Khi Đức Giêsu chịu Phép Rửa thì trời mở ra cho chúng ta

Với lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa đã tiếp tục một chu kỳ những cuộc tỏ hiện của Chúa, bắt đầu bằng ngày lễ Giáng Sinh, qua việc Ngôi Lời nhập thể hạ sinh tại Bêlem, được Đức Maria, Thánh Cả Giuse và các mục đồng chiêm ngưỡng trong cảnh khó nghèo của hang đá, và trải qua một giai đoạn quan trọng trong lễ Hiển Linh, khi Đấng Thiên Sai, qua các nhà đạo sĩ, đã tỏ mình cho muôn dân.

 Khi Đức Giêsu chịu Phép Rửa thì trời mở ra cho chúng ta

Ban Bí tích Thánh Tẩy cho 14 em nhỏNhà nguyện Sixtine – Chúa Nhật Lễ Chúa chịu Phép rửa, 10/1/2010

Anh chị em thân mến!

Trong ngày lễ Chúa chịu Phép Rửa năm nay cũng thế, tôi vui sướng được cử hành Bí tích Thánh Tẩy cho một số em sơ sinh được cha mẹ giới thiệu với Giáo Hội. Tôi thân ái đón tiếp anh chị em là cha mẹ của những em nhỏ này, và cả anh chị em nữa là những cha mẹ đỡ đầu, bạn bè và thành viên của gia đình đang bao quanh các em. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa là Đấng kêu gọi 7 em trai và 7 em gái này trở nên con cái của Người trong Đức Kitô. Chúng ta cầu nguyện và yêu thương các em, và chúng ta vui mừng đón tiếp các em vào trong cộng đoàn Kitô giáo, cộng đoàn mà kể từ ngày hôm nay cũng là gia đình của các em.

Với lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa đã tiếp tục một chu kỳ những cuộc tỏ hiện của Chúa, bắt đầu bằng ngày lễ Giáng Sinh, qua việc Ngôi Lời nhập thể hạ sinh tại Bêlem, được Đức Maria, Thánh Cả Giuse và các mục đồng chiêm ngưỡng trong cảnh khó nghèo của hang đá, và trải qua một giai đoạn quan trọng trong lễ Hiển Linh, khi Đấng Thiên Sai, qua các nhà đạo sĩ, đã tỏ mình cho muôn dân. Ngày hôm nay, Đức Giêsu tự mạc khải cho Gioan và dân Israel trên bờ sông Giođan. Đây là lần đầu tiên, Người bước vào đời sống công khai, với tư cách là một người trưởng thành, sau khi từ giã thành Nazareth. Chúng ta thấy Đức Giêsu bên cạnh Gioan Tẩy Giả có rất đông người quy tụ quanh ông, trong một quang cảnh lạ thường. Trong đoạn Tin Mừng vừa mới được tuyên đọc, Thánh Luca trước tiên ghi chú rằng dân chúng “đang mong đợi” (3,15). Như thế, Thánh sử nhấn mạnh đến niềm mong đợi của dân Israel, và qua những con người đã rời bỏ nhà cửa và những công việc thường ngày, Thánh sử nhận ra nỗi ước muốn sâu xa về một thế giới khác, về những lời nói mới mẻ dường như đã có được câu trả lời trong những lời nói đầy nghiêm khắc, đầy yêu sách, nhưng cũng đầy hy vọng của vị Tẩy Giả. Phép Rửa của Gioan Tẩy Giả là một Phép Rửa thống hối, một dấu hiệu mời gọi hối cải, thay đổi đời sống, bởi vì Đấng “sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và lửa” (3,16) sắp đến. Quả thật, ta không thể nào khát vọng một thế giới mới mà vẫn cứ ngụp lặn trong ích kỷ, và trong những thói quen gắn liền với tội lỗi. Đức Giêsu cũng bỏ nhà cửa và những mối bận tâm hàng ngày để đi đến sông Giođan. Người đến giữa đám đông dân chúng đang lắng nghe Gioan Tẩy Giả rao giảng, và cũng xếp hàng như mọi người chờ lãnh nhận Phép rửa. Thoạt khi Gioan Tẩy Giả thấy Đức Giêsu tiến lại gần, ông thấy có một cái gì độc nhất vô nhị trong Con Người này, một con người khác thật bí nhiệm mà ông đang mong đợi và cả cuộc đời của ông đều hướng đến. Ông hiểu rằng mình đang đối diện với một Con Người nào đó lớn hơn ông, và ông không đáng cởi dây giày cho người ấy.

