Đức Giêsu đồng hoá mình với những người bé nhỏ

Di dân là một con người, với những quyền bất khả chuyển nhượng, phải được mọi người tôn trọng (x. s. 62). Chủ đề năm nay – “Những người di dân và tị nạn vị thành niên” – tác động đến một khía cạnh mà mọi Kitô hữu đều hết sức quan tâm, khi họ nhớ lại lời cảnh tỉnh của Đức Kitô, là Đấng, trong ngày chung thẩm, sẽ cho rằng tất cả những gì chúng ta làm hay chối từ không làm “cho một trong những người bé nhỏ này” đều quy chiếu về Đức Kitô

 Đức Giêsu đồng hoá mình với những người bé nhỏ

Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và tị nạn lần 96 (2010) – Những người di dân và tị nạn vị thành niên

Anh chị em thân mến,

Việc cử hành Ngày Thế giới Di dân và tị nạn lại một lần nữa mang lại cho tôi cơ hội để nói lên rằng Giáo Hội luôn ân cần đối với những ai, dưới nhiều hình thức khác nhau, đang trải nghiệm cảnh di dân. Đây là một hiện tượng, như tôi đã viết trong Thông điệp Caritas in veritate – Bác ái trong chân lý –, do con số những người trong cuộc, đang tác động mạnh mẽ đến những vấn đề được mọi người đặt ra trên thế giới về mặt xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá và tôn giáo mà hiện tượng này gây nên, cũng như đang tác động mạnh đến những thách đố bi thảm mà các cộng đồng quốc gia và quốc tế đang phải đương đầu. Di dân là một con người, với những quyền bất khả chuyển nhượng, phải được mọi người tôn trọng (x. s. 62). Chủ đề năm nay – “Những người di dân và tị nạn vị thành niên” – tác động đến một khía cạnh mà mọi Kitô hữu đều hết sức quan tâm, khi họ nhớ lại lời cảnh tỉnh của Đức Kitô, là Đấng, trong ngày chung thẩm, sẽ cho rằng tất cả những gì chúng ta làm hay chối từ không làm “cho một trong những người bé nhỏ này” đều quy chiếu về Đức Kitô (x. Mt 25,40.45). Như thế thì tại sao ta lại không xem nhũng người di dân và tị nạn vị thành niên là những “người bé nhỏ này”? Chính Đức Giêsu, khi còn là con trẻ, cũng đã sống cái kinh nghiệm của người di dân, bởi vì, theo như Phúc Âm tường thuật, Người cũng đã phải lánh nạn bên Ai Cập, cùng với Thánh Giuse và Đức Maria, để tránh những đe doạ của vua Hêrôđê (x. Mt 2,14).

Nếu những Quy ước về quyền trẻ em khẳng định một cách rõ ràng rằng ta phải luôn bảo vệ quyền lợi của trẻ vị thành niên (x. điều 3), và ta cũng phải nhìn nhận rằng các em cũng có những quyền cơ bản của con người như người trưởng thành, nhưng đáng buồn thay, trong thực tế, điều này không phải lúc nào cũng đúng như thế. Thực vậy, trong khi công luận ngày càng ý thức rằng ta cần phải có một hành động đúng lúc và rạch ròi để bảo vệ các trẻ vị thành niên, thì trong thực tế, một số lớn các em lại bị bỏ rơi, và dưới nhiều hình thức khác nhau, phải đối diện với nguy cơ bị bóc lột. Vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Gioan Phaolô II đã nói lên điều kiện bi thảm của các trẻ vị thành niên, trong sứ điệp ngày 22/9/1990 gửi cho vị Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, nhân cuộc họp thượng đỉnh thế giới về Trẻ em. “Tôi đã chứng kiến – Người viết – điều kiện đáng làm cho chúng ta giao động của hàng triệu trẻ em trên mọi thềm lục địa. Các em rất dễ bị tổn thương, bởi vì các em là những người ít có khả năng làm cho người khác lắng nghe tiếng nói của mình hơn cả” (Insegnamenti, XIII, 1990, tr. 672). Tôi hết sức mong muốn cho mọi người quan tâm đúng mức đến những di dân vị thành niên, các em đang cần có một môi trường xã hội cho phép và giúp các em dễ dàng phát triển về mặt thể lý, văn hoá, tinh thần và luân lý. Sống trong một quốc gia mà không hề có những điểm quy chiếu vững chắc, sẽ gây nên rất nhiều vấn nạn, đôi khi nặng nề và khó khăn, cho các em, đặc biệt cho những em không được gia đình nâng đỡ.

