Sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng quy tụ mọi người, được biểu lộ qua Con Trẻ trong hang đá Bêlem

Thiên Chúa biết chúng ta, và Người ở gần chúng ta, rằng sự cao cả và quyền năng của Người không được diễn tả trong luận lý của thế gian, nhưng trong luận lý của một con trẻ không một tấc sắt để tự bảo vệ mình, mà sức mạnh duy nhất là sức mạnh của tình yêu, một tình yêu tin tưởng vào chúng ta.

 Sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng quy tụ mọi người, được biểu lộ qua Con Trẻ trong hang đá Bêlem

Lễ Hiển LinhVương cung Thánh đường Vatican – Thứ Tư, 6/1/2010

Anh chị em thân mến!

Lễ trọng mừng Chúa Hiển Linh hôm nay, luồng sáng lớn chiếu toả từ Hang đá Bêlem, xuyên qua các nhà đạo sĩ, đang tràn ngập cả nhân loại. Bài đọc một, được trích từ Sách Tiên tri Isaia, và đoạn Tin Mừng theo Thánh Matthêu, mà chúng ta vừa lắng nghe, đặt lời hứa và sự thực hiện lời hứa song song với nhau, trong lực căng cá biệt mà mỗi người đều vẫn nhận thấy khi tuần tự đọc các đoạn Sách trong Cựu Ước và Tân Ước. Sau những cảnh nhục nhã mà dân Israel đã phải gánh chịu do những cường quốc trên trần gian này gây nên, giờ đây, thị kiến tuyệt vời của Tiên tri Isaia đã xuất hiện trước mắt chúng ta. Isaia đã thấy giờ phút mà luồng sáng vĩ đại của Thiên Chúa, bề ngoài có vẻ yếu ớt, và không thể nào bảo vệ được dân Chúa chọn, giờ đây xuất hiện trên địa cầu, đến độ các bậc vua chúa các dân nước sẽ phải cúi đầu trước dân Chúa chọn, từ khắp cùng bờ cõi trái đất, họ sẽ đến đặt dưới chân những kho tàng quý giá nhất của mình. Và tâm hồn dân Israel sẽ run lên vì vui sướng.

So sánh với thị kiến của Tiên tri Isaia, thị kiến mà Thánh sử Matthêu trình bày cho chúng ta thì thật nghèo nàn và khiêm hạ: qua thị kiến của Thánh Matthêu, chúng ta không thể nào nhận ra được lời tiên báo của Tiên tri Isaia đã được ứng nghiệm. Thực thế, không phải những người quyền thế và những bậc vua chúa trần gian đến Bêlem, mà là những nhà đạo sĩ, những nhân vật vô danh, có lẽ bị mọi người đánh giá một cách chẳng tốt đẹp gì, những người mà dầu sao chăng nữa cũng chẳng đáng cho chúng ta đặc biệt quan tâm. Dân cư thành Giêrusalem được hỏi điều gì đã xảy ra, nhưng họ cho là chẳng đáng cho họ bận tâm, và thậm chí tại Bêlem, chẳng có ai quan tâm đến việc Con Trẻ được các nhà đạo sĩ gọi là Vua dân Do Thái, vừa mới hạ sinh, hay quan tâm đến những nhà đạo sĩ từ phương Đông đến triều bái Con Trẻ. Thực thế, sau đó không lâu, khi Hêrôđê làm cho mọi người hiểu rằng ai mới là người thực sự nắm quyền, và bó buộc Thánh Gia trốn chạy qua Ai Cập, cũng như cho mọi người thấy bằng chứng ác độc của ông qua việc tàn sát các trẻ thơ vô tội (x. Mt 2,13-18), thì giai thoại về các nhà đạo sĩ dường như bị xoá nhoà và trôi vào quên lãng. Và như thế, thực là dễ hiểu, khi ta thấy lòng trí các tín hữu dễ dàng bị lôi cuốn bởi thị kiến của Ngôn sứ Isaia hơn là thuật trình bình dị của Thánh sử Matthêu, như cảnh hang đá đã chứng thực điều này khi cho chúng ta thấy những con lạc đà, những lạc đà một bướu, những vị vua quyền thế của trần gian đang phủ phục trước mặt Con Trẻ, và đặt phẩm vật của mình dưới bàn chân Con Trẻ, trong những đồ đựng quý giá. Nhưng ta phải chú tâm nhiều hơn đến nội dung mà hai bản văn muốn chuyển tải cho chúng ta.

