07/01/2025

Đế chế Murdoch lung lay

Đế chế hùng mạnh và rộng lớn của tỉ phú Rupert Murdoch đang nghiêng ngả khi ông trùm truyền thông mất dần ảnh hưởng chính trị tại Anh và hai “phó tướng” thân cận tại Mỹ và Anh phải từ chức vì xìcăngđan nghe lén điện thoại

Đế chế Murdoch lung lay

Đế chế hùng mạnh và rộng lớn của tỉ phú Rupert Murdoch đang nghiêng ngả khi ông trùm truyền thông mất dần ảnh hưởng chính trị tại Anh và hai “phó tướng” thân cận tại Mỹ và Anh phải từ chức vì xìcăngđan nghe lén điện thoại.

“Ông Murdoch đã mất quyền lực ở Anh và sẽ không bao giờ lấy lại nó được nữa”

Nhà phân tích truyền thôngKen Doctor

Theo báo Guardian, đêm 15-7 ông Les Hinton, giám đốc điều hành Công ty Dow Jones trực thuộc Tập đoàn News Corporation của tỉ phú Murdoch, đã nộp đơn từ chức. Nguyên nhân là ông Hinton đã điều hành Tập đoàn News International (xuất bản báo chí ở Anh) từ năm 1997-2005, khi tờ báo lá cải Anh News Of The World do News International xuất bản thực hiện các cuộc nghe lén điện thoại.

Đây là một đòn mạnh giáng vào ông Murdoch bởi cả hai đã làm việc với nhau trong suốt 52 năm qua. Ông Murdoch thừa nhận đã nhận lá đơn xin từ chức của ông Hinton “mà lòng nặng trĩu”. Sự ra đi của ông Hinton cũng gây cú sốc lớn tại nhật báo danh tiếng Wall Street Journal (WSJ) do Dow Jones xuất bản. “Les Hinton đã đóng góp rất lớn vào việc phát triển WSJ – thư ký toà soạn Allan Murray viết trên trang mạng xã hội Twitter – Mọi người sẽ rất nhớ ông ấy”.

Cùng ngày, giám đốc điều hành News International là Rebekah Brooks cũng đã từ chức. Bà Brooks từng là biên tập viên tờ News Of The World từ năm 2000-2003. “Là lãnh đạo công ty, tôi cảm thấy có trách nhiệm với những người mà chúng tôi đã làm tổn thương” – bà Brooks cho biết trong lá thư tạm biệt công ty. Trước đó, ông Murdoch từng không chấp nhận đơn xin từ chức của bà Brooks khi xìcăngđan nghe lén mới bị lộ tẩy, nhưng cuối cùng đã phải đầu hàng trước sức ép của giới chính trị gia Anh.

Ảnh hưởng chính trị bị thu hẹp

Đế chế truyền thông của tỉ phú Murdoch trải rộng khắp toàn cầu từ Mỹ, châu Âu đến Úc, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ Latin, trị giá khoảng 60 tỉ USD. Năm 2010, News Corporation đạt doanh thu 33 tỉ USD. Do đó, ông Murdoch có ảnh hưởng chính trị rất lớn, đặc biệt là tại Anh. Các chính trị gia Anh thuộc nhiều đảng phái khác nhau thường cạnh tranh để nhận được sự ủng hộ của ông trùm truyền thông. Ông Murdoch được mệnh danh là “thành viên nội các suốt đời” của chính quyền Anh.

Ông Murdoch bắt đầu tạo dựng quyền lực tại Anh vào thập niên 1980, khi thủ tướng Margaret Thatcher cho phép ông mua lại tờ The Times và The Sunday Times. Ông Murdoch đã trả lễ xứng đáng: các tờ báo của ông ủng hộ nhiệt thành các chính sách của bà Thatcher. Khi lên làm thủ tướng, ông Tony Blair cũng “tranh thủ” tối đa sự ủng hộ của ông Murdoch. Nhiều nguồn tin trong chính quyền Anh tiết lộ trước khi đưa lính Anh sang Iraq năm 2003, ông Blair đã liên tục gọi điện cho ông Murdoch. Và các tờ báo của ông Murdoch đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến Iraq.

