22/12/2024

Cà phê VN thua trên sân nhà

Trước đây 20 DN xuất khẩu hàng đầu của VN chiếm đến 80% lượng hàng xuất khẩu nhưng đến nay gần một nửa số lượng hàng xuất khẩu rơi vào tay các DN có vốn nước ngoài.

 Cà phê VN thua trên sân nhà


Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN với kim ngạch năm nay dự kiến đạt 2,6 tỉ USD. Tuy nhiên, nghịch lý là lợi nhuận từ ngành hàng này đang nằm ở các doanh nghiệp nước ngoài, trong khi doanh nghiệp VN thua lỗ nặng.

Thời điểm hiện nay đang cuối niên vụ cà phê 2010 – 2011, hoạt động mua bán cà phê nhân trên thị trường nội địa không còn sôi động. Tìm hiểu các doanh nghiệp (DN) kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên, chúng tôi được biết hầu hết các kho hàng đã trống rỗng, DN nào còn nhiều nhất cũng chỉ vài trăm tấn. Nhiều đại lý thu mua cho biết cà phê trong dân đã cạn, ít ai còn trữ sản phẩm khi chuẩn bị bước vào thu hoạch vụ mới.

Bị “đánh bại” bằng lãi suất

Ông Lê Đức Thống, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, cho rằng: “Niên vụ vừa qua thị trường cà phê trong nước chứng kiến sự vượt trội của những DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong hoạt động mua cà phê nhân. Tại Tây Nguyên, các DN nước ngoài “đổ bộ” lập mạng lưới mua ước gần 50% sản lượng cà phê.

 

“Trước đây 20 DN xuất khẩu hàng đầu của VN chiếm đến 80% lượng hàng xuất khẩu nhưng đến nay gần một nửa số lượng hàng xuất khẩu rơi vào tay các DN có vốn nước ngoài. Và nếu không có biện pháp đối ứng kịp thời, trong vụ tới tình hình sẽ còn xấu hơn nữa”

 

Ông Đỗ Hà Nam – Phó chủ tịch Vicofa

Ông Thống lý giải: “Điểm khác biệt là DN nước ngoài có nguồn vốn dồi dào, có thể mua trữ một khối lượng lớn cà phê, gần hết niên vụ vẫn ung dung chế biến đáp ứng nhu cầu của các nhà rang xay. Trong khi đó, DN trong nước không có vốn nên vay bao nhiêu mua hàng xuất khẩu hết bấy nhiêu, nếu găm hàng lại thì không thể trả lãi vay ngân hàng quá cao”.

Theo ông Thống, chỉ riêng lãi suất vay ngân hàng, các DN nước ngoài đã “đánh bại” DN trong nước. DN nước ngoài có thể vay từ ngân hàng ngoài nước với lãi suất chỉ khoảng 3,5-4%/năm; trong khi DN trong nước thời gian qua phải vay với lãi suất trên 20%, thậm chí tới 25%/năm. Với ưu thế này, DN nước ngoài chỉ cần nâng giá mua cà phê nội địa lên một chút là cũng có thể “hốt” hết hàng.

Ông Vũ Đức Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên, nhận xét: “Nhiều người tỏ ra phấn khởi, tán thành việc DN nước ngoài tham gia mua cà phê tận gốc, nhờ đó đẩy giá mua lên có lợi cho nông dân. Nhưng điều này tiềm ẩn những bất ổn khi đến thời điểm nào đó, các DN nước ngoài nắm ưu thế thị phần và vốn thì sẽ khống chế giá mua theo ý mình. Các DN trong nước hoặc sẽ bỏ nghề hoặc chấp nhận trở thành trung gian thu mua cho họ”.

Hậu quả của kiểu “mạnh ai nấy làm”

Ngày 15.9, 20 DN xuất khẩu cà phê hàng đầu của VN đã họp tại TP.HCM để tìm biện pháp ứng phó.

