Thể thao trong đời sống Kitô hữu

Thể dục được hiểu là hệ thống các động tác tập luyện, thường được sắp xếp thành bài nhằm giúp cho việc phát triển hài hoà của cơ thể, tăng cường và gìn giữ sức khoẻ; còn thể thao là những hoạt động nhằm nâng cao thể lực con người, thường được tổ chức thành các hình thức trò chơi, thi đấu theo những quy tắc nhất định.

Thể thao trong đời sống Kitô hữu

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

Lời mở

Trong việc xây dựng nền nhân bản toàn diện hướng đến nền văn minh tình yêu, chúng ta không thể không chú ý đến việc rèn luyện thân thể bằng thể dục và thể thao. Chúng ta đã biết rằng thể dục được hiểu là hệ thống các động tác tập luyện, thường được sắp xếp thành bài nhằm giúp cho việc phát triển hài hoà của cơ thể, tăng cường và gìn giữ sức khoẻ; còn thể thao là những hoạt động nhằm nâng cao thể lực con người, thường được tổ chức thành các hình thức trò chơi, thi đấu theo những quy tắc nhất định.

Ở Việt Nam, nhiều cộng đồng Công giáo ít quan tâm đến thể dục thể thao (TDTT) dù Công đồng Vaticanô II đã nhắn nhủ rằng: “Thể dục và các hoạt động thể thao giúp chúng ta giữ được quân bình trong tâm hồn của mỗi cá nhân cũng như của xã hội, và giúp chúng ta thiết lập được các mối tương quan huynh đệ giữa mọi người không phân biệt giai cấp, quốc gia hay chủng tộc. Vì thế, các Kitô hữu phải cộng tác vào việc đem tinh thần nhân bản và Kitô giáo thấm nhuần các sinh hoạt văn hoá tập thể, là những sinh hoạt đặc biệt của thời đại chúng ta” (x. CĐ.Vat II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 61).

Trong phạm vi bài này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sơ qua về hiện trạng TDTT trong cộng đồng Công giáo để tìm ra những nguyên nhân tác động đến tình trạng này, tìm hiểu ích lợi của TDTT trong đời sống và những đường hướng để cổ vũ sinh hoạt TDTT trong cộng đồng linh mục hay tu sĩ để rồi qua đó ta hiểu được TDTT trong đời thường của người tín hữu.

1. HIỆN TRẠNG THỂ DỤC THỂ THAO TRONG ĐỜI SỐNG

1.1. Số liệu liên quan

Tính đến ngày 31-12-2010, Giáo hội Việt Nam hiện nay có trên 4.050 linh mục, 3.946 chủng sinh, 2.281 tu sĩ nam, 15.352 tu sĩ nữ với hàng ngàn cơ sở lớn nhỏ để phục vụ 6.400.567 tín hữu giáo dân (theo thống kê Tổng Điều tra Dân số ngày 1-4-2009 là 5.677.086 người, tr. 281) trên tổng dân số Việt Nam là 89.029.559 người (theo Thống kê Nhà Nước là 86.930.000 người, theo Cục Thống kê Tp. HCM, tr 331). Số cơ sở được các linh mục tu sĩ phục vụ gồm trên 2.500 giáo xứ lớn nhỏ, 1.097 nhà trẻ, lớp học tình thương, 106 trung tânm văn hoá, 152 trung tâm lo cho di dân, sinh viên và gia đình, 205 trại phong và tâm thần… (x. Thống kê của Văn phòng Thư k‎ý Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2011).

1.2. Những phương tiện chưa hợp l‎ý

Ngoại trừ 7 đại chủng viện trên toàn quốc có sân chơi thể thao cho các chủng sinh và khoảng một chục dòng tu nam lớn có sân chơi thể thao hay phòng tập thể dục cho các tu sĩ đang được đào tạo của dòng, còn hầu hết các cơ sở khác, nhất là các dòng tu nữ, đều không có sân chơi, không có phòng sinh hoạt để có thể tập thể dục hay kê một vài bàn bóng bàn cho các tu sĩ sử dụng. Nhiều tu viện có diện tích đất khá rộng, nhưng vẫn để trống đất hoặc làm vườn hoa, trồng cây cảnh trong khi các tu sĩ trẻ cần vận động thì lại thiếu sân chơi.

Một số xứ đạo có sân rộng quanh nhà thờ, có khá nhiều đất trống bỏ hoang có thể xây dựng thành sân chơi cho thanh thiếu niên hay sân tập thể dục cho người già. Nhiều xứ đạo có các phòng rộng lớn sinh hoạt giáo l‎ý mỗi tuần một hai ngày còn các ngày khác để không, có thể kê vài bàn bóng hay bàn đánh cờ cho các thanh thiếu niên thì lại để trống. Người ta không dám cho các em nhỏ hay người lớn sinh hoạt TDTT vì sợ bất kính với Chúa, sợ tiếng ồn ngăn trở việc cầu nguyện. Hậu quả là giới trẻ và người lớn không có dịp gặp gỡ sinh hoạt vui chơi với nhau để tăng thêm tình liên đới trong cộng đồng.

