Sức mạnh của Thần Khí

Được Thần Khí ban sức mạnh, và được một cái nhìn phong phú về đức tin nâng đỡ, một thế hệ Kitô hữu mới được kêu gọi để cộng tác vào việc xây dựng một thế giới, mà nơi đó, sự sống được đón nhận, tôn trọng và yêu mến, không hề bị loại bỏ, bị đe doạ và bị huỷ diệt

 Sức mạnh của Thần Khí

 

Bài giảng Thánh Lễ Bế mạc Ngày quốc tế giới trẻ lần XXIII

Tại trường đua ngựa Ranswick

Chúa nhật XVI Thường Niên, 20/7/2008 

Các bạn thân mến, 

“Các con sẽ lãnh nhận một sức mạnh, sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ ngự xuống trên các con“ (Cv 1, 8). Chúng ta thấy lời hứa này đã được thực hiện! Như chúng ta vừa nghe Bài đọc một đề cập đến lời hứa này, vào ngày Lễ Ngũ tuần, Chúa Phục Sinh ngự bên hữu Chúa Cha đã gởi Thánh Thần xuống trên các môn đệ đang tụ họp trong Phòng Tiệc ly. Nhờ sức mạnh của Thần Khí này, Phêrô và các Tông đồ đã ra đi rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng bờ cõi trái đất. Qua mọi lứa tuổi và với mọi ngôn ngữ, Giáo Hội vẫn tiếp tục công bố cho toàn thể thế giới mọi kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện, và kêu gọi mọi nước mọi dân đón nhận đức tin, niềm hy vọng và cuộc sống mới trong Đức Kitô. 

Trong những ngày vừa qua, tôi cũng đã đến đây, với tư cách là người Kế vị Thánh Phêrô, trên mảnh đất tuyệt vời của nước Úc này. Anh chị em là các bạn trẻ của tôi thân mến, tôi đã đến đây để kiên vững các bạn trong đức tin, và để mở lòng các bạn ra đón nhận quyền năng của Thần Khí Đức Kitô, và đón nhận các ân huệ phong phú của Người. Tôi cầu xin cho đại hội này, đại hội quy tụ những người bạn trẻ đến “từ mọi quốc gia dưới bầu trời này“ (Cv 2, 5), trở nên một ngôi nhà Tiệc ly mới. Ước gì ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa ngự xuống trong lòng các bạn, để liên kết các bạn ngày càng khắng khít với Chúa và Hội Thánh của Người hơn, và để sai phái các bạn ra đi, như những thế hệ Tông đồ mới, để mang thế giới về cho Đức Kitô. 

“Các con sẽ lãnh nhận một sức mạnh, sức mạnh của Chúa Thánh Thần, là Đấng sẽ ngự xuống trên các con“ (Cv 1, 8). Những lời trên đây của Chúa Phục Sinh  có một ý nghĩa đặc biệt đối với các bạn trẻ sắp được lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, được ghi dấu bằng ơn Chúa Thánh Thần, qua Thánh Lễ này. Nhưng qua những lời trên, Chúa cũng nói với mỗi người trong chúng ta, với tất cả những ai đã lãnh nhận từ Thần Khí ơn giao hoà và ơn ban sự sống mới qua Bí tích Thánh tẩy, cũng như nói với tất cả những ai đã lãnh nhận Thần Khí trong lòng họ như  sức mạnh nâng đỡ, và như người hướng đạo qua Bi tích Thêm Sức, và mỗi ngày được lớn lên trong các ân sủng Chúa nhờ Bí tích Thánh Thể. Thật thế, cứ qua mỗi Thánh Lễ, Thánh Thần mà Giáo Hội long trọng kêu cầu, lại đều hiện xuống, không những để biến đổi của lễ ta dâng là bánh và rượu đẻ trở nên Mình và Máu Chúa Kitô, mà còn để biến đổi cuộc đời chúng ta, hầu nhờ sức mạnh của Thánh Thần, làm cho chúng ta trở “nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô“. 

