Cần có từ điển tiếng Việt cho trẻ em

Từ điển tiếng Việt dành cho thiếu nhi, nhất là bậc tiểu học, hết sức quan trọng bởi đây là lúc các em bắt đầu học ngôn ngữ để chuẩn bị cho quá trình hội nhập vào xã hội sau này.

 Cần có từ điển tiếng Việt cho trẻ em

Nền “văn hoá đọc” như mong muốn của chúng ta không thể có trong ngày một ngày hai mà nên chú ý hình thành từ thời niên thiếu, ngay từ những năm đầu đời của bậc tiểu học.

Để hình thành thói quen đọc sách cũng như các phương pháp làm việc có hệ thống thì không gì tốt hơn là tập cho trẻ em thói quen tra cứu từ điển.

 

Từ điển Children’s dictionary của Merriam-Webster, Maxi débutants của Larousse. Các từ điển này ít trang, nhiều hình ảnh minh hoạ, dùng từ ngữ dễ hiểu để giải thích

 

Từ điển tiếng Việt dành cho thiếu nhi, nhất là bậc tiểu học, hết sức quan trọng bởi đây là lúc các em bắt đầu học ngôn ngữ để chuẩn bị cho quá trình hội nhập vào xã hội sau này. Ai có con cháu học tiểu học sẽ thường xuyên được các em hỏi “từ này có nghĩa là gì?”, “từ này viết như thế nào?”… và nói chung các bậc phụ huynh sẽ giải thích theo cách hiểu của mình. Thế nhưng nếu có từ điển tiếng Việt dành cho thiếu nhi, phụ huynh thay vì phải giải thích theo cách hiểu (có thể sai) của mình sẽ bảo các em tra cứu từ điển. Việc tập cho các em tra cứu từ điển ngay từ bậc tiểu học mang lại nhiều lợi ích to lớn như sau:

– Đầu tiên là giúp các em hiểu chính xác ý nghĩa của từ.

– Thứ hai, giúp các em bước đầu hình thành tư duy hệ thống vì từ điển được sắp xếp theo thứ tự A, B, C…

– Thứ ba là tạo cho các em thói quen làm việc cẩn thận và thúc đẩy niềm đam mê khám phá.

– Thứ tư, dần dần tạo lập cho các em khả năng làm việc và suy nghĩ độc lập thông qua việc tự tìm tòi trong sách (từ điển) chứ không dựa dẫm vào người lớn. Đồng thời việc tra từ điển giúp các em mở rộng thêm sự hiểu biết của mình.

– Cuối cùng là việc tra từ điển sẽ tạo nền móng cho niềm ham mê đọc sách sau này của các em vì nhờ có từ điển, các em mới hiểu được những điều được viết trong sách. Và khi hiểu, các em sẽ thích thú việc đọc sách hơn.

Việc tra từ điển ngay từ bậc tiểu học là hết sức quan trọng, thế nhưng hiện nay VN gần như không có các loại từ điển dành cho thiếu nhi ở từng độ tuổi khác nhau. Chúng ta không thể bắt buộc các em tra từ điển bách khoa hay các loại từ điển dành cho người lớn vốn đã có kiến thức và kinh nghiệm sống.

Các thương hiệu từ điển lớn trên thế giới như Larousse (Pháp) hay Merriam-Webster (Mỹ) đều có nhiều loại từ điển dành cho trẻ em ở từng độ tuổi khác nhau. Chẳng hạn từ điển Larousse của Pháp có các loại từ điển như: Maxi débutants (dành cho trẻ từ 7-10 tuổi) hay Dictionnaire des débutants (6-8 tuổi); còn Merriam-Webster thì có Children’s dictionary…

Để chấn hưng giáo dục nói chung và chấn hưng văn hoá đọc nói riêng, có lẽ cần bắt đầu ở những phần việc “vi mô” này nhưng lại có ảnh hưởng không hề nhỏ đối với thế hệ tương lai.