1.3. Thiếu ý thức và quan tâm

Tình trạng này bắt nguồn từ việc những người lãnh đạo các cộng đồng giáo dân cũng như tu sĩ chưa ý thức được tầm quan trọng của TDTT trong việc huấn luyện một nền nhân bản toàn diện cho con người cũng như giá trị của những hoạt động TDTT trong đời sống. Công đồng Vaticanô II cũng nhắc nhở rằng: “Những phương tiện như TDTT sẽ không đem lại một nền văn hoá giáo dục toàn diện cho con người, nếu đồng thời con người không tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của văn hoá và khoa học về thể dục và thể thao đối với con người” (x. CĐ.Vat II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 61).

Sự thiếu quan tâm về TDTT không bắt nguồn từ việc thiếu những phương tiện như sân bãi, dụng cụ TDTT, vì các cộng đồng có thể mua sắm hay xây dựng được, mà bắt nguồn từ việc không nhận ra tầm quan trọng của TDTT trong đời sống cá nhân cũng như tập thể, trong sinh hoạt thường ngày, trong đời sống trí thức cũng như hoạt động truyền giáo. Nhiều người có trách nhiệm trong việc đào tạo đời tu đã không quan tâm tới vấn đề sức khoẻ toàn diện của những người mình có trách nhiệm, không đưa TDTT vào chương trình đào tạo, không đưa việc tập luyện thể dục và chơi thể thao vào chương trình sống hằng ngày. Chỉ quan sát đời sống thực tế hay chương trình sống trong cộng đồng tu trì ta cũng thấy ngay được điều đó.

Nhiều nữ tu sĩ trẻ muốn chơi thể thao mà cũng không dám vì sợ bị chê trách, và nếu có chơi thì cũng chẳng biết chơi thế nào theo đúng kỹ năng và kỹ thuật của mỗi môn. Chúng tôi được biết một ít nữ tu trẻ tận dụng những phút rảnh rỗi hiếm hoi trong ngày chơi cầu lông 10-15 phút chỉ để cho ra mồ hôi và tắm cho đỡ lạnh, vì nhà dòng không có sẵn máy nước nóng. Một vài dòng nữ lớn cũng mua vài bàn bóng bàn nhưng do không có giờ chơi rõ ràng, không có người huấn luyện cách chơi nên cuối cùng bàn cũng để không, hoặc xếp vào góc nhà.

1.4. Hậu quả

Hầu hết các linh mục, tu sĩ nam trong thời gian được đào đạo ở chủng viện hay học viện, đã rất tích cực tham gia các hoạt động TDTT, nhưng sau khi chịu chức linh mục hay khấn trọn đời rồi lại không còn tập luyện nữa. Nhiều người nêu lý do là phải đảm nhận nhiều trách nhiệm hay công tác mục vụ nên không sắp xếp được thời gian tập luyện cho chính mình hay chơi chung với người khác. Nhưng l‎ý do chính yếu vẫn là thiếu ý  thức về tầm quan trọng của TDTT trong đời sống tự nhiên cũng như siêu nhiên của mình.‎ Hậu quả của việc không sinh hoạt TDTT thể hiện rõ qua hình thể bên ngoài của nhiều linh mục, tu sĩ không còn gọn gàng, động tác không còn nhanh nhẹn, sức khoẻ suy yếu nhanh chóng và mang nhiều bệnh tật. Đó là chưa kể đến những căng thẳng trong đời sống chung hay những dồn nén sinh l‎ý không được hoá giải nhờ hoạt động TDTT đã gây nên nhiều thiệt hại lớn lao khác như chứng thủ dâm, đồng tính luyến ái, nghiện trò chơi trực tuyến hay phim ảnh đồi truỵ…

Tình trạng thiếu sinh hoạt TDTT cũng là tình trạng chung của cộng đồng xã hội. Đời sống kinh tế quốc dân còn nghèo, nên việc xây dựng các sân vận động để tạo điều kiện cho dân chúng chơi thể thao hay tập thể dục có thể được cho là một nhu cầu chưa cần thiết đối với cộng đồng, vì có nhiều nhu cầu khác đáng quan tâm hơn, hoặc trở thành nhu cầu xa sỉ đối với người nghèo. Mọi khoản thu nhập của đa số người dân Việt Nam hiện nay hầu như được dùng cho việc ăn, uống (46%); đi lại và bưu điện (17,22%); giáo dục (7,83%); đồ dùng (6,42%); nhà ở – điện nước – vệ sinh (6,07%); y tế (5,27%); may mặc (3,63%) và các chi phí khác (3,85%). Người dân chỉ dành cho mục văn hoá, thể thao, giải trí có 3,87% thu nhập, trong đó hầu hết cho văn hoá và giải trí, còn thể thao dường như là con số không (x. Cục Thống kê, Thống kê Tp. Hồ Chí Minh 2010, tr. 324).

2. NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN TÌNH TRẠNG

2.1. Những l‎ý do cụ thể

Vì TDTT là những yếu tố cần thiết trong việc đào tạo một nền nhân bản toàn diện cho con người, chứ không phải chỉ riêng cho đời tu hay đời sống Kitô hữu, nên sinh hoạt TDTT được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng xã hội. Lịch sử văn minh nhân loại đã minh chứng điều đó, khi các môn thể thao được tổ chức ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Công nguyên trong nền văn minh Hy Lạp. Còn ở châu Á, các nhà sư Thiếu Lâm, các ni cô phái Nga Mi ở Trung Hoa tập võ để vừa rèn luyện thân thể vừa hoạt động cứu đời, là những thí dụ điển hình của hoạt động thể thao trong đời tu.

Trong thực tế hiện nay, người ta thấy các giáo sĩ và tu sĩ ít quan tâm đến hoạt động TDTT, dù những hoạt động này là một phần cơ bản trong đời sống con người và sinh hoạt xã hội. Thực tế này có thể bắt nguồn từ quan niệm về đời tu như một sự tách biệt với đời thường trong xã hội. Tất cả các sinh hoạt hằng ngày của đời tu tập trung vào lĩnh vực tri thức với những giờ học, giờ đào tạo tinh thần; vào lĩnh vực thiêng liêng với những giờ phụng tự và cầu nguyện; và vào lĩnh vực mục vụ tông đồ với những công việc thuộc trách nhiệm như coi giáo dân, dạy trẻ…, nhưng hầu như bỏ quên hay xem thường lĩnh vực thể chất với những việc ăn uống, ngủ nghỉ, TDTT…

Tuy nhiên, đây có thể là một sự lầm lẫn quan trọng trong công tác giáo dục và đào tạo hiện nay, vì lĩnh vực thể chất được coi như nền tảng để xây dựng và phát triển ba lĩnh vực khác. Vì thế, người Rôma từ ngàn xưa đã có câu  cách ngôn: “Hồn lành trong xác mạnh” (Mens sana in corpore sano). Nếu chúng ta nghiên cứu Sắc lệnh Đào tạo Linh mục (SLĐTLM) (Optatam Totius) và Sắc lệnh Canh tân Thích nghi Đời sống Dòng tu (SLCTTTĐSDT) (Perfectae Caritatis) của Công đồng Vaticanô II, chúng ta thấy lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức vì các văn bản này của Công đồng không trực tiếp nhắc đến TDTT trong công tác đào tạo đời tu. Có thể đây cũng là một l‎ý ‎do để những nhà đào tạo không đưa TDTT vào chương trình đào tạo cơ bản chăng?

Từ đó, những người có trách nhiệm trong các chủng viện và học viện cũng chưa quan tâm đủ đến những giờ tập thể dục, chơi thể thao, giải trí trong chương trình sống hằng ngày. Người ta coi thường việc ăn uống: ăn thế nào cũng được, uống thế nào cũng xong, mà không tính toán lượng thực phẩm có đủ chất bổ dưỡng cho sinh hoạt hằng ngày hay không; không dạy cách ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi như những bài học cơ bản; không quan tâm đến việc xây dựng những nhà vệ sinh cho hợp l‎ý, hoặc cung cấp đủ những phương tiện vệ sinh cần thiết, đủ nước nóng trong mùa lạnh… cho các thành viên.

Hơn nữa, người ta cũng quên đi tính chất cộng đồng xã hội trong những trò chơi thể thao, nên việc thể thao trong đời tu hiện nay chỉ còn mang tính tự phát, cá nhân riêng lẻ. Trong khi đó, xã hội hiện nay tôn vinh những vận động viên TDTT như những anh hùng của đất nước trong những cuộc tranh tài thế giới hoặc giới trẻ tôn vinh những vận động viên nổi tiếng như những thần tượng. Tôi nhớ khi còn được đào tạo tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X ở Đà Lạt trong những năm 1966-1975, các cha Dòng Tên nhắc nhở chúng tôi tầm quan trọng của TDTT trong đời sống tu trì, khi đau ốm chúng tôi có thể bỏ dự thánh lễ không cần xin phép nhưng không bao giờ được phép tự động bỏ giờ chơi ban chiều.

Tóm lại, việc coi thường TDTT trong đời tu hiện nay bắt nguồn từ sự thiếu ý thức về giá trị cũng như tầm quan trọng của TDTT trong việc gìn giữ sức khoẻ, trong sinh hoạt cộng đồng xã hội cũng như trong công tác truyền giáo loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, chúng ta tự hỏi nguyên nhân sâu xa nào dẫn đến tình trạng này.

2.2. Nguyên nhân sâu xa là ảnh hưởng của thuyết Nhị Nguyên

Nhiều linh mục tu sĩ vẫn còn giữ quan niệm Nhị Nguyên sai lạc của hàng chục thế kỷ trước đây: coi thường thân xác, cho rằng thân xác thuộc về ma quỷ và tinh thần mới thuộc về Thiên Chúa; thân xác vật chất thì nặng nề, chiều theo những dục vọng xấu xa nên cần phải hãm mình ép xác, ăn uống kham khổ để làm chủ được dục vọng, cho tinh thần nhẹ nhàng thanh thoát, có thể vươn lên và bay bổng tới Thiên Chúa.

