Tín nhiệm thấp có thể từ chức

Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành tại phiên họp toàn thể bằng hình thức bỏ phiếu kín. Chỉ số tín nhiệm được chia làm ba mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp. Người có chỉ số tín nhiệm thấp hai năm liên tục thì xem xét để miễn nhiệm, bãi nhiệm.

 Tín nhiệm thấp có thể từ chức

Đó là phát biểu của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên thảo luận ngày 14-9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý khẳng định việc xây dựng đề án là cần thiết, nhằm triển khai nghị quyết trung ương 4, góp phần đưa các quy định của hiến pháp và pháp luật về bỏ phiếu tín nhiệm đi vào cuộc sống. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm giúp Đảng, Nhà nước đánh giá, bố trí phù hợp đội ngũ cán bộ, đưa ra khỏi hàng ngũ những cán bộ không đủ phẩm chất.

Vẫn theo đề án, việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành tại phiên họp toàn thể bằng hình thức bỏ phiếu kín. Chỉ số tín nhiệm được chia làm ba mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp. Người có chỉ số tín nhiệm thấp hai năm liên tục thì xem xét để miễn nhiệm, bãi nhiệm.

Cần tiêu chí để xác định mức độ tín nhiệm

 

“Có người thẳng thắn, khảng khái, đột phá có khi làm mất lòng người khác nên bị tín nhiệm thấp, còn anh luôn tươi cười, vâng dạ nhưng chưa chắc làm việc đã tốt lại đạt tín nhiệm cao “

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đặt câu hỏi: Bỏ phiếu với lấy phiếu khác nhau thế nào? Hiến pháp và luật quy định là “bỏ phiếu tín nhiệm”, bây giờ lại xây dựng quy trình “lấy phiếu tín nhiệm”.

Với tư cách trưởng ban chỉ đạo đề án, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trả lời: Lấy phiếu là để thăm dò. Bỏ phiếu là để xem xét người giữ chức vụ ấy có được tiếp tục nữa hay không, nếu không đủ tín nhiệm thì phải có thủ tục bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

“Như vậy bỏ phiếu tín nhiệm nhằm xác định hoặc là tín nhiệm hoặc là không tín nhiệm. Còn lấy phiếu tín nhiệm là thăm dò xem anh đang được tín nhiệm ở mức độ nào. Tất nhiên, lấy phiếu không phải là lấy phiếu rồi để đấy” – ông Hùng giải thích.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, nếu phân biệt giữa lấy phiếu và bỏ phiếu như vậy thì kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một trong những căn cứ để Đảng, Nhà nước đánh giá, sử dụng cán bộ.

“Cần có tiêu chí để xác định rõ mức độ tín nhiệm, thế nào là cao, trung bình, thấp. Tôi nghĩ đã có các mức độ tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp thì phải có thêm mức độ không được tín nhiệm. Tuy nhiên, cách tốt nhất là đưa ra hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm, như vậy sẽ rành mạch hơn. Qua kết quả này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc hoặc một trong các ủy ban của Quốc hội nếu thấy người nào đó có vấn đề cần bỏ phiếu tín nhiệm thì đề nghị Quốc hội, hoặc 20% đại biểu Quốc hội đề nghị thì Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm” – bà Mai đề xuất.

Càng công khai càng tốt

“Phải xem lấy phiếu tín nhiệm là bước đầu, làm căn cứ cho bước sau là bỏ phiếu tín nhiệm. Trong phiếu đưa ra để lấy tín nhiệm nên xin ý kiến có bỏ phiếu không, nếu đủ 20% số lượng đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải bỏ phiếu tín nhiệm nhân vật nào đó thì đưa ra để bỏ phiếu. Quy định như vậy sẽ đáp ứng được điều kiện của pháp luật hiện hành” – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi nói.

Về thời gian lấy phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đồng ý với phương án định kỳ hằng năm, hai năm liên tiếp tín nhiệm thấp thì bãi nhiệm. Bà Mai phân vân nếu quy định tín nhiệm thấp hai năm mới đem ra bãi nhiệm thì không đúng quy định của pháp luật. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị với những đối tượng không đủ 50% tín nhiệm thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc hoặc các ủy ban của Quốc hội phải họp để xem xét việc có hay không đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Cho rằng lấy phiếu hằng năm thì mật độ dày quá, ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, ông Phước và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Phùng Quốc Hiển kiến nghị nên hai năm lấy phiếu một lần.

Ông Nguyễn Văn Hiện đề nghị quy định rõ việc cung cấp thông tin về những đối tượng lấy phiếu tín nhiệm cho đại biểu Quốc hội, tránh tình trạng có người làm tốt nhưng “chết oan”, người làm không tốt nhưng né va chạm lại được tín nhiệm.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng thời gian đầu thực hiện sẽ có những khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng tập dần rồi sẽ quen. “Nếu cứ sợ ảnh hưởng đến ý chí tiến công của cán bộ, rồi e ngại kết quả có thể không thật chính xác thì mãi mãi chúng ta sẽ không làm được. Trong đề án cũng nên có thêm quy định mở là đối tượng tín nhiệm thấp có thể từ chức để hình thành văn hóa từ chức ở nước ta, đây cũng là điều người dân mong đợi” – bà Ngân nói.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm càng công khai càng tốt. Dự kiến đề án này sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 10 để có thể triển khai ngay vào năm sau và nhiều ý kiến đồng tình với phương án thứ nhất.

 

HAI PHƯƠNG ÁN VỀ ĐỐI TƯỢNG ÐƯỢC ĐƯA RA LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM 

Phương án 1đối với Quốc hội chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh từ bộ trưởng và tương đương trở lên (chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ tịch nước, phó chủ tịch nước, thủ tướng, các thành viên Chính phủ, chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước). Ðối với HÐND cũng chỉ lấy phiếu đối với những chức danh chủ chốt do HÐND bầu, phê chuẩn.

 

Phương án 2lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn (ngoài các đối tượng như phương án 1, còn thêm các đối tượng là phó chủ tịch và thành viên Hội đồng Dân tộc, phó chủ nhiệm và ủy viên ủy ban), diện lấy phiếu ở các cấp HÐND cũng tương tự.          

 

 

 

Duy trì mức chi 2% tổng ngân sách cho KH&CN

Chiều 14-9, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật khoa học và công nghệ (KH&CN – sửa đổi), trong đó đề nghị quy định rõ mức đầu tư tối thiểu hằng năm cho KH&CN là 2% tổng ngân sách, đồng thời thay đổi cách thức phân bổ, quản lý, sử dụng cho có hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, có nhiều ý kiến cho rằng mức đầu tư 2% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm là quá thấp, chưa tương xứng với vai trò quốc sách hàng đầu của sự phát triển KH&CN, không đáp ứng yêu cầu KH&CN là động lực then chốt cho phát triển nhanh và bền vững đất nước. Bộ KH&CN là cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ về việc sử dụng có hiệu quả 2% tổng chi ngân sách dành cho KH&CN, nhưng lại chưa có vai trò tương xứng trong quá trình phân bổ phần kinh phí đầu tư phát triển (ngân sách đầu tư phát triển KH&CN chiếm 40-44% ngân sách KH&CN hằng năm).