06/10/2024

Huấn dụ của ĐTC dành cho các chủng sinh Đức

FREIBURG – Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắn nhủ các chủng sinh ở Đức tận dụng thời gian ở chủng viện, đào sâu đời sống nội tâm với Chúa để chuẩn bị được sai đi.

 Huấn dụ của ĐTC dành cho các chủng sinh Đức

FREIBURG – Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắn nhủ các chủng sinh ở Đức tận dụng thời gian ở chủng viện, đào sâu đời sống nội tâm với Chúa để chuẩn bị được sai đi.

ĐTC đưa ra lời nhắn nhủ này trong cuộc gặp gỡ 60 đại chủng sinh tại Đại Chủng viện Tổng Giáo phận Freiburg lúc gần 6 giờ chiều thứ bảy 24-9-2011. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại Nhà nguyện Thánh Carlo Borromeo, với nghi thức Chầu Mình Thánh Chúa.

Trước đó, để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ, cha giám đốc và các đại chủng sinh gửi cho ĐTC một lá thư, trong đó họ nhắc đến lá thư ngài đã gửi các chủng sinh trước đây, kèm theo những suy tư và cả những thắc mắc.

Lên tiếng tại buổi gặp gỡ, sau lời giới thiệu của Đức TGM Robert Zollitsch, TGM Freiburg, ĐTC đã ứng khẩu bài huấn dụ, trong đó ngài nồng nhiệt mời gọi các chủng sinh tăng cường đời sống hiệp thông với Chúa Kitô, tận dụng giai đoạn thụ huấn tại chủng viện này, để mai sau trở thành những tông đồ nhiệt thành của Chúa.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

ĐTC nói: “Chắc chắn là nếu chúng ta có thể cùng nhau đối thoại thì thật là tốt đẹp, nhưng rất tiếc là thời khoá biểu của chuyến viếng thăm không cho phép làm như vậy. Vì thế, tôi chỉ có thể tái trình bày một số tư tưởng liên quan đến điều mà anh em đã viết và tôi cũng đã viết về điều đó.

Về câu hỏi “Chủng viện thuộc về đâu; thời gian chủng viện có nghĩa là gì?”, xét cho cùng, càng ngày tôi càng có ấn tượng mạnh vì cách thức Thánh Marco, trong chương thứ 3 sách Tin Mừng của ngài, đã mô tả sự hình thành cộng đoàn các Tông đồ: “Chúa lập Nhóm Mười Hai”. Ngài kiến tạo một cái gì đó, đó là một hành vi sáng tạo. Và ngài chọn các ông, “để họ ở với Ngài và để sai họ đi” (x. Mc 3,14): xét dưới một số khía cạnh, hai ý muốn được diễn tả ở đây có vẻ là mâu thuẫn. Trước hết “để họ ở với Ngài”: họ phải ở với Chúa, để biết rõ Ngài, để lắng nghe Ngài, để cho Ngài uốn nắn; họ phải đi với Ngài, đồng hành với Ngài, đi cạnh và đi sau Ngài. Nhưng đồng thời họ cũng phải là những người được sai đi, khởi hành, mang theo những gì họ đã học được, mang cho những người đồng hành khác – họ đi ra vùng ngoại ô, ra môi trường rộng lớn hơn, và đi tới những miền rất xa xăm.

“Tuy nhiên, những khía cạnh trái ngược đó vẫn dung hợp với nhau: nếu các Tông đồ thực sự ở với Chúa, thì các vị cũng luôn đến với tha nhân, khi ấy, họ đi tìm những con chiên lạc, họ ra đi, thông truyền điều mà họ đã tìm thấy, họ phải làm cho người khác nhận biết Chúa, trở thành các thừa sai. Và ngược lại, nếu họ muốn là những người thực sự được sai đi, thì họ phải luôn ở với Chúa. Thánh Bonaventura có lần đã nói rằng các Thiên thần, dù đi đâu, ở nơi xa xăm đến đâu, các vị vẫn luôn di chuyển trong Chúa. Cũng vậy, ở chủng viện này, với tư cách là linh mục, chúng ta phải đi ra ngoài, ra đi trên mọi nẻo đường có dân chúng, để mời gọi họ vào dự tiệc cưới. Nhưng chúng ta chỉ có thể thi hành điều đó khi chúng ta luôn ở bên Chúa. Và học hỏi điều ấy, vừa ra ngoài, được sai đi, vừa ở với Chúa, ở lại bên Chúa, tôi tin rằng đó chính là điều chúng ta phải học ở trong chủng viện. Cách thức đúng đắn để ở với Chúa, bám rễ sâu trong Chúa – ngày càng ở với Chúa, biết Chúa rõ hơn, ngày càng gắn bó và không xa lìa Chúa – đồng thời lại càng phải đi ra ngoài, mang sứ điệp, thông truyền sứ điệp chứ không giữ riêng cho mình, mang Lời Chúa cho những người tuy ở xa nhưng vẫn là thụ tạo của Chúa và được Chúa Kitô yêu thương, họ cũng mang trong con tim một ước muốn về Chúa.