Do đó, TDTT bị coi là những lĩnh vực thuộc về thể xác không đáng quan tâm, thậm chí còn bị coi là nguy hiểm, tội lỗi vì đó là những hành vi chiều chuộng thân xác. Quan niệm này đã bị Công đồng Vaticanô II lên án và xác định: “Con người duy nhất với xác và hồn. Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Vì thế, nhờ con người, những yếu tố ấy đạt được tới tuyệt đỉnh của chúng và tự do dâng lời ca tụng Đấng Tạo Hoá. Vậy con người không được khinh miệt đời sống thể xác. Trái lại, con người phải coi thân xác mình là tốt đẹp và đáng tôn trọng vì thân xác ấy do Chúa tạo dựng và được sống lại vào ngày sau hết” (x. CĐ.Vat II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 14).

Cũng từ quan niệm Nhị Nguyên này, nhiều người vẫn kể thân xác là một trong ba kẻ thù: “ma quỷ, thế gian, xác thịt “. Họ không quan tâm đến sự hợp nhất linh hồn và thân thể (x. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo (GLHTCG), các số 327, 360, 362-368, 382). Người ta sợ rơi vào não trạng tôn thờ thân xác, tôn thờ những ngẫu tượng, thần tượng trong thể thao mà nhiều bạn trẻ đang chạy theo và tôn sùng những vận động viên nổi tiếng hiện nay, nhất là muốn loại bỏ não trạng chọn lọc người khoẻ, đẹp và loại bỏ người yếu, xấu vì có thể dẫn tới việc làm băng hoại các tương quan giữa con người (x. GLHTCG, số 2289).

2.3. Cũng từ quan niệm Nhị Nguyên này người ta cho TDTT là thừa thãi vì mất giờ, mất sức, tốn tiền. Nhiều tu sĩ cho rằng thể thao chỉ thích hợp cho người ở ngoài đời, có điều kiện, nhưng không hợp với đời tu, vì các môn thể thao phục vụ thân xác, thiếu sự điều độ nết na khi các vận động viên hay những người chơi thể thao phải ăn uống tẩm bổ hay mặc những quần áo thể thao có vẻ khoe những phần thân thể nhạy cảm, hoặc lộ liễu của từng môn chơi.

3. LỢI ÍCH CỦA THỂ DỤC THỂ THAO

3.1. Đào tạo toàn diện con người

Con người toàn diện gồm nhiều lĩnh vực: thể chất và tinh thần, nội tâm và ngoại giới, cá nhân và cộng đồng, tự nhiên và siêu nhiên. Thể dục và thể thao mang lại rất nhiều những ích lợi cho việc phát triển toàn diện con người và xã hội mà những người sống đời tận hiến không thể xem thường. Chúng ta có thể tóm tắt các ích lợi chính sau đây:

3.1.1. Về lĩnh vực thể chất và tinh thần

TDTT giúp tăng cường sức khoẻ thể xác và tinh thần. Khi con người tập thể dục, chơi thể thao thì các bộ phận trong cơ thể đều được vận động và phối hợp hài hoà, dẫn đến việc tăng cường sức khoẻ, chống lại bệnh tật và thích nghi được với sự thay đổi thời tiết. Nhờ đó, con người sống an vui và hạnh phúc, ổn định cả về thể xác cũng như tinh thần.

Ngoài ra, việc luyện tập TDTT còn giúp cho con người phát triển hài hoà các chức năng của các bộ phận trong cơ thể để sống trong sáng, lành mạnh, an vui. Việc luyện tập TDTT là một yếu tố quan trọng giúp giảm bớt những đòi hỏi của dục tính, vượt qua thói thủ dâm, vì sức lực tràn trề của tuổi trẻ được giải toả thành những hoạt động hữu ích qua việc tiêu hao năng lượng trong thể dục, thể thao (x. SLĐTLM, số 10; SLCTTTĐSDT, số 12).

3.1.2. Về lĩnh vực nội tâm và ngoại giới

Con người khám phá ra mình hiện hữu như một cái tôi độc lập, có khả năng hiểu mình, làm chủ mình và tự quyết về mình (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình (HĐGHCLHB), Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo (TLHTXH), số 131). Khoa tâm l‎ý học cũng khám phá ra cấu trúc phức tạp của tinh thần với những tầng lớp: ý thức, tiềm thức và vô thức tác động lên nhau, cũng như những khả năng lạ lùng của con người với trí nhớ, trí hiểu, trí tưởng tượng, ‎ý chí, cảm năng, hoạt năng, khiến cho mỗi người trở thành độc đáo với sứ mạng riêng. Chính khi tập thể dục, chơi thể thao, con người phát triển những khả năng tiềm tàng đó, nhờ việc luyện tập thường xuyên và chơi chung với nhau.

