15/11/2024

Kinh doanh “kim cương đen”

Xuất khẩu 500 tấn tóc mỗi năm với doanh số gần 200 triệu USD, Ấn Độ đang dẫn đầu thế giới về kinh doanh “kim cương đen”

  Kinh doanh “kim cương đen”

Xuất khẩu 500 tấn tóc mỗi năm với doanh số gần 200 triệu USD, Ấn Độ đang dẫn đầu thế giới về kinh doanh “kim cương đen”.

Nằm trên dãy đồi Seshachalam ở miền nam Ấn Độ thuộc thị trấn Tirumala, bang Andhra Pradesh là một thánh địa nổi tiếng với ngôi đền Tirumala thờ Sri Venkateswara, một biểu tượng của thần Vishnu. Tương truyền rằng vị thần canh giữ thế giới Vishnu mắc một món nợ vì đã tổ chức lễ cưới mà không đủ tiền.

Ngày nay, hàng triệu tín đồ già trẻ, trai gái, giàu nghèo sẵn sàng vượt chặng đường xa xôi đến giúp đỡ, dù chỉ với thứ tài sản tự nhiên mà họ có: mái tóc. Đổi lại, họ dâng lên thần những lời cầu khấn hạnh phúc, sức khỏe, con cái.

“Kim cương đen”

Ngành công nghiệp “kim cương đen” chủ yếu tập trung tại khu vực bốn bang miền nam của Ấn Độ gồm Karnataka, Tamil Nadu, Kerala và Andhra Pradesh. Tại 10 ngôi đền lớn nhất, tóc hiến sẽ được trữ và bán đấu giá mỗi năm một lần từ tháng 1 đến tháng 5. Trong khi đó, tại hơn 300 ngôi đền nhỏ hơn, tóc sẽ được thu gom thường xuyên bởi thương lái của hàng chục công ty.

Hơn 500 tấn tóc được xuất khẩu khỏi Ấn Độ mỗi năm, trong đó 25% đến từ các ngôi đền và 75% từ những người mua bán lẻ.

Hành trình của mái tóc bắt đầu từ những căn phòng đặc biệt trong các ngôi đền, nơi các tín đồ sau khi cúng bái sẽ đến đây để hiến tóc cho thần Vishnu, Shiva hay Muragan. Tại Tirupati, thánh địa lớn thứ hai có nhiều tín đồ đến hành hương nhất và là nơi giàu có nhất sau Vatican (ngân sách hằng năm là 400 triệu USD), 18.000 nhân công và khoảng 30 tu sĩ hằng ngày đón tiếp khoảng 50.000 tín đồ, còn vào những ngày lễ là hơn 100.000 tín đồ. Cứ một trong số bốn tín đồ này lại tự nguyện hiến tóc.

Những người hiến tóc sẽ đi dọc một hành lang dài dẫn đến khu cạo tóc, ở đó luôn túc trực sẵn khoảng 435 thợ cạo làm việc trong một tòa nhà bốn tầng. Mỗi năm, Tirupati thu hoạch được 200 tấn tóc và đem lại cho đền khoảng 10-20 triệu USD tùy theo giá thị trường. Do quá đông người hiến, những lưỡi dao cạo đôi khi để lại những vệt máu trên cái đầu trọc và thoáng sợ hãi trên gương mặt một số tín đồ.

Những mái tóc dâng lên thần linh sau đó được đưa về các nhà máy ở Chennai hoặc Bangalore xử lý trước khi được xuất đi nước ngoài. Những nhà máy ở Ấn Độ thường sử dụng nhân công thay cho máy móc từ các công đoạn phân loại, làm sạch, phơi, lọc bỏ tóc xấu…

“Năm 1962 đã diễn ra cuộc bán đấu giá tóc đầu tiên. 1kg tóc có giá chỉ tương đương 24 USD tính theo giá hiện nay, nhưng giá tóc hiện nay có thể tăng lên gấp 10 lần theo năm. Trước đây chúng tôi thường đốt hoặc bỏ số tóc được hiến, điều này rất ô nhiễm. Sau khi chính phủ cấm đốt tóc vào những năm 1990, việc kinh doanh tóc bắt đầu nở rộ” – một tu sĩ trong đền Tirumala cho biết.

