Cha đẻ “thần nông mặn”

Biến đổi khí hậu khiến nước mặn xâm nhập sâu vào ruộng đồng là vấn đề đáng ngại nhất đối với người dân ĐBSCL. Vì vậy, khi nghe TS Thành đang gặt hái những kết quả hết sức khả quan trong việc gầy dựng lúa chịu mặn, ai cũng vui mừng

Cha đẻ “thần nông mặn”

“Trồng lúa được trên vùng nước mặn”- tiến sĩ Võ Công Thành (bộ môn di truyền giống nông nghiệp – khoa nông nghiệp ĐH Cần Thơ) quả quyết như vậy, trong khi tôi tròn xoe mắt vì ngạc nhiên.

Và sự thật tôi đã chứng kiến trên cánh đồng ven biển xã Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), lúa đang lên xanh tốt trên ruộng dù nước có độ mặn 9-10%o, tương đương độ mặn dùng để nuôi tôm. “Dự kiến cuối năm nay sẽ nhân ra được 40 tấn giống lúa chịu mặn” – TS Thành cho biết như vậy.

Biến đổi khí hậu khiến nước mặn xâm nhập sâu vào ruộng đồng là vấn đề đáng ngại nhất đối với người dân ĐBSCL. Vì vậy, khi nghe TS Thành đang gặt hái những kết quả hết sức khả quan trong việc gầy dựng lúa chịu mặn, ai cũng vui mừng.

“Nhìn cảnh nông dân ở những vùng nhiễm mặn quá khổ cực, tôi tự nhủ phải làm cho lúa năng suất cao hơn và trồng được tại vùng nước mặn”

Tiến sĩ Võ Công Thành

Bắt đầu từ “đứa con bị bỏ rơi”

Thật ra ông là “dân” làm đậu nành chớ không phải lúa. Năm 1998, ĐH Cần Thơ nhận chuyển giao công nghệ “Điện di protein SDS-PAGE” của Nhật ứng dụng trên cây đậu nành.

Ông tự vận dụng mày mò nghiên cứu trên cây lúa và phát hiện nhiều điều thú vị: kỹ thuật này sẽ giúp mình phát hiện gạo mềm hoặc cứng cơm, phân tích được hàm lượng sắt, protein và nhiều chất khác trong hạt gạo. Từ đó có thể tuyển lấy nguồn giống tốt nhất theo ý muốn. Ông đề xuất được chuyển hướng nghiên cứu hẳn qua cây lúa, nhưng bị cấp trên từ chối vì sợ không đúng lĩnh vực gây lãng phí.

Ông lẳng lặng tự làm một mình. Bắt đầu từ con số 0, ông tự mình sưu tầm những giống lúa có từ xa xưa, thường gọi là lúa mùa, để nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng của nó. Lúc đó, địa phương nào cũng hô hào làm giống lúa cao sản ngắn ngày, năng suất cao, ngon cơm để xuất khẩu. Những giống lúa mùa cao tới đầu người, năng suất thấp (1-2 tấn/ha), lại dài ngày, tới sáu tháng mới thu hoạch, nên chúng thành những đứa con bị bỏ rơi chẳng ai ngó ngàng.

Nhưng TS Thành lại nghĩ khác: “Nếu không lưu giữ những hạt giống xưa của ông bà, sau này lớp trẻ không có gì để nghiên cứu. Hơn nữa, làm nghiên cứu giống lúa mà trong tay không có một tập đoàn giống đa dạng, nhiều chủng loại thì rất khó ăn nói”.

Vậy là ông xách xe gắn máy rong ruổi tận Cần Giuộc (Long An), Gò Công (Tiền Giang), Ba Tri (Bến Tre), Duyên Hải (Trà Vinh), qua tận Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Sở dĩ ông chọn vùng ven biển vì chỉ ở đây người dân mới còn trồng lúa mùa. Tới đâu ông cũng xuống ruộng ăn dầm nằm dề với nông dân, hỏi han đủ điều về giống lúa, chất đất, độ mặn ngọt của nước.