Các quy luật trong thể dục và nhất là thể thao cũng yêu cầu người tập phải tuân thủ cách chặt chẽ. Khi chơi thể thao, người ta cần phải biết chơi chung với nhau, cộng tác với nhau, nhường nhịn nhau, cùng theo đuổi một chiến thuật thì mới có thể cùng nhau chiến thắng. Đó là phương thức giúp luyện tập và thể hiện đức bác ái, khả năng cộng tác với người khác trong đời sống.

Thể dục và thể thao còn giúp người ta luyện tập đức kiên nhẫn, hiền hoà, cao thượng, bình tĩnh khi đánh hỏng hay bị thua thay vì cau có, chửi bới, la hét bạn bè hoặc chơi xấu, giở những thủ đoạn để chiến thắng đối phương

3.1.3. Về lĩnh vực cá nhân và cộng đồng

TDTT là phương cách giúp con người thể hiện tinh thần tập thể và tôn trọng những mối tương quan trong xã hội như người ta phải tôn trọng các vị trí, vai trò của các cá nhân trong một sân bóng: người thuộc hàng tiền vệ giữ vai trò tấn công, người ở hàng hậu vệ có nhiệm vụ phòng thủ… Qua việc tập thể dục và chơi thể thao, người ta cũng biết tôn trọng vai trò và thể hiện trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội. Hơn nữa, người ta còn tập được tinh thần lãnh đạo khi biết phân công nhiệm vụ thích hợp cho đồng đội trong những trận đấu, cũng như phân chia sức lực cho những đường đua dài để chiến thắng.

3.1.4. Về lĩnh vực tự nhiên và siêu nhiên

TDTT giúp cho con người làm chủ bản thân, nhận ra giá trị cũng như những giới hạn của mình để hướng tầm nhìn về Chúa là nguồn sức mạnh và sự sống, nguồn hạnh phúc và chân thiện mỹ. TDTT tập cho con người biết làm chủ bản thân, với những tình cảm, thời giờ, tài năng, và cả những tham vọng, dục vọng. Muốn thăng tiến trong lĩnh vực này, con người phải biết kiềm chế để chơi đẹp trên sân bóng, để không ham chơi đến độ bỏ học hành làm việc, phải biết sống điều độ, không “rượu chè, trai gái” để giữ sức khoẻ cho những trận đấu. Khi bị thua thiệt hay thất bại, người chơi vẫn tin vào Chúa biết rõ mọi sự để tha thứ và cảm thông cho sự yếu đuối, bất toàn của con người như khi bị bắt lỗi sai, tính điểm thua trong trận đấu, cũng như giữ được bình tĩnh và cao thượng mỉm cười với bạn bè khi họ đánh hỏng, làm mất cơ hội thắng điểm.

3.2. Hỗ trợ cho việc loan báo Tin Mừng

3.2.1. Trong dòng lịch sử: TDTT tuy không phải là đối tượng trực tiếp hay nội dung Tin Mừng nhưng có thể là phương tiện đóng góp trực tiếp vào việc loan báo Tin Mừng. Ta có thể kiểm chứng điều này trong dòng lịch sử.

Các vận động viên trong các cuộc thi đấu Olympic Hy Lạp hay Rôma đều cầu khẩn các thần linh của mình trước khi thi đấu và nếu họ thắng giải trong cuộc tranh tài, thì dân chúng công nhận thần linh đó mạnh hơn đối phương. Đây cũng là một trong các l‎ý do khiến người tín hữu Công giáo thời xưa xa lánh sân vận động. Ở Trung Hoa, các vị sư phái Thiếu Lâm hay các ni sư của nhiều hệ phái khác nhau luyện tập võ nghệ, dạy võ cho quần chúng vừa để cho mình khoẻ mạnh vừa bênh vực kẻ yếu trong xã hội, cũng là những tấm gương sáng thúc đẩy quần chúng tìm hiểu và theo đạo Phật.

Ở Việt Nam, vào những thời kỳ khó khăn và bị bách hại, đạo Công giáo được truyền bá nhanh chóng một phần cũng nhờ các nhà truyền đạo thời đó biết lợi dụng lòng ham chuộng TDTT của quần chúng. Vào các chiều thứ Bảy, Chủ Nhật, cộng đồng Công giáo tổ chức thi các trò chơi như đi cầu tre, bắt vịt dưới ao nhà thờ, kéo dây, đánh cầu… và cho cả lương dân tham dự. Mọi người đều cười vui khi thấy các chàng trai bị té xuống hồ nước vì trơn trượt trước khi nắm được phần thưởng treo ở đầu cây tre cắm giữa hồ. Trong các buổi chơi đó lương dân thấy được đời sống vui tươi, chan hoà tình bác ái của người Công giáo, cảm phục và nhiều người đã theo đạo. Ngay từ năm 1885, tỷ lệ dân số Công giáo Việt Nam đã đạt tới 7% so với dân số cả nước, tuy nhiên cho tới ngày nay, sau 125 năm, tỷ lệ ấy không những không tăng mà còn đang có chiều hướng giảm (x. Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2005, NXB Tôn Giáo, 2005. tr. 195-199).

