta có thể giúp đỡ tha nhân, đó là cho họ một chứng tá bình thản và chắc chắn về đời sống gia đình được xây dựng trên hôn nhân, giữa một người nam và một người nữ, bằng cách bảo tồn và xúc tiến đời sống hôn nhân, bởi vì nó có một tầm quan trọng lớn lao cho hiện tại và tương lai của nhân loại. Thực thế, gia đình là một trường học tốt nhất dạy cho chúng ta sống những giá trị mang lại phẩm giá cho con người và sự cao cả cho các dân tộc. Trong đời sống gia đình, chúng ta cùng nhau chia sẻ những đau khổ và niềm vui, bởi vì tất cả chúng ta đều sống trong tình yêu, một tình yêu ngự trị trong gia đình, một tình yêu phát sinh do sự kiện chúng ta là thành viên của cùng một gia đình.

Tôi cầu xin Thiên Chúa cho anh chị em, trong tổ ấm gia đình, luôn hít thở được tình yêu tận tuỵ hy sinh và trung thành này, tình yêu mà Đức Giêsu, khi giáng trần, đã mang đến cho trần gian, luôn nuôi dưỡng và làm cho tình yêu được vững mạnh nhờ kinh nguyện hàng ngày, nhờ không ngừng thực thi nhân đức, nhờ thái độ thông cảm và tôn trọng nhau. Do đó, tôi khuyến khích anh chị em, một khi tin tưởng vào sự cầu bàu đầy tình mẫu tử của Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, là Nữ Vương các gia đình, và cậy dựa vào sự bảo trợ thần thế của Thánh Giuse, là hôn phu của Đức Trinh Nữ Maria, anh chị em có thể tận hiến đời mình mà không hề sợ mỏi mệt cho sứ mệnh đẹp đẽ mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh chị em. Ngoài ra, anh chị em cũng có thể tin rằng tôi luôn gần gũi và yêu mến anh chị em. Tôi xin anh chị em gửi lời chào đặc biệt của Đức Giáo Hoàng đến những người thân của anh chị em đang sống trong cơn quẫn bách hay đang gặp khó khăn. Tôi rộng lòng chúc lành cho anh chị em.