Ông đau đáu với nỗi lòng của bà con: “Vùng này trồng lúa xấu lắm, có 5-6 giạ/công hà (trên dưới 1 tấn/ha), chú có cách nào làm cho lúa tốt hơn không?”. Thấy cảnh nông dân quần quật trên ruộng quanh năm mà không đủ ăn, TS Thành thương quá, nhủ bụng “mình phải làm cho lúa năng suất cao hơn, trồng được tại vùng nước mặn này”.

Ý nghĩ trồng lúa trên vùng nước mặn lóe lên từ đó. Những chuyến xuống ruộng với nông dân, ông cũng xin được mỗi nơi một ít giống lúa mùa địa phương. Điều không thể ngờ là những giống lúa này được nông dân trồng ngay trên vùng nước mặn. Ông cầm máy đo tại chỗ. Độ mặn lên tới 9-10%o.

Trong hai năm 2000-2001, ông đã gầy dựng được một “tập đoàn” giống gồm 34 giống lúa ven biển ĐBSCL, trong đó nhiều giống có khả năng chịu mặn cao như: nếp ruồi, trắng tép, lem bụi, lúa sỏi, lúa Cà Mau…

“Thơm phức”!

Có giống rồi, TS Thành đem về phòng thí nghiệm phân tích, đánh giá bằng phương pháp điện di SDS-PAGE. Ông phát hiện có 17 giống đạt chuẩn kháng mặn và nhiễm mặn, đa dạng di truyền và protein dự trữ. Năm 2004, ông bắt đầu thực hiện đề tài nghiên cứu “Đánh giá khả năng chịu mặn và đa dạng di truyền protein dự trữ của các giống lúa trồng ven biển vùng ĐBSCL” nhằm khai thác vốn gen quý, phục vụ công tác chọn tạo giống.

Ông chọn những giống giỏi chịu mặn nhất nhân ra trong phòng thí nghiệm. Chà đi xát lại nhiều lần, cuối cùng ông tâm đắc nhất hai giống một bụi đỏ và lúa sỏi, những giống hiếm hoi còn sót lại trong dân gian nhưng có khả năng chịu mặn ít giống nào bì kịp.

“Chỉ cái tên thôi đã chứng minh khả năng chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt của chúng – TS Thành cười hiền hậu – Một bụi đỏ là giống có vỏ trấu màu đỏ, chỉ có một bụi duy nhất chớ không tẻ ra nhánh như nhiều giống lúa khác. Còn lúa sỏi là loại có hạt tròn như viên sỏi, lại sống được trên đất khô cằn, nước mặn nên nông dân đặt tên “sỏi” để nói lên tính chất cứng rắn của nó. Cũng vì vậy giống này khá cứng cơm, ít được ưa chuộng trên thị trường”.

Sau đó, ông dùng kỹ thuật “điện di protein” cải thiện các giống này, đặc biệt làm cho chúng trở nên mềm cơm. Rồi ông “bốc” cái phần thơm của giống lúa thơm lai tạo với giống chịu mặn, cho ra giống có tên TP, tức là “thơm phức”. Tới năm 2005, ông đã lai tạo thành công sáu dòng lúa mang tên TP vừa mềm cơm, vừa thơm, vừa kháng rầy nâu và đặc biệt chịu được độ nước mặn 3%o.

Cũng năm 2005, ông cho công bố trên tập san Nghiên Cứu Khoa Học của Trường ĐH Cần Thơ đề tài “Khả năng chịu mặn và đa dạng di truyền protein dự trữ của một số giống lúa trồng ven biển vùng ĐBSCL”. Ông đề nghị phục tráng các giống lúa có khả năng chịu mặn, đạt chất lượng thương phẩm và dinh dưỡng như: tài nguyên (LA), nàng níu, trắng tép, nàng thơm Chợ Đào (TG 2)…

Tuy nhiên, công bố trên như gió lùa nhà trống, chẳng ai đoái hoài, bởi nó dài ngày quá, tới sáu tháng mới thu hoạch.

