Kiểm soát được?

Câu “kiểm soát được bệnh” là tác nhân khiến các địa phương, cán bộ y tế lơ là trong phòng chống dịch.

 Kiểm soát được?

Ngày 25.10, tại buổi làm việc với các cơ quan báo chí, một lần nữa, Bộ Y tế tái khẳng định “kiểm soát được bệnh tay chân miệng – TCM”, vì thế không cần thiết phải công bố dịch…

Nếu Bộ Y tế “vin” vào một số chi tiết trong quy định về việc công bố dịch để nói rằng “chưa đủ tiêu chí công bố dịch TCM” thì có thể còn chấp nhận được, chứ nói “kiểm soát được bệnh TCM” thì rất không đúng với thực tế. Bởi vì, bệnh TCM không dừng lại, mà ngày càng gia tăng số mắc, số tử vong khiến người dân lo lắng. Thực tế còn phơi bày, bệnh TCM từ số ít ổ dịch, đến nay đã lan rộng ra 63 tỉnh, thành; từ số ca mắc, ca tử vong ít, nay tăng lên nhiều lần… thì không thể cố nói “kiểm soát được” (?!). Cụ thể, hồi cuối tháng 8, khi bệnh TCM đang đỉnh điểm, dư luận đặt câu hỏi tại sao không công bố dịch, Bộ Y tế cũng nói “kiểm soát được bệnh” (khi ấy, số mắc TCM trên cả nước là 35 ngàn ca số tử vong là 83 ca và bệnh xảy ra ở 52 tỉnh, thành). Nhưng đến nay, số mắc TCM (chỉ tính số nhập viện) lên đến gần 78 ngàn ca, số tử vong là 137 ca, và bệnh xảy ra ở 63 tỉnh thành thì sao gọi là vẫn “kiểm soát được”. “Kiểm soát được” sao hầu hết các bác sĩ đều cho rằng, chưa năm nào dịch bệnh TCM lại gia tăng số mắc, số tử vong như năm nay; và thực tế đã chứng minh bệnh TCM năm nay nằm ngoài dự đoán của Bộ Y tế? Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, TS-BS Trần Tịnh Hiền – nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cười và đặt câu hỏi: “Kiểm soát được gì mà bệnh ngày càng lan rộng như thế?”.

Đã hơn nửa năm trôi qua, chính xác là tròn 7 tháng (bệnh TCM gia tăng dữ dội từ cuối tháng 3), bệnh TCM không dừng lại. Trong khoảng thời gian đó, ngành y tế đã có nghiên cứu, điều tra gì về việc vì sao năm nay bệnh TCM tăng đột biến? Hay chỉ loay hoay những thông tin đưa ra tại các cuộc họp đó là: bệnh tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi, do tác nhân virus EV71…; và việc tuyên truyền phòng bệnh cũng là thông tin rửa tay bằng xà phòng, bằng dịch sát khuẩn… Đó là những thông tin chẳng có gì mới.

Việc điều tra dịch tễ, tìm nguyên nhân không được chú tâm đào sâu, vì thế sẽ không đưa ra được hướng dự phòng sát thực nhất với diễn biến của bệnh. Nơi nào có dịch thì cán bộ y tế dự phòng được chỉ đạo lao vào “dập dịch”, cứ thế “dập” hết chỗ này đến chỗ khác, hết địa phương này đến địa phương khác, và kết quả đến nay 63 tỉnh thành đều có bệnh.

Cũng cần lưu ý rằng, câu “kiểm soát được bệnh” là tác nhân khiến các địa phương, cán bộ y tế lơ là trong phòng chống dịch. Dư luận thông cảm với những khó khăn của hệ thống dự phòng trong phòng chống dịch (vì còn những thiếu thốn về con người và phương tiện), nhưng không đồng tình với nhận định “kiểm soát được bệnh” trong tình trạng không kiểm soát được.