Ông Murdoch thăm đương kim Thủ tướng Anh David Cameron trước khi ông lên nắm quyền hồi tháng 5-2010. Đó là cuộc tiếp xúc chính thức duy nhất của ông Cameron ở Văn phòng thủ tướng phố Downing ngoài các cuộc gặp lãnh đạo chính trị các nước khác. Ở Úc, ảnh hưởng của ông Murdoch cũng rất lớn. Hiện nay, News Corporation đã giành 70% lượng bạn đọc tin tức ở Úc. Tại Mỹ, News Corporation chi khá nhiều tiền quyên góp chính trị cho các chính trị gia. Năm ngoái News Corporation đã đóng góp 1 triệu USD cho Hiệp hội thống đốc Đảng Cộng hoà. Kênh Fox News và báo New York Post của ông thiên về cánh hữu. Trang xã luận của Wall Street Journal cũng là tiếng nói bảo thủ có ảnh hưởng lớn.

Tuy nhiên, giới quan sát khẳng định sau vụ xìcăngđan, ảnh hưởng chính trị của ông Murdoch ở Anh sẽ bị thu hẹp đáng kể. Thủ tướng Anh Cameron mới đây đã lên tiếng chỉ trích News Corporation. Hàng loạt nghị sĩ trong Hạ viện Anh, những người từng thèm khát sự ủng hộ của ông Murdoch, đồng loạt lên tiếng phản đối việc News Corporation mua 71% cổ phần Hãng truyền hình vệ tinh BSkyB, buộc ông phải từ bỏ thương vụ 12 tỉ USD này. Các nghị sĩ Anh cũng đã triệu tập ông Murdoch và con trai tới cuộc điều trần của một uỷ ban Quốc hội điều tra xìcăngđan nghe lén. Mới chỉ vài tháng trước, đây là điều khó có thể tưởng tượng nổi.

Thiệt hại đến đâu?

Đến nay, giá trị thị trường của News Corporation đã giảm khoảng 6 tỉ USD do giá cổ phiếu sụt giảm liên tục vì vụ xìcăngđan. Dù vậy, ở Anh nhiều người vẫn cho rằng đây chỉ là giai đoạn khủng hoảng tạm thời của ông Murdoch. “Chỉ tám tháng sau, chẳng ai sẽ còn nhớ những chuyện này – một nhà phân tích chính trị Anh khẳng định – Murdoch sẽ trở lại. Nên nhớ rằng ông ta vẫn giữ trong túi phân nửa số cảnh sát và chính trị gia (ở Anh)”.

Ngược lại, một số nhà phân tích dự báo có khả năng News Corporation sẽ bán tất cả các tờ báo ở Anh. “Không còn lý do gì để ông ta tiếp tục sở hữu News International. Các tài sản ở Mỹ của ông ấy giờ quan trọng hơn, cần sự bảo vệ” – chuyên gia truyền thông Ken Doctor nhận định.

Trong khi uy tín của ông Murdoch sa sút, vụ xìcăngđan nghe lén của báo News Of The World tiếp tục lan rộng tới Sở Cảnh sát Anh (Scotland Yard), và nhân vật tên tuổi kế tiếp có thể bị ảnh hưởng là ngài Paul Stephenson, lãnh đạo Scotland Yard, một trong những người nổi tiếng và có uy tín nhất nước Anh. Trước đó, Scotland Yard từng mở hai cuộc điều tra báo News Of The World nhưng không đạt được bất cứ kết quả cụ thể nào.

Theo báo chí Anh, ngài Stephenson đã thông qua việc trả gần 40.000 USD vào năm 2009 và 2010 cho một “cố vấn truyền thông” tên Neil Wallis. Ông Wallis từng là biên tập viên của tờ News Of The World khi các vụ nghe lén diễn ra. Mới đây, Scotland Yard thừa nhận đã trả cho ông Wallis 1.600 USD/ngày dịch vụ tư vấn truyền thông và xác nhận ngài Stephenson đã ăn tối với các biên tập viên News Of The World tám lần trong thời điểm Scotland Yard đang điều tra tờ báo này. Mới đây người phát ngôn của Thủ tướng Cameron tuyên bố ngài Stephenson “có rất nhiều câu hỏi khẩn cấp cần phải trả lời”.