24/01/2025

“Bắt tay” nới lỏng chấm thi THPT

Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, lãnh đạo sở GD-ĐT 11 tỉnh thành khu vực ĐBSCL đã nhóm họp, bàn bạc và thống nhất đưa ra hướng dẫn chấm thi riêng cho khu vực này theo chiều hướng nới lỏng nhằm có kết quả đẹp!

“Bắt tay” nới lỏng chấm thi THPT

* Bộ GD-ĐT ra thông cáo báo chí lúc 22g40: Không cho phép có hướng dẫn chấm thi khác

Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, lãnh đạo sở GD-ĐT 11 tỉnh thành khu vực ĐBSCL đã nhóm họp, bàn bạc và thống nhất đưa ra hướng dẫn chấm thi riêng cho khu vực này theo chiều hướng nới lỏng nhằm có kết quả đẹp!

Tất cả các môn thi tự luận của hai hệ đào tạo trung học phổ thông (THPT) và giáo dục thường xuyên đều có hướng dẫn chấm thi “đặc biệt”. Được tiếp cận với các biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi này, một cán bộ thanh tra chấm thi tại ĐBSCL khẳng định hướng dẫn mở hơn so với hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Trong đó, hướng dẫn chấm môn văn thể hiện khá rõ ràng độ mở mà các địa phương này thống nhất. Cụ thể ở câu 1 (2 điểm), hướng dẫn của bộ yêu cầu phải nêu được hai ý “màu hồng hồng của ánh sương mai” được 0,5 điểm và “người đàn bà” thì cho 0,5 điểm. Trong khi đó, hướng dẫn của 11 tỉnh thành này quy định ở ý nhỏ đầu tiên, thí sinh chỉ cần nêu được một trong các ý “màu hồng hồng”, “ánh sương mai”, “chiếc thuyền, chiếc thuyền lưới vó ở ngoài khơi tiến vào… màu sương mù mờ” là đã được 0,5 điểm. Tương tự, ở ý thứ hai, thí sinh chỉ cần nêu được một trong các ý sẽ được 0,5 điểm.

Được Bộ GD-ĐT “bật đèn xanh”?

Ông Nguyễn Vinh Hiển
(thứ trưởng Bộ GD-ĐT):

Yêu cầu 11 địa phương báo cáo

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vụ việc nghiêm trọng này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng khi các tỉnh ĐBSCL có công văn xin họp để thống nhất phương án chấm thi chung, Bộ GD-ĐT đã có công văn số 360 đồng ý. Nhưng đó chỉ là đồng ý cho phép các tỉnh họp để thống nhất phương án chấm, bám sát đáp án và hướng dẫn chấm thi chung của Bộ GD-ĐT đã ban hành chứ không phải cho phép các tỉnh thống nhất một đáp án chấm thi khác.

Hiện Bộ GD-ĐT đã đề nghị 11 sở GD-ĐT tham gia cuộc họp trên phải gửi báo cáo và biên bản cuộc họp thống nhất về Bộ GD-ĐT. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là nếu các sở, cá nhân vi phạm quy chế thi và hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT thì sẽ phải xử lý nghiêm khắc.

Về việc có hay không việc chấm lại bài thi của thí sinh 11 tỉnh ĐBSCL, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ có quyết định sau khi kiểm tra rõ sự việc trên.

VĨNH HÀ

Trong câu 2 (3 điểm), hướng dẫn của 11 tỉnh thành thống nhất học sinh làm đủ các phần mở bài, thân bài, kết luận dù nội dung sơ sài vẫn cho tối thiểu 1,5 điểm. Về nội dung bài viết, học sinh đưa ra cơ sở lựa chọn nào cũng cho điểm theo hướng dẫn chấm của bộ.

Ở câu 3, hướng dẫn chấm của 11 tỉnh thành này cũng tỏ ra khá thoáng. Đáng chú ý ở các câu khác nhau, hướng dẫn chấm còn “thòng” thêm một số yêu cầu như: “không trừ điểm khi học sinh nêu dư ý trong bài làm, không tính lỗi chính tả, không yêu cầu viết thành đoạn văn” hay “lỗi diễn đạt, chính tả… giám khảo linh hoạt cho điểm (không trừ điểm quá nặng)”…

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 18-6, ông Nguyễn Hoàng Nhi – giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp – cho biết việc họp thống nhất hướng dẫn chấm bài thi tốt nghiệp THPT 2011 cho 11 sở GD-ĐT khu vực ĐBSCL (trừ Tiền Giang và Bến Tre không chấm chéo bài thi khu vực này nên không tham gia) do Đồng Tháp đề xuất và đã được Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) đồng ý.

Không chỉ môn văn mà 11 sở đã họp và thống nhất hướng dẫn chấm dựa trên đáp án của Bộ GD-ĐT cho tám môn tự luận của cả hai hệ THPT và giáo dục thường xuyên.

Ông Nhi khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi tại cuộc họp ngày 5-6 có ba ý rất rõ: một là phải dựa vào đáp án của bộ, đây là điều bất di bất dịch và vận dụng làm sao đừng sai quy chế chấm; thứ hai là phải vì học sinh, nghĩa là phải tìm nếu thí sinh làm không trúng tròn trịa mà trúng được 8/10 hoặc 4/10 thì cũng phải tính điểm cho thí sinh, chứ không phải trúng hết rồi mới cho tròn điểm, còn trúng phân nửa mà gạch bỏ hết là không nên; thứ ba là không nên chấm chặt quá và cũng không nên chấm lỏng quá.