Nhưng như thế thì đâu là “quyền năng“ của Thánh Thần? Đó chính là quyền năng của đời sống Thiên Chúa! Đó là quyền năng của chính Thần Khí toả lan trên làn nước vào buổi bình minh của công cuộc sáng tạo, và khi thời gian đến hồi viên mãn, đã làm cho Đức Giêsu từ trong kẻ chết sống lại. Chính là quyền năng đã dẫn đưa chúng ta, chúng ta và cả thế giới, hướng đến triều đại Nước Chúa. Trong trang Phúc Âm hôm nay, Đức Giêsu loan báo một kỷ nguyên mới đã bắt đầu, kỷ nguyên mà qua đó, Thánh Thần sẽ được ban cho toàn thể nhân loại (x. Lc 4, 21). Chính Đức Giêsu, được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần và được sinh ra từ cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, đã đến giữa chúng ta để ban cho ta Thần Khí này. Chúa Thánh Thần, là nguồn suối phát sinh sự sống mới của chúng ta trong Đức Kitô, và Chúa Thánh Thần cũng thật sự là linh hồn của Giáo Hội, là tình yêu nối kết chúng ta với Đức Kitô, và nối kết chúng ta với nhau, là ánh sáng mở to đôi mắt chúng ta để thấy được những kỳ công Thiên Chúa thực hiện chung quanh chúng ta. 

Ở đây, trong nước Úc này, “Đại miền Nam của Thánh Thần“ này, tất cả chúng ta đều cảm nghiệm một cách không thể nào quên sự hiện diện và quyền năng của Thần Khí trong vẻ đẹp của thiên nhiên. Cặp mắt chúng ta đã được mở ra để thấy thế giới chung quanh ta dưới cái dáng vẻ thực sự của nó: “đầy oai phong của Thiên Chúa“, như thi nhân từng nói, tràn đầy vinh quang của tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa. Nơi đây cũng thế, trong đại hội của những bạn trẻ Kitô giáo này, những người bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới, chúng ta cũng đã cảm nghiệm được một cách thật sống động sự hiện diện và quyền năng của Thần Khí trong đời sống của Giáo Hội. Chúng ta đã thấy được Giáo Hội đúng theo bản tính thực sự của Giáo Hội: là Thân thể của Đức Kitô, là cộng đoàn sống động của tình yêu, bao gồm mọi người, thuộc mọi màu da, quốc gia, và ngôn ngữ, thuộc mọi thời, và mọi nơi, trong sự hợp nhất được phát sinh từ đức tin của chúng ta vào Chúa Phục Sinh. 

Quyền năng của Thần Khí không bao giờ ngừng tuôn đổ đầy tràn sức sống vào trong Giáo Hội! Qua ân sủng của các Bí tích trong Giáo Hội, sức mạnh này thâm nhập sâu xa vào trong lòng chúng ta, như thể một dòng sông ngầm nuôi dưỡng tinh thần, và luôn lôi kéo chúng ta đến gần hơn nữa nguồn suối sự sống thực sự của chúng ta là Đức Kitô. Thánh Inhatiô thành Antiôkia, tử đạo tại Rôma, vào đầu thế kỷ II, đã để lại cho chúng ta một sự mô tả tuyệt vời về sức mạnh của Thần Khí là Đấng cư ngụ trong chúng ta. Thánh nhân nói về Thần Khí như một suối nước hằng sống trong lòng mình và thì thào: “Hãy đến, hãy đến với Chúa Cha!“ (x. Rm 6, 1-9). 