3.2.2. Ngày nay, các vận động viên thắng giải trong các cuộc thi đấu thể thao quốc tế hay quốc gia vừa là những anh hùng nói lên sự ưu việt của dân tộc hay địa phương mình, vừa là gương mẫu cho các thế hệ khác noi gương. Thí dụ như các cô gái Nhật Bản mới đoạt giải vô địch bóng đá nữ thế giới trong tháng 8-2011 vừa qua. Do đó, ta không lạ gì khi thấy nhiều dân tộc, nhiều tổ chức dùng TDTT như phương tiện để quảng cáo cho đất nước hay tổ chức của mình. Tại sao Giáo hội Công giáo, nhất là Giáo hội Việt Nam không dùng phương tiện này để loan báo Tin Mừng?

3.2.3. Chúa chúng ta không muốn con người rơi vào lầm lạc của phái Nhị Nguyên hay phái Khắc Kỷ để coi thường thân xác, nên đã cho Con của Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa nhận lấy xác thịt (x. Ga 1,14) trở thành Đức Giêsu Kitô, trở thành con người giống chúng ta (x. Pl 2,7) trong mọi sự, chỉ trừ tội lỗi (x. Dt 4,15; CĐ. Vat. II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 22), để cứu độ con người toàn diện. Nếu Đức Giêsu đã trở nên giống con người trong mọi sự thì chúng ta được quyền tưởng tượng trẻ Giêsu cũng chơi đánh cầu, đánh khăng, đá bóng như các trẻ em cùng thời. Người coi trọng thân xác nên đã hoá bánh ra nhiều cho kẻ đói ăn, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ thay vì hô hào ăn chay, hãm mình phạt xác như các luật sĩ, biệt phái và các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả thường làm (x. Mt 9,14-17). Người muốn các môn đệ mình phải khoẻ mạnh cả vể tinh thần lẫn thể xác. Người nói: “Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11,12). Cuối cùng, Người đã chịu đóng đinh, chết nhục nhã và sống lại bằng chính thân xác ấy vì muốn dạy ta biết dùng thân xác mình để mang ơn cứu độ cho muôn loài.

Thánh Phaolô, có lẽ qua chính kinh nghiệm bản thân của mình, nhiều lần nhắc đến thể thao: “Anh em không biết sao, trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều… Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí” (1Cr 9, 24-27). Hoặc: “…vì tôi đã không chạy uổng công và đã không lao nhọc vô ích” (Pl 2,16). Hay: “Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua giành cho ta” (Dt 12,1).

3.2.4. Tuy đã nhận được gương sống của chính Đức Giêsu và lời dạy bảo của thánh Phaolô, nhưng tại sao người tín hữu Công giáo vẫn quay lưng với TDTT? Câu trả lời phải tìm lại trong lịch sử của chính TDTT cũng như lịch sử hình thành Kitô học.

Người Công giáo ngại ngùng với thể thao, xa lánh sân vận động vì trong suốt 3 thế kỷ đầu cho đến năm 313, khi hoàng đế Constantinus ra sắc chỉ Milan nhìn nhận Công giáo là tôn giáo hợp pháp trên toàn đế quốc Rôma, thể thao không còn mang tính tranh tài trong sáng của Olympic Hy Lạp, nhưng trở thành nỗi ô nhục và kinh hoàng cho tín hữu Công giáo. Sân vận động là nơi hành hình tín hữu, các thanh niên trở thành những tên nô lệ phải giác đấu cho đến chết, các phụ nữ và trẻ em thành miếng mồi ngon cho thú dữ cắn xé để mua vui cho quần chúng trên khán đài.

Lịch sử hình thành Kitô học còn giúp ta hiểu tại sao cho đến thế kỷ 20, Công giáo vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của thuyết Nhị Nguyên vì trong 5 thế kỷ đầu tiên, các nhà thần học đề cao thần tính của Chúa Giêsu và cho nhân tính của Người nhỏ bé như giọt mật tan trong đại dương bao la của thần tính. Sau những tranh cãi gay gắt của các trường phái về sự phối hợp giữa hai bản tính nơi Đức Giêsu và với định tín của Công đồng Calcêđônia năm 451, thần học Công giáo không dám nói nhiều về thân thể Đức Giêsu cho đến giữa thế kỷ 20, ngoại trừ một ít phát biểu của vài vị thánh nổi tiếng như Augustinô, Tôma Aquinô. Các nhà thần học thời đó chủ trương rằng chỉ có Đức Giêsu nhận lấy bản tính nhân loại tốt lành trước khi nguyên tổ Ađam phạm tội, còn mọi người đều mang bản tính đã bị hư hỏng vì tội nguyên tổ, nên thân xác là nguồn gốc mọi tai hoạ và hư hỏng của con người. Công đồng Vaticanô II và Sách Giáo l‎ý của Hội thánh Công giáo (SGLHTCG) đã ‎giải thích cho chúng ta hiểu Đức Giêsu mang lấy bản tính suy đồi của con người sau khi Ađam phạm tội (x. Dt 4,15; CĐ. Vat. II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 22; SGLHTCG, số 461-483), để mời gọi ta qu‎ý trọng và rèn luyện thân xác mình.

