23/11/2024

Thư gửi một nhà báo tương lai

Nhà báo không đơn thuần chỉ là một kẻ ghi chép, sao chụp, vồ lấy sự kiện rồi ném lên mặt giấy một cách ngổn ngang. Những gì mà một cái máy ghi âm, một cái máy ảnh làm được, có khi nhà báo không làm

 

Thư gửi một nhà báo tương lai

Cậu thân mến!

Tớ rất vui mừng khi biết cậu muốn thi vào khoa báo chí của trường đại học trong kỳ thi sắp tới.

Như cậu cũng biết, niềm vui trong cuộc sống hiện nay không nhiều, và đây quả là một dịp rất tuyệt vời để tớ cảm thấy hạnh phúc. Tớ công nhận mình quá may mắn và vinh dự nếu có cơ hội để làm quen với một nhà báo, dù hy vọng đó còn đang ở tương lai.

Cậu ơi!

Xã hội không phải thiếu các “nhà”. Nào nhà văn, nhà thơ, nhà tạo mẫu, nhà triết học và nhà thầu. Nhưng nhà báo vẫn có một giá trị riêng.

Bởi báo chí, như nhiều người có uy tín đã khẳng định, đóng một vai trò rất lớn trong cuộc sống. Được coi là lương tâm, là quyền lực thứ tư của xã hội, báo chí từ lâu đã mang một giá trị cao quý và quan trọng đến mức có thể nói câu “cho tôi đọc báo của bạn, tôi sẽ cho bạn biết xã hội bạn đang sống là xã hội như thế nào”.

Bởi làm báo chân chính khó vô cùng. Nhiều kẻ tán dương báo chí là tấm gương của xã hội, tớ cực lực phản đối điều này. Bởi tấm gương chỉ phản chiếu nguyên xi, trong khi báo chí đích thực phải phản chiếu qua lăng kính của người viết. Nghĩa là trước mỗi vấn đề, mỗi hiện tượng, nhà báo đều phải đưa ra thái độ, cách nhìn của mình, kể cả khi thái độ và cách nhìn đó khác hẳn đám đông.

Cậu thân mến!

Nhà báo không đơn thuần chỉ là một kẻ ghi chép, sao chụp, vồ lấy sự kiện rồi ném lên mặt giấy một cách ngổn ngang. Những gì mà một cái máy ghi âm, một cái máy ảnh làm được, có khi nhà báo không làm.

Nhà báo tầm thường săn lùng sự kiện. Nhà báo tử tế nhìn những sự kiện đó rút ra các kết luận mới mẻ. Nhà báo đúng nghĩa thì sau khi kết luận sẽ suy đoán ra các sự kiện tiếp theo. Còn nhà báo chân chính thì từ cách suy luận, đưa ra các biện pháp để khiến các sự kiện tiếp theo ấy nếu còn xảy ra thì xảy ra theo nghĩa tốt.

Nếu xã hội là một cơ thể sống thì nhà báo phải vừa là thầy bói, vừa là bác sĩ, vừa tìm cách sản xuất thuốc cho cơ thể đó. Kẻ nào chỉ ra bệnh mà không đưa ra phương pháp chữa trị (nhiều khi không phải do dốt mà do sợ hãi) kẻ đó không khi nào là một nhà báo thực sự cả.

Cho nên tớ tin chắc, cậu ạ, trong bản thân mỗi nhà báo có rất nhiều nhà và không nhà nào kém ngang hàng với nhà quản lý. Chỉ có vậy, báo chí mới có sức mạnh, sức đấu tranh và sức hấp dẫn. Bởi phần lớn dân chúng đều không được đào tạo, không quen lý luận, viết lách lại quá bận bịu với nỗi lo cơm áo hằng ngày. Do đó họ chỉ trông chờ vào các tờ báo để tìm hiểu cuộc sống và trông chờ vào các nhà báo để gửi gắm những suy nghĩ của mình. Nhà báo, đôi lúc là cầu nối duy nhất giữa người dân và các công sở hoặc tư sở. Trên cây cầu đó, chân họ cảm thấy nóng hay thấy lạnh là việc của riêng cậu cũng như những người bạn báo chí của cậu.

Nói thực thì tớ hiểu việc trở thành một nhà báo cao quý rất khó khăn. Nó đòi hỏi quá nhiều thứ, kể cả những thứ cậu chưa có, không có hoặc có mà không dám hy sinh. Cậu nhiều khả năng chỉ đơn giản muốn làm báo để sống, để có tiền mua gạo, mua nước mắm hoặc mua bia.

Nếu thế thì tớ mách cho cậu một cách làm báo dễ hơn, nhanh hơn và rẻ hơn. Cậu chả cần nhọc công gì cả, hằng ngày cậu chỉ cần lên mạng tìm xem ca sĩ nào vừa bị mất áo, diễn viên nào vừa bị hở quần hoặc cầu thủ nào vừa mới ly dị vợ hay bị vợ đứa khác ly dị. Cậu cứ đăng những tin đó lên thật nhiều, kèm theo càng lắm ảnh minh hoạ càng tốt, cậu sẽ dần trở thành nhà báo, vẫn có thể được một số ngôi sao danh tiếng mời cơm.

Cao cấp hơn một tí, cậu có thể xem báo khác hoặc chính báo mình đang có vấn đề gì thì hùa vào. Hễ sân khấu đang sốt thế nào, điện ảnh đang tranh cãi loại cảnh gì thì cậu nhảy vô, khai thác một tí, xào xáo một tí, cậu vẫn có thể trở thành một kẻ “hot” và hợp thời. Cao cấp tuyệt vời là cậu phải biết nghe ngóng. Nếu cảm giác cô đào nào đang có bầu, tài tử nào đang có con riêng thì cậu phải truy bằng ra. Thay vì khái quát thì cậu moi móc, thay vì nhận định thì cậu nhặt nhạnh, thay vì xả thân thì cậu rình mò, cậu sẽ trở thành nhà báo kiêm nhà nấu canh cải, lúc nào cũng có sẵn cả nồi dành cho xã hội xơi.

Tóm lại, có rất nhiều con đường để trở thành nhà báo hoặc thợ viết báo và chọn cách nào là tuỳ theo trình độ, đạo đức, cách suy nghĩ và cách ăn uống của cậu.

Bản thân mình luôn hy vọng cậu trở thành một nhà báo mà nhờ cậu, mình biết phải làm gì chứ không phải biết đứa khác đã làm gì. Mong cậu hiểu và cố gắng.

Bạn của cậu.

Lê Tèo