22/12/2024

Philippines “sẵn sàng chống lại một cuộc tấn công”

“Philippines sẵn sàng chống lại một cuộc tấn công gần biên giới của mình” – ngoại trưởng Philippines tuyên bố sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton

 Philippines “sẵn sàng chống lại một cuộc tấn công”

Philippines sẵn sàng “chống lại một cuộc tấn công” – Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố tại Washington trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này với Trung Quốc trên biển Đông vẫn diễn ra, AFP ngày 23-6 cho biết.

Philippines sẵn sàng chống lại một cuộc tấn công gần biên giới của mình” – ngoại trưởng Philippines tuyên bố sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Mỹ cũng tuyên bố sẵn sàng cung cấp vũ khí hạng nặng để hiện đại hoá quân đội Philippines.

“Chúng tôi đã thảo luận với Chính phủ Philippines về những gì họ đang cần và chúng tôi có thể hỗ trợ như thế nào là tốt nhất cho họ. Chúng tôi quyết định và cam kết hỗ trợ quốc phòng cho Philippines” – báo Inquirer dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Trước đó trong cuộc thảo luận, ngoại trưởng Philippines đã ngỏ ý thuê một số thiết bị của Mỹ nhằm nâng cấp hạm đội tàu tuần tra đã cũ của mình, đồng thời kêu gọi củng cố mối quan hệ đồng minh với Mỹ.

Mỹ và Philippines đã ký kết hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 và Mỹ vẫn thường viện trợ quân sự cho Philippines, như năm 2011 là 15 triệu USD.

Đề cập vấn đề biển Đông, ngoại trưởng Mỹ cho rằng những sự kiện xảy ra gần đây ở biển Đông có thể đe doạ đến hoà bình, ổn định khu vực và kêu gọi các bên hãy kiềm chế.

Đáp lại, như báo Inquirer cho biết, ngoại trưởng Philippines khẳng định trong khi Philippines muốn duy trì hoà bình thì cách thức mà Trung Quốc đã phản ứng với những phản đối ngoại giao của Philippines là “không thể chấp nhận được”.

“Chúng tôi quan ngại về các vụ tàu Trung Quốc xâm nhập gây hấn – ông Albert del Rosario nhìn nhận – Trong nhiều tháng qua, kể từ ngày 25-2-2011, chúng tôi đã ghi nhận tổng cộng chín vụ xâm nhập khác nhau, song các vụ xâm nhập này ngày càng trở nên hùng hổ và thường xuyên hơn”.

Ông cho biết Philippines đã phản ứng lại các vụ xâm nhập này theo đúng quy trình ngoại giao. Thế nhưng, “chúng tôi ngày càng quan ngại là chiều hướng của các vụ việc này sẽ tiếp tục… trong khi chúng tôi là một nước nhỏ, chúng tôi sẽ chuẩn bị những gì cần thiết nhất để ứng phó trước các hành động tấn công” – ông nói và cho biết sự chuẩn bị này đã bắt đầu khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino vào đầu tuần này quyết định chi 11 tỉ peso (252 triệu USD) cho việc hiện đại hoá hải quân.

AFP dẫn lời các quan chức Philippines thừa nhận Philippines quá yếu khi một chọi một với Trung Quốc và kêu gọi nước này tranh thủ sự ủng hộ ngoại giao từ các nước láng giềng và các nước đồng minh trong khu vực. Ngoại trưởng Albert del Rosario nhấn mạnh: “Quan điểm của Philippines rất rõ ràng về vấn đề biển Đông là duy trì hoà bình để phát triển kinh tế trong khu vực”.

Trong chuyến thăm Mỹ lần này, ngoại trưởng Philippines cũng đã có cuộc gặp với bộ trưởng quốc phòng Mỹ và các quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc.

Ngay sau đó, Mỹ và Philippines tuyên bố họ sẽ tập trận hải quân chung ở khu vực biển phía tây đảo Palawan của Philippines (gần quần đảo Trường Sa). Cuộc tập trận kéo dài 11 ngày, bắt đầu vào ngày 28-6. Các tàu khu trục USS Chung Hoon, USS Howard, tàu lặn và cứu hộ USNS Safeguard sẽ đến vùng biển trên trong cùng ngày.  

Sức ép năng lượng của Trung Quốc

Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu trên thế giới năm 2010, báo cáo thống kê năng lượng toàn cầu hằng năm của BP đưa ra tháng 6-2011 cho biết. Mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc năm 2010 chiếm 20,3% tổng mức tiêu thụ toàn cầu, trong khi Mỹ chỉ ở mức 19%. Tổng lượng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc tăng hơn 11,2% so với năm 2009.

Nhà kinh tế trưởng của BP, ông Christoph Rühl, cho biết dầu vẫn là nguồn năng lượng tiêu thụ hàng đầu thế giới với mức tăng bình quân 2,7 triệu thùng/ngày, tương đương 3,1% trong tổng mức tiêu thụ của thế giới, mức tăng mạnh nhất từ năm 2004. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có mức tiêu thụ dầu tăng cao nhất với 860.000 thùng/ngày, tương đương mức tăng 10%.

Trong bốn tháng đầu năm 2011, Trung Quốc đã nhập khẩu 84,96 triệu tấn dầu thô, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Giới chuyên gia nhận định an ninh năng lượng đang là vấn đề lớn của Trung Quốc bởi hơn 50% nhu cầu tiêu thụ trong nước đang phụ thuộc lớn vào nguồn dầu khí nhập khẩu. Chính vì vậy, nước này đang tăng cường tìm kiếm khai thác nguồn năng lượng trên đất liền cũng như trên biển ở khắp các châu lục để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế.