Chúa nhật 15 TN – A: Bản chất và mục đích dụ ngôn Nước Trời

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để dẫn con người đi từ tình trạng tự do đón nhận của quần chúng đến thực tại thâm tình của các môn đệ để cảm nhận trực tiếp mầu nhiệm Chúa Giêsu cũng là mầu nhiệm Nước Trời

 

Bản chất và mục đích dụ ngôn Nước Trời

Hành Khất Kitô

Lời mở

Chúa Giêsu đã dùng các dụ ngôn để dạy dỗ dân chúng về nước Thiên Chúa như chúng ta vừa nghe dụ ngôn Người Gieo Giống trong bài Tin Mừng. Khi các môn đệ hỏi Chúa Giêsu tại sao phải dùng dụ ngôn để nói với dân chúng. Câu trả lời của Chúa Giêsu làm chúng ta hết sức ngạc nhiên, thậm chí sửng sốt. Người giải thích rằng: “Vì anh em đã được Thiên Chúa ban ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn dân chúng thì không được như thế để họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu kẻo họ hoán cải mà được Thiên Chúa tha thứ, chữa lành” (x. Mt 13,10-15).

Câu trả lời của Chúa Giêsu khiến chúng ta đặt ra mấy câu hỏi sau đây: Có phải cách giảng bằng dụ ngôn của Chúa Giêsu chỉ làm cho người ta không thể trực tiếp đón nhận được sứ điệp của Người hay là Người có ý gì khác? Có phải Thiên Chúa và Đức Giêsu đã phân biệt đối xử để chỉ dành ưu tiên việc hiểu về Nước Trời cho một ít người gọi là môn đệ chứ không phải cho tất cả mọi người? Có lẽ đây là dịp tốt để chúng ta hiểu thêm về bản chất các dụ ngôn và l‎ý do tại sao Chúa Giêsu lại nói những lời lạ lùng trên đây.

1. Bản chất các dụ ngôn của Chúa Giêsu

Dụ ngôn theo nguyên ngữ Hy Lạp “parabole” (Anh ngữ: parable) là so sánh hai đối tượng trong một câu chuyện kể để dẫn đến ‎ý nghĩa sâu xa. Thí dụ như hạt giống là Lời Chúa, những hạt rơi trên các vùng đất khác nhau tượng trưng cho các tình trạng tâm hồn của những người đón nhận Lời.

Chúa Giêsu dùng rất nhiều dụ ngôn để nói về mầu nhiệm Nước Trời như dụ ngôn cỏ lùng, hạt cải, tiệc cưới, men trong bột, kho báu và ngọc qu‎ý, chiếc lưới, người mắc nợ không biết thương xót, thợ làm vườn nho, hai người con, những tá điền sát nhân, người đầy tớ trung tín, mười cô trinh nữ, nén bạc… trong Tin Mừng theo thánh Matthêu. Nếu đọc thêm Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta thấy còn có dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất, con chiên lạc được tìm thấy, đứa con phung phá…

Nếu so sánh 46 dụ ngôn của Người trong Tin Mừng với những dụ ngôn tương tự của Phaolô hay 15 dụ ngôn của các thầy Rabbi Do Thái trong Cựu Ước (x. Giáo hoàng Học viện Piô X, Điển ngữ Thần học Thánh Kinh, tập I, tr. 443-446) chúng ta thấy các dụ ngôn của Chúa Giêsu có nhiều điểm hết sức đặc biệt. Người lấy những thí dụ rất đơn giản trong đời sống thường ngày để nói về mầu nhiệm cao siêu của Nước Trời chứ không dùng những ẩn dụ tưởng tượng, câu chuyện mơ hồ như thần thoại của các tôn giáo.

Đức Thánh Cha (ĐTC) Bênêđictô XVI, trong cuốn sách Giêsu Nazareth, đã nói rằng: dụ ngôn của Chúa Giêsu luôn đánh động chúng ta qua sự tươi mát và tính nhân bản của chúng. Các dụ ngôn này là những sáng tạo của Chúa Giêsu: chúng rất trong sáng, đơn sơ, có cấu trúc tuyệt vời, diễn tả cách Người sống và giảng dạy (x. chương 7, Sứ điệp các Dụ ngôn, NXB Tôn giáo, 2008, tr. 175-182)..

Điều này dạy cho chúng ta bài học về tinh thần thực tế như Chúa Giêsu khi chúng ta nói về mầu nhiệm Nước Trời cho người khác. Quả thật, nhiều anh em linh mục, tu sĩ, giáo l‎ý viên chúng tôi, khi giảng dạy Kinh Thánh hay nói về giáo l‎ý của Chúa Giêsu, của Giáo Hội, vẫn cứ đưa ra những bài giáo l‎ý quá cao siêu, vượt xa thực tế cuộc sống của con người nên nhiều khi người khác không đón nhận được.

Chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu đi vào đời sống thực tế của những người mà chúng ta đang cần phải rao giảng. Muốn đi vào đời sống thực tế để tìm ra những lời nói phù hợp với cuộc sống của họ, chúng ta phải hoà nhập thật sự với họ, phải quan sát đời sống đó. Thậm chí, giống như Chúa Giêsu, chúng ta phải yêu thương đời sống đó dù nó có tầm thường, yếu đuối, đầy những tiêu cực, tội lỗi. Có yêu thương như thế, chúng ta mới tìm cách cứu độ. Rồi muốn cứu độ được, chúng ta phải gắn bó với Chúa Cha là nguồn của tình yêu, sức mạnh, sự sống kỳ diệu như Chúa Giêsu. Người đã dành những buổi tối hay buổi sáng sớm để thưa chuyện với Chúa Cha về những thực tế đớn đau, tầm thường, tội lỗi của con người. Có như thế lời rao giảng Tin Mừng của chúng ta mới đi sâu vào lòng người và mới có sức hoán cải con người. Đó cũng là ý nghĩa thông điệp Bác ái trong Sự thật (Caritas in Veritate) của ĐTC Bênêđictô XVI.

2. Giải thích những lời lạ lùng của Chúa Giêsu về dụ ngôn

Kế đến, chúng ta tìm hiểu tại sao Chúa Giêsu lại trả lời có vẻ cứng cỏi là dùng dụ ngôn để cho dân chúng nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy kẻo họ hoán cải mà được Chúa chữa lành.

2.1. Đừng đồng hoá Lời Chúa với lời con người

Khi nói đến Lời Chúa, chúng ta thường nghĩ ngay đến âm thanh từ miệng Chúa phán ra qua những vị tiên tri, được các thánh sử ghi lại và viết thành cuốn Thánh Kinh. Trong thời Cựu Ước, người ta có thể hiểu như vậy, nhưng bài đọc I hôm nay (x. Is 55,10-11) đã hàm ý Lời Chúa là một nhân vật đến thực hiện ý muốn của Thiên Chúa và chu toàn sứ mạng Ngài uỷ thác. Điều lầm tưởng này vẫn tồn tại trong Giáo Hội hiện nay do cách diễn đạt và dạy giáo l‎ý chưa nhấn mạnh đủ rằng: Lời Chúa trước hết là một con người, là Đức Giêsu Kitô, là Ngôi Lời được Chúa Cha yêu thương gửi đến cho chúng ta để chúng ta có thể tiếp xúc, gặp gỡ và sống kết hợp với Người.

Khi hiểu Lời Chúa như những âm thanh từ miệng Ngài phán ra, chúng ta đồng hoá Lời Chúa với lời của con người. Mà lời của con người thì có lời tốt, lời xấu, lời hay ‎ý đẹp nhưng cũng có những lời hết sức chua chát. Nếu đọc trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy những lời Chúa Giêsu nói hết sức đúng, nhưng cũng có nhiều lời rất khó nghe, thậm chí nếu so sánh với lời của Khổng Tử, Lão Tử, nhiều người còn thấy lời của các bậc thánh hiền này hay hơn Chúa Giêsu.

Thí dụ: Chúa Giêsu nói: “Nếu ai vả má bên phải anh, hãy đưa má bên trái cho nó nữa. Nếu ai muốn kiện để lấy áo trong của anh, hãy để nó lấy cả áo ngoài” (Mt 6,39-40). Lời gì mà nghe có vẻ nhu nhược, hèn kém thế! Hoặc: “Nếu ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ chính mình đi, vác thập giá hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Những lời đòi hỏi hết sức quyết liệt! Nếu chúng ta không tin Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, là lời cụ thể của Thiên Chúa, là nguồn chân thiện mỹ, nguồn của sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu nói với chúng ta thì khó mà có thể chấp nhận. Thật ra, con người chỉ muốn nghe những lời nhẹ nhàng, lời ca tụng, lời tốt đẹp của con người nên đã từ chối Lời Chúa như Đấng đòi hỏi lòng tin và tình yêu mãnh liệt. Vì thế, họ nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy là vậy.

2.2. Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa chính là mầu nhiệm con người Giêsu

Chúa Giêsu là người gieo giống, Người loan báo Nước Thiên Chúa đến trong bản thân Người. Nhưng giống như bao tiên tri trong dòng lịch sử: Người đã thất bại! Khi nhắc lại lời cứng cỏi của tiên tri Isaia (x. Is 6,10), Đức Giêsu tự đặt mình vào chuỗi các tiên tri và đón nhận số phận của các tiên tri được tận cùng bằng cái chết trên thập giá vì lòng người ta đã ra đần độn, tai điếc, mắt mù. Họ nhìn mà chẳng thấy, nghe mà chẳng hiểu. Vì thế, thập giá sẽ là chìa khoá để có thể hiểu các dụ ngôn như hiểu chính Chúa Giêsu (x. ĐTC Bênêđictô XVI, Giêsu Nazareth, chương 7).