3.2.5. Hơn nữa, người Công giáo chỉ có thể làm chứng cho Tin Mừng về Ngôi Lời Nhập Thể, làm chứng cho Chúa là nguồn chân thiện mỹ nếu chúng ta dám thay đổi cách sống, từ bao nhiêu thế kỷ nay bị ảnh hưởng bởi thuyết Nhị Nguyên và phái Khắc Kỷ đã coi thân xác là thù địch của linh hồn thay vì phải coi thân xác là phương tiện mang lại ơn cứu độ. Cho đến đầu thế kỷ XX nhiều dòng tu vẫn có những luật lệ hết sức nghiêm khắc về cách ăn uống, hãm mình, đánh tội như một phương cách để kiềm chế những dục vọng, nhiều linh mục triều cũng như dòng vẫn giảng dạy theo hướng Nhị nguyên và khắc kỷ đó. Với thân xác yếu nhược tàn tạ, nhiều tu sĩ cũng không đủ điều kiện để phát huy những tài năng tinh thần. Nói như thế không phải chúng tôi cổ vũ cho một đời sống phóng túng, xem thường  việc hy sinh, hãm mình. Quả thực, việc ăn chay hãm mình thật sự vẫn có giá trị trong đời sống để giúp ta gắn bó mật thiết với Đức Kitô như vị Hôn Phu nhưng không phải theo hướng thù địch với thân xác.

Người ngoài Công giáo làm sao có thể nhận ra Thiên Chúa là nguồn mọi sự tốt đẹp qua những thân xác yếu đuối, khuôn mặt xanh xao, cơ thể đầy bệnh tật dù đang ở tuổi thanh niên hay trưởng thành? Đời sống tín hữu với chương trình sống điều độ, được đào luyện thêm TDTT, chắc chắn sẽ giúp cho họ có sức khoẻ dẻo dai để học hành làm việc, phục vụ tha nhân, có thân thể cân đối, ngay cả xinh đẹp, để có sức thu hút người khác đến với Đức Kitô. Nhất là đối với con người có khuynh hướng duy vật, duy thực, duy nghiệm hiện nay thì thân xác tươi trẻ khoẻ mạnh chính là hình ảnh sống động của Tin Mừng. Cách ngôn Việt Nam ta có câu: “Xem mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon” kia mà!

Hơn nữa nếu các xứ đạo, tu viện biết lợi dụng những khoảng đất trống cho TDTT để quy tụ thanh thiếu niên ham thích vận động cũng như những người già lão mong muốn tập những bài thể dục dưỡng sinh, những nơi ấy sẽ là điểm gặp gỡ để ta giới thiệu Đức Kitô cho người khác một cách sống động và hiệu quả, có thể còn hiệu quả hơn cả những buổi cầu nguyện hình thức, những bài giáo l‎ý ‎khô khan hoặc trình diễn thánh ca một đôi lần trong năm. Những cuộc thi đấu TDTT tại các xứ đạo hoặc dòng tu sẽ trở thành những dịp rao giảng Tin Mừng về mầu nhiệm Nhập Thể và Nhập Thế của Ngôi Lời một cách rõ ràng và hiệu quả cho người ngoài Công giáo.

Chúng ta hãy tưởng tượng qua việc được đào tạo đúng đắn, qua việc tập luyện thường xuyên TDTT, những linh mục, tu sĩ vừa trở thành huấn luyện viên cho các bộ môn trong xứ đạo hay cộng đồng xã hội, vừa có thể trở thành những vận động viên tham gia vào hoạt động TDTT của địa phương. Điều này sẽ giúp cho dân chúng hiểu rõ hơn về việc hội nhập văn hoá của Tin Mừng vào đời sống cộng đồng xã hội. Hơn nữa với tinh thần tập luyện của người tín hữu cũng như với ơn Chúa, chúng ta có thể chiếm được những giải thưởng cao qu‎‎ý như vô địch toàn thành, vô địch quốc gia. Lúc ấy ảnh hưởng của những vận động viên Công giáo hay của dòng tu sẽ là lời mời gọi hiệu quả và thiết thực đối với người khác, nhất là các thanh thiếu niên, đến với Đức Kitô hay đến với đời sống tu trì.

Chúng ta có thể tóm lại những điểm muốn lưu ý về TDTT trong lĩnh vực loan báo Tin Mừng bằng lời mời gọi của Giáo Hội được công bố ngày 2-2-2011, trong bản Đề cương của Thượng Hội đồng Giám mục – Đại hội Thường kỳ lần thứ XIII sẽ họp năm 2012 tại Rôma, với chủ đề Tân Phúc Âm hoá để truyền bá đức tin Kitô giáo như sau: “Các hoàn cảnh mới trong sứ mạng của Giáo Hội làm chúng ta nhận ra rằng, rốt cuộc, thành ngữ Tân Phúc Âm hoá đòi phải tìm ra những phương thức mới để rao giảng Tin Mừng hầu có thể “là Hội Thánh” trong những tình hình xã hội và văn hoá không ngừng thay đổi hôm nay” (Tài liệu Thượng Hội đồng 2012, số 9). Chúng tôi nghĩ rằng TDTT phải là một trong những phương thức mới cho các tín hữu của Giáo Hội Công giáo trong việc  loan báo Tin Mừng.

