15/11/2024

Buôn bán tiểu ngạch: Con dao 2 lưỡi

Xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc luôn đầy rủi ro, vậy tại sao thương nhân Việt Nam lại chuộng hình thức này?

 Buôn bán tiểu ngạch: Con dao 2 lưỡi

Xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc luôn đầy rủi ro, vậy tại sao thương nhân Việt Nam lại  chuộng hình thức này? Vì sao cảnh hàng trăm xe dưa hấu, thanh long, vải thiều… xếp hàng chờ mòn mỏi tại các cửa khẩu phía Bắc lại là hình ảnh thường trực?

Sang Trung Quốc và nằm chờ

 

Gặp dịp xe hàng sang nhiều, họ chê ỏng chê eo, thậm chí đồng loạt ngưng mua hoặc mua vào nhỏ giọt để ép giá

Ông Trần Mạnh Tiến

 

 

Xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch chiếm 1/3 trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có nghĩa là trong gần 30 tỉ USD kim ngạch của năm 2010, có 10 tỉ USD hàng hoá qua lại bằng đường tiểu ngạch, phần lớn qua các cửa khẩu Ka Long, Móng Cái và Gia Vận (đều thuộc Quảng Ninh), Tân Thanh (Lạng Sơn) và Hà Khẩu (Lào Cai).

Cửa khẩu Tân Thanh những ngày tháng 7, cả trăm chiếc xe tải chở nông sản phủ kín bạt trong bến đang đậu kiểm hàng, đợi lệnh xuất phát sang chợ Pò Chài. Hầu hết các xe hàng này đều không có hợp đồng mua bán từ trước, chỉ khi hàng sang tới chợ Pò Chài, chủ hàng mới tất tả đi tìm mối bán. Ông Trần Mạnh Tiến, một tư thương 51 tuổi, quê ở Hồng Giang (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) cho hay ông làm nghề thu mua vải thiều xuất qua Trung Quốc, tới nay đã tròn 12 năm. Hiện cứ 2 – 3 ngày, ông lại gom từ 10 – 15 tấn vải thiều, chất lên xe, trực chỉ Tân Thanh, làm thủ tục rồi thẳng tiến tới Pò Chài. Tại đây, ông Tiến mở thùng xe, ngồi đợi khách đến mua. Cũng không cần phải đợi quá lâu, thương nhân Trung Quốc đã nhảy lên xe, chọn từng thùng hàng, rồi trả giá, kỳ kèo bớt một thêm hai. “Gặp dịp xe hàng sang nhiều, họ chê ỏng chê eo, thậm chí đồng loạt ngưng mua hoặc mua vào nhỏ giọt để ép giá. Lắm hôm, giá mỗi ký vải được tư thương Trung Quốc trả chỉ bằng với giá vải thu mua tại Bắc Giang. Cầm chắc lỗ, nhưng vẫn phải bán. Vì nếu đánh ngược về vải hỏng nhiều, lỗ càng thêm lỗ”, ông Tiến nói.

Anh Vũ Tiến Thanh, một thương lái thu mua thanh long xuất khẩu, quê Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) cho hay anh cùng tài xế container nằm tại đây đã hai hôm rồi nhưng thương lái Trung Quốc vẫn bảo phải chờ vì họ chưa bán hết hàng. Theo anh Thanh, vài ba chuyến đầu thương nhân Trung Quốc tính giá thu mua và thanh toán tiền một lần ngay sau khi cân thanh long. Tới các chuyến tiếp theo, phía thương lái Trung Quốc nói buôn bán lâu dài nên tin nhau và cho họ nợ tiền gối đầu tới chuyến sau sẽ trả. Và cũng đã có chuyến sau viện cớ hàng bị hư hỏng nhiều nên khi trả tiền lại bớt đầu, bớt đuôi.

Như bán gà vịt ở chợ huyện

 

Thất thu thuế

“Xuất khẩu chính ngạch phải thông qua hệ thống hải quan, mức thuế cao, còn tiểu ngạch thì giao dịch dễ dàng, mức thuế thấp nên dẫn tới thất thu. Hơn nữa, các doanh nghiệp mua bán với nhau không thông qua hợp đồng và thanh toán không qua ngân hàng mà chỉ giao dịch bằng tiền mặt hoặc hàng đổi hàng, nên kiểm soát thuế không hề đơn giản”

 

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang

Tại cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai), lượng hàng xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc hiện đa phần là vải quả và một số loại nông sản khác. Theo số liệu của Ban quản lý các cửa khẩu tỉnh Lào Cai, tính đến hết ngày 14.7, có hơn 20.000 tấn vải tươi xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai, trong đó khoảng 75% xuất tiểu ngạch.

Trên những tuyến phố ở thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc), xe chở vải thiều của Việt Nam đỗ la liệt, thương nhân Trung Quốc tha hồ mặc cả. Đường phố Hà Khẩu vốn đã chật chội, càng chật chội và bừa bãi hơn. Phía Hà Khẩu đành bố trí xe chở vải nhập khẩu vào theo từng đợt, chính vì vậy mà xe vải phải xếp hàng dài từ phía Lào Cai.