Ông Nguyễn Công Hoàng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cà phê VN (Vinacafe), đặt vấn đề: “Tại sao DN nước ngoài mua cao bán thấp nhưng vẫn có lời, còn DN trong nước mua thấp bán cao nhưng vẫn lỗ? Tại sao DN nước ngoài ít khi nào gặp nhau nhưng giá họ đưa ra lúc nào cũng chính xác, thống nhất còn chúng ta họp thường xuyên nhưng mỗi người lại bán giá khác nhau? Đó là do chúng ta thiếu sự thống nhất, thiếu đồng thuận, và do đó luôn lép vế trong các hợp đồng thương mại với nước ngoài”.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (Vicofa), phân tích: “VN đã hội nhập WTO, chính vì vậy chúng ta không thể ngăn cấm họ vào VN để thu mua nguyên liệu. DN nước ngoài có tài chính dồi dào, có kinh nghiệm tổ chức quản lý tốt, họ thu mua nguyên liệu chất lượng tốt, quảng bá tốt nên đến nay các nhà nhập khẩu ngày càng muốn mua hàng của họ chứ không muốn mua của DN VN nữa. Trước đây 20 DN xuất khẩu hàng đầu của VN chiếm đến 80% lượng hàng xuất khẩu nhưng đến nay gần một nửa số lượng hàng xuất khẩu rơi vào tay các DN có vốn nước ngoài. Và nếu không có biện pháp đối ứng kịp thời, trong vụ tới tình hình sẽ còn xấu hơn nữa”. Nhiều DN cũng cho rằng, xu hướng thị trường cà phê sắp tới không ảnh hưởng bởi sản lượng cao hay thấp nữa mà sẽ do người nào nắm giữ nguồn hàng lớn quyết định.

Từ thực tiễn cấp bách trên, các DN trong nước đã thống nhất thu mua tạm trữ tối thiểu 300.000 tấn cà phê từ tháng 11.2011 – 1.2012 với thời gian tạm trữ từ 6 – 9 tháng. Hai Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng Quân đội đã cam kết sẽ cho vay thu mua với lãi suất ưu đãi. Theo ông Đỗ Hà Nam, các DN tham gia chương trình này sẽ được chia sẻ thông tin, tiến độ thực hiện, được kinh doanh hàng của mình nhưng sẽ ưu tiên bán lại cho DN nào có được hợp đồng xuất khẩu giá cao hơn và chịu chia sẻ lại lợi nhuận. Lượng hàng dự trữ này cũng sẽ được đưa thẳng vào các sàn giao dịch chính thống trên thị trường quốc tế để không bị khách hàng ép giá.

Cho đến cuối ngày 15.9, các DN xuất khẩu cà phê hàng đầu của VN đã đăng ký tham gia chương trình thu mua tạm trữ với số lượng 432.000 tấn, vượt xa con số tối thiểu đưa ra ban đầu. “Lâu nay DN chúng ta thiếu liên kết, thiếu thống nhất nên luôn bị khách hàng nước ngoài chèn ép. Mặc dù đã nhiều lần thống nhất giá mua, giá bán nhưng khi ra về thì mạnh ai nấy làm theo ý mình, chủ yếu là vì cái lợi trước mắt. Lần này, khi nguy cơ thua lỗ đang hiển hiện trước mắt và vùng nguyên liệu sân nhà bị cạnh tranh quyết liệt, tôi tin rằng các DN sẽ liên kết lại mạnh mẽ nhằm điều tiết được giá bán”, ông Đỗ Hà Nam phát biểu.

Nhiều thiệt thòi

Việc thiếu đoàn kết lâu nay cũng khiến các DN trong nước chịu thiệt thòi trong việc ký kết hợp đồng ngoại thương. Theo Vicofa, với lý do chậm giao hàng, hiện tại các nhà nhập khẩu nước ngoài đang giữ tiền cọc của các DN VN và kéo dài không chịu trả lại. Số tiền bị nước ngoài giữ không được tiết lộ chính xác, song theo ông Đỗ Hà Nam, số DN “dính” vào trường hợp này không phải là ít.

“Nước ngoài họ giữ tiền của chúng ta bao lâu không sao cả, còn chúng ta chỉ chậm giao hàng là chết ngay. Các điều khoản trong hợp đồng cũng đẩy phần bất lợi cho VN, nên khi xảy ra tranh chấp chúng ta luôn bị thua thiệt. Tôi đề nghị các DN nên đoàn kết lại, thống nhất sử dụng chung một mẫu hợp đồng, liên kết để tạo ra quyền lực cho mình chứ không thể chấp nhận lép vế như vậy mãi được”, ông Nguyễn Công Hoàng đề nghị.