Tại sao không thể uống nước từ vòi?

Chất lượng nước ngày càng xấu đi, lượng chất hữu cơ tăng, lượng oxy hoà tan giảm. Ngay cả nguồn nước ngầm vùng Hóc Môn của TP.HCM cũng bị ô nhiễm nặng do hàm lượng NH4, NO2 tăng, làm công suất xử lý của các nhà máy nước phải giảm dần để đảm bảo chất lượng

 Tại sao không thể uống nước từ vòi?

Trong khi ở nhiều đô thị trên thế giới, việc người dân có thể uống nước tại vòi đã trở nên phổ biến từ lâu thì ở Việt Nam, chuyện uống nước tại vòi còn rất xa vời.

Đường ống cũ, mục

Trao đổi với Thanh Niên, ông Tô Trung Dũng, Chánh văn phòng TCT cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, thực ra chất lượng nước do các nhà máy sản xuất vẫn uống được vì đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển tải từ nhà máy đến nơi khác để sử dụng, do hệ thống đường ống ở TP.HCM có vấn đề nên người dân không thể sử dụng nước tại vòi. Ông Dũng phân tích, sở dĩ ở một số nước như Singapore, Nhật Bản, Mỹ, các nước châu Âu… người dân có thể uống nước tại vòi vì hệ thống đường ống ở những nước này có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Chẳng hạn, Singapore đã trang bị toàn bộ hệ thống đường ống bằng inox. Nguồn nước ở Singapore do Bộ Quốc phòng quản lý.

TP.HCM có hơn 4.000 km đường ống cấp nước, thế nhưng tỷ lệ đường ống cũ, mục do được lắp đặt từ thời Pháp chiếm đến 40%. Số đường ống này có tỷ lệ rò rỉ nước rất lớn. Vì vậy, để người dân có thể uống nước tại vòi, đòi hỏi phải cải tạo gần như toàn bộ hệ thống, điều này rất khó thực hiện trong điều kiện hiện tại do nguồn kinh phí rất lớn. Chưa kể, để người dân sử dụng nước tại vòi, đòi hỏi áp lực nước trên hệ thống phải mạnh và ổn định. Người dân không phải dùng bồn chứa để trữ nước, vì như vậy chất clor sẽ bốc hơi và chất lượng nước không đảm bảo. Ông Dũng cho rằng, không chỉ đòi hỏi hệ thống đường ống đảm bảo mà để người dân được sử dụng nước tại vòi, chính quyền cần xây dựng cả một chương trình kiểm soát nước trên quy mô lớn, bắt đầu từ nhà máy đến cả mạng lưới cấp nước với sự giám sát, thẩm định và xác nhận của cơ quan về y tế. Theo Sawaco, hiện nay cơ quan này định kỳ phối hợp với cơ quan phòng dịch của Sở Y tế kiểm tra chất lượng mẫu nước trên hệ thống. Vì vậy, chất lượng nước vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, nếu nói nước này có thể uống tại vòi thì không ai dám khẳng định. Ông Dũng cho biết ngành cấp nước bao giờ cũng đặt mục tiêu cao nhất là hướng đến việc người dân có thể uống nước tại vòi. Thế nhưng, điều này còn khá xa vời và trong kế hoạch 5 năm tới, Sawaco không dám đề cập đến mục tiêu trên.

Nước sạch của TP.HCM bị điểm liệt

Trao đổi với Thanh Niên, TS Tô Văn Trường, thành viên Ban Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước KC08/06-10 của Bộ Khoa học – Công nghệ, cho biết: “Nguồn cấp nước sinh hoạt cho người dân TP.HCM hiện nay được lấy trực tiếp từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn ngày càng bị ô nhiễm nặng vì chất thải công nghiệp. Chất lượng nước ngày càng xấu đi, lượng chất hữu cơ tăng, lượng oxy hoà tan giảm. Ngay cả nguồn nước ngầm vùng Hóc Môn của TP.HCM cũng bị ô nhiễm nặng do hàm lượng NH4, NO2 tăng, làm công suất xử lý của các nhà máy nước phải giảm dần để đảm bảo chất lượng. Rác thải trên các dòng sông Đồng Nai, Sài Gòn làm tắc cửa thu nước của các trạm bơm lấy nước sinh hoạt”. Ông Trường cho biết, theo đánh giá của Công ty tư vấn quốc tế Mercer (Anh), nước sạch của TP.HCM bị 0/10 điểm (Singapore được 10/10, Kuala Lumpur đạt 8/10, Bangkok, Thượng Hải đạt 4/10). Thế giới từ lâu đã đưa ra yêu cầu quy hoạch cấp nước phải an toàn cho người sử dụng nước. Vấn đề đối với TP.HCM là cần quy hoạch lại việc khai thác, sử dụng và quản lý nguồn nước thô cho hệ thống cấp nước, đầu tư đồng bộ cho nhà máy xử lý nước và hệ thống phân phối nước. Cần có kế hoạch quản lý và khai thác nguồn nước tổng hợp theo lưu vực sông để cân đối và điều phối nhu cầu dùng nước của các ngành một cách hiệu quả cùng với chiến lược và kế hoạch toàn diện để kiểm soát chất lượng nước. Tăng cường và chú trọng đầu tư cho công tác quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng, lựa chọn công nghệ thích hợp. Nâng cao ý thức tiết kiệm sử dụng nước, giảm tỷ lệ thất thoát, phân phối nguồn nước công bằng để mọi người dân được sử dụng nước sạch theo đúng nghĩa của nó.