Công đoàn phải thoát sự chi phối của giới chủ
“Nơi nào chủ tịch công đoàn yếu cần có thay đổi, hoặc không mạnh dạn đứng về phía người lao động thì phải thay. Công đoàn cơ sở phải dám đấu tranh, công đoàn cấp trên phải dám bảo vệ người đấu tranh”
Công đoàn phải thoát sự chi phối của giới chủ
Sáng 16-7, lãnh đạo Thành uỷ và UBND TP.HCM chủ trì họp khẩn cùng các sở ngành bàn bạc giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho công nhân, người lao động.
Dẫn con số báo cáo từ các sở ngành ở TP từ đầu năm đến nay có trên 130 vụ tranh chấp lao động tập thể (năm 2010 là 62 vụ), bà Nguyễn Thị Thu Hà – uỷ viên Trung ương Đảng, phó bí thư Thành uỷ TP – yêu cầu phải đánh giá đúng thực tế, đảm bảo khách quan để có giải pháp linh hoạt, hướng tới lâu dài xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định.
“Nơi nào chủ tịch công đoàn yếu cần có thay đổi, hoặc không mạnh dạn đứng về phía người lao động thì phải thay. Công đoàn cơ sở phải dám đấu tranh, công đoàn cấp trên phải dám bảo vệ người đấu tranh” Bà Nguyễn Thị Thu Hà (uỷ viên Trung ương Đảng, phó bí thư Thành uỷ TP.HCM) |
Nghỉ việc tập thể do thu nhập thấp
Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các tranh chấp lao động tập thể là vấn đề thu nhập của người lao động. Chi tiêu của người làm công tăng do giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng cao, chi phí nhà trọ, điện nước tăng khiến đời sống công nhân vốn đã khó khăn càng khó khăn thêm. Còn phía các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do giá nguyên liệu tăng, lãi suất ngân hàng ở mức cao…
Cũng theo LĐLĐ TP, qua các vụ tranh chấp, bỏ việc tập thể cho thấy chính sách nâng lương chưa hợp lý, tiền lương sau khi tăng không theo kịp lạm phát. Ngoài ra còn có nguyên nhân đơn giá sản phẩm không phù hợp, không công khai đơn giá sản phẩm, người sử dụng lao động vi phạm các chế độ chính sách về lao động…
LĐLĐ TP kiến nghị cần xem xét một số vấn đề liên quan đến chính sách tiền lương, kể cả dự kiến từ tháng 10-2011 sẽ điều chỉnh lương tối thiểu vùng vì cho rằng mức lương này (mức cao nhất theo đề nghị của Bộ Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) là 1,9 triệu đồng/tháng, còn Tổng LĐLĐ VN đề nghị 2,2 triệu đồng – PV) vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu cho người lao động. LĐLĐ TP dự báo tại TP.HCM nhiều doanh nghiệp đã trả lương cơ bản cho người lao động với mức hơn hoặc gần bằng mức dự kiến điều chỉnh tới đây, vì vậy sẽ có khả năng dẫn đến những tranh chấp trong nhiều doanh nghiệp.
Sẽ gia tăng các tranh chấp, nếu…
Qua giải quyết khoảng 125 vụ tranh chấp lao động tập thể từ đầu năm đến giữa tháng 7-2011, tại cuộc họp, Sở LĐ-TB&XH TP lưu ý: khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỉ lệ số vụ tranh chấp lao động cao nhất, đến 83/125 vụ (hơn 66%). Nếu trước tháng 5-2011 tranh chấp lao động tập thể chưa thể hiện rõ rệt yếu tố lây lan ở diện rộng, thì từ đầu tháng 6-2011 đến nay tình hình này có chiều hướng gia tăng và lây lan ở một số khu vực.
Sở LĐ-TB&XH TP cho rằng tới đây nếu các giải pháp kiểm soát giá cả tăng không đạt hiệu quả như mong muốn, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng của Chính phủ không kịp thời và chưa tương ứng với tốc độ gia tăng lạm phát thì xu hướng các tranh chấp lao động tập thể sẽ gia tăng.
