Cái giá của cuộc chuyển giao

Việc chứng tỏ khả năng kiểm soát được tình hình luôn là cách ông Putin giành được sự tin cậy của công chúng Nga. Do đó, ông Putin hẳn phải thể hiện rõ sự cứng rắn cho dù đó là với người bạn Kudrin.

 Cái giá của cuộc chuyển giao

Kế hoạch chuyển giao quyền lực tưởng như êm ả tại điện Kremlin (Nga) đã vấp phải “ổ gà” đầu tiên với sự ra đi của Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin.

Giải thích lý do từ chức, ông Kudrin, như RIA Novosti mới đây cho biết, nói rằng ông không hài lòng với các chính sách kinh tế của Tổng thống Medvedev. “Trong vài tháng qua, bất chấp những cảnh báo của tôi, kể cả những cảnh báo công khai, (chính phủ) vẫn đưa ra các quyết định về chính sách ngân sách chắc chắn sẽ làm gia tăng những rủi ro” – ông Kudrin khẳng định, và nêu rõ việc ông Medvedev tăng chi tiêu cho quân sự và xã hội là “vô trách nhiệm”.

Ông Putin kêu gọi cácquan chức duy trì kỷ luật

Theo Interfax, Thủ tướng Putin đã chỉ định Thứ trưởng Tài chính Anton Siluanov làm bộ trưởng tài chính tạm quyền, đồng thời yêu cầu Phó thủ tướng Igor Shuvalov đảm nhận những nhiệm vụ của ông Kudrin ở vị trí phó thủ tướng. Ông Putin cũng kêu gọi các quan chức chính phủ duy trì kỷ luật và trách nhiệm trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 12-2011 và cuộc bầu cử tổng thống tháng 3-2012.

Báo The Moscow Times cho rằng phản ứng của ông Kudrin không đơn thuần xuất phát từ những bất đồng về chính sách. Trên thực tế, từ lâu trước khi Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin tuyên bố sẽ “đổi ghế”, giới quan sát đã xác định ông Putin sẽ quay trở lại điện Kremlin vào năm 2012. Và người được kỳ vọng giữ chức thủ tướng trong chính quyền mới không phải ai khác ngoài ông Kudrin. Nhưng tại đại hội đảng Nước Nga thống nhất cuối tuần qua, ông Putin đã khẳng định ông Medvedev sẽ trở thành người đứng đầu chính phủ năm 2012.

Những bất đồng công khai trong hàng ngũ lãnh đạo Nga là cực hiếm. Do đó, khó có thể tưởng tượng cuộc “nổi loạn” của ông Kudrin lại có thể là một phần của kịch bản đã được dựng sẵn trong chiến lược chuyển giao quyền lực của Matxcơva. Không chỉ vậy, ông Kudrin còn là bạn thân kể từ thời làm việc trong chính quyền St. Petersburg từ thập niên 1990 với ông Putin.

Chính ông Kudrin là người giúp ông Putin bước vào điện Kremlin, và năm 2000 ông Putin đã chỉ định ông Kudrin làm bộ trưởng tài chính. Hơn nữa, phương Tây và các nhà đầu tư nước ngoài còn đánh giá rất cao các chính sách tài khoá, thuế và ngân sách của ông Kudrin. Do đó, rõ ràng sự ra đi của ông Kudrin, nhà quản lý kinh tế đáng tin cậy nhất của Matxcơva, là một diễn biến ngoài mong đợi của ông Putin. Một số nhà quan sát Nga đã mô tả việc ông Kudrin mất chức giống như một bàn tự đưa bóng vào lưới nhà của điện Kremlin.

Đáng chú ý hơn là cách xử lý quyết liệt của điện Kremlin cho dù ông Kudrin là một trong những đồng minh thân cận nhất của Thủ tướng Putin. Interfax cho biết chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi ông Medvedev sa thải ông Kudrin, tên của cựu bộ trưởng tài chính này đã bị xoá khỏi lịch làm việc của chính phủ. Văn phòng của ông Kudrin cũng lập tức bị dọn dẹp, và ông cũng nhận được thông báo phải rời khỏi căn biệt thự do chính phủ cấp bên ngoài Matxcơva trong vòng 30 ngày.

Sự quyết liệt đó cho thấy ông Putin muốn ngăn chặn mọi vấp váp có thể xảy ra trong cuộc chuyển giao quyền lực giúp ông trở lại điện Kremlin với tư cách tổng thống. Và sự nghiệp của ông Kudrin là cái giá đáng phải trả. Việc ông Kudrin chỉ trích công khai ông Medvedev đã ảnh hưởng đến vị thế của tổng thống.

Nếu ông Kudrin không bị trừng phạt, rất có thể các quan chức khác trong chính phủ cũng có những động thái tương tự mà không e ngại. Uy tín của ông Medvedev bị xâm phạm sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến “cỗ xe quyền lực hai chỗ ngồi” của thủ tướng và tổng thống Nga, nhất là trong thời điểm hiện tại.

Ông Medvedev cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử của đảng Nước Nga thống nhất nhằm đảm bảo thế đa số 2/3 tại Duma quốc gia sau cuộc bầu cử ngày 4-12 tới, bởi ông là người đứng đầu danh sách các ứng viên của đảng này. Làm tổn thương ông Medvedev cũng có nghĩa là làm tổn thương ông Putin.

Việc chứng tỏ khả năng kiểm soát được tình hình luôn là cách ông Putin giành được sự tin cậy của công chúng Nga. Do đó, ông Putin hẳn phải thể hiện rõ sự cứng rắn cho dù đó là với người bạn Kudrin. Việc ngay cả một người như ông Kudrin cũng sẵn sàng bị thay thế thì sự răn đe này sẽ có tác dụng ngăn chặn bất cứ sự “nổi loạn” nào khác.

Vấn đề sắp tới là bộ đôi quyền lực Putin – Medvedev sẽ làm gì để trấn an các nhà đầu tư nước ngoài và tiến hành các cải tổ kinh tế – tài chính khi không có ông Kudrin?