23/12/2024

Cơ khí Việt bị ra rìa!

Nhiều doanh nghiệp hiệp hội cho rằng việc ra nhiều chỉ thị, quyết định là cần thiết, nhưng điều cần hơn là giải pháp thực hiện và chế tài đối với các chủ đầu tư thì hàng Việt mới có cơ hội.

 Cơ khí Việt bị ra rìa!

 “Doanh nghiệp cơ khí VN đang bị cho ra rìa”…Đó chỉ là một trong những lời cảnh báo tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện chỉ thị của Bộ Công thương về tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư trong nước tổ chức ngày 28-9.

Tại buổi sơ kết, nhiều doanh nghiệp hiệp hội cho rằng việc ra nhiều chỉ thị, quyết định là cần thiết, nhưng điều cần hơn là giải pháp thực hiện và chế tài đối với các chủ đầu tư thì hàng Việt mới có cơ hội.

“Doanh nghiệp Việt ra rìa”

“Nếu cứ để tình trạng nhà thầu Trung Quốc trúng thầu EPC như hiện nay thì không thể phát triển ngành cơ khí nữa vì chúng tôi ra rìa cả, họ làm hết!”

Ông Nguyễn Văn Thụ (chủ tịch Hiệp hội Cơ khí VN)

Ông Vũ Việt Kha, tổng giám đốc Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp, mở đầu bài phát biểu với đúc kết buồn: “Cả đời làm cơ khí, tôi thấy năm 2011 là năm khó khăn nhất với ngành cơ khí”. Theo ông Kha, trong việc sử dụng vật tư, thiết bị trong nước, dù đã có khá nhiều cuộc vận động, chỉ thị nhưng “hình như các doanh nghiệp trong nước không còn mặn mà như trước”. Trong khi đó, hiện các doanh nghiệp VN đã làm được nhiều thiết bị trong các nhà máy nhiệt điện, thủy điện và có thể thay thế hàng nhập khẩu nhưng nhà thầu Trung Quốc không mua. “Không hiểu lý do gì mà họ cứ được làm và hầu như các công trình lớn Trung Quốc đều thắng thầu?” – ông Kha đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Thụ, chủ tịch Hiệp hội Cơ khí VN, cũng bức xúc: nếu chọn các tổng thầu thuộc các nước công nghiệp phát triển VN còn được làm khoảng 30%. Nhưng với các nhà thầu Trung Quốc, “họ không cho ta làm cái gì hết”. Nêu thực tế toàn bộ các nhà máy ximăng ở Ninh Bình năm 2007 đều do Trung Quốc làm, ông Thụ lo lắng: “Chúng tôi đau xót quá vì những thiết bị nhà máy ximăng đó chúng ta làm được”.

Trong khi đó, ông Ninh Viết Định, trưởng ban quản lý đấu thầu của Tập đoàn Điện lực VN (EVN), cho rằng các dự án của EVN Trung Quốc làm thì khó đưa hàng Việt vào vì khi chấp nhận vay vốn từ Trung Quốc, họ có ràng buộc về tỉ lệ máy móc, thiết bị. EVN đã vất vả đàm phán nhằm hạ tỉ lệ đó xuống nhưng nhiều khi họ không đồng ý. “Không phải EVN không muốn hàng Việt, mà do chúng ta không có vốn nên phải theo điều kiện vay vốn” – ông Định nói.

Đáng nói là một số dự án dùng vốn trong nước vẫn thuê nhà thầu ngoại làm tổng thầu. Hiện tới 20 công trình nhà máy điện lớn đang được giao cho các nhà thầu Trung Quốc.

Hạn chế tổng thầu EPC

Theo ông Lưu Hoàng Long, quyền tổng giám đốc Tổng công ty Điện tử tin học VN, hiện đang có mâu thuẫn trong chủ trương khuyến khích sản xuất thiết bị trong nước, vì nếu nhập ngoại một số thiết bị đồng bộ thì được miễn thuế nhập khẩu, trong khi nếu sản xuất một phần trong nước thì lại phải chịu thuế rất cao, có khi lên đến 40%. Vì vậy, ông Long đề nghị những mặt hàng trong nước đã sản xuất được thì không miễn thuế nhập khẩu hàng từ nước ngoài, kể cả đó là thiết bị đồng bộ.

Ông Long cũng cảnh báo nhiều mặt hàng nhập khẩu từ các nước lân cận có dấu hiệu gian lận, như máy bơm công suất 150W nhưng họ chỉ ghi 100W, nên cần cơ chế kiểm định, dán tem để tránh thiết bị ngoại tràn ngập.

Ông Trần Anh Thái, phó tổng giám đốc Công ty ATS, nêu thực tế công ty ông là nhà cung ứng hàng đầu châu Á nhưng muốn cung cấp thiết bị cho nhiều công trình điện trong nước, nhà thầu EPC Trung Quốc đưa ra mức giá để phía VN không thể thực hiện được. Ông Thái cũng cho biết tình trạng “khó hiểu” ở một số dự án khi ngay các thiết bị của Trung Quốc cũng không đáp ứng yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật, nhưng đã được các lãnh đạo chủ đầu tư cho rằng “đó là sai lệch nhỏ”, và họ được trúng thầu. Ông Thái đề nghị chỉ thị ưu tiên dùng máy móc thiết bị trong nước phải đi kèm chế tài mạnh, nếu không thì không thể thực hiện được.

Ông Vũ Việt Kha kiến nghị phải sửa đổi một số mục trong Luật đấu thầu và một số văn bản hướng dẫn thì doanh nghiệp trong nước mới có thể tham gia các dự án EPC.

Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang kết luận thời gian qua các tập đoàn, tổng công ty đã có ý thức dùng máy móc, thiết bị trong nước chế tạo được. Tuy nhiên kết quả còn rất hạn chế. Ông Quang đề nghị các chủ đầu tư phải rà soát, thực hiện nghiêm việc mua sắm thiết bị trong nước, phải có kiểm tra, kiểm soát, đưa vào quy chế để máy móc thiết bị VN phải được ưu tiên khi mua sắm cho các dự án.

Ông Nguyễn Văn Thụ thì thiết tha đề nghị phải có cơ chế ưu đãi nhằm phát triển cơ khí VN. Ông Thụ đề nghị cơ quan chức năng phải có hẳn quyết định để các doanh nghiệp VN có thể tham gia thiết kế chế tạo các thiết bị cho nhiệt điện vì VN còn phải làm nhiều nhiệt điện. “Phải yêu cầu kỹ thuật cao lên. Phải có danh sách nhiều tổng thầu để lựa chọn, chứ nếu không để tổng thầu là liên danh dỏm thì chất lượng rất tồi” – ông Thụ cảnh báo.

Tỉ lệ sử dụng máy móc, thiết bị trong nước chỉ 53%

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các tập đoàn, tổng công ty, tỉ lệ sử dụng vật tư, máy móc, thiết bị trong nước trung bình năm 2010 khoảng 53,6%. Năm 2011, dự kiến tỉ lệ trên sẽ khoảng 52%! Theo báo cáo của Bộ Công thương, hạn chế khiến máy móc, thiết bị VN vẫn ít được sử dụng vì Luật đấu thầu chưa có nội dung khuyến khích, ngoài ra VN hầu như chưa có hàng rào kỹ thuật với hàng hoá ngoại, nhất là sản phẩm cơ khí…