23/01/2025

“Đường lưỡi bò” núp bóng khoa học

Nhiều người Việt trên thế giới, trong đó có tiến sĩ Dương Danh Huy, đang cùng nhau thảo thư yêu cầu Science đính chính và chấm dứt việc đăng bản đồ phương hại tới chủ quyền Việt Nam trong tương lai.

 “Đường lưỡi bò” núp bóng khoa học

Tạp chí Science vừa đăng một bài báo trong đó kèm nhiều bản đồ thể hiện “yêu sách đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên biển Đông. Và đây không phải là trường hợp cá biệt.

Tuần san Science của Hiệp hội Mỹ vì sự phát triển khoa học (AAAS) là một trong những tạp chí học thuật uy tín nhất, được trích dẫn vào loại nhiều nhất thế giới. Trong số báo ngày 9.7.2011, Science đăng bài Lịch sử dân số Trung Quốc và những thách thức trong tương lai (China’s Demographic History and Future Challenges của Bành Hi Triết). Bài báo cho ta một cái nhìn tổng quát về dân số Trung Quốc qua các thời kỳ cũng như chỉ ra các thách thức về dân số tại nước này. Sẽ không có gì đáng bàn nếu đây chỉ là một công trình khoa học thuần tuý…

Chiêu “Tăng Sâm giết người”

Điều đáng chú ý là trong phần viết về tỷ lệ các độ tuổi của dân số Trung Quốc, tác giả Bành Hi Triết, thuộc Đại học Phúc Đán, đã đăng kèm 4 bản đồ. Trong đó, bên cạnh mỗi bản đồ lớn in hình lục địa Trung Quốc, còn có bản đồ nhỏ ghi chú “South China Sea” (biển Nam Trung Hoa, tức biển Đông), cùng đường lưỡi bò ôm trọn vùng biển này. Có thể dễ dàng nhận thấy phía trong đường lưỡi bò ngang ngược ấy là hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

 

“Science không nên cho phép các nhà khoa học lợi dụng để biến thành một nơi đăng tải các yêu sách về lãnh thổ của họ. Science cần tránh việc gây cho độc giả hiểu nhầm rằng tạp chí này đang ủng hộ hoặc thể hiện sự thiên vị đối với yêu sách lãnh thổ của một phía nào đó, gây phương hại cho những phía khác.”

 

Trích thư phản đối do tiến sĩ Dương Danh Huy (Anh) chuyển cho Thanh Niên

“Đường lưỡi bò” là một yêu sách vô lý của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Giới quan sát và nhiều chuyên gia độc lập trên thế giới, bằng các luận cứ không thể chối cãi, từng chỉ ra sự phi lý của yêu sách đường lưỡi bò.

Bài báo trên Science không phải là trường hợp đầu tiên. Ngày 19.4.2011, tạp chíJournal of Waste Management đã đăng bài Thu gom phân loại chất thải rắn đô thị tại nguồn: Một phân tích so sánh (Municipal solid waste source-separated collection in China: A comparative analysis) của nhóm tác giả Trung Quốc, trong đó cũng đính kèm bản đồ minh hoạ có in hình yêu sách đường lưỡi bò.

Có thể thấy, một bộ phận người Trung Quốc, kể cả giới học giả nước này đang chủ ý đăng tải bản đồ đường lưỡi bò “mọi lúc, mọi nơi” với mục đích “mưa lâu thấm đất”. Những hình ảnh đường lưỡi bò vô lý được lặp đi lặp lại sẽ khiến người đọc dần quen mắt, rồi tiếp nhận chúng một cách thản nhiên. Chiêu này làm ta nhớ tới câu chuyện “Tăng Sâm giết người” thuở xưa. Sau ba lần nhận được cùng một thông tin sai sự thật, bà mẹ Tăng Sâm ban đầu không tin nhưng rốt cuộc đã tin rằng con mình giết người. Cách làm của Trung Quốc ở đây cũng vậy.

 

Vào ngày 18.8, Báo Thanh Niên đã gửi thư cho tạp chí Science để yêu cầu phản hồi và rút bỏ bản đồ hình lưỡi bò đăng cùng bài viết Lịch sử dân số Trung Quốc và những thách thức trong tương lai. Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi đáp của Hiệp hội Mỹ vì sự tiến bộ khoa học.

Trùng Quang

 

Lâu nay, Trung Quốc chủ yếu phổ biến các bản đồ với yêu sách ngang ngược của họ ra đại chúng. Giờ đây, họ bắt đầu tấn công mạnh vào giới hàn lâm. Việc đăng tải bản đồ với yêu sách đường lưỡi bò trên các chuyên san khoa học lớn trên thế giới sẽ có tác dụng mạnh, do được cộng hưởng từ uy tín của các tạp chí này.

