23/11/2024

Củ ấu quê mình

Nhớ lần đầu tiên chạm mắt củ ấu ở miền Nam, vừa thấy lạ vừa thấy thích bởi nó to, mập và chẳng có gai. Còn củ ấu quê mình thì sao?

 Củ ấu quê mình

 “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau trái bồ hòn cũng méo”. Nói thế để thấy củ ấu không hề tròn mà thậm chí méo mó, gai góc.

Nhớ lần đầu tiên chạm mắt củ ấu ở miền Nam, vừa thấy lạ vừa thấy thích bởi nó to, mập và chẳng có gai. Còn củ ấu quê mình thì sao? Đã nhỏ, chưa bằng ngón chân cái, lại gai góc đầy mình. Ở quê mình, muốn ăn được củ ấu ít nhất phải bị gai đâm vài ba cái.

Ấu thường mọc ở bàu (như đầm). Ấu có sức sống rất phi thường, một dây ấu bỏ xuống nước, chỉ vài ngày sau, ấu đã nhảy đầy, nơi nào ấu mọc thì nơi ấy không cây nào sống chen được. Thuở thiếu niên, ngày hè, cả bọn nhóc trong xóm thường rủ nhau chèo ghe đi hái ấu. Tất nhiên, lúc nào cũng phải năn nỉ người lớn đi cùng. Tụi con nít chúng tôi chèo ghe được nhưng lóc chóc, ghe dễ lật, người lớn không cho đi. Chèo ghe một quãng sẽ đến ruộng ấu.

Mùa hè là mùa ấu già, củ ấu bám dọc theo rễ. Nhìn bụi ấu nào có lá ố vàng, đích thị nơi đó có ấu già. Tụi nhỏ chúng tôi được dạy, chỉ được hái củ già, phải chừa củ non để chúng già đi, hái vào lần sau. Do ấu mọc thành chùm, rễ rậm rạp nên ai lỡ rơi xuống nước nơi vùng ấu mọc sẽ bị rễ ấu quấn tay chân, khó trồi lên mặt nước.

Củ ấu mang về, rửa sơ với nước giếng cho bớt mủ rồi hấp, cho một ít muối để củ thêm mằn mặn. Mười lăm phút sau là có thể thưởng thức. Ăn ấu bằng cách cắn hay dùng dao để tách. Dù ấu có gai tua tủa nhưng bọn con nít chúng tôi cắn rất “điệu nghệ”, gai không đụng nướu hay lưỡi. Người lớn thường chọn cách dùng dao để tách củ, lấy ruột. Củ ấu già có vị bùi bùi, ăn một củ là muốn ăn  thêm nữa. Thi thoảng, khi cắn phải củ ấu non, ruột ấu sẽ phụt lên mũi thành một dòng nhựa trắng, sệt sệt như kem, trông rất buồn cười. Rổ ấu to, gai góc là thế nhưng chỉ một thoáng, cả nhà đã “quét” sạch. Vỏ ấu sau khi ăn phải gom lại cẩn thận, phơi khô rồi nhóm bếp hoặc đốt đi. Nếu để rơi vãi, gai ấu khô đâm vào chân tay, sẽ mắc luôn trong da thịt, rất đau nhức.

Cũng vì gai ấu có tác hại là thế mà cho đến giờ, ở quê, củ ấu chỉ còn trong tiềm thức. Năm đó, chẳng hiểu sao ấu lại ra củ vào mùa lụt, tháng 8, 9, 10 âm lịch. Nước đổ về bàu kéo theo củ ấu, ấu theo dòng chảy, mắc vào ruộng, tràn lên đường, vào tận trường học, vào cả nhà dân. Sau mùa lụt năm đó, người dân ai cũng ta thán vì gai ấu, hàng trăm người bị gai ấu đâm, bao nhiêu lốp xe bị thủng… Thế là người ta tận diệt ấu.

Và tôi lớn lên, rời quê. Bây giờ, mỗi dịp trở về, thèm lắm cái cảm giác chèo ghe đi hái ấu và thèm nếm lại vị bùi bùi, mằn mặn của củ ấu quê mình.