Tăng trưởng kinh tế và áp lực môi trường

Xét về quy mô phát triển kinh tế xanh, chúng ta cũng cần phải quan tâm đến sự thịnh vượng và công bằng xã hội, nhất là đời sống người nghèo.

Tăng trưởng kinh tế và áp lực môi trường

Định giá những tác hại đối với môi trường theo các con số cụ thể của nhà làm kinh tế là câu chuyện khó khăn nhưng cần thiết khi muốn nền kinh tế phát triển bền vững.
Tiến sĩ Herminia Francisco, giám đốc Chương trình kinh tế và môi trường Đông Nam Á (EEPSEA), đã trả lời Tuổi Trẻ về câu chuyện trên nhân cuộc hội thảo vừa tổ chức ở Nha Trang.
“”Lượng giá các thiệt hại và dịch vụ môi trường là chuyện khó khăn, nhưng sẽ là cơ sở để xây dựng thuế môi trường theo nguyên tắc đã được cả thế giới công nhận là “người gây ô nhiễm phải trả tiền”
TS Herminia Francisco
* Là người am hiểu về tình hình môi trường ở Đông Nam Á, bà có thể dự đoán gì về môi trường VN trong vài năm tới?
– Tôi cho rằng ở tất cả các quốc gia đang theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế đều gặp nhiều áp lực về môi trường. Chúng tôi dự đoán ô nhiễm sẽ nặng hơn, xâm nhập mặn nặng nề hơn và nạn phá rừng sẽ nghiêm trọng hơn. Nhưng về khía cạnh tích cực, tôi nghĩ Chính phủ VN đang có những hành động để giảm áp lực lên môi trường. Chính phủ VN là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á thử nghiệm chương trình PES (Payments for Environmental Services), tức chương trình trả phí dịch vụ môi trường.
Lượng giá các thiệt hại và dịch vụ môi trường là chuyện khó khăn, nhưng sẽ là cơ sở để xây dựng thuế môi trường theo nguyên tắc đã được cả thế giới công nhận là “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Nhưng cao hơn hết, mục tiêu của các chính sách trên chính là giúp thay đổi hành vi, từ người sản xuất đến người thụ hưởng.
Theo tôi được biết, Chính phủ VN đã khởi xướng dự án trả phí môi trường trên và đang có kế hoạch đưa nó vào luật. Các số liệu thống kê của EEPSEA trong thời gian 1993-2009 cũng cho thấy sự đóng góp tích cực từ VN. Trong số các dự án nghiên cứu trong nhóm nước Đông Nam Á, VN chiếm tỉ lệ 21% và số người tham gia trong các dự án, tính theo tổng số người ở khu vực Đông Nam Á, VN chiếm tỉ lệ cao nhất là 23%. Hi vọng những chính sách mà Chính phủ VN đang xây dựng sẽ giúp giảm áp lực lên môi trường.
* Theo bà, mô hình phát triển kinh tế xanh nào phù hợp với sự phát triển bền vững của VN? Ai sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xanh, nhà nước hay tư nhân?
– Tôi nghĩ phát triển kinh tế xanh đồng nghĩa với phát triển bền vững và nhiều thành phần xã hội cần tham gia chứ không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ. Xét về quy mô phát triển kinh tế xanh, chúng ta cũng cần phải quan tâm đến sự thịnh vượng và công bằng xã hội, nhất là đời sống người nghèo.
Tôi nghĩ Chính phủ VN cần chủ động tham gia phát triển mô hình kinh tế vì có một số lĩnh vực mà chỉ Chính phủ có thể làm và làm tốt nhất nếu xét về hàng hoá công. Đồng thời khu vực kinh tế tư nhân cũng cần chủ động tham gia vào quá trình phát triển này bởi chúng ta đang ở trong thời kỳ tối ưu hoá hoạt động sản xuất. Người tiêu dùng cũng phải tham gia tích cực vì họ là người quyết định nguồn năng lượng mà chúng ta đang tiêu thụ, góp phần vào quá trình chống biến đổi khí hậu. Nói một cách vắn tắt, phát triển mô hình kinh tế xanh sẽ đạt được kết quả tốt nhất nếu có sự tham gia của nhiều nhóm, nhiều khu vực kinh tế khác nhau và của tất cả mọi người.
* Ông Andrew Steer, đại sứ về biến đổi khí hậu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), từng phát biểu rằng mục tiêu cơ bản của phát triển xanh là tìm cách đơn giản nhất để làm việc hiệu quả mà không sử dụng nhiều nguồn năng lượng? Bà nghĩ sao về ý kiến này?
– Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến trên. Tôi nghĩ tất cả mọi người đều có trách nhiệm góp phần làm giảm biến đổi khí hậu, khí CO2 và dấu chân “carbon” (số đo tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính một cách trực tiếp hay gián tiếp do cá nhân, tập thể, những sự kiện hoặc do các sản phẩm tạo ra, theo UK Carbon Trust 2008) bằng cách sử dụng năng lượng một cách hiệu quả nhất và hạn chế khai thác cây xanh, rừng và ao hồ. Theo tôi, đó là những cách thức góp phần phát triển kinh tế xanh đơn giản nhất.