Đức Giêsu không phải chỉ là người gieo hạt giống mà còn là chính hạt giống. Hạt giống bên ngoài thật nhỏ bé nhưng chứa đựng cả cây lớn trong mình. Hạt giống là hiện tại tầm thường nhưng chứa đựng cả tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, dân chúng thời đó cũng như thời nay chỉ nhìn thấy cái nhỏ bé hiện tại nghèo nàn trước mắt nên họ từ chối Chúa Giêsu và đóng đinh Người. Người đã thể hiện trọn vẹn sứ mạng vừa là người gieo, vừa là hạt giống của mình: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

2.3. Dụ ngôn là dấu hiệu dẫn vào thực tế thâm tình

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để dẫn con người đi từ tình trạng tự do đón nhận của quần chúng đến thực tại thâm tình của các môn đệ để cảm nhận trực tiếp mầu nhiệm Chúa Giêsu cũng là mầu nhiệm Nước Trời. Người ta được tự do chấp nhận Chúa Giêsu như là hạt giống Lời Chúa gieo vào lòng họ nên có những người đã để cho Lời Chúa bị ma quỷ lấy mất; có những người từ chối Người khi gặp gian nan hay coi trọng công ăn việc làm của mình hơn chính Chúa, nhưng cũng có người mở lòng ra để đón nhận Người nên mới sinh hoa kết quả tốt đẹp.

Thật vậy, Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa cao sang, quyền năng vô tận, uy lực vô biên và nguồn của mọi hiện hữu, làm sao con người tội lỗi, tầm thường, giới hạn có thể cảm nhận trực tiếp được Người. Vì thế, dụ ngôn cũng như các phép lạ là những dấu hiệu để dẫn họ vào mầu nhiệm của Người. Đứng trước dấu hiệu, con người hoàn toàn tự do để đón nhận hay từ chối, giống như ta được toàn quyền đi hay không đi vào con đường nào đó khi đứng trước bản hiệu chỉ đường. Đấy là sự tôn trọng của Thiên Chúa đối với con người và cũng nói lên tình yêu của Chúa dành cho con người.

Làm sao chúng ta có thể hiểu được tình yêu Thiên Chúa nếu không có những dấu hiệu của tình yêu. Dấu hiệu đó là những hành động cụ thể của Chúa Giêsu: chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, những lời đôi khi khó nghe của Người. Một khi chấp nhận những dấu hiệu tình yêu đó, chúng ta bắt đầu tin vào Chúa Giêsu và yêu Người rồi chúng ta mới có thể vượt qua tình trạng của quần chúng để đi vào tình trạng của các môn đệ. Bấy giờ Chúa Giêsu mới tỏ lộ những tâm tình, mới chuyển thông cho chúng ta sức mạnh, tình yêu, quyền năng của Người. Bấy giờ Người mới mạc khải trực tiếp cho chúng ta mầu nhiệm của Người.

Những điều Chúa Giêsu dạy qua dụ ngôn như mời gọi chúng ta thay đổi thái độ của mình đối với Lời Chúa. Chúng ta đừng chỉ nghĩ rằng Lời Chúa được ghi trong cuốn Kinh Thánh. Nhưng trước tiên, Lời Chúa là một ngôi vị, là một con người mà chúng ta cần gặp gỡ, tiếp xúc, yêu thương. Vậy chúng ta hãy dành nhiều thời giờ để lắng nghe và tiếp xúc với Chúa Giêsu hơn là đọc hết bài Kinh Thánh này đến bài Kinh Thánh khác. Hơn nữa, Con Người ấy không phải chỉ đang ở trong ta mà còn ở trong anh chị em sống quanh ta vì tất cả mang hình ảnh Chúa Giêsu. Nếu chúng ta từ khước gặp gỡ, tha thứ, yêu thương họ thì làm sao chúng ta có thể gặp được Chúa Giêsu trong lòng mình.

Kết luận

Sau khi tìm hiểu bản chất và mục đích dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để giảng dạy dân chúng, chúng ta càng tin phục và yêu quý Người hơn nữa. Hôm nay chúng ta hãy xin Chúa cho mình hiểu Lời Chúa hơn, gắn bó mật thiết với Ngôi Lời sống động đang ở giữa chúng ta. Xin cho mỗi người chúng ta can đảm rao giảng Lời Chúa, sẵn sàng đón nhận thân phận của hạt giống mục nát giống như Chúa Giêsu để mang lại những hoa trái tốt đẹp cho mọi người./.