ĐTC nói tiếp: “Vì thế, chủng viện là một thời gian luyện tập, và chắc chắn cũng là thời kỳ phân định và học hỏi: Chúa có muốn tôi theo con đường này hay không? Ơn gọi cần phải được kiểm chứng, và đời sống cộng đoàn cũng nhắm mục tiêu đó, và dĩ nhiên cuộc đối thoại với các vị linh hướng mà các thầy có được, cũng với mục đích học cách phân định xem đâu là ý Chúa.

Tiếp đến là học tín thác: nếu Chúa thực sự muốn gọi tôi, thì tôi có thể tín thác nơi Ngài. Thế giới ngày nay đang biến chuyển đến độ không thể tưởng tượng nổi, và trong đó mọi sự liên tục thay đổi, những quan hệ giữa con người bị cắt đứt vì xảy ra những cuộc gặp gỡ mới, ngày càng khó tin tưởng: tôi có bền đỗ kiên trì suốt đời? Đối với chúng ta thời nay không dễ tưởng tượng Chúa muốn cho ta bền đỗ mấy chục năm, thế giới sẽ thay đổi như thế nào? Tôi có kiên trì ở với Chúa như tôi đã hứa với ngài hay không?… Đó là một câu hỏi đòi phải kiểm chứng ơn gọi, nhưng rồi hễ tôi càng nhìn nhận: đúng vậy, Chúa muốn tôi, ngài muốn tôi tín thác nơi ngài, nếu ngài muốn tôi, thì ngài cũng sẽ nâng đỡ tôi, thì trong lúc bị cám dỗ, trong lúc nguy hiểm, Chúa sẽ hiện diện và cho tôi những người để hỗ trợ, Chúa sẽ chỉ đường cho tôi, sẽ nâng đỡ tôi. Và lòng trung thành là điều có thể, vì Chúa luôn hiện diện, và vì Chúa hiện hữu hôm qua, hôm nay và ngày mai, vì Chúa không phải chỉ thuộc về thời gian này, nhưng ngài còn là tương lai và có thể nâng đỡ chúng ta trong mọi lúc”.

“Thời gian chủng viện là thời gian phân định, học hỏi, kêu gọi… và rồi dĩ nhiên, vì là thời gian ở với Chúa, nên đó cũng là thời gian cầu nguyện, lắng nghe Chúa. Lắng nghe, học cách thực sự lắng nghe Chú – qua Lời Kinh Thánh, trong đức tin của Giáo Hội, trong phụng vụ của Hội Thánh – và học đặc tính hiện tại của Lời Chúa. Trong khoa chú giải, chúng ta học bao nhiêu điều về quá khứ: tất cả những gì đã xảy ra khi ấy, đâu là những nguồn mạch Kinh Thánh, đâu là những cộng đoàn đã hiện hữu… Điều ấy cũng quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn nữa là trong quá khứ ấy, chúng ta học hiện tại ngày nay, Chúa đang nói với ta qua lời ấy và tất cả những lời này đều mang trong mình đặc tính hiện tại, ngày hôm nay, và vượt lên trên khởi đầu lịch sử, những lời Kinh Thánh chứa đựng một sự sung mãn, nói với mọi thời đại. Và điều quan trọng là học hỏi đặc tính hiện tại của Lời Chúa – học cách lắng nghe – và qua đó có thể nói với con người ngày nay về Lời Chúa. Chắc chắn là khi dọn bài giảng Chúa nhật, ta thấy Lời Chúa hoặc Thiên Chúa nhiều khi rất xa lạ! Nhưng nếu tôi sống Lời Chúa, thì lúc đó tôi sẽ thấy rằng Lời Chúa không xa lạ, trái lại rất thời sự, hiện tại bây giờ, có liên hệ tới tôi và tới người khác. Và khi ấy tôi cũng học cách giải thích Lời Chúa. Nhưng để được như vậy cần có một sự đồng hành liên lỉ với Lời Chúa.

ĐTC cũng nhận xét rằng: “Đích thân ở với Chúa Kitô, với Thiên Chúa hằng sống, đó là một chuyện, nhưng một điều khác nữa là chúng ta chỉ có thể tin trong một cộng đồng, trong một đoàn thể. Thỉnh thoảng tôi vẫn nói: Thánh Phaolô đã viết ‘đức tin đến từ sự lắng nghe’ – chứ không từ việc đọc. Cũng cần phải đọc, nhưng đức tin đến từ sự lắng nghe, nghĩa là từ lời sinh động, từ những lời mà người khác nói với tôi, và tôi có thể nghe, từ những lời của Giáo Hội qua mọi thời đại, từ lời hiện tại mà Giáo Hội nói với tôi qua các linh mục, các giám mục, các anh chị em. Tha nhân cũng thuộc về đức tin, “cộng đoàn” cũng thuộc về đức tin.