Trên bờ sông Giođan, Đức Giêsu xuất hiện với một sự khiêm nhường thẳm sâu làm ta nhớ lại sự nghèo nàn và đơn sơ của Con Trẻ được đặt nằm trên máng cỏ, và đã cho ta thấy trước những tâm tình mà Người sẽ mặc lấy vào những ngày cuối cuộc đời dương gian, khi quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, và khi gánh chịu sự nhục nhã tột cùng trên cây Thánh giá. Con Thiên Chúa, Đấng không hề mắc tội, đang đứng giữa những tội nhân, chỉ cho ta thấy Thiên Chúa gần gũi con người trên con đường hoán cải. Đức Giêsu kê đôi vai mình gánh lấy tội lỗi của toàn thể nhân loại, Người đang bắt đầu sứ mệnh của mình khi đứng vào vị trí của chúng ta, vào vị trí của những tội nhân, trong viễn tượng của Thánh giá.

Sau khi đã chịu Phép Rửa xong, trầm tư trong kinh nguyện, khi Người bước ra khỏi dòng nước, thì các tầng trời liền mở ra. Chính đây là giây phút mà các Tiên tri vẫn hằng mong đợi. “A! Ước chi Ngài xé trời ngự xuống”, Tiên tri Isaia đã thốt lên như thế (63,19). Vào giờ phút đó, dường như Thánh Luca muốn nói rằng lời kinh này đã được Thiên Chúa đoái nhận. Quả thật, “trời đã mở ra và Thánh Thần đã ngự xuống trên Người” (3,21-22); người ta nghe những lời nói chưa từng được nghe trước đó bao giờ: “Con là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta mọi đàng” (x. c.22). Đức Giêsu, khi bước ra khỏi nước, như Thánh Grêgôriô Nazianze đã khẳng định, “liền thấy trời xé ra và mở tung, những bầu trời mà Ađam đã đóng lại trước mặt mình và toàn thể miêu duệ của ông” (Diễn từ 39 ngày lễ Chúa chịu Phép rửa, tr. 36). Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ngự xuống giữa chúng ta, và mạc khải cho chúng tình yêu cứu thoát của Chúa Ba Ngôi. Nếu các Thiên thần loan báo cho các mục đồng tin vui Đấng Cứu Thế giáng sinh, và Ngôi sao cho các nhà đạo sĩ đến từ Đông Phương, thì giờ đây, chính lời nói của Chúa Cha chỉ cho mọi người thấy sự hiện diện của Con Thiên Chúa trên trần gian và mời gọi con người hướng về sự phục sinh, cuộc chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi và cái chết.

Lời loan báo Tin Mừng là tiếng vọng của lời nói phát xuất từ Trời Cao này. Chính vì thế, như chúng ta đã nghe qua bài đọc hai, Thánh Phaolô rất có lý khi người viết cho Titô: “Quả thật ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (2,11). Thật thế, đối với chúng ta, Tin Mừng là một hồng ân mang lại niềm vui và ban cho cuộc đời chúng ta một ý nghĩa. Thánh Tông đồ nói tiếp, ân sủng này “dạy chúng ta từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, để sống chừng mực, công chính và đạo hạnh ở trần gian này” (c.12); nghĩa là Tin Mừng dẫn chúng ta đến một đời sống hạnh phúc hơn, đẹp đẽ hơn, liên đới hơn, dẫn chúng ta đến một cuộc đời theo Thánh ý Chúa.

Chúng ta có thể nói rằng đối với các em nhỏ này, ngày hôm nay cũng thế, các bầu trời đã mở ra. Các em sẽ lãnh nhận ân sủng của Bí tích, và Chúa Thánh Thần sẽ ngự trị trong lòng các em như trong một đền thờ, biến đổi tâm hồn các em một cách sâu xa. Từ giây phút này trở đi, Chúa Cha cũng sẽ kêu gọi các em làm con của Người trong Đức Kitô, và trong gia đình của Người là Giáo Hội, sẽ ban cho mỗi em ơn huệ tuyệt vời của đức tin. Hồng ân này, hồng ân mà hiện nay các em chưa hoàn toàn có khả năng hiểu thấu, sẽ được đặt để trong tâm hồn các em như một hạt giống tràn đầy sức sống, một hạt giống chờ đợi phát triển và mang lại hoa trái. Ngày hôm nay, các em được rửa tội trong đức tin của Giáo Hội, mà cha mẹ, vú bõ đỡ đầu và được các Kitô hữu hiện diện tuyên xưng, và sau đó, họ sẽ cầm tay dẫn các em đi theo Đức Kitô. Vào phần mở đầu nghi thức, chúng ta được nghe nhắc lại chủ đề đức tin, khi vị chủ lễ hỏi cha mẹ đến xin ban Bí tích Rửa Tội cho con cái mình là họ có cam kết “giáo dục các em trong đức tin” không. Bổn phận này được nhắc lại một cách mạnh mẽ hơn cho các cha mẹ và vú bõ đỡ đầu trong phần thứ ba của nghi thức, được bắt đầu bằng những lời sau đây: “Anh chị em hãy để tâm giáo dục các em trong đức tin, để sự sống của Chúa khỏi thiệt thòi vì ảnh hưởng tội lỗi, nhưng ngày càng nảy nở trong các em. Vậy nhờ đức tin hướng dẫn, anh chị em sẵn sàng đảm nhận bổn phận ấy, thì anh chị em hãy nhớ lại Phép Rửa tội của mình mà từ bỏ tội lỗi, tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô như Hội Thánh tin. Chính trong đức tin này mà các em được rửa tội”. Những lời trong nghi thức này, một cách nào đó, nói lên rằng việc tuyên xưng đức tin và từ bỏ tội lỗi mà cha mẹ và vú bõ đỡ đầu đã nói lên biểu thị cho những tiền đề cần thiết để Giáo Hội có thể ban Bí tích cho con cái họ.

