23/11/2024

Thị trường thế giới thở phào

Sự thở phào như vừa cất được một gánh nặng ám ảnh ghi nhận rõ nhất ở các thị trường và thủ đô các nước châu Á

 Thị trường thế giới thở phào

Tổng thống Barack Obama và Quốc hội Mỹ đã đạt được thoả thuận vào phút chót ngày 31-7 (theo giờ Mỹ) để nâng mức trần nợ công nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ dẫn đến những hậu quả được dự báo là thảm hoạ cho nền kinh tế thế giới, hai ngày trước thời điểm 2-8.

AP dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh: “Thoả thuận đạt được vào phút chót giữa hai đảng có thể giúp xua tan nguy cơ bất ổn trong kinh tế Mỹ cũng như các thị trường tài chính khác”.

Châu Á lạc quan

Sự thở phào như vừa cất được một gánh nặng ám ảnh ghi nhận rõ nhất ở các thị trường và thủ đô các nước châu Á. Nhật Bản và Trung Quốc, hai nước nắm số cổ phiếu lớn nhất trong Bộ Tài chính Mỹ, đã có phần lạc quan. Thị trường chứng khoán khu vực châu Á – Thái Bình Dương có dấu hiệu hồi phục.

Kyodo dẫn lời chánh văn phòng nội các Nhật Bản khẳng định: “Tokyo hi vọng thoả thuận này sẽ bình ổn các thị trường”. Cùng lúc, báo Wall Street Journal nhận định thoả thuận này đã trút gánh nặng cho Nhật Bản.

Tại Hàn Quốc, giám đốc chi nhánh nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc Huh Jin Ho cho rằng thoả thuận sẽ mở trói những sự bấp bênh của thị trường và thu hút giới đầu tư toàn cầu vào khu vực chứng khoán an toàn của Chính phủ Mỹ.

Tại Bắc Kinh, ông Chu Bảo Lượng, nhà kinh tế thuộc Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, cho biết thoả thuận này sẽ làm dịu những quan ngại đối với các nhà đầu tư dài hạn, song Bắc Kinh vẫn chưa hết lo lắng về tình hình èo uột của kinh tế Mỹ sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Mỹ. “Việc cắt giảm thâm hụt ngân sách là quá nhỏ, khó có thể giúp Washington chống đỡ được những khó khăn hơn nữa” – ông Chu nhận định. Đã có yêu cầu Bắc Kinh nên điều chỉnh kho dự trữ ngoại hối của mình để giảm thiểu những thiệt hại gây ra từ sự bất ổn của kinh tế Mỹ. Các nhà kinh tế Trung Quốc cho rằng vấn đề nợ công của Mỹ có thể châm ngòi cho lạm phát và làm giảm giá đồng USD cũng như đè nặng áp lực lên tình hình lạm phát toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Úc Wayne Swan cho rằng những gì mà các thị trường trên thế giới đang tìm kiếm là một đường đi dài hơi nhằm hậu thuẫn khả năng chống đỡ vững mạnh về tài chính. “Nếu Washington có thể chứng minh được điều đó, chúng ta sẽ chứng kiến các thị trường trên thế giới tự tin hơn và điều đó tốt cho thị trường toàn cầu, trong đó có cả thị trường của Úc” – Hãng tin ABC dẫn lời ông Wayne Swan.

Song nguy cơ tiềm ẩn vẫn chưa hết. “Trong ngắn hạn, thị trường sẽ dịu bớt trong nay mai khi Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ, song các vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để” – nhà chiến lược tiền tệ tại SEB (Stockholm) Richard Falkenhall nhận định.

Dân chủ – Cộng hoà: 1-1

Reuters cho biết các thượng nghị sĩ hai đảng đã thống nhất nâng mức trần nợ công thêm ít nhất 2.100 tỉ USD đến năm 2013, nghĩa là sau bầu cử, và cắt giảm thâm hụt ngân sách 2.500 tỉ USD trong vòng 10 năm tới. Việc cắt giảm này sẽ được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn đầu 1.000 tỉ USD, giai đoạn hai thêm 1.500 tỉ USD. Một uỷ ban đặc biệt lưỡng đảng của quốc hội sẽ được giao trách nhiệm tìm các nguồn cắt giảm thêm này vào cuối tháng 11. Trong trường hợp không đạt được thoả thuận về các nguồn cắt giảm thêm, lập tức một cơ chế cắt giảm tự động có tính bắt buộc sẽ được áp dụng đối với chi phí quốc phòng và chương trình chăm sóc y tế đối với người già.

Theo giới chuyên gia, hai đảng đã có những nhân nhượng trong các cuộc thảo luận vừa qua, nhưng lập trường của hai bên vẫn đối nghịch rất lớn. Phía Cộng hoà đòi giảm thuế và cắt giảm lớn ngân sách. Còn phía Dân chủ lại đòi tăng thuế, nhất là tăng thuế của những người giàu.

Theo Reuters, thoả thuận này, nếu được quốc hội bỏ phiếu thông qua trước nửa đêm 2-8 (theo giờ Mỹ), sẽ giúp Chính phủ Mỹ tránh phải đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán trong những ngày tới.