Phải chấm dứt đăng bản đồ phi lý

Thông tin về bài báo có tấm bản đồ vô lý của Science được tiến sĩ Dương Danh Huy ở Anh chuyển tới Báo Thanh Niên. Ông Huy cho biết người Việt ở khắp thế giới đang nỗ lực đấu tranh để chống lại yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc, trước hết là ngăn chặn việc đăng tải bản đồ sai trái trên các ấn phẩm quốc tế. Ở Canada có nhóm Xoá Lưỡi Bò của tiến sĩ Bùi Quang Hiển và tiến sĩ Trần Ngọc Tiến Dũng; ở Úc, Mỹ và New Zealand có nhóm của các anh Nguyễn Hùng, Ngô Khoa Bá, Lê Quang Long; ở Đức có nhóm VLOS của anh Cao Xuân Hiếu. Nhóm Xoá Lưỡi Bò đã mở một trang mạng cập nhật liên tục các bài báo khoa học có kèm bản đồ đường lưỡi bò và gửi thư tới ban biên tập ấn phẩm đó để phản đối.

 

Nature cũng bị học giả Trung Quốc xỏ mũi

Theo thông tin của nhóm Xoá Lưỡi Bò đã được chúng tôi kiểm chứng, chuyên san Nature, tạp chí khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới và còn nổi tiếng hơn cả Science, vào ngày 2.9.2010 đã đăng bàiNhững tác động của biến đổi khí hậu lên nguồn nước và ngành nông nghiệp tại Trung Quốc (The impacts of climate change on water resources and agriculture in China) của nhóm tác giả người Trung Quốc kèm bản đồ đường lưỡi bò. Một loạt ấn phẩm của các nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan), Springer (Đức), Wiley (Mỹ), tạp chí Journal of Petroleum Science and Engineering…cũng đăng bản đồ đường lưỡi bò kèm theo các bài báo khoa học của tác giả Trung Quốc.

 

Nhiều người Việt trên thế giới, trong đó có tiến sĩ Dương Danh Huy, đang cùng nhau thảo thư yêu cầu Science đính chính và chấm dứt việc đăng bản đồ phương hại tới chủ quyền Việt Nam trong tương lai. Bức thư có đoạn viết: “Là một chuyên san khoa học uy tín, Science không nên đăng tải yêu sách của một phía đối với một vùng tranh chấp, gây phương hại cho các phía khác. Science không nên cho phép các nhà khoa học lợi dụng để biến thành một nơi đăng tải các yêu sách về lãnh thổ của họ. Science cần tránh việc gây cho độc giả hiểu nhầm rằng tạp chí này đang ủng hộ hoặc thể hiện sự thiên vị đối với yêu sách lãnh thổ của một phía nào đó, gây phương hại cho những phía khác”.

Theo tiến sĩ Dương Danh Huy, việc phát hiện và phản đối bản đồ đường lưỡi bò trên các ấn phẩm quốc tế là cực kỳ quan trọng. Dễ thấy rằng dù các tài liệu này không có giá trị pháp lý trong giải quyết tranh chấp nhưng chúng sẽ gây ra ngộ nhận trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cộng đồng khoa học. Trung Quốc sẽ càng hưởng lợi khi có nhiều người hơn nữa tin vào bản đồ đường lưỡi bò. Không chỉ truy tìm và phản đối, Việt Nam cần chủ động liên hệ với các tạp chí học thuật để ngăn chặn việc này.

Trước đây, Hội Địa lý quốc gia (NGS) ở Mỹ từng đăng bản đồ phương hại đến chủ quyền Việt Nam trên biển Đông, sau khi nhiều tổ chức, cá nhân, cơ quan báo chí, chính quyền Việt Nam lên tiếng, NGS đã đính chính, sửa đổi. Dịch vụ Google Maps của hãng Google cũng đã thực hiện điều tương tự. Động thái rút kinh nghiệm, sửa sai của Google và NGS là đáng ghi nhận.

Science, là một chuyên san khoa học uy tín hàng đầu thế giới, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, đính chính đối với các bản đồ gây phương hại tới chủ quyền Việt Nam đã đăng trên ấn phẩm của mình và cần chấm dứt việc đăng tải các tài liệu tương tự trong tương lai. Các tạp chí, nhà xuất bản khác, được nêu tên và chưa được nêu tên trong bài viết này, cũng cần thực hiện điều tương tự.