Máu Đức Kitô là bảo chứng tình yêu trung thành của Thiên Chúa

Nếu con người biết nhìn vào những vết thương của Đấng Chịu Đóng Đinh, thì bất cứ ai, ngay cả trong những tình huống cơ cực tột cùng về mặt luân lý, cũng đều có thể nói rằng: Thiên Chúa đã không hề bỏ rơi tôi

 Máu Đức Kitô là bảo chứng tình yêu trung thành của Thiên Chúa

Bài nói chuyện giờ Kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật XIV Thường Niên, 5/7/2009

Anh chị em thân mến!

Trong quá khứ, Chúa Nhật đầu tháng 7 được dành để tôn kính Máu Rất Châu Báu Đức Kitô. Một số vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi đã xác nhận sự tôn kính này trong thế kỷ vừa qua và Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII, qua Tông thư Inde a primis (30-6-1960), đã cắt nghĩa về ý nghĩa của việc tôn sùng Máu Châu Báu Chúa và đã phê chuẩn Kinh cầu Máu Châu Báu Chúa. Chủ đề máu, được liên kết với chủ đề Con chiên vượt qua, có một tầm mức rất quan trọng trong Kinh Thánh. Trong Cựu Ước, việc rảy máu các con vật được sát tế biểu thị và thiết lập Giao ước giữa Thiên Chúa và dân của Người, như ta có thể đọc thấy trong Sách Xuất hành: “Môisen lấy máu và rảy trên dân và nói: “Đây là máu của Giao Ước mà Giavê đã ký kết với anh em dựa vào những điều khoản này” (Xh 24,8).

Đức Giêsu đã minh nhiên quy chiếu về công thức này trong bữa Tiệc ly, khi Người trao cho các môn đệ chén rượu nho: “Đây là Máu Ta, Máu Giao Ước, sẽ đổ ra để tha tội cho nhiều người” (Mt 26,28). Và thật thế, từ việc Chúa chịu đánh đòn, đến cạnh sườn bị đâm thâu sau khi Chúa chết trên Thập giá, Đức Kitô đã đổ hết máu mình ra, với tư cách là con chiên thật chịu sát tế để chuộc tội cho muôn người. Giá trị cứu chuộc của Máu Đức Giêsu đã được xác định một cách rõ ràng trong nhiều đoạn của Tân Ước.Trong Năm Linh mục này, ta chỉ cần trích dẫn câu nói thật tuyệt đẹp của Thư gởi tín hữu Do Thái sau đây: “Đức Kitô… đã vào cung thánh một lần thay cho tất cả, không phải với máu các con dê, con bò, mà là với máu của chính mình, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. Vậy, nếu máu các con dê, con bò, và nước tro của bò cái được rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là làm cho thân xác họ được trở nên thanh sạch, thì Máu của Đức Kitô, là Đấng, nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, đã tự hiến tế như lễ vật không tí ố dâng lên Thiên Chúa, lại càng thanh tẩy được lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (9,11-14).

Anh chị em thân mến, trong sách Sáng Thế có viết rằng máu của Aben, bị anh mình là Cain giết chết, đã từ mặt đất kêu thấu tới Thiên Chúa (x. 4,10). Và đáng buồn thay, hôm nay cũng như hôm qua, tiếng kêu ấy vẫn không ngừng vang lên, bởi vì máu của con người vẫn tiếp tục tuôn chảy vì bạo lực, vì bất công và hận thù. Khi nào con người mới học biết được rằng sự sống là linh thánh và sự sống chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa? Khi nào con người mới hiểu được rằng tất cả chúng ta là anh em với nhau? Thiên Chúa đã dùng Máu Con của Người, Đấng đã thí mạng sống mình vì chúng ta, để đáp lại tiếng kêu của biết bao nhiêu con người đã đổ máu và tiếng kêu ấy vẫn còn vang lên từ biết bao nhiêu vùng đất khác nhau trên quả địa cầu này. Đức Kitô đã không lấy ác báo ác, nhưng lấy thiện, lấy tình yêu vô biên của Người để báo ác. Máu của Đức Kitô là bảo chứng cho tình yêu trung thành của Thiên Chúa đối với nhân loại. Nếu con người biết nhìn vào những vết thương của Đấng Chịu Đóng Đinh, thì bất cứ ai, ngay cả trong những tình huống cơ cực tột cùng về mặt luân lý, cũng đều có thể nói rằng: Thiên Chúa đã không hề bỏ rơi tôi, người yêu mến tôi, Người thí mạng vì tôi; và như thế, họ đều tìm lại được niềm trông cậy. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, cùng với Tông đồ Gioan dưới chân Thập giá, đã đón nhận di chúc bằng máu của Đức Giêsu, giúp chúng ta biết tái khám phá sự phong phú vô giá của ân huệ này, và muôn đời biết ơn về những hồng Chúa ban.

Cuối giờ kinh Truyền Tin:

Trong những ngày vừa qua, ai trong chúng ta cũng đều bị đánh động về thảm kịch Viareggio. Tôi xin kết hơp với tất cả những ai đang đau khổ vì đã mất đi những người thân yêu, kết hợp những người bị thương, những người phải gánh chịu những thiệt hại đáng kể về mặt vật chất. Trong khi tôi dâng lời cầu xin Thiên Chúa thương đến tất cả những ai bị tác động về thảm kịch này, tôi cầu mong cho những tai nạn như thế sẽ không bao giờ xảy ra nữa, và mọi người sẽ được bảo đảm về mặt an ninh trong công việc cũng như trong cuộc sống thường nhật. Ước gì Thiên Chúa đón nhận linh hồn những người đã qua đời vào trong vương quốc bình an của Người, ban cho những ai bị thương chóng được bình phục, và an ủi những người thân yêu của những nạn nhân này.

Mặt khác, tôi cũng vô cùng đau đớn ví cuộc mưu sát xảy ra sáng nay tại Cotabo, Phi Luật Tân, nơi mà một quả bom phát nổ trước cửa nhà thờ chánh toà, trong giờ cử hành Thánh lễ Chúa Nhật, làm cho một số người bị chết và nhiều người bị thương, trong số đó có những phụ nữ và trẻ em. Trong khi tôi cầu xin Thiên Chúa cho các nạn nhân của hành động đốn mạt này, một lần nữa, tôi lên tiếng kết án hành động sử dụng vũ lực, điều này sẽ không bao giờ là một con đường chính đáng để giải quyết những vấn nạn đang hiện hữu.

Tôi vui mừng đón tiếp tất cả những khách hành hương nói tiếng Pháp, và tôi đặc biệt vui mừng chào đón những bạn trẻ của giáo phận Bruges, tại Bỉ, và giáo phận Lausanne, Genève và Fribourg, tại Thuỵ Sĩ. Theo gương Đức Trinh Nữ Maria, tôi khuyến khích anh chị em hãy làm chứng nhân cho chân lý của Thiên Chúa, bằng cách đi theo con đường Người dẫn ta đến sự sống đích thật. Để được thế, anh chị em hãy để cho sức mạnh Thánh Thần hướng dẫn anh chị em! Vào đầu giai đoạn nghỉ hè này, anh chị em hãy biết dùng thời giờ cho Chúa để trở nên nhũng người mang Tin Mừng cứu độ! Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em, cũng như gia đình và bạn bè của anh chị em!

Xin chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tốt đẹp.