Lộ trình 10 năm cho một thoả thuận

Hiệp ước có tính bắt buộc về pháp lý với tất cả quốc gia thải nhiều khí cacbon gây hiệu ứng nhà kính, sẽ được thông qua vào năm 2015 và thực thi từ năm 2020.

 Lộ trình 10 năm cho một thoả thuận

Cuối cùng sau gần 14 ngày thảo luận trong bế tắc với nhiều bất đồng, ngày 11-12 đại diện của 190 quốc gia đã thông qua thoả thuận lộ trình 10 năm để tiến tới một thoả thuận vào năm 2015 về cắt giảm khí thải nhà kính.

Hội nghị biến đổi khí hậu 17 đã khép lại với một thoả thuận mà chủ tịch Maite Nkoana Mashabane mô tả “đã cứu được ngày mai, hôm nay”. Hội nghị nhất trí bắt đầu đàm phán về một hiệp ước mới, theo đó tất cả các nước thực hiện cam kết kiểm soát khí thải theo cùng một khuôn khổ pháp lý. Lộ trình đàm phán bắt đầu từ năm 2012.

Hiệp ước có tính bắt buộc về pháp lý với tất cả quốc gia thải nhiều khí cacbon gây hiệu ứng nhà kính, sẽ được thông qua vào năm 2015 và thực thi từ năm 2020. Hội nghị còn thông qua việc gia hạn nghị định thư Kyoto thêm năm năm sau khi hết hạn vào năm 2012. Đây cũng được xem là một phần quan trọng trong “Gói thoả thuận Durban”.

Các quốc gia cũng đạt được thoả thuận quản lý quỹ viện trợ khí hậu đối với các nước nghèo dù phương pháp quyên tiền cho quỹ này chưa được tiết lộ. “Chúng ta đến đây với kế hoạch A và đã kết thúc hội nghị với kế hoạch A – kế hoạch sẽ cứu một hành tinh cho con cháu chúng ta. Chúng ta đã làm nên lịch sử” – Bộ trưởng quan hệ quốc tế Nam Phi Maite Nkoana Mashabane phát biểu kết thúc hội nghị.

Kết luận cho thoả thuận trên đã bị trì hoãn gần hai ngày họp phụ do những bất đồng giữa Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Ấn Độ,  Trung Quốc trong đàm phán về lộ trình này.

Trong lúc bà Maite Nkoana Mashabane, chủ tịch hội nghị biến đổi khí hậu 17, nói: “Không ai có thể bước ra khỏi căn phòng này và nói rằng chúng tôi không quan tâm đến biến đổi khí hậu” thì các phái đoàn từ Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc lại cho rằng những gì họ đã chứng kiến trong thoả thuận này chỉ là việc áp đặt thời gian biểu quá khắt khe và nói về tính pháp lý quá mức. Ấn Độ không muốn dùng từ bắt buộc về mặt pháp lý trong thoả thuận.

“Tôi vẫn giữ quan điểm của mình về sự công bằng. Đây không phải cho Ấn Độ mà cho cả thế giới” – Bộ trưởng môi trường Ấn Độ Jayanthi Natarajan nói. “Các nước phương Tây không cắt giảm khí thải như họ đã cam kết thì tại sao các nước nghèo phải làm điều đó cho họ” – bà Jayanthi Natarajan nhấn mạnh. Theo Reuters, Mỹ muốn tất cả các nước có lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường đều được hỗ trợ theo cùng một quy định pháp lý về cắt giảm khí thải. Trung Quốc và Ấn Độ lại muốn đảm bảo gói thoả thuận không ảnh hưởng sự phát triển kinh tế của họ.

Trước đó, EU đã đề xuất một thoả thuận cắt giảm khí thải mới vào năm 2015 với sự tham gia của tất cả các nước thải khí độc hại nhiều trên thế giới, và thoả thuận này sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2020, theo đó sẽ cắt giảm 20% lượng khí thải trên toàn cầu. Nhưng đề xuất này vấp phải sự phản đối của nhiều nước, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ. Trung Quốc đứng về phe với Ấn Độ. “Chúng tôi đang làm những việc mà các nước giàu không làm, chúng tôi muốn nhìn thấy hành động thật sự của họ” – trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc Giải Chấn Hoa nói.

Tổ chức Oxfam đã lên tiếng chỉ trích kết quả của hội nghị, cho rằng các nhà thương thuyết đã “chỉ cố tránh một sự đổ vỡ” với việc thoả thuận “ở mức thấp nhất có thể được”. Bà Maite Nkoana Mashabane thừa nhận gói thoả thuận là “chưa hoàn hảo” nhưng cho rằng cũng không nên quá đòi hỏi sự cầu toàn, bởi “đừng để sự cầu toàn là kẻ thù của điều tốt”.