Sau đó, ngay trước khi đổ nước lên đầu trẻ sơ sinh, còn có một lời nhắc nhủ khác về đức tin. Chủ lễ hỏi câu hỏi cuối cùng: “Vậy anh chị em có muốn cho con cái anh chị em được rửa tội trong đức tin của Hội Thánh mà tất cả chúng ta vừa tuyên xưng không?” Chỉ sau khi trả lời ưng thuận, vị chủ lễ mới ban Bí tích. Ngay cả trong những nghi lễ mang tính cắt nghĩa – xức dầu thánh, trao áo trắng và nến sáng, động tác “epheta” – đức tin biểu thị một chủ đề trung tâm. “Anh chị em hãy chăm nom – công thức nói lên cùng với việc trao áo trắng – để con cái anh chị em… luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong đức tin. Nhờ đó, khi Chúa đến, chúng được ra nghinh đón Người với toàn thể các Thánh trên trời”; “Xin Chúa Giêsu – vị chủ lễ lại khẳng định qua nghi thức “epheta” – ban cho con được lắng nghe lời Người một cách mau mắn nhất, và tuyên xưng đức tin của con, để ca ngợi và tôn vinh Chúa Cha”. Sau đó nghi thức được kết thúc bằng phép lành trước khi bế mạc nhắc lại cho cha mẹ những điều họ đã cam kết “trở nên những chứng nhân đức tin đầu tiên” cho con cái của họ.

Các bạn thân mến, hôm nay là một ngày trọng đại cho những em nhỏ này. Cùng với Bí tích Thánh tẩy, các em đã trở nên những người thông phần vào cái chết và sự sống lại của Đức Kitô, cùng với Người, các em đang bắt đầu cuộc phiêu lưu độc nhất và đầy phấn khởi của người môn đệ. Phụng vụ trình bày cuộc phiêu lưu này như một kinh nghiệm về ánh sáng. Thực thế, trong khi trao lại cho mỗi người cây nến phục sinh, Giáo Hội khẳng định: “Hãy nhận lấy ánh sáng của Đức Kitô!”. Chính Bí tích Thánh Tẩy chiếu sáng chúng ta với ánh sáng của Đức Kitô, mở mắt tâm hồn chúng ta để nhìn thấy ánh sáng huy hoàng của Đức Kitô, và dẫn chúng ta vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa qua ánh sáng thần linh của đức tin. Chính trong luồng ánh sáng này mà các em nhỏ sắp chịu Phép Rửa Tội sẽ phải bước đi trong suốt cả cuộc đời các em, nhờ lời nói và gương sáng của cha mẹ, cũng như của vú bõ đỡ đầu. Họ phải cam kết nuôi dưỡng ngọn lửa đức tin của các em bằng lời nói và bằng chứng tá cuộc đời của họ, để cho đức tin có thể toả chiếu trên toàn thế giới, một thế giới lắm khi phải dò dẫm trong bóng tối nghi ngờ, và có thể mang lại ánh sáng Tin Mừng là sự sống và hy vọng. Chỉ có như thế, một khi các em đã trưởng thành, với một ý thức đầy đủ, các em có thể đọc lên công thức sau phần tuyên xưng đức tin của nghi thức Rửa Tội: “Đó là đức tin của chúng ta. Đó là đức tin của Giáo Hội. Vậy chúng ta hãy hãnh diện tuyên xưng đức tin ấy trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”.

Ngày hôm nay cũng thế, đức tin là một hồng ân cần phải tái khám phá, trau dồi và làm chứng tá. Qua việc cử hành Bí tích này, ước gì Chúa ban cho mỗi người trong chúng ta được sống vẻ đẹp và niềm vui làm Kitô hữu, để chúng ta có thể giúp các em đã chịu Phép Rửa Tội hoàn toàn tháp nhập vào Đức Kitô. Chúng ta phó dâng các em cho Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ hiền cầu thay nguyện giúp. Chúng ta cầu xin Đức Maria cho các em, một khi mặc chiếc áo trắng, là dấu chỉ phẩm giá làm con Thiên Chúa, các em trở nên những môn đệ trung thành của Đức Kitô, và những chứng nhân can đảm của Tin Mừng trong suốt cuộc đời các em. Amen.