24/12/2024

Philippines muốn đối thoại đa phương về biển Đông

Trong cuộc trao đổi cởi mở với Trung Quốc, nhà lãnh đạo Philippines nhắc lại sự cần thiết đối thoại đa phương để giải quyết vấn đề biển Đông.

 Philippines muốn đối thoại đa phương về biển Đông


Tổng thống Philippines cho rằng Trung Quốc sẽ “biết điều” trong giải quyết những căng thẳng liên quan đến chủ quyền ở biển Đông.

Ông Benigno Aquino, người vừa có chuyến công du chính thức Trung Quốc hồi đầu tháng này trong nỗ lực giảm căng thẳng ở biển Đông, ngày 20.9 tuyên bố điều cốt yếu hiện tại là cố gắng hiểu được quan điểm của bên khác trong tranh chấp và nhận diện những lĩnh vực có thể đạt thoả thuận. “Trong trường hợp riêng của họ (Trung Quốc), khái niệm giữ thể diện rất quan trọng. Chúng tôi nghĩ họ sẽ biết điều, nhưng họ cũng cần có cách thức nào đó để giữ thể diện cho mình”, AFP dẫn lời ông Aquino phát biểu tại Diễn đàn Hội châu Á ở New York (Mỹ), nơi ông đang có mặt để tham dự khoá họp thường niên của Đại hội đồng LHQ.

Trong cuộc trao đổi cởi mở nói trên, nhà lãnh đạo Philippines nhắc lại sự cần thiết đối thoại đa phương để giải quyết vấn đề. Theo ông, Bắc Kinh nên đạt một thoả thuận với cả 10 nước thành viên ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông. “Nếu chúng ta làm việc này theo nguyên tắc song phương, chúng ta sẽ chỉ thổi phồng và làm trầm trọng thêm vấn đề tranh chấp chủ quyền mà thôi”, ông Aquino nói.

Vào năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố giữa các bên về ứng xử ở biển Đông (DOC) và đang hướng đến việc xây dựng một bộ quy tắc mang tính ràng buộc cao hơn. Tuy nhiên, nỗ lực này chưa đạt nhiều kết quả và một trong những nguyên nhân, theo một số nhà ngoại giao, là do Trung Quốc muốn giải quyết bất đồng với từng nước, chứ không phải với cả khối ASEAN.

Căng thẳng tại biển Đông bùng phát từ đầu năm nay sau khi Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây hấn và xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt NamPhilippines trên biển Đông, như các vụ quấy rối ngư dân và cắt cáp tàu thăm dò dầu khí.

Về phần mình, Tổng thống Aquino đã tranh thủ các diễn đàn và chuyến công du quốc tế của mình để nêu rõ lập trường với các nước về vấn đề biển Đông. Ngoài chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 30.8 – 3.9, ông Aquino cũng sẽ đề cập đến chủ đề này khi đến thăm Nhật Bản từ ngày 24 – 28.9. Báo Manila Standard Today ngày 21.9 dẫn lời Đại sứ Nhật tại Philippines Toshinao Urabe cho biết 2 nước sẽ “trao đổi công hàm” về những giải pháp khả dĩ trong cuộc tranh chấp ở biển Đông. “Nhật có mối quan tâm hợp pháp đối với tình hình nhằm duy trì ổn định và giảm căng thẳng. Chúng tôi muốn có một giải pháp hoà bình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”, ông Urabe nhấn mạnh. Tờ Philippine Daily Inquirer cùng ngày dẫn lời một quan chức Philippines cho biết nước này và Nhật gần đây đã có các cuộc thảo luận về việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông.

Bên cạnh việc tích cực đưa vấn đề biển Đông ra diễn đàn quốc tế, Philippines đang tìm thêm sự hỗ trợ quân sự và củng cố quan hệ với Mỹ. Ông Aquino mới đây đã quyết định phân bổ 11 tỉ peso (252 triệu USD) để nâng cấp Hải quân Philippines với sự trợ giúp của Mỹ.

Hai hội thảo về biển Đông

Ngày 21.9, gần 80 nhà khoa học đến từ Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam đã tham dự hội thảo quốc tế “Hợp tác vì hoà bình, an ninh và phát triển khu vực trong bối cảnh mới”. Hội thảo trên, do Viện Khoa học xã hội Việt Nam, là diễn đàn thảo luận về các biện pháp giải quyết tranh chấp ở khu vực biển Đông một cách hoà bình, tránh xảy ra xung đột trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Trước đó, hội thảo “An ninh hàng hải trên biển Đông”, do Đại sứ quán Việt Nam, Philippines và Indonesia tại Vương quốc Bỉ đồng tổ chức, diễn ra ngày 19.9 tại Viện Nghiên cứu châu Á của châu Âu (EIAS) ở thủ đô Brussels của Bỉ. Tại hội thảo, đại sứ của Philippines và Indonesia lo ngại về an ninh và an toàn hàng hải tại khu vực bắt nguồn từ các tranh chấp lãnh hải. Tuy nhiên, cả hai đại sứ đều nhấn mạnh rằng các bên liên quan cần kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực và phải tôn trọng luật pháp quốc tế . Về phía Việt Nam, Đại sứ Phạm Sanh Châu nêu rõ quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là kiên trì giải quyết tranh chấp biển Đông bằng biện pháp hoà bình, dựa trên luật pháp quốc tế. Việt Nam luôn tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và lợi ích của tất cả các bên liên quan, tuyệt đối không để xảy ra xung đột.

TTXVN