10/01/2025

Quản lý ngân hàng còn nhiều điểm hở

Lãi suất cao đang khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn nhưng giúp các ngân hàng lãi lớn, tín dụng đen cũng phát triển

 Quản lý ngân hàng còn nhiều điểm hở

Trong khi các doanh nghiệp đang vật lộn với bao nhiêu khó khăn, thậm chí không ít doanh nghiệp phải phá sản thì ngành ngân hàng lại lãi lớn. Nghịch lý đó nói lên điều gì?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu kinh tế – xã hội Hà Nội) cho rằng: “Lợi nhuận các ngân hàng cao, được đánh bóng có thể tăng uy tín và che giấu các yếu kém nội tại. Nhưng lãi lớn sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu vì lãi suất quá cao khiến doanh nghiệp khó khăn, đến hạn không trả được nợ”.

Lãi suất cao đang khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn nhưng giúp các ngân hàng lãi lớn, tín dụng đen cũng phát triển. Đề cập vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong – Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội – nói:

– Theo tìm hiểu của tôi, lợi nhuận của giới ngân hàng VN đang cao hàng đầu thế giới. Tại VN, nhiều ngân hàng có vốn chỉ cỡ 1.000 tỉ đồng, nhưng nhờ cơ chế hiện nay một năm có thể lãi đến 300-500 tỉ đồng. Hiếm có một quốc gia nào các ngân hàng lãi cao như thế.

* Thưa ông, đây có phải là điều bất thường?

“Lợi nhuận của các ngân hàng cao, được “đánh bóng” có thể tăng uy tín và che giấu các yếu kém nội tại của các ngân hàng. Nhưng lãi lớn sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu vì lãi suất quá cao khiến doanh nghiệp khó khăn, đến hạn không trả được nợ”

TS Nguyễn Minh Phong

– Năm 2011 ngân hàng lãi rất lớn, có thể hơn cả năm 2008 bởi năm nay họ được khống chế lãi suất huy động trong khi lãi suất cho vay lại được thả nổi. Với mức lạm phát năm 2011 khoảng 17%, thực chất người gửi tiền vào ngân hàng sẽ bị âm vốn với lãi suất huy động 14%/năm. Doanh nghiệp phải đi vay cũng gặp khó khăn vì lãi cho vay có thể lên đến 25%, thậm chí gần 30%/năm.

Bình thường chênh lệch giữa lãi suất huy động – cho vay khoảng 3% đã đủ cho ngân hàng có lãi. Nhưng khoản chênh lệch hiện nay đã lên đến cả chục phần trăm. Ngân hàng “rỉ tai” cho nhiều người gửi tiền hưởng lãi 17-19%/năm.

Nhưng đó chỉ là những khách hàng lớn, gửi từ khoảng 200 triệu đến trên 1 tỉ đồng. Khoản tiền này đại đa số người lao động bình thường đang bị ảnh hưởng mạnh bởi lạm phát không thể có để được hưởng.

* Tình trạng bất bình đẳng giữa doanh nghiệp sản xuất với ngân hàng cùng mức lãi suất cho vay quá cao có tạo những rủi ro cho nền kinh tế?

– Với lãi suất cao như hiện nay, không chỉ doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất ra vật chất cho xã hội gặp khó mà bản thân các ngân hàng và nền kinh tế cũng phải gánh thêm rủi ro. Đạt lợi nhuận khoảng 30-40% trên vốn đầu tư là cực khó, nhưng phải lãi mức này doanh nghiệp mới đủ hòa vốn và còn có tiền trả lãi ngân hàng.

Với lãi suất khoảng 25%/năm, tự nhiên vốn sẽ được định hướng chảy vào khu vực mang tính đầu cơ và các dự án rủi ro cao vì chỉ khu vực này mới dễ “lướt sóng” để cho lợi nhuận lớn. Các doanh nghiệp bình thường vay được vốn với lãi suất 25%/năm chỉ đủ khả năng phải hoạt động cầm chừng, thậm chí thua lỗ và không có tiền trả ngân hàng là không nhỏ.

Đặc biệt, sức cạnh tranh của doanh nghiệp VN mới nâng lên một chút, lãi suất đã làm họ thụt lùi. Các nước lãi suất chỉ khoảng 7-10%/năm, VN cao gấp đôi thì hàng xuất khẩu của VN phải chịu thiệt thòi nhiều. Điều này chắc chắn ở mức độ nào đó ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của VN.

Sản xuất bị ảnh hưởng thì việc làm, lương công nhân… cũng khó tránh tác động tiêu cực. Đó là chưa kể tiền được tung ra nhưng “giá” quá cao, khả năng tạo ra hàng hóa thấp thì sẽ quay lại tăng áp lực lạm phát…

* Để giải quyết bài toán rủi ro xuất phát từ khu vực ngân hàng, chúng ta phải làm gì?

