13/01/2025

Cộng đồng quốc tế lo ngại về biển Đông

Những động thái “nói một đằng làm một nẻo” của Trung Quốc đang gây quan ngại cả cho những nước không tham gia tranh chấp ở biển Đông.

Cộng đồng quốc tế lo ngại về biển Đông

Những động thái “nói một đằng làm một nẻo” của Trung Quốc đang gây quan ngại cả cho những nước không tham gia tranh chấp ở biển Đông.

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Singapore ra thông cáo kêu gọi Trung Quốc làm rõ tuyên bố chủ quyền của nước này ở biển Đông vì sự lập lờ của Bắc Kinh đã làm cộng đồng quốc tế quan ngại sâu sắc. AFP dẫn thông cáo nêu rõ: “Singapore không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông nhưng là một quốc gia thương mại lớn, Singapore quan tâm sâu sắc đến mọi vấn đề làm ảnh hưởng tự do hàng hải trên các tuyến đường biển quốc tế, trong đó có biển Đông”.

Cũng trong hôm qua, tờ Bangkok Post của Thái Lan đăng bài xã luận nhận định những hành động phô trương sức mạnh gần đây của Trung Quốc chứng tỏ tuyên bố của nước này rằng sẽ không dùng vũ lực hay đe doạ vũ lực trong tranh chấp chẳng có ý nghĩa gì. Báo New York Post thì dẫn lời nhà bình luận Mỹ Arthur Herman nhận định: “Trung Quốc đang làm giảm hình ảnh một siêu cường đang nổi và có xu hướng trở thành kẻ bắt nạt vượt tầm kiểm soát”.

Những nhận định trên được đưa ra giữa lúc Trung Quốc phát nhiều tín hiệu bị cho là đe doạ các nước láng giềng. Ba tờ báo ở nước này hôm 19.6 đồng loạt đưa tin về 3 cuộc tập trận khác nhau gần đây của quân đội. Báo PLA Daily cho hay một tàu chiến được điều đến một vùng biển để tham gia diễn tập rà phá mìn trên biển nhưng không đề cập thời gian và địa điểm của cuộc tập trận. Theo báo Mirror có trụ sở tại Bắc Kinh, lực lượng lính thuỷ đánh bộ Trung Quốc vừa diễn tập tại vùng núi giáp biển ở tỉnh Quảng Đông. Trong đó, binh sĩ dùng các vũ khí có thể tấn công trên biển lẫn trên bộ để phá huỷ mục tiêu. Còn tờ China Youth Daily đưa tin một đội tàu chiến được trang bị tên lửa diễn tập trên biển gần đây nhưng cũng không xác định địa điểm.

Trước 3 cuộc tập trận trên, quân đội Trung Quốc đã diễn tập ít nhất 6 lần trong tháng này, trong đó cuộc tập trận với sự tham gia của 14 tàu chiến ở biển Đông gần đảo Hải Nam, theo tờ Đại Công Báo ở Hồng Kông. Ngoài ra, Tân Hoa xã hôm 19.6 đưa tin tàu tuần tra hàng hải hiện đại nhất của Trung Quốc là Hải tuần 31 đã cập cảng Singapore, bắt đầu chuyến thăm nước này. Các nhà quan sát cho rằng hải trình của con tàu này, vốn đi xuyên biển Đông, nhằm đưa ra dấu hiệu về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về các khu vực tranh chấp.

Trước những diễn biến trên, báo Philippine Star đưa tin chính quyền Philippines đang xem xét dự án 40 tỉ peso (hơn 23.000 tỉ đồng) hiện đại hoá quân đội nhằm tăng cường khả năng bảo vệ biển Đông.

Khai mạc hội thảo quốc tế về biển Đông

Hội thảo về an ninh hàng hải ở biển Đông, do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức, đã khai mạc tại Washington lúc 20 giờ ngày 20.6 (giờ Việt Nam) với sự tham dự của 80 quan chức cấp cao, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và giới báo chí.

Hội thảo kéo dài 2 ngày được CSIS tường thuật trực tiếp trên trang web chính thức Csis.org/event/maritime-security-south-china-sea. Trong phiên đầu tiên, giáo sư Tô Hạo của Đại học Ngoại giao Trung Quốc, ông Termsak Chalermpalanupap, Vụ trưởng Vụ chính trị và an ninh thuộc Ban thư ký ASEAN và tiến sĩ Amer Latif của CSIS lần lượt đọc tham luận về chủ đề “Lợi ích và vị trí của các bên ở biển Đông” trước khi hội thảo bước vào phần thảo luận kéo dài đến rạng sáng nay (giờ VN).

Trong các phiên tiếp theo hôm 21.6, các đại biểu sẽ nghe tham luận và trao đổi về “Những diễn biến gần đây tại biển Đông”, “Đánh giá hiệu quả các cơ chế và cơ cấu tổ chức hàng hải ở biển Đông” và “Các đề xuất chính sách nhằm nâng cao an ninh hàng hải trong khu vực”. Các chuyên gia của Học viện Ngoại giao Việt Nam đều có bài tham luận trong 3 chủ đề này.