15/11/2024

Trái cây rớt nửa giá

Mùa này các loại trái cây đều đến vụ thu hoạch rộ, nhưng nhiều nông dân buồn rười rượi vì giá đã giảm rất thấp và chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

 Trái cây rớt nửa giá

Những ngày qua, nhiều loại trái cây tại ĐBSCL như thanh long, chôm chôm, dừa… giá giảm hơn phân nửa so với tháng trước và tiêu thụ rất chậm. Tình trạng trên khiến nhiều nông dân thua lỗ nặng.

Huyện Chợ Lách (Bến Tre) được xem là “vương quốc” trái cây của khu vực ĐBSCL. Mùa này các loại trái cây đều đến vụ thu hoạch rộ, nhưng nhiều nông dân buồn rười rượi vì giá đã giảm rất thấp và chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Lỗ nặng…

Ông Lê Văn Hiếu ở xã Vĩnh Bình cho biết gia đình ông trồng ba công (3.000m2) chôm chôm, nay đến kỳ thu hoạch nhưng tìm không ra thương lái. Mới đây có người hỏi mua nhưng giá chỉ 1.700 đồng/kg, coi như lỗ nặng. Ông Hiếu tính toán: “Tiền nhân công hái hết 160.000 đồng/người/ngày. Trong khi đó mỗi người chỉ hái được khoảng 150kg/ngày. Tiền bán số chôm chôm này được 255.000 đồng nhưng trả tiền công hết 160.000 đồng, còn đâu mà lời”. Vụ này ông Hiếu thu hoạch khoảng 12 tấn chôm chôm, thu được chỉ 8 triệu đồng trong khi chi phí đầu tư tới 20 triệu đồng.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Sâm ở xã Vĩnh Thành có hơn 4ha chôm chôm với sản lượng khoảng 80 tấn đang vào mùa thu hoạch nhưng tìm mãi mới có thương lái mua giá 1.800 đồng/kg.

Biết lỗ nặng nhưng ông vẫn phải bán với điều kiện mỗi ngày chỉ lấy 2 tấn. Có nghĩa phải mất 40 ngày thương lái mới mua hết số chôm chôm trong vườn, trong khi khoảng mười ngày nữa chôm chôm chín rục và phải bỏ.

Tình trạng “được mùa, mất giá” còn tiếp diễn

Ngày 29-9, ông Nguyễn Trí Ngọc, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho rằng tình trạng “được mùa, mất giá” sẽ còn tiếp diễn chứ chưa thể giải quyết ngay được vì nhu cầu thị trường chỉ ở mức đó mà sản lượng trái cây ngày càng tăng. Do ngân sách có hạn nên đến nay chỉ mới bảo hiểm được cho cây lúa ở khu vực ĐBSCL, còn những loại nông sản khác sẽ được tiến hành từ từ. “Xây dựng và ban hành chính sách thì rất dễ, nhưng kinh phí để thực hiện là bài toán khó. Quy hoạch các vùng cây ăn trái phù hợp với từng thị trường cụ thể đã có, nhưng các địa phương chưa thực hiện được cũng do thiếu kinh phí” – ông Ngọc nói.

Một đại diện vựa trái cây Tư Cẩm ở Chợ Lách cho biết chôm chôm chủ yếu bán trong nước và xuất qua Trung Quốc, Campuchia. Tuy nhiên hiện Trung Quốc không nhập hàng, còn Campuchia đang lũ lụt cũng không mua, dẫn đến tình trạng ứ đọng như bây giờ.

Trái thanh long cũng đang rơi vào cảnh như chôm chôm. Ông Huỳnh Hồng Ẩn, chủ nhiệm HTX thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang), cho biết hiện giá thanh long chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg.

Với mức giá trên nông dân đang lỗ nặng, bởi giá thanh long tối thiểu phải 5.500 đồng/kg mới đủ chi phí đầu tư. Theo ông Ẩn, thị trường thanh long của VN chủ yếu xuất qua Trung Quốc. Tuy nhiên chỉ những tháng giáp tết thị trường này mới có nhu cầu và giá mới cao. Hiện nhiều người tự hái thanh long bỏ xuống gốc làm… phân bón sau này.

Dừa cũng rớt giá tới 50% sau một thời gian ngắn. Cách đây vài tháng giá dừa lên tới 80.000 đồng/chục (12 trái), nhưng hiện chỉ còn 30.000-40.000 đồng/chục. Ông Tâm ở ấp Hoà Bình, xã Hoà Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) cho biết thương lái giải thích dừa giảm giá là do mưa nhiều, ít người uống nước dừa và nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh phía Bắc giảm.

Cung vượt cầu

Ông Bùi Thanh Liêm, trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, cho biết trên địa bàn huyện có 60-70ha/2.000ha chôm chôm nghịch vụ của nông dân đang vào thu hoạch. Tuy nhiên, giá hiện nay chỉ ở mức 1.700-2.000 đồng/kg khiến nông dân lỗ nặng.

Theo nhiều thương lái, do đầu ra của các loại trái cây trên không ổn định, phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc nên khi thị trường này không nhập hoặc nhập ít giá sẽ bị giảm nhanh. “Hiện huyện đang nghiên cứu hướng dẫn nông dân điều tiết lại cho thu hoạch chôm chôm nghịch vụ để không bị thiệt hại nặng. Về lâu dài, chúng tôi cần có một cơ quan nghiên cứu thị trường để hướng dẫn nông dân thời điểm cũng như nhu cầu của thị trường nhằm có thể điều tiết mùa vụ của mình” – ông Liêm cho biết.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết hiện nay giá chôm chôm xuất khẩu giảm mức kỷ lục. Nguyên nhân do sản lượng thu hoạch nhiều làm dội chợ, một số thị trường lớn như Hà Nội và các tỉnh miền Trung nhu cầu tiêu thụ không tăng. Còn thị trường Trung Quốc cũng không có nhu cầu tăng sản lượng mua (mỗi ngày chỉ nhập khoảng 100 tấn).

Ông Nguyễn Xuân Huy – giám đốc Công ty CP chế biến nông sản Long Giang (Tiền Giang), chuyên xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc – xác nhận thị trường Trung Quốc đang “quá tải”. Hiện có rất nhiều xe container trái cây VN qua khỏi cửa khẩu Tân Thanh nhưng thương lái Trung Quốc vẫn không mua và phải nằm chờ hai tuần lễ. Các mặt hàng bị dội chợ nhiều nhất là chôm chôm, nhãn và thanh long.

Thiếu bàn tay điều hành

Theo bà Hồng Thu, việc “trúng mùa, rớt giá” là chuyện không mới. Đa số nông dân hiện nay trồng nhỏ lẻ nên mạnh ai nấy làm. Những năm trước vào thời điểm này nhiều người thấy được giá đổ xô trồng khiến sản lượng tăng đột biến.

Một chuyên gia của Viện Cây ăn quả miền Nam phân tích mấu chốt nằm ở chỗ lĩnh vực trái cây chưa có một bộ máy, một bàn tay điều hành như lĩnh vực lúa gạo khiến nông dân phải “tự bơi”. Nhiều nông dân không hề biết thông tin thị trường trong và ngoài nước, không được ai chỉ đạo, hướng dẫn khi nào xử lý cho ra trái, khi nào ngưng để tránh dội chợ.