Anh Nguyễn Trọng Hữu – một tư thương có nhiều năm buôn vải thiều từ Bắc Giang sang Trung Quốc, nói: “Tôi đem vải sang Hà Khẩu, mở ra một vài thùng cho khách mua xem, làm giá. Cách này, giống như vợ tôi đem ngan, gà ra chợ huyện bán vậy. May nhờ, rủi chịu”, anh Hữu nói. Ông Vũ Văn Thơm, một chủ hàng khác, cho biết vải xuất tiểu ngạch giá cả không ổn định, lên xuống thất thường tùy theo lượng vải đưa sang nhiều hay ít và phụ thuộc vào số lượng thương nhân Trung Quốc đến mua. Hằng ngày, đến khoảng 4 giờ chiều thì cố bán cho xong, lỗ cũng phải bán.

Quanh khu vực TP Móng Cái (Quảng Ninh), hàng được đưa sang Trung Quốc qua 4 cửa khẩu Bắc Luân, Ka Long, Móng Cái và Gia Vận. Cửa khẩu Bắc Luân dành cho hàng chính ngạch, có số lượng lớn và đòi hỏi kiểm dịch. Các loại nông sản, hải sản thông thường như vải, thanh long, đậu tương, gia vị, tôm, cá biển, mực… được đưa qua các cửa khẩu còn lại vì cơ chế “thoáng” và thuế “mềm” hơn. Từ bến Lục Lầm của Trung Quốc, cách cửa khẩu Đông Hưng chừng 7- 8 km, nhìn sang phía Việt Nam thấy xe container lạnh, container thường xếp hàng dài như trong cảng Hải Phòng. Đò máy hai phía kìn kìn đưa người qua lại biên giới.

Dọc hai bờ sông Ka Long có 7 – 8 lối mở để đưa hàng lên bờ, từ các lối mở này, hàng hoá được bốc lên xe tải nhỏ để đến kho hàng. Ở đây, hình thành cả một khu giao dịch của những chủ buôn lớn người Trung Quốc. Họ gom hàng với số lượng rất lớn, rồi phân loại và đưa đến cho các mối mua buôn nhỏ hơn hoặc trực tiếp phân phối vào thị trường nội địa. Theo con đường tiểu ngạch, hàng hoá ở đây không có lấy nửa mảnh giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, và chẳng phải nộp thuế. Hàng hoá Việt Nam với chất lượng tốt hơn và giá lại rẻ là mặt hàng ưa chuộng của những thương nhân Trung Quốc để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường nội địa không ngừng gia tăng.

Ở chiều ngược lại, hằng ngày, một lượng rất lớn hàng hoá Trung Quốc xuất khẩu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Ghi nhận của Thanh Niên tại các cửa khẩu Tân Thanh, Móng Cái, Hà Khẩu cho thấy chủng loại hàng hoá rất đa dạng, từ quần áo, giày dép đến hoa quả, gà vịt giống, gà thải loại, rau củ và đồ điện tử. Cách bán hàng qua đường tiểu ngạch của tiểu thương Trung Quốc rất bài bản và chuyên nghiệp, ít rủi ro.

Thương lái Trần Việt Long quê Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn), chuyên nhập hoa quả từ phía bên Trung Quốc về bán nơi chợ hoa quả Long Biên (Hà Nội), cho hay: “Tại chợ Pò Chài, nơi mà các tư thương người Việt vẫn thường qua đánh hàng, thì hoa quả xuất đi đều được các thương lái, các doanh nghiệp thực hiện khá đầy đủ các thủ tục về bao bì, tem, mác xuất xứ của sản phẩm. Nên phần nhiều đã khiến người mua yên tâm và khó mà trả giá rẻ như “bài” của thương lái Trung Quốc áp dụng khi mua hàng của ta”. Cũng theo anh Long, các doanh nghiệp, thương lái phía Trung Quốc điều tiết lượng hàng tiêu thụ tương đối hài hoà, nên phía chợ đường biên của họ ít khi gặp phải tình trạng hoa quả, nông sản của họ phải chờ đợi vài ba ngày trời để tiêu thụ như ở ta.

Khó bán chính ngạch lắm

 Bà Lê Thanh Ngọc – giám đốc một công ty ở tỉnh Bình Thuận, người đã có thâm niên 10 năm thu mua thanh long rồi tổ chức xe đưa ra cửa khẩu biên giới Tân Thanh (Lạng Sơn) bán sang Trung Quốc – cho biết cũng có vài lần thương nhân Trung Quốc đặt mua thanh long bằng đường chính ngạch, nhưng số lượng chẳng bao nhiêu. Họ chọn lựa quá kỹ, chỉ đạt 50%, số trái còn lại phải bán ở trong nước với giá thấp nên dễ bị lỗ. Những người mua chính ngạch sau mấy lần qua lại cũng bắt đầu mua thiếu, nợ tiền trả vào đợt mua sau. “Bán tiểu ngạch hên xui lắm. Được chợ thì đắt giá, ế sẽ bị ép. Nhưng phải chịu, vì mình phải tìm cách để bán được hàng cho nhà vườn, tạo công ăn việc làm cho công nhân, tài xế… Chứ không đóng xe, thanh long nằm lại nhà vườn không tiêu thụ hết, công nhân mất việc”, bà Ngọc chia sẻ.

Trần Tâm