“Và chính sự tập luyện chịu đựng lẫn nhau cũng là điều rất quan trọng; học các đón nhận tha nhân như tha nhân trong sự khác biệt của họ, và học biết rằng họ cũng phải chịu đựng tôi trong sự khác biệt, để chúng ta trở thành “chúng ta”, thành một cộng đồng, để rồi một ngày kia, cả trong giáo xứ, chúng ta có thể họp thành một cộng đoàn, mời gọi người khách gia nhập trong cộng đoàn Lời Chúa, và cùng nhau tiến bước về cùng Thiên Chúa hằng sống. Cộng đoàn chúng ta trở thành điều cụ thể, giống như chủng viện, và mai mốt giáo xứ cũng vậy, nhưng luôn nhìn xa hơn cái cộng đoàn của mình cụ thể và giới hạn, nhìn đến cộng đoàn Giáo Hội mọi nơi và mọi thời, để không coi chúng ta là tiêu chuẩn tuyệt đối.

Khi nói “chúng ta là Giáo Hội”, đúng vậy, chúng ta chứ không phải bất kỳ ai khác; nhưng từ “chúng ta” ở đây rộng hơn cái nhóm chúng ta đang nói. “Chúng ta” là toàn thể cộng đoàn tín hữu, mọi nơi và mọi thời. Và tôi luôn nói: trong cộng đoàn các tín hữu, có thể có phán đoán của nhóm đa số, nhưng không bao giờ có thể có nhóm đa số chống lại các Tông đồ và chống lại các Thánh: loại đa số như vậy là đa số giả tạo. Chúng ta là Giáo Hội: chúng ta thực là như vậy chính vì chúng ta mở rộng và đi xa hơn chính mình và ở với tha nhân”.

Trong phần kết luận bài huấn dụ ứng khẩu, ĐTC nói: “Tôi thiết nghĩ vì thời biểu, tôi phải kết thúc ở đây. Tôi chỉ muốn nói thêm với anh em một điều này nữa: việc chuẩn bị lên chức linh mục, con đường tiến đến đó, trước tiên đòi phải học hành. Không phải là học hành trí thức thường thấy trong Giáo hội Tây phương, nhưng việc học ở đây là một cái gì thiết yếu. Tất cả chúng ta biết rằng Thánh Phêrô đã nói: “Anh em hãy luôn sẵn sàng trả lời cho những ai hỏi anh em lý do tại sao anh em tin” (x. 1 Pr 3,15). Thế giới chúng ta ngày nay là một thế giới duy lý, vì chịu ảnh hưởng của khoa học, cho dù rất nhiều đi đây chỉ là thứ khoa học tính bề ngoài thôi, Nhưng tinh thần khoa học, sự hiểu biết, sự giải thích điều có thể biết, sự loại bỏ tất cả những gì không hợp lý, đó là điều rất thịnh hành ngày nay. Điều ấy cũng có một cái gì cao cả, cho dù nhiều khi đàng sau đó có tiềm ẩm một sự rất tự phụ và điên rồ. Đức tin không phải là một thế giới tình cảm ở bên cạnh mà chúng ta tự cho phép mình, nhưng đức tin là điều bao trùm tất cả và mang lại ý nghĩa cho thế giới ấy, giải thích và mang cho nó những đường hướng luân lý đạo đức nội tâm, để được hiểu và sống trước mặt Chúa và từ Thiên Chúa. Vì thế, điều quan trọng là được huấn luyện, hiểu và có tâm trí cởi mở, học hỏi. Dĩ nhiên là trong 20 năm nữa, sẽ có những lý thuyết triết học thịnh hành khác hẳn với những triết lý đang thịnh hành ngày nay: nếu tôi nghĩ đến điều rất thịnh hành, tân thời trước kia, nhất là về triết lý, thì tôi thấy tất cả những triết lý đó nay đã bị quên lãng. Dầu vậy, học hỏi những điều đó vẫn không phải là vô ích, vì trong đó có những yếu tố trường tồn, Và nhất là qua đó học phán đoán, theo dõi trong tâm trí một tư tưởng và thi hành điều đó với óc phê bình, và học làm sao để khi suy nghĩ, ánh sáng của Thiên Chúa soi chiếu chúng ta và không tắt lịm. Học là điều thiết yếu, chỉ như thế chúng ta mới có thể đương đầu với thời nay và loan báo cho thời đại lý do tại sao chúng ta tin. Học hỏi trong tinh thần phê bình, với ý thức rằng ngày mai có có người nói khác; học hỏi trong sự thỉnh thức, cởi mở, khiêm tốn, để luôn học với Chúa, trước mặt Chúa và vì Chúa.

Tôi còn có thể nói biết bao điều nữa mà có lẽ tôi phải nói. Tôi cám ơn anh em vì đã lắng nghe. Trong kinh nguyện, tất cả các chủng sinh của thế giới đều hiện diện trong tâm hồn tôi – tuy không được như thế này, với những tên mà tôi đã nhận được ở đây, nhưng họ hiện diện trong một hành trình nội tâm hướng về Chúa: Xin Chúa chúc lành cho tất cả, và xin ngài ban cho tất cả ánh sáng, và chỉ chọ họ con đường đúng đắn, xin Chúa ban cho chúng ta nhiều linh mục tốt, xin thành tâm cám ơn anh em”.