Không chùn bước trước hoàn cảnh

Người ta thường hay nói “cái khó bó cái khôn”. Trong hoàn cảnh túng quẫn, không có cái ăn, cái mặc dễ làm người ta nản chí. Nhưng với Võ Văn Sơn, sinh viên ngành sư phạm ngữ văn của Trường ĐH Tiền Giang, thì hoàn toàn ngược lại.

 Không chùn bước trước hoàn cảnh

Người ta thường hay nói “cái khó bó cái khôn”. Trong hoàn cảnh túng quẫn, không có cái ăn, cái mặc dễ làm người ta nản chí. Nhưng với Võ Văn Sơn, sinh viên ngành sư phạm ngữ văn của Trường ĐH Tiền Giang, thì hoàn toàn ngược lại.

 

Võ Văn Sơn (phải) dạy học cho các em có hoàn cảnh khó khăn

 

Tuổi thơ nhọc nhằn…

Sinh ra trong một gia cảnh nghèo, có bảy anh chị em, Sơn là con thứ sáu, ba mẹ đều làm nông. Cuộc sống gia đình hết sức khó khăn bởi lệ thuộc hoàn toàn vào mấy sào ruộng bạc màu của mẹ và thu nhập bấp bênh từ nghề làm thuê của cha. Cách đây hơn 20 năm, cha mẹ Sơn tảo tần khuya sớm để mong sao gia đình có đủ cái ăn cái mặc, nhưng cái nghèo, bệnh tật vẫn đeo bám mãi. Khi Sơn vừa lên 6 thì cha trải qua cơn bạo bệnh và không còn khả năng lao động.

Kể từ đó, mẹ Sơn phải thay chồng trở thành trụ cột chính. Nhưng mẹ Sơn sau những ngày tháng lao động vất vả mưu sinh đã bị suy thận nặng. Từ đó, chị em Sơn phải tha phương cầu thực, mỗi người một nơi giữa dòng đời xuôi ngược.

Sơn sớm lao vào cuộc sống đời thường để phụ giúp gia đình. Từ mò mẫm bắt ốc, bắt cua đem bán, hay chăn vịt thuê ngoài đồng khi mùa lũ về. Có lúc Sơn phải đi ở thuê làm công việc chẻ củi, giữ trẻ chỉ mong sao có tiền mua gạo.

Gian nan đến giảng đường…

Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng với sự cần cù, chịu khó và được sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè, thầy cô, hàng xóm, Sơn đã vươn lên, phấn đấu học tập thành người. Từ tiểu học đến trung học, Sơn luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, được thầy cô mến yêu. Sơn đoạt giải học sinh giỏi của huyện Châu Thành hai môn sử và giải toán bằng máy tính.

Những nỗ lực và ý chí đáng khâm phục của Sơn đã được đền đáp khi hè 2005, Sơn xuất sắc thi đậu vào ngành luật của Trường ĐH Cần Thơ. Ước mơ được vào đại học của Sơn đã trở thành hiện thực, nhưng nhìn cha mẹ bệnh tật, bà nội già ốm Sơn lại buồn, không dám mơ có ngày đến giảng đường.

Gần đến ngày nhập học, bạn bè cùng trang lứa lên xe đến trường thì Sơn và em vẫn còn lăn lộn ở những cánh đồng bắt ốc, mò cua kiếm thêm ít tiền lo thuốc men, cái ăn cho cha mẹ. Nước mắt Sơn đã rơi mỗi lần nhìn thấy các bạn đón xe đi. Biết cháu buồn, bà Sơn đã động viên, bán đi những thứ có thể bán trong nhà, ngược xuôi lo vay nợ để cháu được đến trường.

Cảm kích tấm lòng của bà, Sơn quyết tâm đến trường với lời hứa sẽ học thật giỏi để nay mai có điều kiện chạy chữa cho cha mẹ, chăm nom bà lúc tuổi già. Tưởng chừng tất cả những khó khăn đó là quá đủ đối với Sơn, nhưng vài tháng sau, khi đặt chân vào đại học thì Sơn được tin “mẹ phải nhập viện phẫu thuật gấp vì căn bệnh thận từ lâu mang trong mình nay đã đến giai đoạn cuối” với chi phí gần cả chục triệu đồng. Hay tin, nước mắt Sơn cứ nối nhau lăn dài, vì thương mẹ nhưng không biết phải xoay xở thế nào để có tiền lo phẫu thuật cho mẹ. Vậy là Sơn đành tạm gác việc học, tìm việc làm để có tiền lo cho mẹ phẫu thuật.

Nhờ có người thương tình, giới thiệu Sơn vào làm ở một nhà hàng tại TP.HCM với lương khởi điểm gần 2 triệu đồng. Qua sự cần mẫn chịu khó của Sơn, ông bà chủ cảm thương khi biết được hoàn cảnh và họ sẵn sàng tài trợ một phần chi phí cho mẹ Sơn chữa bệnh.

Kỳ thi tuyển sinh năm 2006 lại đến, Sơn quyết định đăng ký dự thi. Và Sơn đã thi đậu ngành sư phạm ngữ văn của Trường ĐH Tiền Giang. Bằng ý chí và nghị lực vươn lên của mình, suốt bốn năm đại học, Sơn đã tự xoay xở với đủ thứ nghề, từ gia sư đến chạy bàn, phát tờ rơi để có tiền trang trải chi phí học tập và sinh hoạt cho mình, còn dư bao nhiêu Sơn gửi về quê phụ mua thuốc cho cha mẹ. Dù vất vả, nhưng Sơn luôn giữ thành tích cao trong học tập, năng nổ trong công việc của lớp, của trường và là một cán bộ Đoàn gương mẫu trong mọi việc.

Với những nỗ lực của bản thân, Võ Văn Sơn đã tám kỳ nhận được học bổng của trường, ba năm liền được tặng học bổng “Chắp cánh ước mơ” của báo Ấp Bắc dành cho HS-SV nghèo vượt khó học giỏi.

Tháng 4-2010, Sơn là một trong bốn sinh viên bảo vệ thành công xuất sắc đề tài nghiên cứu khoa học về “Tìm hiểu một số địa danh tiêu biểu tỉnh Tiền Giang” và được hội đồng khoa học nhà trường gửi đi dự thi cấp toàn quốc.

Với những thành tích đã đạt được cộng với năng lực về hoạt động xã hội, Sơn vinh dự được Trường ĐH Tiền Giang giữ lại làm giảng viên đồng thời đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm CLB Văn học Trường đại học Tiền Giang, ủy viên CLB sáng tác trẻ tỉnh Tiền Giang. Ngoài việc giảng dạy ở trường, buổi tối Sơn còn tham gia những lớp dạy miễn phí cho trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lang thang cơ nhỡ…