Thực ra, với cái nhìn mang màu sắc tiên tri của mình, tiên tri Isaia đã thấy gì? Chỉ trong một khoảnh khắc, ông đã thoáng thấy cả một thực tế mà Thiên Chúa đã dự định để ghi dấu trên toàn thể lịch sử. Nhưng biến cố mà Thánh Matthêu tường thuật cũng chẳng phải là một giai thoại ngắn ngủi không đáng cho chúng ta phải bận tâm, một giai thoại kết thúc qua việc các đạo sĩ hối hả trở về quê hương mình. Mà trái lại, đây là một sự khởi đầu. Những nhân vật đến từ Đông Phương này không phải là những người cuối cùng, mà là những người đầu tiên trong một đoàn rước khổng lồ của những ai, dọc suốt dòng thời gian của lịch sử, biết nhận ra sứ điệp của ngôi sao, biết bước trên những con đường được Sách Thánh chỉ dẫn, và như thế, biết tìm ra Đấng mà bên ngoài có vẻ yếu đuối và mỏng manh, nhưng ngược lại, lại có quyền hành mang lại niềm vui vĩ đại và sâu xa nhất cho tâm hồn con người. Quả thực, trong Người đã biểu lộ thực tại kỳ diệu, đó là Thiên Chúa biết chúng ta, và Người ở gần chúng ta, rằng sự cao cả và quyền năng của Người không được diễn tả trong luận lý của thế gian, nhưng trong luận lý của một con trẻ không một tấc sắt để tự bảo vệ mình, mà sức mạnh duy nhất là sức mạnh của tình yêu, một tình yêu tin tưởng vào chúng ta. Trên con đường của lịch sử, luôn có những con người được ánh sáng của ngôi sao soi chiếu, những con người tìm thấy con đường, và đi đến được với Người. Mọi người đều sống, mỗi người theo cách thế của mình, cái kinh nghiệm của chính các nhà đạo sĩ.

Họ mang vàng, nhũ hương và mộc dược. Chắc chắn đây không phải là những tặng vật đáp ứng cho những nhu cầu cần thiết đầu tiên của cuộc sống thường nhật. Lúc đó, chắc chắn Thánh Gia cần một cái gì đó hơn cả nhũ hương và mộc dược, và ngay cả vàng ròng cũng không mang lại lợi ích trước mắt cho Thánh Gia. Nhưng những tặng vật này cũng còn có một giá trị sâu xa hơn: chúng diễn tả một hành động công bằng. Thực thế, theo não trạng vào thời đó tại Đông Phương, chúng biểu lộ việc thừa nhận một con người là Thiên Chúa và là Vua: như thế, chúng được xem là một hành động phục tùng. Chúng muốn nói rằng, kể từ giây phút đó, những người dâng của lễ đều thuộc về vị quân vương, và nhìn nhận quyền bính của người. Và ta thấy ngay hậu quả của việc tùng phục này. Các đạo sĩ không còn có thể tiếp tục con đường của mình nữa, họ không còn có thể quay lại dinh thự của Hêrôđê, họ không còn có thể là liên minh với ông hoàng hùng mạnh và độc ác này nữa. Họ đã được hướng dẫn để vĩnh viễn đi trên con đường của Con Trẻ, con đường sẽ làm cho họ coi thường những người quyền quý và thế lực của trần gian này, và dẫn họ đến với Đấng đang đợi chờ họ giữa những người nghèo, con đường tình yêu là con đường duy nhất có thể biến đổi thế giới.

Như thế, các nhà đạo sĩ không chỉ cất bước hành trình, mà từ hành động của họ, một cái gì đó mang tính mới mẻ đã bắt đầu, một con đường mới đã được vạch ra, một luồng sáng mới đã toả xuống địa cầu, và nguồn sáng ấy không bao giờ lịm tắt nữa. Thị kiến của vị Tiên tri đã được ứng nghiệm, mọi người trên thế giới đều được mời gọi nhận biết ánh sáng này: người ta sẽ đi đến với Con Trẻ này, và sẽ được niềm vui mà chỉ mình Con Trẻ thành Bêlem ban tặng soi chiếu. Ánh sáng Bêlem tiếp tục toả sáng trên toàn thế giới. Thánh Âu Tinh nhắc lại cho những ai tiếp nhận ánh sáng này: “Chúng ta cũng thế, khi nhận biết Đức Kitô là vua và tư tế đã chết vì chúng ta, chúng ta tôn vinh Người, như thể chúng ta dâng tiến vàng, nhũ hương và mộc dược; chúng ta chỉ còn cần phải làm chứng, bằng cách đi trên một con đường khác với con đường mà chúng ta đã đi để đến với Người” (Bài giảng 202 Lễ Chúa Hiển Linh, 3,4).

