Nặng lòng với chim muông

Hằng ngày ông vẫn đi ra vườn chim của mình để kiểm tra và con nào bị bệnh chẳng may rơi xuống đất đều được ông đem vào chữa trị. Bởi thế không lấy làm lạ khi tại khuôn viên vườn chim của ông có hai chuồng với nhiều loài như diệc, cồng cộc, cuốc, giang sen…

 Nặng lòng với chim muông

Hàng chục năm gắn bó với chim muông và cây rừng, ông dường như đã thuộc “tính nết” của chúng. Khi nào chim về rừng nhiều, khi nào chúng sinh sôi… ông đều nói vanh vách.

Giờ đây vườn chim ấy đã có hàng chục ngàn con với hầu hết các loài thuộc Sách đỏ như giang sen, chàng bè, quắm…

Đó là vườn chim ở khóm 9, thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, Cà Mau) của ông Nguyễn Hoàng Na mà người ta hay gọi thân mật là ông Tư Na. Từ con số khoảng 200 công (200.000m2) rừng trên đất vuông tôm từ lúc chim mới kéo về, giờ con số ấy đã là 300 công do ông không ngừng mua đất của các hộ lân cận để phát triển rừng, bảo tồn các loài chim quý.

Đất có lành, chim mới đậu

Sau cơn bão Linda năm 1997, nhiều khu rừng ngập mặn ở Cà Mau bị tàn phá nghiêm trọng, nhưng lạ thay rừng trong vuông tôm của ông Tư Na không bị hư hại nhiều. Ông coi đó là may mắn. Rồi một ngày nắng đẹp cuối năm, chim muông tự dưng lũ lượt bay về khu rừng nhà ông. Lòng dạ ông Na như tơ vò bởi chim kéo đàn về thì tôm cá trong vuông thể nào cũng bị chúng ăn sạch.

Sẽ hỗ trợ ông Na bảo vệ vườn chim

Ông Lê Hoàng Linh, chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn, cho biết: ”Việc làm của ông Tư Na rất đáng trân trọng. Chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng liên quan hỗ trợ ông bảo vệ tốt vườn chim lớn có một không hai này. Hiện địa phương cũng rất ủng hộ việc các công ty du lịch liên kết với ông Na phát triển khu vườn chim thành nơi du lịch sinh thái trên cơ sở vẫn đảm bảo, bảo tồn được các loài chim”.

Chưa biết phải xử lý thế nào thì vài hôm sau đó, dòng họ nhà chim kéo về đông hơn, nhiều chủng loại hơn. Vài chủ vuông tôm gần nhà khuyên ông Na nên đốn bỏ rừng để chim cò không còn nơi trú ẩn, tự khắc bay đi nơi khác. Bà Tư và cả mấy người con ông cũng bảo vậy. Sau vài đêm trằn trọc suy tư, ông quyết định giữ chim bởi một lý do đơn giản: “đất có lành chim mới đậu”.

“Biết vuông tôm nhà tôi chim chóc về nhiều, vài thợ săn địa phương lén vô rừng nã đạn. Vài con bồ nông, điên điển, diệc móc… dính đòn chưa bị chết sà xuống nhà tôi. Nhìn cảnh đó mà tội lắm. Tôi băng bó vết thương, làm chuồng thuần dưỡng chúng, giờ con nào cũng khỏe mạnh, thả ra ngoài cũng không chịu bay” – ông Na nhớ lại những ngày đầu gầy dựng vườn chim như một cái duyên.

Không chỉ thế, hằng ngày ông vẫn đi ra vườn chim của mình để kiểm tra và con nào bị bệnh chẳng may rơi xuống đất đều được ông đem vào chữa trị. Bởi thế không lấy làm lạ khi tại khuôn viên vườn chim của ông có hai chuồng với nhiều loài như diệc, cồng cộc, cuốc, giang sen… vốn là những chú chim yếu ớt bị rớt xuống rừng trước đây được ông thuần dưỡng và sẵn đó để cho bà con đến đây tham quan.

Chim về mỗi ngày một nhiều, một mình ông Na không thể nào lo xuể. Vì thế, từ nhiều năm trước ông đã thuê thêm bốn người phụ trông coi đàn chim. Vườn chim được trông coi kỹ nên chim dần dà sinh sôi bầy đàn, có khoảng vài chục loài và bây giờ ước tổng đàn cả trăm nghìn con.

Chưa bằng lòng, ông thuê người mua cây về giặm thêm rừng nhưng vẫn không đủ chỗ ở cho chúng, thế là ông bỏ tiền sang thêm 80 công vuông cặp bên, mở rộng miếng đất gần 300 công như hiện nay để cho chim cò trú ngụ.

Quen hơi

Lần trở lại nhà ông Tư Na vào đầu tháng 12, chúng tôi thử nói khích ông “thịt” một con cồng cộc trong chuồng thuần dưỡng để đãi khách, ông liền gạt ngang: “Dưới vuông tôm của tao mày muốn ăn thứ gì cũng được, còn làm thịt chim cò thì lấy hộp quẹt đốt nhà tao còn hơn”.

Gần 15 năm gìn giữ vườn chim, cũng là ngần ấy năm ông lặn lội ra vào rừng hằng ngày với chúng nên chúng cũng quen dáng ông. “Người nhà này ra rừng thì tụi nó im thin thít, còn người lạ mặt mà lẻn vô, tụi nó bay dáo dác trên đọt cây mắm, đước… hô hoán vang động cả góc trời. Chừng nào tôi hoặc mấy người làm chạy ra tới nơi chúng mới yên” – ông Tư nói.

Vườn chim thu nhỏ của nhà ông Tư Na cách thị trấn Năm Căn khoảng 4km, đến được bằng xe gắn máy hoặc phương tiện thuỷ. Năm 2010, nơi này được Sở Văn hoá – thể thao và du lịch tỉnh Cà Mau công nhận là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn trong các tour du lịch về thăm Đất Mũi và đã đưa vào danh sách các điểm du lịch phát cho khách tham quan khi đến Cà Mau… ‘

Nhiều đoàn khách đến tham quan đánh giá đây là một trong hai vườn chim lớn nhất ở Cà Mau hiện nay.