Tình trạng các bạn trẻ chào đời trong những quốc gia tiếp nhận, hay những trẻ em không chung sống với cha mẹ di dân sau khi các em chào đời, nhưng sau đó mới được cha mẹ đến chung sống, đã tạo nên một khía cạnh đặc thù của tình trạng di dân vị thành niên. Các thanh thiếu niên này tham dự vào hai nền văn hoá, cùng với những lợi điểm và những vấn đề được đặt ra gắn liền với việc các em thuộc về hai nền văn hoá, thế nhưng, đây lại là một điều kiện giúp các em có thể trải nghiệm được nét phong phú về sự gặp gỡ giữa các truyền thống văn hoá khác nhau. Điều quan trọng là các em có thể được đến trường, và sau đó, được gia nhập vào thế giới việc làm, và người ta phải giúp cho các em có thể dễ dàng hội nhập xã hội, nhờ những cơ cấu giáo dục và xã hội thích hợp. Chúng ta không bao giờ được quên rằng tuổi thanh thiếu niên biểu thị cho một giai đoạn cơ bản hình thành hữu thể nhân văn.

Một phạm trù đặc biệt của các trẻ vị thành niên, đó là phạm trù của các trẻ tị nạn đang tìm nơi nương náu, do nhiều lý do khác nhau, các em phải từ bỏ quê hương, nơi các em không hề được bảo vệ một cách thích hợp. Các thống kê cho ta biết con số các em ngày càng gia tăng. Như thế, đây là một hiện tượng mà ta phải cẩn thận nghiên cứu và phải đương đầu nhờ những hành động phối hợp, những biện pháp phòng ngừa, bảo vệ và đón tiếp thích hợp, dựa theo điều đã được Quy ước về quyền trẻ em tiên liệu (x. điều 22).

Giờ đây, tôi xin đặc biệt ngỏ lời với các giáo xứ và nhiều đoàn thể Công giáo khác nhau, được một tinh thần đức tin và bác ái thúc đẩy, đang nỗ lực làm việc nhằm đáp ứng cho những nhu cầu của anh chị em mình. Trong khi biểu lộ lòng biết ơn đối với những gì đã được thực hiện một cách hết sức quảng đại, tôi muốn mời gọi mọi Kitô hữu ý thức về thách đố xã hội và mục vụ do các trẻ vị thành niên di dân và tị nạn đặt ra cho chúng ta. Trong tâm hồn chúng ta giờ đây lại vang lên những lời nói sau đây của Đức Giêsu: “Ta là một khách lạ mà các ngươi đã đón tiếp” (Mt 25,35), cũng như giới răn trọng tâm mà Người đã để lại cho chúng ta: yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, nhưng lại liên kết với tình yêu dành cho tha nhân (cf. Mt 22,37-39). Điều này giúp chúng ta suy nghĩ rằng mỗi việc can thiệp cụ thể của chúng ta trước tiên phải được nuôi dưỡng bằng đức tin, được tác động bởi ơn sủng và sự Quan Phòng của Thiên Chúa. Hiểu như thế, thì việc tiếp đón và liên đới với ngoại kiều, đặc biệt là với các em nhỏ, cũng phải trở nên lời loan báo Tin Mừng liên đới. Giáo Hội loan báo Tin Mừng này, khi Giáo Hội mở rộng đôi tay và nỗ lực làm việc để cho quyền lợi của người di dân và tị nạn được mọi người tôn trọng, bằng cách khuyến khích các nhà lãnh đạo quốc gia, các tổ chức và cơ cấu quốc tế xúc tiến những sáng kiến nhằm giúp đỡ họ. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc để mắt trông coi tất cả mọi người với tình mẹ hiền, và giúp chúng ta hiểu được những khó khăn của những ai phải sống xa quê hương của mình. Tôi hứa cầu nguyện cho tất cả những ai đang dấn thân làm việc trong thế giới bao la của người di dân và tị nạn này, và tôi rộng lòng ban Phép Lành Toà Thánh của tôi.

Làm tại điện Vatican, ngày 16/10/2009

BÊNÊĐICTÔ XVI GIÁO HOÀNG