Tuy nhiên, sức mạnh này, ân sủng của Thần Khí, không phải là một cái gì chúng ta có thể xứng đáng lãnh nhận hay chiếm hữu, nhưng chúng ta chỉ có thể lãnh nhận như một ân huệ. Tình yêu của Thiên Chúa chỉ có thể đổ tràn quyền năng của Người, khi chúng ta để cho Chúa biến đổi chúng ta ngay từ bên trong.  Chúng ta phải để cho Người xuyên qua cái vỏ bọc cứng cáp của tính lãnh đạm,  của sự mỏi mệt tinh thần, của tính thủ cựu mù quáng của chúng ta đối với tinh thần của thời đại chúng ta đang sống. Chỉ lúc đó, chúng ta mới có thể để cho  Người đốt cháy trí tưởng tượng, và uốn nắn mọi ước muốn sâu xa nhất của con người chúng ta. Chính vì thế, kinh nguyện vô cùng quan trọng; kinh nguyện hàng ngày, kinh nguyện cá nhân, trong thinh lặng của tâm hồn, và trước mặt Chúa Thánh Thể, cũng như kinh nguyện thần vụ trong Giáo Hội. Kinh nguyện là khả năng thực thụ để lãnh nhận ơn Chúa, là tình yêu được thể hiện qua hành động, là sự thông hiệp với Thần Khí là Đấng đang cư ngụ trong lòng chúng ta, và dẫn đưa chúng ta, qua Đức Giêsu, trong Giáo Hội, đến với Cha trên trời. Nhờ quyền năng của Thần Khí Đức Giêsu, Đức Giêsu luôn hiện diện trong lòng chúng ta, yên tĩnh chờ đợi chúng ta đến ngồi thinh lặng bên cạnh Người, để lắng nghe tiếng Người, ở lại trong tình yêu của Người, và lãnh nhận “sức mạnh từ trên cao“, sức mạnh làm cho chúng ta có khả năng làm muối và ánh sáng cho thế giới của chúng ta. 

Khi về trời, Chúa Phục Sinh đã nói với các môn đệ của mình: “Các con sẽ là nhân chứng của Thầy… cho đến tận cùng trái đất“ (Cv 1, 8). Ở đây, trong nước Úc này, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì hồng ân đức tin, một đức tin đã được ban tặng cho chúng ta, như một kho tàng được chuyển trao từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong mối hiệp thông với Giáo Hội. Ở đây, tại châu Đại dương này, chúng ta hãy đặc biệt cám ơn tất cả những anh hùng thừa sai, những linh mục và tu sĩ tận tuỵ, những bậc làm cha làm mẹ, và những bậc làm ông bà nội ngoại Kitô giáo, các thầy dạy, và những giáo lý viên, đã xây dựng Giáo Hội trên những vùng đất này; cám ơn những chứng nhân, như Nữ Chân phước Mary MacKillop, Thánh Phêrô Chanel, Chân phước Peter To Rot và nhiều vị khác! Sức mạnh của Thần Khí, được mạc khải qua cuộc đời của các ngài, nay vẫn còn tác động trong những công cuộc từ thiện mà các ngài đã để lại, trong xã hội mà các ngài đã uốn nắn, và giờ đây được giao phó cho các bạn. 

Các bạn trẻ thân mến, cho phép tôi đặt ra cho các bạn một câu hỏi. Các bạn sẽ để lại cái gì cho thế hệ sắp tới? Các bạn có xây dựng cuộc đời mình trên những nền tảng vững chắc không, các bạn có xây dựng một cái gì trường tồn không?    Các bạn có thể hiện cuộc sống của mình như thế nào để nhường chỗ cho Thần Khí ngự đến giữa một thế giới muốn lãng quên Thiên Chúa, hay thậm chí còn loại bỏ Người nhân danh một quan niệm sai lầm về tự do? Các bạn sử dụng như thế nào những ân huệ Chúa ban, sử dụng như thế nào “sức mạnh“ mà Thánh Thần ngày hôm nay vẫn còn sẵn sàng đổ tràn trên các bạn? Các bạn sẽ để lại di sản nào cho những người bạn trẻ đến sau các bạn? Các bạn sẽ  phân biệt mình nhưt hế nào với những người khác? 

