Trung Quốc đưa tàu ngư chính mới đến Trường Sa

Giới chức Trung Quốc lại vừa có động thái xâm phạm chủ quyền của Việt Nam khi đưa tàu ngư chính số 46012 đến tuần tra quần đảo Trường Sa

 Trung Quốc đưa tàu ngư chính mới đến Trường Sa

Giới chức Trung Quốc lại vừa có động thái xâm phạm chủ quyền của Việt Nam khi đưa tàu ngư chính số 46012 đến tuần tra quần đảo Trường Sa.

Tàu 46012 hôm 10.7 rời cảng Tú Anh thuộc thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam đến Trường Sa và sẽ thay thế tàu ngư chính 301 hoạt động ở khu vực đảo đá ngầm Vành Khăn, theo Tân Hoa xã. Tàu có 22 nhân viên và mang theo vật tư dự trữ gồm thực phẩm, nước ngọt, thuốc… đủ dùng trong 60 ngày. Đây là lần đầu tiên chính quyền tỉnh Hải Nam đưa tàu ngư chính đến tuần tra vùng biển Trường Sa. Trước nay việc này do Cục Ngư chính khu vực Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông) phụ trách. Hồi đầu tháng 4, Trung Quốc đưa 2 tàu ngư chính 301 và 302 xuống vùng biển gần quần đảo Trường Sa để thay tàu ngư chính 311 và 202 tuần tra thường xuyên ở đây.

Mới đây, giáo sư Thẩm Hồng Phương thuộc Đại học Hạ Môn, Trung Quốc trích dẫn lời một số chuyên gia ở Học viện Quân sự Trung Quốc cho rằng “cần phải dạy các nước láng giềng một bài học về việc xâm phạm biển Đông”. Báo The Manila Times hôm qua dẫn lời bà Thẩm cho biết thêm những người này nghĩ rằng “Trung Quốc chính đáng tiến hành chiến tranh chống lại những kẻ xâm lược”. Phát biểu của bà Thẩm đã khiến các đại biểu tham dự hội nghị về biển Đông ở Manila hồi tuần rồi giật mình vì lối suy nghĩ nguy hiểm của một bộ phận học giả Trung Quốc. Khi được hỏi về vai trò tác động của Học viện Quân sự Trung Quốc, bà Thẩm trả lời rằng đó là “một nhóm có ảnh hưởng rất lớn”.

Vần đề biển Đông cũng được thảo luận trong cuộc gặp giữa Tổng tham mưu trưởng quân  đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức và người đồng cấp Mỹ Mike Mullen tại Bắc Kinh hôm qua. “Chúng tôi có nhiều điểm chung song vẫn có quan điểm khác biệt về một số vấn đề”, Tân Hoa xã dẫn lời ông Trần cho hay. Sau cuộc hội đàm, ông Trần phát biểu với báo chí rằng việc hải quân Mỹ tham gia tập trận ở biển Đông trong thời gian qua là “không thích hợp”. Trước đó, Reuters dẫn lời ông Mullen khẳng định Mỹ sẽ duy trì hiện diện tại khu vực và nỗ lực hỗ trợ giải quyết hòa bình các tranh chấp. Cũng trong hôm qua, ông Mullen có cuộc hội đàm với Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Trong một diễn biến khác, hôm qua, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố sẽ đưa vụ tranh chấp lên Tòa án quốc tế về Luật Biển, theo Reuters. 

Tàu sân bay 100% nội địa của Trung Quốc

Báo Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) hôm 10.7 dẫn các nguồn ngoại giao và Chính phủ Mỹ loan tin Trung Quốc đã bắt đầu chế tạo một tàu sân bay hoàn toàn nội địa. Các nguồn tin cho hay tàu sân bay mới đang được đóng trên ở Thượng Hải. An ninh quanh nhà máy đóng tàu đã được tăng cường từ đầu năm nay, thời điểm bắt đầu chế tạo tàu sân bay mới.

Nó sẽ có kích cỡ và tính năng tương tự như chiếc Varyag mua của Ukraine và sẽ vận chuyển các chiến đấu cơ Jian-15 mà Trung Quốc vừa chế tạo. Trước đó, một số sĩ quan Trung Quốc xác nhận nước này đang đóng tàu sân bay và theo Yomiuri Shimbun thì những người này muốn chỉ tàu sân bay ở Thượng Hải chứ không phải tàu Varyag, vốn đang được nâng cấp ở Đại Liên và có thể sẽ vận hành thử nghiệm trong năm nay. 

Trùng Quang