Phòng ngừa nhiễm não mô cầu ở trẻ em

Nhiễm não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm cho trẻ em nên làm nhiều bậc phụ huynh lo lắng, nhưng nếu biết chú ý tìm hiểu mọi người vẫn có thể phòng ngừa được bệnh.

Phòng ngừa nhiễm não mô cầu ở trẻ em

Nhiễm não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria Meningitidis gây ra, đây là loại vi khuẩn thường trú ở vùng hầu họng khi có điều kiện thuận lợi sẽ gây bệnh cho con người.

Tại Việt Nam, khoảng thời gian từ trước Tết nguyên đán đến nay đã có 12 trường hợp bị nhiễm não mô cầu hầu hết là trẻ em. Vì vi khuẩn gây bệnh rất nguy hiểm cho trẻ em nên làm nhiều bậc phụ huynh lo lắng, nhưng nếu biết chú ý tìm hiểu mọi người vẫn có thể phòng ngừa được bệnh.

1. Nhóm tuổi dễ mắc bệnh não mô cầu và yếu tố thuận lợi làm bệnh dễ lây lan

   A. Nhóm tuổi mắc bệnh: nhiễm não mô cầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, 2 nhóm tuổi thường dễ bị nhiễm não mô cầu là nhóm trẻ em từ 6 tháng – 3 tuổi và nhóm thanh thiếu niên từ 14 – 20 tuổi.

   B. Yếu tố thuận lợi làm bệnh dễ lây lan: vi khuẩn thường dễ lây lan và gây bệnh cho con người khi gặp những yếu tố thuận lợi sau đây:

   – Thời tiết khí hậu lạnh và khô làm cho vi khuẩn tăng sinh nhanh và gây bệnh cho con người, ở các nước ôn đới bệnh thường xảy ra vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân, riêng ở các nước thuộc khu vực nhiệt đới như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia… bệnh thường gia tăng đột biến khi có sự thay đổi đột ngột của thời tiết như thời điểm cuối mùa khô, đầu mùa mưa.

   – Mật độ dân cư đông đúc chật chội như nhà trẻ, trường học, ký túc xá sinh viên, trại lính tân binh…càng dễ lan truyền dịch bệnh não mô cầu. Thành thị thường dễ bị bệnh hơn vùng nông thôn.

   – Điều kiện sinh sống ẩm thấp, chật chội và kém vệ sinh cũng làm cho bệnh dễ lây lan.

   – Một số vụ dịch do nhiễm não mô cầu trên toàn thế giới đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm não mô cầu có tiền căn tắm ở các hồ bơi cộng cộng.

2. Dấu hiệu gợi ý trẻ bị nhiễm não mô cầu

Vi khuẩn có thể tấn công và bất kỳ cơ quan nào của cơ thể để gây bệnh, dấu hiệu và triệu chứng đặc hiệu của bệnh tùy thuộc vào cơ quan bị vi khuẩn xâm chiếm như hệ hô hấp, hệ thần kinh trung ương, hệ tiết niệu sinh dục, máu, da…hai bệnh cảnh thường gặp là viêm màng não và nhiễm trùng huyết do não mô cầu với những biểu hiện đặc hiệu như sau:

 A.     Viêm màng não do não mô cầu:

   – Bệnh nhân thường bị sốt cao đột ngột 39oC – 40oC (trẻ đang chơi đùa bình thường đột ngột sốt rất cao phụ huynh cần chú ý).

   – Bệnh nhân than đau đầu dữ dội nhất là vùng trán và sau gáy, đau đầu làm trẻ quấy khóc rất nhiều, đặc biệt là tình trạng nôn và buồn nôn làm trẻ ăn uống khó khăn hoặc thậm chí làm trẻ bỏ ăn, bỏ bú, người mệt mỏi, lừ đừ.

   – Dấu hiệu cổ cứng thường đặc trưng cho tình trạng viêm màng não (dấu hiệu Kernig hoặc Brudzinski dương tính do bác sĩ khám và xác định), trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi có thể xuất hiện dấu hiệu thóp phồng khá đặc trưng.

B.     Nhiễm trùng huyết do não mô cầu:

      – Khởi bệnh thường đột ngột, bệnh nhân sốt cao 39-400 C, ớn lạnh, rét run nhiều lần, nhức đầu, nôn ói, đau khớp, đau cơ đặc biệt đau nhiều ở sống lưng và hai chân. Bệnh nhân có mạch nhanh, thở nhanh và có thể có huyết áp thấp.

      – Hình ảnh đặc sắc nhất là tử ban, xuất hiện trong khoảng 75% các trường hợp, trong vòng một hai ngày sau sốt. Tử ban có đặc điểm: màu đỏ hoặc tím thẫm, bờ không tròn đều, kích thước thay đổi từ 1-2 mm đến vài cm, bề mặt bằng phẳng không gồ lên mặt da, có khi có hoại tử vùng trung tâm. Vị trí tử ban phân bổ khắp người, nhiều nhất ở vùng nách, hông, quanh khớp (khuỷu, gối, cổ chân). Đôi khi tử ban có dạng bóng nước (nốt phỏng) hoặc lan tràn rộng lớn như hình bản đồ.

Cả hai thể bệnh trên rất nguy hiểm, có thể diễn tiến theo chiều hướng nặng rất nhanh và có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ. Nếu nghi ngờ trẻ bị nhiễm bệnh, phụ huynh không nên tự mua thuốc điều trị cho trẻ mà cách tốt nhất nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được thăm khám và điều trị phù hợp nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng của trẻ.

   3.Phòng ngừa nhiễm não mô cầu ở trẻ em: có thể áp dụng những phương pháp sau

      – Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ tốt như: khuyến khích trẻ lớn và người lớn xúc miệng thường xuyên bằng nước muối loãng, rửa tay sạch sẽ đúng cách, mang khẩu trang y tế khi đến nơi công cộng, che miệng khi ho, hắt hơi…

      – Giữ vệ sinh nơi sinh sống: tạo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, phân tán tập thể quá đông đúc và giữa khoảng cách tối thiểu an toàn giữa các giường ngủ là 1,5 mét để hạn chế sự lây truyền bệnh.

      – Tiêm chủng bằng vắc xin là một trong những phương pháp phòng bệnh hiệu quả và chủ động bằng thuốc chủng ngừa não mô cầu sẵn có tại Việt nam.