Lại rò rỉ dầu trên vịnh Bột Hải

Đài truyền hình CCTV cho biết vụ rò rỉ mới này đang dấy lên mối quan ngại về tính an toàn trong khai thác và thăm dò dầu khí ở khu vực vịnh Bột Hải của Trung Quốc

 Lại rò rỉ dầu trên vịnh Bột Hải

Hai mối quan ngại: độ an toàn trong kỹ thuật khai thác – thăm dò dầu khí của Trung Quốc, sự thiếu minh bạch trong thông tin về thảm hoạ.

Trong khi hai vụ tràn dầu từ mỏ Bồng Lai 19-3 từ ngày 4-6 còn chưa được giải quyết thì ngày 13-7 lại xảy ra một vụ rò rỉ mới tại một mỏ dầu khác cũng trong vịnh Bột Hải.

Ngày 15-7, Cục Quản lý hải dương quốc gia Trung Quốc (SOA) cho biết vụ rò rỉ mới đã lan rộng trên 1km2. Cơn “thủy triều đen” mới này xuất phát từ hệ thống kiểm soát trung tâm trên giàn khoan chính của mỏ dầu Tuy Trung 36-1, vốn là mỏ khai thác “già nua” nhất Trung Quốc. Mỏ dầu này thuộc quản lý của Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC). Tuy CNOOC tuyên bố đã khắc phục được lỗi kỹ thuật và dầu rò rỉ đã được dọn sạch sau đó một ngày, song dư luận lại tỏ ra nghi ngờ.

Đài truyền hình CCTV cho biết vụ rò rỉ mới này đang dấy lên mối quan ngại về tính an toàn trong khai thác và thăm dò dầu khí ở khu vực vịnh Bột Hải của Trung Quốc.

Các vụ rò rỉ dầu đã gây quan ngại cho chính người Trung Quốc và các nước xung quanh gần vịnh Bột Hải. Hàn Quốc đã kêu gọi đàm phán ngay lập tức với Trung Quốc để chống ô nhiễm dầu trên biển.

Ảnh hưởng môi trường kéo dài

Quan ngại này như càng được nhân lên khi hai vụ rò rỉ dầu từ hai giàn khoan B và C của mỏ Bồng Lai 19-3 trong cùng khu vực vẫn đang tiếp tục gây ảnh hưởng nặng đến môi trường biển cũng như cuộc sống của người dân vùng duyên hải tỉnh Sơn Đông và các vùng lân cận.

Nguyên nhân rò rỉ dầu từ mỏ Bồng Lai 19-3 vốn xảy ra từ ngày 4-6 và gần một tháng sau mới được công bố, đến nay vẫn đang được điều tra. Ngày 13-7, SOA đã ra lệnh dừng mọi hoạt động sản xuất ở hai giàn khoan B và C của mỏ Bồng Lai 19-3 nhằm giảm nguy cơ rò rỉ thêm. Trong khi cơ quan chức năng cứ trấn an nước biển không ô nhiễm thì Đài truyền hình CCTV cho biết chất lượng nước biển trong diện tích khoảng 4.240km2 đã bị ô nhiễm.

Giới quan sát môi trường của Trung Quốc đang chỉ trích gay gắt hai công ty khai thác dầu ở mỏ Bồng Lai 19-3 đã không ngăn chặn dầu tràn hiệu quả. Họ cho rằng vụ tràn dầu hơn một tháng qua là một “thảm hoạ môi trường” thật sự. Ông Mã Quân, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và công chúng Trung Quốc, nhận định: ngay với lượng dầu rò rỉ như công bố thì rõ ràng đã là một thảm hoạ đối với môi trường biển.

“Dầu sẽ thấm vào chuỗi thức ăn trong môi trường biển và gây ra ảnh hưởng khó lường trước” – ông Mã nói.

Trong khi đó ông Lưu Khánh Chính, giám đốc Trung tâm Dự báo môi trường biển quốc gia Trung Quốc, cho biết ông chưa từng chứng kiến vụ rò rỉ dầu nào kéo dài như vụ ở mỏ Bồng Lai 19-3 và ông cho rằng hậu quả sẽ rất khó lường.

Các nhà quan sát môi trường cảnh báo những nguy cơ tràn dầu tiếp theo có khả năng gây ra “mối đe doạ kinh khủng” cho môi trường sinh thái trong vịnh Bột Hải. “Về mặt kỹ thuật, sẽ rất lâu để ngăn chặn triệt để dầu rò rỉ trong khu vực, sau khi cho đóng cửa các giàn khoan” – ông Trần Kiến Dân, giáo sư Trường đại học Dầu khí Trung Quốc, cho biết.

Ém thông tin?

Cùng với mối quan ngại về độ an toàn trong kỹ thuật khai thác dầu, dư luận Trung Quốc cũng đang dấy lên những nghi vấn về sự thiếu minh bạch trong công bố thông tin liên quan đến các “thảm hoạ đen” ở vịnh Bột Hải. Bằng chứng là gần một tháng sau khi xảy ra vụ rò rỉ dầu từ mỏ Bồng Lai 19-3 chủ đầu tư khai thác mới công bố thông tin cho công chúng.

Và khoảng nửa tháng sau, nghĩa là đến ngày 14-7, Công ty ConocoPhillips China mới công bố lượng dầu tràn từ mỏ Bồng Lai có khả năng lên đến 1.500 thùng. Song các tổ chức môi trường của Trung Quốc không tin con số này bởi họ cho rằng con số thật sẽ lớn hơn rất nhiều.

Theo ông Trọng Ngọc – một nhà hoạt động từng làm việc cho Tổ chức Hoà bình xanh, con số mà ConocoPhillips và SOA công bố chỉ có họ biết với nhau chứ không có bên thứ ba nào chứng kiến. Do vậy, tính xác thực là không đáng tin cậy. “Công ty này thống kê con số trên bằng cách nào? Họ có tính luôn cả số dầu đã bị các chất hoá học làm phân tán vào con số này hay không?” – ông Trọng đặt vấn đề.

11 tổ chức môi trường khác cũng đã gửi thư yêu cầu Công ty ConocoPhillips China và CNOOC cho các tổ chức bảo vệ môi trường đến hiện trường để quan sát và điều tra vụ rò rỉ dầu. Yêu cầu này vẫn chưa có hồi âm.