Quyền năng của Thánh Thần không chỉ có soi sáng và an ủi chúng ta mà thôi.  Quyền năng ấy còn hướng chúng ta đến tương lai, đến sự hiển trị của Nước Chúa. Chúng ta sẽ thoáng thấy thị kiến tuyệt diệu dường bao của một nhân loại đã được cứu chuộc và canh tân mà trang Tin Mừng ngày hôm nay hứa hẹn!  Thánh Luca nói với chúng ta rằng Đức Giêsu Kitô là người thực hiện tất cả những lời Thiên Chúa hứa, rằng Đấng Thiên Sai có trọn vẹn Thánh Thần để thông ban cho toàn thể nhân loại. Việc đổ tràn Thần Khí của Đức Kitô trên nhân loại cho ta có được niềm hy vọng sẽ được giải thoát khỏi những gì bần cùng hoá chúng ta. Sự đổ tràn Thần Khí sẽ làm cho người mù được sáng mắt, giải phóng người bị áp bức, và tạo nên sự hợp nhất trong và qua sự đa dạng (x. Lc 4, 18-19; Is 61, 1-2). Sức mạnh này có thể tạo nên một thế giới mới: có thể “canh tân bộ mặt trái đất“ (x. Tv 104, 30)!

Được Thần Khí ban sức mạnh, và được một cái nhìn phong phú về đức tin nâng đỡ, một thế hệ Kitô hữu mới được kêu gọi để cộng tác vào việc xây dựng một thế giới, mà nơi đó, sự sống được đón nhận, tôn trọng và yêu mến, không hề bị loại bỏ, bị đe doạ và bị huỷ diệt. Một kỷ nguyên mới, mà nơi đó, tình yêu không  tham lam hay ích kỷ, nhưng tinh tuyền, trung thành và thực sự tự do, cởi mở với người khác, biết tôn trọng phẩm giá của họ, tìm kiếm điều thiện hảo, và toả chiếu niềm vui và vẻ đẹp. Một kỷ nguyên mới, mà qua đó, niềm hy vọng giải phóng chúng ta khỏi tính nông cạn, sự vô cảm, và tính ích kỷ đang giết dần tâm hồn chúng ta, và đầu độc những mối tương giao nhân loại. Các bạn trẻ thân mến, Chúa yêu cầu các bạn trở nên những tiên tri cho kỷ nguyên mới này, những sứ giả gieo rắc tình yêu của Người, có khả năng lôi kéo mọi người về với Chúa Cha, và xây dựng một tương lai đầy hứa hẹn cho toàn thể nhân loại. 

Thế giới đang cần đến sự canh tân này! Trong nhiều xã hội của chúng ta đang sống, bên cạnh sự thịnh vượng về mặt vật chất, sa mạc tinh thần vẫn còn lan tràn ra đó: một sự trống vắng nội tâm, một sự sợ hãi mơ hồ, một tình cảm ẩn giấu sự tuyệt vọng. Có biết bao người sống đương thời với chúng ta, trong khi tìm kiếm một cách vô vọng hướng đi và ý nghĩa tối hậu, mà duy chỉ tình yêu mới có thể mang lại, đã đào cho mình những bể chứa nứt rạn và rỗng nước (x.Gr 2, 13). Đây là ân huệ bao la và có tính giải phóng mà Tin Mừng đã mang lại cho chúng ta: Người mạc khải cho chúng ta phẩm giá của mình là những con người,  nam cũng như nữ, được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, và giống như Người. Người mạc khải cho chúng ta thấy được ơn gọi cao cả của nhân loại, đó  là tìm thấy sự viên mãn của chính mình trong tình yêu. Tình yêu chứa đựng chân lý về con người, chân lý về sự sống.