Nhờ… biến đổi khí hậu

“Nếu không có biến đổi khí hậu, chắc ba cái lúa giống chịu mặn của tui bị xếp xó tới… mục luôn” – TS Thành bộc bạch như vậy. Năm 2008, các tỉnh ven biển ĐBSCL bị hạn, mặn xâm nhập sâu vô nội đồng. Lúa bị nhiễm mặn lớp chết lớp giảm năng suất, nông dân kêu rêu quá xá. Các tỉnh chạy đôn chạy đáo kiếm giống chịu hạn, mặn để phù hợp biến đổi khí hậu. Họ tới ĐH Cần Thơ và được giới thiệu gặp TS Thành. Ông “đánh thức” mấy hạt giống dậy, đưa giống TP6 xuống trồng thử nghiệm ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh).

Mùa khô năm đó, nông dân bơm nước mặn từ sông lên tưới. Ruộng chỗ khác trổ bông lép xẹp, chỗ giống TP6 vẫn nặng oằn trái me. Nó cho năng suất 4-6 tấn/ha. Nông dân khoái quá kiếm mua rần rần. Vụ hè thu 2011 vừa qua có nông dân làm được tới 7-8 tấn/ha.

Do hạt gạo mềm cơm, nấu lên lại “thơm phức” nên khách hàng thích quá hỏi mua tới tấp. Công ty Lương thực Trà Vinh phải đặt hàng nông dân sản xuất, bao tiêu sản phẩm và xuất khẩu. Sau đó, TS Thành làm thủ tục đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “TP” cho loại gạo chất lượng cao này.

TS Thành không dừng lại đó, khi nghe ông Võ Văn Út, bí thư Huyện uỷ Hồng Dân, bức xúc: “Chỉ mới giải quyết được trên diện tích 16.000ha vùng mặn xen ngọt, giúp nông dân làm được một vụ lúa, một vụ tôm. Nhưng còn 6.000ha vùng quá mặn, rất cần có giống chịu mặn hơn nữa để giải quyết nỗi lo của hàng ngàn nông dân trong tình hình biến đổi khí hậu, hạn mặn xâm nhập ngày càng sâu như hiện nay”.

Ông lại lao vào tìm tòi, nghiên cứu và cho ra đời giống CTUS có sức chịu được hơn 9-10%o độ mặn. Ông giải thích: “CTU có nghĩa là ĐH Cần Thơ, S tiếng Anh là salinity, có nghĩa “chịu mặn”. Theo dân gian cũng có thể gọi nôm na là “Thần nông mặn”.

Tháng 4-2011, 4kg giống đầu tiên của “Thần nông mặn” được gieo mạ trên 200m2 tại xã Vĩnh Lộc A. Một tháng sau, số mạ trên được cấy nhân ra 7.000m2. Đầu tháng 7-2011, chúng tôi xuống thăm đồng thì thấy đã có gần 10ha lúa “Thần nông mặn” được nhân rộng.

Ông Võ Văn Út cho biết lúa đang phát triển tốt và chỉ còn chờ thu hoạch. Ông chắc chắn sẽ thu hoạch được đợt này năng suất 4-5 tấn/ha, vì đặc tính của lúa chịu mặn là khó khăn trắc trở chủ yếu ở giai đoạn đầu, từ lúc nảy mầm tới 30 ngày tuổi. “Lúc đó nếu chịu mặn không nổi là nó chết lâu rồi. Nay cây lúa đã lớn, thân cứng cáp đứng vững gần bằng đầu người thì coi như chắc ăn rồi”.

Như một lão nông

Năm nay 55 tuổi, tóc bạc gần hết nhưng TS Thành vẫn thường xuyên chạy xe gắn máy, lội xuống ruộng đồng hết Trà Vinh tới Bạc Liêu, Sóc Trăng… giống như lão nông đi thăm ruộng.

Năm 1980, chàng sinh viên quê Bảy Ngàn (Hậu Giang) tốt nghiệp ngành trồng trọt khoa nông nghiệp (ĐH Cần Thơ) và được giữ lại trường công tác tại khoa này. Năm 1997, ông lấy bằng thạc sĩ nông học sau khi trải qua khoá tập huấn kỹ năng nâng cao trình độ chọn giống tại Nhật. Năm 2003, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ công nghệ sinh học tại Nhật.

Hiện nay TS Võ Công Thành là trưởng phòng thí nghiệm di truyền – chọn giống và ứng dụng công nghệ sinh học, phó bộ môn di truyền giống nông nghiệp, khoa nông nghiệp Trường ĐH Cần Thơ.