4. LÀM GÌ ĐỂ CỔ VŨ TDTT TRONG CỘNG ĐỒNG TÍN HỮU KITÔ?

Chúng tôi xin đưa ra vài đường hướng cơ bản để từng cá nhân cũng như các cộng đồng Công giáo có thể tự tìm câu trả lời cụ thể cho mình.

Đưa TDTT vào chương trình đào tạo chính quy cho giáo sĩ, tu sĩ: Mỗi năm mời các chuyên gia TDTT để huấn luyện cho linh mục, chủng sinh, tu sĩ một số môn thể thao: học cách chơi, luật chơi, cách tổ chức chơi trong xứ đạo như cầu lông, bóng bàn, bóng ném, bóng đá, cờ vua,… và  xem TDTT là phương tiện truyền giáo hữu hiệu cho giới thanh thiếu niên hơn nhiều môn khác như cắm hoa, đánh đàn, tập hát thánh ca vì TDTT phổ biến hơn đối với lương dân và cộng đồng xã hội.     

Đưa TDTT vào chương trình sống hằng ngày, để tạo điều kiện cho mọi người trong cộng đồng, nhất là đối với các người trẻ, mỗi ngày có thời gian chơi thể thao, cộng thêm những phút tập thể dục ban sáng. Trong giờ thể thao mọi người đều được yêu cầu phải vận động, trừ trường hợp đau bệnh. Người yếu, cao tuổi có thể đi bộ. Mùa thi càng không nên bỏ chơi để học bài.

Tạo điều kiện để chơi: Mua bóng, vợt, lưới, cầu… Nếu cộng đồng có khả năng, có thể làm cả sân chơi, nhà chơi, tổ chức các đội bóng (bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, cầu mây…) và khuyến khích thi đấu với các cộng đồng khác.

Tạo điều kiện để biết chơi, chơi hay, chơi đẹp: nhờ những huấn luyện viên thể thao vào biểu diễn hoặc cùng chơi để huấn luyện cho các chủng sinh, tu sĩ, tín hữu giáo dân thấy được cái hay cái đẹp của những môn thể thao mình muốn tập, giới thiệu những đoạn phim về TDTT (có rất nhiều trên mạng internet).

– Các vị lãnh đạo cộng đồng, bề trên dòng tu, các linh mục coi xứ đạo nên tham gia trực tiếp hay gián tiếp các hoạt động TDTT, khi có dịp, nhằm cổ vũ tinh thần “chơi cho khoẻ để phục vụ Chúa và tha nhân” thay vì có thái độ lãnh đạm, hoặc ngăn cấm.

Tổ chức các giải thi đấu giữa các tín hữu hay tu sĩ trong cộng đồng, tu viện, giáo xứ, giáo phận hay toàn quốc về những bộ môn thể thao có nhiều quần chúng tham gia như: bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, cầu mây, các bộ môn võ thuật như Vovinam, Judo, Taekondo, Aikido … để tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu giữa các cộng đồng trong và ngoài Công giáo. Các giải này nên có phần thưởng, có sự tham dự của lãnh đạo Giáo Hội.

Tổ chức các buổi thuyết trình, hội thảo về các đề tài liên quan đến TDTT trong lĩnh vực đào tạo nền nhân bản toàn diện, lĩnh vực truyền giáo, lĩnh vực tu đức, trong việc thể hiện 3 Lời Khấn của tu sĩ, trong mầu nhiệm Nhập Thể và Nhập Thế của Ngôi Lời Thiên Chúa… để gây ‎ý thức cho cộng đồng.


Kết luận

Công cuộc xây dựng nền văn minh tình yêu khởi đầu từ mỗi Kitô hữu khi từng người nhận thức được mình là hiện thân sống động của Đức Giêsu Kitô để phát triển đời sống tự nhiên và siêu nhiên của mình bằng những cố gắng tích cực trong đời sống thường ngày từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, lao động cho đến việc cầu nguyện, tham dự phụng vụ bí tích, trong đó có hoạt động thể dục thể thao. Mỗi người tín hữu đều có quyền mơ ước trở thành con người khoẻ mạnh, tốt đẹp, đầy quyền năng như Đức Giêsu để thu hút người khác đến với Chúa Cha. Niềm mơ ước này chỉ trở thành hiện thực nếu ngay từ bây giờ chúng ta bắt đầu đổi mới tư duy, đổi mới hành động. Với ơn thánh trợ giúp và sự tham gia của cộng đồng, chắc chắn chúng ta sẽ thành công.

Câu hỏi thảo luận

1. Bạn có tập thể dục thường xuyên không?

2. Bạn có biết chơi một môn thể thao nào không?

 

 

–o0o–