 

Giáo Hội cũng cần đến sự canh tân này! Giáo Hội cần đến đức tin của các bạn, cần đến lý tưởng của các bạn, và cần đến sự quảng đại của các bạn, để luôn tươi trẻ trong Thần Khí (x. Lumen gentian, Ánh sáng muôn dân, s. 4). Trong Bài đọc hai ngày hôm nay, Tông đồ Phaolô nhắc chúng ta nhớ rằng mỗi Kitô hữu đã lãnh nhận một ân huệ và phải sử dụng để xây dựng Thân mình Đức Kitô. Giáo Hội đặc biệt cần đến ân huệ của người trẻ, của tất cả những người trẻ. Giáo Hội cần lớn lên trong quyền năng của Thần Khí, là Đấng ngày hôm nay cũng đang mang lại cho các bạn niềm vui, và khuyến khích các bạn hân hoan phục vụ Chúa. Các bạn hãy mở rộng tâm hồn ra đón nhận sức mạnh này! Tôi đặc biệt gởi lời kêu gọi này đến tất cả những ai được Chúa kêu gọi sống đời linh mục và đời tận hiến. Các bạn đừng sợ nói lên tiếng “xin vâng“ của mình với Đức Giêsu, đừng sợ tìm thấy niềm vui của mình khi vâng theo ý muốn của Chúa, khi hoàn toàn tận hiến đời mình để đạt tới sự thánh thiện, và khi sử dụng các tài năng của mình để phục vụ người khác. 

Lát nữa đây chúng ta sẽ cử hành Bí tích Thêm Sức. Thánh Thần sẽ hiện xuống trên những thụ nhân. Họ sẽ “được ghi dấu ấn“ bằng ân huệ của Thần Khí, và được sai đi làm chứng nhân cho Đức Kitô. Lãnh nhận “dấu ấn“ của Thánh Thần có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là được ghi dấu ấn không thể nào phai, được biến đổi một cách vĩnh viễn, điều đó có nghĩa là trở nên những thụ tạo mới. Đối với những ai đã lãnh nhận ân huệ này, thì điều đó là độc nhất vô nhị! Được “rửa“ trong Thần Khí, điều đó có nghĩa là được tình yêu Thiên Chúa ôm ấp. Được Thần Khí duy nhất cho “uống thoả thuê” (x. 1Cr 12, 13), điều đó có nghĩa là được kế hoạch tuyệt vời của Thiên Chúa đối với chúng ta và đối với thế giới làm cho ta “được tươi mát”, để đến lượt chúng ta, chúng ta cũng trở nên một dòng suối giải khát về mặt tinh thần cho tha nhân. Được “Thánh Thần ghi dấu“, điều đó có nghĩa là, ngoài việc không sợ phải biện hộ cho Đức Kitô, khi chúng ta để cho chân lý của Tin Mừng thâm nhập vào trong cách nhìn, lối suy nghĩ, và hành động của chúng ta, mà chúng ta còn nỗ lực làm cho nền văn minh của tình yêu được chiến thắng. 

Trong khi chúng ta dâng lời cầu nguyện cho những người sắp lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, thì chúng ta cũng hãy cầu xin để cho sức mạnh của Thánh Thần khơi dậy trong lòng mỗi người chúng ta ân sủng của Bí tích Thêm Sức mà chúng ta đã lãnh nhận. Ước gì Thần Khí đổ tràn đầy các ơn của Người xuống trên những người đang hiện diện nơi đây, xuống trên thành phố Sydney, xuống trên vùng đất Úc châu, và trên toàn thể dân cư của đất nước này!  Ước gì mỗi người trong chúng ta được canh tân bởi thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí khuyên bảo và sức mạnh, thần trí hiểu biết, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa! 

Nhờ sự chuyển cầu từ ái của Đức Maria, là Mẹ của Giáo Hội, ước gì chúng ta có thể sống Ngày quốc tế Giới trẻ lần XXIII này như một biến cố Tiệc ly mới, để  được đốt cháy bằng ngọn lửa tình yêu của Thánh Thần, tất cả chúng ta có thể tiếp tục công bố Chúa Phục Sinh, và lôi kéo mọi tâm hồn đến với Người.  Amen!