– Hiện các ngân hàng đang trong thời dễ hoạt động, lại chưa có sự cạnh tranh từ các kênh huy động vốn khác như thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư, cho thuê tài chính… nên gần như ngân hàng đang độc quyền trong việc huy động, cung cấp vốn cho xã hội.

Nhu cầu về vốn lại đang rất lớn, còn khoảng một nửa doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được vốn ngân hàng nên vị thế của ngân hàng càng cao. Về lâu dài chắc chắn phải thúc đẩy các kênh cung cấp vốn khác lớn mạnh nhằm thêm kênh cung ứng vốn dài hạn cho nền kinh tế.

* Hiện nhiều ngân hàng nhỏ đang chạy đua huy động cao và cho vay nhằm thu lợi lớn…

– Đây chính là sơ hở của Nhà nước. Theo tôi, chúng ta vẫn đang bỏ ngỏ nhiều công cụ quan trọng để quản lý, điều tiết các ngân hàng. Từng nhiều lần xảy ra tình trạng các ngân hàng nhỏ tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi. Các ngân hàng lớn sợ mất khách hàng cũng buộc phải nâng lãi suất huy động lên. Lãi suất cho vay vì thế sẽ tăng.

Theo tôi, Nhà nước nên nghiêm khắc hơn trong chính sách buộc các ngân hàng phải mua bảo hiểm tín dụng. Nhiều nước sau khủng hoảng tài chính vừa qua đã nâng mức bảo hiểm này. VN cần tận dụng triệt để công cụ trên cũng như mức dự trữ bắt buộc.

Nếu huy động vốn càng lớn tức chi phí mua bảo hiểm, chi phí an toàn phải càng nhiều, điều đó sẽ tránh được các cuộc đua lãi suất bất hợp lý, đồng thời làm tăng độ an toàn về tín dụng cho người gửi tiền. Việc bỏ ngỏ công cụ của chúng ta hiện nay vẫn vô tình tạo dư địa cho các ngân hàng chạy đua.

* Nhiều người nói tăng dự trữ bắt buộc, buộc mua bảo hiểm tín dụng sẽ làm tăng chi phí ngân hàng và làm lãi suất phải tăng để bù lại?

– Đó chỉ là cách giải thích. Mức dự trữ bắt buộc của VN hiện nay là thấp so với một số nước trong khu vực. Việc mua bảo hiểm tín dụng cũng là thông lệ các nước đều áp dụng nhưng lãi suất của họ không cao như VN. Các ngân hàng sẽ không thích các biện pháp này vì họ sẽ phải tăng chi phí, nhưng sẽ khiến ngân hàng phải cân nhắc khi huy động vốn và cân nhắc về quản trị.

* Theo ông, cần làm gì để lãi suất ngân hàng về mức hợp lý?

– Các ngân hàng cũng phụ thuộc vào nền kinh tế nên muốn giảm lãi suất phải giảm lạm phát trước. Nhưng thực tế các ngân hàng đang cho vay với lãi suất cỡ gấp đôi mức lãi suất huy động từ người dân. Vì vậy, bước thứ hai cần sớm tính đến là khống chế lãi suất cho vay. Đây là biện pháp tình thế nhưng cần thiết. Ngân hàng Nhà nước lo ngân hàng cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn nên đặt trần lãi suất huy động.

Theo tôi, cái cần đặt trần là lãi suất cho vay. Nếu đặt được trần này, trần huy động tự nhiên cũng hình thành bởi không ai đi huy động quá cao so với lãi suất mình có thể cho vay. Điều đó sẽ giúp các doanh nghiệp sớm có mặt bằng lãi suất dễ thở hơn.

Hiện đang có “tác dụng phụ” khá trầm trọng, lợi cho một số ngân hàng nhưng rất nhiều doanh nghiệp chịu thiệt khi Nhà nước thu hẹp tăng trưởng tín dụng để chống lạm phát. Cung tiền bị thu hẹp, các doanh nghiệp gần như phải đấu giá để vay tiền của các ngân hàng. Lãi suất cứ thế được các ngân hàng đẩy lên.

Một biện pháp quan trọng khác, theo tôi, cần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý ngân hàng. Hiện hoạt động quản lý chủ yếu chạy theo các ngân hàng, ít có cảnh báo từ xa. Trần lãi suất huy động Ngân hàng Nhà nước vừa đặt ra đã bị biến thành trần ảo. Quy định các ngân hàng phải đạt vốn 3.000 tỉ đồng nhưng đến hạn nhiều ngân hàng không đạt, lại hoãn.

Các chính sách và hoạt động quản lý cần phải tránh được tình trạng thụ động và phải đủ nghiêm khắc, sáng suốt và chủ động để định hướng tốt hơn các ngân hàng vì lợi ích chung của nền kinh tế.