Ngoài ra, việc các doanh nghiệp chưa chủ động tăng lương, đảm bảo thu nhập thực tế cho người lao động và chỉ tăng lương khi xảy ra tranh chấp hoặc chính sách tăng tiền lương không công bằng sẽ tạo tâm lý chung cho người lao động sử dụng tranh chấp lao động tập thể như công cụ đầu tiên thay vì là vũ khí sau cùng để buộc doanh nghiệp ngồi vào bàn thương lượng. Ông Nguyễn Tấn Định – phó trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP – đồng tình trước đây tranh chấp lao động chỉ là bất đắc dĩ, là biện pháp cuối cùng nhưng bây giờ công nhân xem đây là vũ khí đầu tiên khi đòi quyền lợi.
Công đoàn phải thoát khỏi giới chủ
Phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng chủ tịch công đoàn cơ sở cần chủ động thương lượng với chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp người lao động không tin tưởng chủ tịch công đoàn mà tự cử người ra thương lượng với người sử dụng lao động.
Ông Trần Thanh Hải – phó chủ tịch LĐLĐ TP – nhìn nhận công đoàn cơ sở có những khiếm khuyết trong việc thương lượng giải quyết các tranh chấp lao động tập thể. Trong một số vụ, chủ tịch công đoàn cơ sở không đứng hẳn về phía người lao động để đại diện nói lên tiếng nói của người lao động. Trong một số trường hợp, theo ông, công đoàn tập hợp nguyện vọng của người lao động thương lượng với giới chủ và hai bên thường đạt được thoả thuận. Ở những trường hợp như vậy, ông cho biết hình ảnh của chủ tịch công đoàn cơ sở được công nhân đánh giá cao.
Ông Nguyễn Tấn Định cho rằng không thể để công nhân tự đứng ra thương lượng việc tăng lương mà phải là công đoàn cơ sở. Nhưng hiện cán bộ công đoàn cơ sở được hưởng lương từ chủ sử dụng lao động nên việc bảo vệ quyền lợi cho công nhân không triệt để.
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đồng tình trong những trường hợp chưa có tổ chức công đoàn cơ sở và cần thiết thì bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách, ngân sách đảm bảo chi trả lương. Theo ông, Thành uỷ TP đã chủ trương vấn đề này và cần làm quyết liệt để thoát khỏi sự chi phối của giới chủ.
Phát biểu kết thúc cuộc họp, ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài là chăm lo tốt nhất an sinh, đời sống công nhân. Ông yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động vừa đảm bảo đúng pháp luật, đồng thời bảo đảm ổn định quyền lợi của hai bên.
Theo ông Lê Hoàng Quân, công nhân có đóng góp rất lớn trong sự phát triển kinh tế của TP. Do đó ông yêu cầu cần hết sức quan tâm đến đời sống của họ. Cụ thể, cần đẩy mạnh các chương trình an sinh xã hội, trong đó việc xây dựng nhà ở cần phải xã hội hoá và kèm theo đó là việc giảm thuế cho các chủ nhà trọ. Tổ chức các cửa hàng, các điểm bán hàng lưu động để đưa hàng hoá thiết yếu về các khu chế xuất, khu công nghiệp, các nhà máy, nơi trọ của công nhân để bình ổn giá cho công nhân.
Riêng bức xúc việc đánh thuế thu nhập cá nhân trên thu nhập do tăng ca mang lại, ông Quân nói không nên đánh thuế trên khoản thu nhập này.
Lập ban quan hệ lao động Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH chủ trì việc thành lập ban quan hệ lao động nhằm tham mưu cho UBND TP trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định; hỗ trợ tổ công tác liên ngành ở quận huyện trong việc ổn định tranh chấp lao động. Ban quan hệ gồm ba bên: Nhà nước, đại diện người lao động và chủ sử dụng lao động. Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chỉ đạo ban quan hệ lao động cần phải kiêm luôn công tác hỗ trợ, chăm lo đời sống người lao động. Ngoài ra, các quận huyện cần thành lập ban quan hệ lao động của mình. |