Như thế, nếu chúng ta đọc lời hứa của Tiên tri Isaia đồng thời với việc thực hiện lời hứa trong Phúc Âm theo Thánh Matthêu, trong đại bối cảnh của toàn thể lịch sử, thì rõ ràng là điều chúng ta nghe nói, và tìm cách tái tạo trong hang đá, không phải là một giấc mơ, thậm chí cũng chẳng phải là một trò chơi cảm giác và xúc cảm vô bổ, chẳng có một chút gì là sức sống và thực tế cả, nhưng chính là Chân lý đang toả chiếu trên trần gian, ngay cả khi vua Hêrôđê có vẻ luôn giữ thế thượng phong, và ngay cả khi Con Trẻ dường như bị xếp vào hàng những người chẳng có một chút tầm quan trọng nào, hay thậm chí còn bị chà đạp. Nhưng chỉ trong Con Trẻ này sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng quy tụ con người từ khắp dòng lịch sử, mới được biểu lộ, bởi vì dưới sự cai quản của Thiên Chúa, họ mới có thể bước đi trên con đường tình yêu biến đổi thế giới. Tuy nhiên, ngay cả khi một số ít người tại Bêlem giờ đã trở nên đông đúc, nhưng những người tin vào Đức Giêsu Kitô dường như không phải lúc nào cũng đông đúc. Nhiều người đã thấy ngôi sao, nhưng chỉ có ít người mới hiểu được sứ điệp của ngôi sao. Các chuyên gia Kinh Thánh thời Đức Giêsu biết rất rõ Lời Chúa. Họ có thể nói mà chẳng ngần ngại về những đoạn Sách Thánh liên quan đến nơi Đấng Cứu Thế sẽ hạ sinh, như Thánh Âu Tinh đã nói: “Họ giống như những cột chỉ đường: chúng có thể mang lại những chỉ dẫn cho khách bộ hành trên đường, nhưng chính chúng thì lại đứng trơ trơ và bất động” (Bài giảng 199 Lễ Chúa Hiển Linh, 1, 2).

Do đó chúng ta có thể tự hỏi: tại sao một số người thấy và tìm ra, còn những người khác thì lại không? Cái gì che đôi mắt và che tâm hồn họ? Những người dửng dưng, những người chỉ đường nhưng lại không hề bước đi, cả hai thiếu những điều gì? Chúng ta có thể trả lời: có quá nhiều điều chắc chắn trong tâm hồn họ, tự phụ là mình biết sự thực, tự phụ là mình biết phán đoán cuối cùng về sự vật, tất cả những cái đó đã làm cho tâm hồn họ trở nên khép kín và vô cảm đối với cái mới mẻ của Thiên Chúa. Họ chắc chắn với ý tưởng là mình đã xây dựng được thế giới cho mình, và không hề để cho tâm hồn mình bị giao động bởi sự phiêu lưu của một vì Thiên Chúa muốn đi đến gặp gỡ họ. Họ đặt niềm tin vào con người họ hơn là tin vào Thiên Chúa, và không hề cho rằng Thiên Chúa cao cả lại có thể trở nên hoàn toàn bé nhỏ, và có thể thực sự đến gần chúng ta.

Và cuối cùng, điều họ thiếu, chính là sự khiêm nhường đích thực biết phục tùng điều vĩ đại hơn, nhưng họ cũng thiếu sự can đảm đích thực giúp họ tin vào điều gì thực sự vĩ đại, ngay cả khi điều này được biểu lộ trong một Con Trẻ không có khả năng tự vệ. Họ thiếu khả năng của Tin Mừng để trở nên con trẻ trong tâm hồn, để thán phục, để đi ra khỏi tháp ngà của mình hầu bước lên đường do ngôi sao chỉ lối, lên đường của Chúa. Nhưng Chúa có quyền giúp chúng ta thấy và cứu thoát chúng ta. Do đó, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta một quả tim khôn ngoan và vô tội cho phép chúng ta thấy được ngôi sao nhân hậu của Chúa, cho phép chúng ta bước trên con đường của Người, để tìm thấy Người, và được ngập tràn trong ánh sáng vĩ đại và trong niềm vui đích thực mà Người đã mang đến trong trần gian này. Amen!