05/01/2025

Vấn đề biển Đông “nóng” ở Bali

Tuyên bố chung của AMM 44 nói hội nghị quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây trên biển Đông và nhấn mạnh phải cổ vũ cho một môi trường hoà bình, hợp tác và hữu nghị, trong đó đối thoại một cách xây dựng giữa ASEAN và Trung Quốc là đặc biệt quan trọng

 Vấn đề biển Đông “nóng” ở Bali

Ngoại trưởng Indonesia nói Việt Nam có thể nắm vai trò điều phối quan trọng trong tiến trình đi đến những giải pháp hoà bình trên biển Đông.

Phát biểu trên được Ngoại trưởng Marty Natalegawa đưa ra trong buổi họp báo ngày 19.7 tại Bali, Indonesia, nơi đang diễn ra nhiều hội nghị quan trọng của ASEAN. Ông Natalegawa cho hay Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM 44), diễn ra trọn ngày 19.7 tại Bali, đã thảo luận thẳng thắn nhiều vấn đề. Trong đó, tranh chấp ở biển Đông được bàn bạc kỹ để chuẩn bị cho cuộc họp giữa các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc vào hôm nay. Nội dung chính của cuộc họp là về hướng dẫn thực thi Tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông (DOC), được ký kết năm 2002.

Tổng thống nước chủ nhà Susilo Bambang Yudhoyono trong phát biểu khai mạc AMM 44 nhấn mạnh: “Tuyên bố đầu tiên của ASEAN về biển Đông được đưa ra cách đây rất lâu, năm 1992. Mất thêm 10 năm nữa ASEAN và Trung Quốc mới đạt được thoả thuận về DOC. Nhưng mãi 9 năm sau, chúng ta vẫn chưa hoàn thiện được một bản hướng dẫn thực thi tuyên bố này”. Và ông kêu gọi: “Tôi đề nghị các bộ trưởng ngoại giao nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện bước cuối cùng đối với văn bản quan trọng này”.

 

 

Tuyên bố đầu tiên của ASEAN về biển Đông được đưa ra cách đây rất lâu, năm 1992. Mất thêm 10 năm nữa ASEAN và Trung Quốc mới đạt được thoả thuận về DOC. Nhưng mãi 9 năm sau, chúng ta vẫn chưa hoàn thiện được một bản hướng dẫn thực thi tuyên bố này

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono

 

 

Tuyên bố chung của AMM 44 nói hội nghị quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây trên biển Đông và nhấn mạnh phải cổ vũ cho một môi trường hoà bình, hợp tác và hữu nghị, trong đó đối thoại một cách xây dựng giữa ASEAN và Trung Quốc là đặc biệt quan trọng. Tuyên bố tái khẳng định tầm quan trọng của DOC, gọi đó là “văn bản cột mốc” trong quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên về tầm quan trọng của bản hướng dẫn thực hiện DOC và tiến trình hình thành Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), vốn có tính ràng buộc pháp lý hơn, Ngoại trưởng Natalegawa khẳng định bản hướng dẫn là một văn bản quan trọng và “có đời sống riêng của nó”. Ông giải thích: “Nếu nhìn lại DOC và nhận diện tiến trình đi đến COC thì không có cái gọi là bản hướng dẫn ở giữa. Tuy nhiên, qua thời gian, chúng tôi thấy cần có một bản hướng dẫn để thực thi DOC trước đã. Bản hướng dẫn quan trọng không nhất thiết bởi nội dung của nó mà ở chỗ nó phản ánh khả năng ASEAN và Trung Quốc có thể đứng cùng nhau để tìm giải pháp hoà bình cho cuộc tranh chấp, để khẳng định việc tránh dùng vũ lực và thực thi những cam kết của mỗi bên đã thể hiện trong DOC”. Ông Natalegawa khẳng định hoàn thiện được bản hướng dẫn là một bước tiến lớn và ASEAN đang có những tiến bộ trong vấn đề biển Đông.

Tuy nhiên, phải mất bao lâu để tiến lên COC “là điều khó tiên liệu” dù “ASEAN đã bắt đầu bàn chuyện này kể cả trước khi DOC hoàn thiện”, Ngoại trưởng Natalegawa nói. Ông cho rằng đó là một tiến trình liên tục, phụ thuộc vào nỗ lực của các bên, trong đó “dĩ nhiên Việt Nam là một điều phối viên quan trọng của ASEAN trong vấn đề này”.

 

Việt Nam có thể nắm vai trò điều phối quan trọng trong tiến trình đi đến những giải pháp hoà bình trên biển Đông

 

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa

Trong bối cảnh căng thẳng quanh biển Đông chưa có dấu hiệu thuyên giảm với những hành động đơn phương từ Trung Quốc, một phóng viên hỏi ông Natalegawa về khả năng các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông (Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei) liên kết đưa ra một tuyên bố chủ quyền chung, đối lại với Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi này, ông Natalegawa nói ông có nghe về đề xuất trên. Ông gọi đó là “cách tiếp cận phân vùng” trên nguyên tắc hoà bình, tự do và vận động. Theo đó, những bãi chìm nổi, những vùng chồng lấn hiện hành có thể được “bản đồ hoá” thành những vùng chung và cùng tiến hành khai thác. Tuy nhiên, điều đó tuỳ thuộc vào các nước có liên quan trực tiếp định đoạt.

Phát biểu tại AMM 44, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định hoà bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trên biển Đông là quan tâm, lợi ích chung và nguyện vọng của khu vực cũng như tất cả các nước. Các bên phải triệt để tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển và DOC. Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của ASEAN tích cực trao đổi, hướng tới hoàn tất dự thảo Quy tắc hướng dẫn triển khai DOC.

Ngoài ra, Việt Nam chia sẻ nhận thức Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tiếp tục là diễn đàn đối thoại và hợp tác về hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực. ASEAN hoan nghênh việc mở rộng và mời Nga, Mỹ tham gia EAS.

TTXVN

 

Indonesia muốn đàm phán đa phương về biển Đông

Trong cuộc phỏng vấn với báo Nikkei của Nhật Bản đăng ngày 19.7, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro nhấn mạnh tranh chấp về biển Đông cần được giải quyết thông qua các cuộc thảo luận đa phương. Lâu nay, Trung Quốc luôn khăng khăng muốn giải quyết tranh chấp bằng đối thoại song phương. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Yusgiantoro, đàm phán đa phương sẽ giúp giảm căng thẳng giữa Bắc Kinh và ASEAN.

Dự kiến, vấn đề biển Đông cũng sẽ được bàn trong Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào ngày 23.7 tại Bali. Ngoài các nước ASEAN, tham dự còn có các đối tác lớn như Ấn Độ, EU, Mỹ, Nga, Nhật, Úc và Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton được dự đoán sẽ nhấn mạnh ở diễn đàn rằng nước này có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm tự do hàng hải và chống lại các đe đoạ trong khu vực.

Minh Trung