15/11/2024

Biển Đông là vấn đề của cả khu vực

Nếu vì lý do tranh chấp chủ quyền ở biển Đông làm quan hệ Việt Nam – TQ xấu đi thì sẽ không chỉ làm ảnh hưởng đến quan hệ song phương mà còn cả khu vực

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam: Biển Đông là vấn đề của cả khu vực

Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, Đại sứ Nhật Bản tại VN Yasuaki Tanizaki đánh giá cao bước phát triển mới trong quan hệ Nhật Bản – Việt Nam, đồng thời bày tỏ quan ngại đặc biệt của Nhật Bản về những diễn biến gần đây trên biển Đông.

Trong thời gian gần đây tình hình biển Đông diễn biến khá phức tạp. Đại sứ nhận định thế nào về vấn đề này? Quan điểm chính thức của phía Nhật Bản?

Những diễn biến vừa qua tại biển Đông làm bản thân tôi hết sức lo lắng. Tôi sợ rằng sự kiện này có thể làm quan hệ Việt Nam – Trung Quốc (TQ) xấu đi và hai bên cần nỗ lực tránh tình trạng đó. Tôi được biết Việt Nam, TQ cũng đã có những nỗ lực để duy trì mối quan hệ song phương. Mới đây Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn cũng đã có chuyến đi tới Bắc Kinh để đàm phán về vấn đề này. Tôi hy vọng thông qua những đàm phán này sẽ không tiếp tục có những hành động thái quá làm cho tình hình ngày càng xấu đi.

Nếu vì lý do tranh chấp chủ quyền ở biển Đông làm quan hệ Việt Nam – TQ xấu đi thì sẽ không chỉ làm ảnh hưởng đến quan hệ song phương mà còn cả khu vực. Với quan điểm duy trì hoà bình, ổn định chúng tôi cho rằng chúng ta nên tránh để tình trạng này phát sinh.

Ngoài ra, sự ổn định của khu vực Đông Nam Á (ĐNA) và khu vực biển Đông cũng có liên hệ trực tiếp đến lợi ích của Nhật Bản. Ổn định trong chính sách của các quốc gia ĐNA sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của Nhật Bản. Bên cạnh đó trên 80% lượng dầu thô mà Nhật Bản nhập từ Trung Đông sẽ đi qua con đường biển qua các nước ĐNA. Chính vì vậy chúng tôi mong các nước ở ĐNA giữ vững hoà bình, ổn định.

Để giải quyết vấn đề này cần thông qua các biện pháp đàm phán hoà bình, dựa trên pháp luật quốc tế như luật quốc tế, Công ước Luật biển 1982 hoặc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà ASEAN đã thoả thuận với TQ.  Ngoài ra, với vai trò là một thành viên của ASEAN, Việt Nam có thể cân nhắc khả năng đàm phán với ASEAN và dựa trên DOC giải quyết.

Trên góc độ cộng đồng quốc tế tôi nghĩ rằng Nhật Bản sẽ thể hiện sự quan tâm của mình đối với vấn đề này. Vì như đã nói, đây không chỉ là vấn đề giữa TQ và Việt Nam mà còn là vấn đề có ảnh hưởng đến khu vực và lợi ích của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Do vậy chúng tôi rất coi trọng vấn đề này và có thể tăng cường thêm mối quan tâm của mình trong tương lai sắp tới.

Ông có kỳ vọng gì vào sự phát triển, hợp tác của Nhật Bản – Việt Nam trong tương lai?

Đầu năm vừa rồi Việt Nam đã tiến hành Đại hội Đảng, tháng 5 vừa rồi là kỳ bầu cử Quốc hội và tháng 7 này Việt Nam sẽ có một đội ngũ lãnh đạo mới. Tôi hy vọng quan hệ Việt Nam – Nhật Bản cũng sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Tôi mong rằng thông qua các khoản vay ODA, Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá và xoá đói giảm nghèo. Hiện tại Nhật Bản có xu hướng đặt các địa điểm sản xuất ở nước ngoài và xu hướng này ngày càng tăng mạnh. Do đó chúng tôi hy vọng đầu tư trực tiếp vào Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn nữa và hiện tôi cũng đang thúc đẩy cho hoạt động này.

Nhật Bản cũng mong sẽ có các cuộc đối thoại, trao đổi về an ninh, quốc phòng với Việt Nam. Như tôi đã nói vấn đề biển Đông có liên quan rất mật thiết đến lợi ích của Nhật Bản. Chúng tôi mong rằng sẽ tăng cường đối thoại về vấn đề này với Việt Nam.

Thứ ba là phát triển hơn nữa người học tiếng Nhật ở Việt Nam. Hiện nay có khoảng 44 nghìn người đang theo học tiếng Nhật và chúng tôi mong rằng sẽ tăng con số này lên nhiều hơn nữa. Năm 2013, Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất là năm hữu nghị Nhật – Việt, do đó chúng tôi mong sẽ tổ chức nhiều sự kiện văn hoá lớn ở hai nước trong năm này.

Xin cảm ơn Đại sứ.

“Chúng tôi cảm ơn nhân dân Việt Nam

Đại sứ Yasuaki Tanizaki sinh năm 1951, làm việc tại Bộ Ngoại giao Nhật Bản từ năm 1975. Ông bắt đầu đảm nhiệm vai trò Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam từ tháng 8.2010. Trước đó ông là Vụ trưởng Vụ Châu Âu, Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Xúc động trước những tình cảm và sự giúp đỡ nhân đạo của người dân Việt Nam đối với Nhật Bản sau thảm hoạ động đất, sóng thần hồi tháng 3.2011, Đại sứ Yasuaki Tanizaki nói:

“Ngay sau khi thảm hoạ xảy ra, Việt Nam đã phát động toàn quốc ủng hộ Nhật Bản, đồng thời chia sẻ những tình cảm ấm áp với Nhật Bản. Bản thân chúng tôi và cũng như người dân Nhật Bản đã rất ngạc nhiên với sự giúp đỡ to lớn về vật chất cũng như những tình cảm nồng ấm của nhân dân Việt Nam.

Đầu tháng 6 vừa qua, ngài Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã có chuyến thăm chính thức Nhật Bản. Mặc dù chuyến thăm hạn hẹp về mặt thời gian nhưng có nhiều ý nghĩa quan trọng, thể hiện tấm lòng, sự chia sẻ cảm thông của chính phủ, nhân dân Việt Nam đối với Nhật Bản sau thảm hoạ, đồng thời thúc đẩy nhiều thoả thuận hợp tác đã được hai nước thông qua trước đó.

 Tôi còn được biết rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà sự đóng góp ủng hộ cho một quốc gia khác gặp thảm hoạ thiên tai diễn ra ở quy mô lớn như vậy. Khi nghe được điều này tôi thực sự rất cảm động và rất cảm ơn tấm lòng mà nhân dân Việt Nam đã dành cho đất nước chúng tôi”.