20/09/2024

Thận trọng với điện hạt nhân

Tuần qua, liên tiếp các cuộc họp, hội thảo liên quan đến điện hạt nhân được tổ chức và các nhà khoa học cảnh báo về việc có thể có một số đứt gãy đã bị bỏ sót trong các nghiên cứu, khảo sát trước đây.

 Thận trọng với điện hạt nhân

Chỉ còn hơn hai năm nữa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của VN sẽ được khởi công. Chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy đã được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII. Thế nhưng đến nay, một trong những câu hỏi quan trọng quyết định đến sự an toàn của công trình là liệu có tồn tại đứt gãy gây động đất tại khu vực sẽ đặt nhà máy hay không lại vẫn chưa có lời giải.

Tuần qua, liên tiếp các cuộc họp, hội thảo liên quan đến điện hạt nhân được tổ chức và các nhà khoa học cảnh báo về việc có thể có một số đứt gãy đã bị bỏ sót trong các nghiên cứu, khảo sát trước đây.

Trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Viện Địa chất cũng thừa nhận các nghiên cứu trong phạm vi bán kính 100km đã xác định và đánh giá có những đứt gãy hoạt động có khả năng phát sinh động đất. Mặc dù những đứt gãy đó được dự báo chỉ có khả năng phát sinh động đất cao nhất 5,5 độ Richter nhưng rõ ràng vẫn hoàn toàn tiềm ẩn rủi ro.

Hồi tháng 3, siêu động đất mạnh 8,9 độ Richter xảy ra ngoài biển kéo theo sóng thần đã tàn phá nặng nề Nhật Bản và gây ra sự cố nghiêm trọng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 khiến rất nhiều nước lo lắng về việc phóng xạ phát tán ra môi trường. Nhật Bản là quốc gia thường xuyên xảy ra động đất nên các công trình xây dựng tại nước này đều phải áp dụng tiêu chuẩn kháng chấn một cách ngặt nghèo nhất. Công tác nghiên cứu dự báo, phòng chống động đất cũng rất được chú trọng nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại trong trường hợp động đất xuất hiện. Tuy nhiên, mọi thứ dường như đã vượt qua nhiều tính toán của người Nhật.

Ngay sau sự cố Fukushima 1, nhiều cảnh báo liên quan đến sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng của VN cũng đã được đặt ra. Dù không phải là quốc gia thường xuyên có động đất nhưng thống kê trong lịch sử và tính toán của các nhà khoa học đã khẳng định động đất, sóng thần từng xuất hiện tại VN và có thể sẽ xảy ra bất kỳ lúc nào trong tương lai. Vì thế sau thảm hoạ tại Nhật Bản, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu tất cả cơ quan chức năng kiểm tra lại toàn bộ các tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng dự án điện hạt nhân. Trả lời báo chí bên lề Quốc hội hôm 5-8, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định chỉ làm điện hạt nhân khi dự án đảm bảo an toàn.

Bộ Khoa học – công nghệ cũng đã giao cho các cơ quan khoa học nghiên cứu chi tiết trong phạm vi 8km từ điểm dự kiến đặt Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận để trả lời câu hỏi có đứt gãy hoạt động hay không và nếu có thì khả năng phát sinh động đất cực đại đến đâu. Các nhà khoa học sẽ phải có câu trả lời vào tháng 4 năm sau.

Bất cứ một công trình lớn nào trước khi xây dựng cũng đều được người dân đặc biệt quan tâm đến tính an toàn của nó, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến ngày càng xuất hiện nhiều hơn những thiên tai trái quy luật và hung dữ. Sẽ là chủ quan nếu cơ quan lập dự án cứ khăng khăng “chúng tôi tính hết rồi” để bảo vệ dự án, bỏ qua ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. Ý kiến của các nhà khoa học, của xã hội cần được xem xét một cách thoả đáng nếu thuyết phục về mặt khoa học. Không ai dám chắc một ngày nào đó sẽ không xảy ra hậu quả từ một thảm hoạ bất ngờ bởi đôi khi “người tính không bằng trời tính”. Chỉ có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng và một quyết định sáng suốt mới có thể giảm và tránh được thiệt hại khi xảy ra sự cố xấu nhất.