Tóc thu gom từ các ngôi đền được bán với giá rẻ khoảng vài chục USD/kg và thường được dùng để làm nệm hoặc lọc dầu, còn nay tóc được kinh doanh với giá không hề rẻ. Giá tóc được quyết định tùy theo độ dài, dày, chất lượng…, chẳng hạn tóc dài khoảng nửa mét sẽ được bán 300-400 USD/kg, còn tóc của nam giới ngắn hơn được bán với giá 100 USD/kg để sản xuất phân bón hoặc xà phòng.

Dù đứng sau Trung Quốc về lượng xuất khẩu, song tóc Ấn Độ được đánh giá cao về chất lượng, có độ mượt mà hơn và không bị xử lý bởi hóa chất nhân tạo. Các phụ nữ Ấn Độ thường nuôi tóc từ nhỏ và chỉ sử dụng các thành phần tự nhiên như dầu dừa, thảo dược để chăm tóc.

 “Tóc ở châu Á là tốt nhất, trong khi tóc ở châu Phi xấu hơn. Tóc của Ấn Độ tốt nhất, xét về độ mịn lẫn khả năng nhuộm màu” – một nhân viên tại nhà máy xử lý tóc Rai Impex Alinjiwakkam cho biết. Sau khi xử lý, tóc có thể được các nhà máy bán lại với giá cao nhất lên đến 600-800 USD/kg.

Việc xuất khẩu tóc không phải là một ngành kinh doanh dễ dàng, không chỉ cần vốn lớn mà còn phải đảm bảo nguồn cung đều đặn. Các mối lái cho biết nhiều ngôi đền như Tirumala vài năm gần đây chỉ bán nhỏ giọt nhằm nâng giá. Các cuộc bán đấu giá thường trở thành những buổi tranh cãi náo loạn của đám thương gia.

Dù vậy, ở quốc gia có 85% dân số theo đạo Hindu như Ấn Độ, tóc vẫn được hiến tế mỗi ngày và ngành kinh doanh “kim cương đen” vẫn luôn đầy triển vọng.

Người Ấn Độ thường hiến tóc lên thần linh để tỏ lòng biết ơn – Ảnh: Perfectlocks

Đằng sau mái tóc giả

Nhu cầu tóc giả xuất phát chủ yếu từ phương Tây, nơi thời trang tóc của các ngôi sao điện ảnh có thể tạo nên các trào lưu tóc giả. Công ty xuất khẩu tóc lớn nhất Ấn Độ SDTC cho biết họ là mối ruột của tập đoàn sản xuất tóc giả Great Lengths của Ý. Số tóc được SDTC bán lại cho Great Lengths sẽ trở thành những mái tóc giả và xuất đi đến 40.000 tiệm làm đẹp tại 60 quốc gia trên thế giới. Một số mái tóc may mắn được đội lên đầu những minh tinh nổi tiếng sẽ thật sự bắt đầu các chuyến chu du thế giới.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những bất cập trên đường đi của tóc từ những khu dân cư nghèo của Ấn Độ đến các kinh đô điện ảnh giàu có. Hầu hết các tín đồ Hindu đều không hay biết rằng mái tóc họ dâng lên thần linh trị giá hàng triệu USD.

Chị Para Sakthi, 40 tuổi, há hốc miệng khi biết rằng tóc của chị dâng lên đền Tirumala có thể được bán với giá 3.000 USD tại Mỹ, tức gần gấp bốn lần mức thu nhập bình quân mỗi năm ở Ấn Độ. Dù vậy, một số ngôi đền cam kết dùng tiền bán tóc để bảo trì đền và các mục đích từ thiện khác.

Bên cạnh đó, những công nhân làm việc trong các nhà máy xử lý tóc ở Ấn Độ được hưởng mức lương hết sức rẻ bèo, chỉ từ 100-300 USD/tháng tùy theo năng suất. Họ phải làm việc sáu ngày trong tuần từ 9g-13g, chiều từ 14g-17g. Mỗi người đều phải làm đạt chỉ tiêu 10kg tóc nâu (loại nặng nhất), 8kg tóc xám đậm, 7kg tóc xám và 2kg tóc vàng. Nếu vượt chỉ tiêu này thì họ được thưởng thêm. Những phụ nữ thâm niên và có tay nghề cao cũng chỉ đạt năng suất 10kg tóc mỗi ngày.

Trong khi đó, số tóc họ làm ra được bán với giá gần 15 USD mỗi lọn ở kinh đô thời trang Paris (Pháp), nơi tóc chất lượng cao từ Ấn Độ rất được ưa chuộng.