Trong quá trình cụ thể đi vào hướng dẫn đáp án thì những người tham dự đều thống nhất phần nào đồng ý, phần nào không đồng ý rồi cuối cùng gút lại trên tinh thần dân chủ dựa vào đáp án của bộ”. Theo ông Nhi, đề xuất này nhằm tránh tình trạng có địa phương chấm quá chặt dẫn đến kết quả của học sinh rất thấp trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2009 (Bến Tre chấm cho Đồng Tháp mà sau đó thanh tra của bộ khẳng định việc chấm của tỉnh này chặt hơn các tỉnh khác).

Ông Nhi cho biết thêm từ hội nghị hướng dẫn triển khai năng lực quản lý cho giám đốc các sở GD-ĐT do Bộ GD-ĐT tổ chức cuối tháng 4-2011 tại Đắk Lắk, ông đã nêu vấn đề cần thống nhất hướng dẫn chấm thi cho các địa phương. Với tư cách đơn vị trưởng vùng 6 (các tỉnh thành khu vực ĐBSCL) năm học 2010-2011, Sở GD-ĐT Đồng Tháp đã gửi công văn cho Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục xin tổ chức cuộc họp các sở GD-ĐT vùng 6 để thảo luận hướng dẫn chấm thi các môn tự luận.

Ngày 20-5, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục có công văn đồng ý và Đồng Tháp đã tổ chức cuộc họp này vào ngày 5-6 tại Cần Thơ. Mỗi tỉnh đã cử hai cán bộ tham gia thảo luận một môn để xác định cái nào chấm theo hướng dẫn của bộ, cái nào có thể vận dụng riêng để sau đó thống nhất và đưa ra hướng dẫn chấm chung cho 11 tỉnh thành. Ông Nhi tham gia họp thống nhất chấm môn toán và cho biết việc thống nhất này vẫn theo hướng dẫn của bộ, phần vận dụng cũng trong phạm vi cho phép chứ không làm sai đáp án của bộ. Với thống nhất chấm môn văn THPT, ông Nhi cho rằng có những nội dung vận dụng nhưng trong phạm vi cho phép.

Lý giải về nội dung của những bản thống nhất trên, ông Ninh Thành Viên – phó giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang, người trực tiếp tham gia thảo luận hướng dẫn chấm môn văn hệ giáo dục thường xuyên – cho biết: “Đề thi có câu mở nên các sở bàn bạc thống nhất cách chấm, biểu điểm để thí sinh không bị thiệt thòi. Học sinh ĐBSCL có những đặc điểm riêng về cách diễn đạt, trình bày nên việc thống nhất này là cần thiết. Khi đi vào chi tiết hoá hướng dẫn chấm, có nhiều ý kiến khác nhau nên chúng tôi chỉ thống nhất đưa vào hướng dẫn chấm những nội dung được đa số đồng ý”.

Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng việc họp để thống nhất hướng dẫn chấm là cần thiết để đảm bảo sự công bằng cho thí sinh. Tuy nhiên việc thống nhất này cần bám sát đáp án của bộ, chỉ rõ những điểm có thể linh hoạt chứ không phải cho điểm vô tội vạ. Ông Trần Trọng Khiếm, giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, cho rằng: “Về mặt khách quan, chúng tôi khẳng định cuộc họp tại Cần Thơ ngày 5-6 là để thống nhất hướng dẫn chấm thi chứ không phải ngồi lại với nhau để cho điểm vô tư”.

Để có kết quả đẹp?

Tiếp tục công bố kết quả thi tốt nghiệp

Ngày 18-6, nhiều tỉnh thành tiếp tục công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT. Hầu hết trong số đó đều có tỉ lệ tốt nghiệp khá cao. Điển hình như tại Thanh Hoá, tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT toàn tỉnh đạt 99,23%; ở hệ giáo dục thường xuyên, tỉ lệ tốt nghiệp còn cao hơn với 99,79%.

Tại Đà Nẵng, tỉ lệ thí sinh hệ THPT đậu tốt nghiệp là 97,2%, hệ giáo dục thường xuyên có 79,9% thí sinh đậu tốt nghiệp. Tại Bình Định, 96,84% học sinh hệ THPT tốt nghiệp. Cả tỉnh có năm trường THPT có tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp 100% là THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT Quốc học Quy Nhơn, THPT số 1 An Nhơn, THPT Nguyễn Trân và THPT Trần Cao Vân. Đối với hệ giáo dục thường xuyên, tỉ lệ tốt nghiệp là 85,71%. Tại Cần Thơ, ở hệ THPT tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp đạt 97,74%, ở hệ giáo dục thường xuyên đạt 69,18%.

H.ĐỒNG – Đ.CƯỜNG – X.NGUYÊN – T. XUÂN

Chính việc thoả thuận, thống nhất này đã giúp giám khảo rộng tay hơn và các tỉnh ĐBSCL có kết quả đẹp hơn ở bài thi tự luận? Ông Tống Giang – tổ trưởng tổ chấm môn lịch sử tại Trà Vinh, nơi đã chấm cho Hậu Giang đạt tỉ lệ 97% bài thi môn sử THPT trên trung bình – cho rằng hướng dẫn chấm môn sử của các tỉnh ĐBSCL cơ bản sát đáp án. Điểm môn này cao do đề thi dễ, trọng tâm, đáp án rõ ràng, hoàn toàn trong chuẩn kiến thức chứ không phải do việc thống nhất phương án chấm.

Tuy nhiên, một giáo viên văn, cán bộ trong đoàn thanh tra chấm thi tỉnh Kiên Giang (thanh tra chấm thi tại Long An), cho biết tỉ lệ tốt nghiệp các tỉnh ĐBSCL năm nay hầu hết tăng so với các năm trước. Riêng môn văn điểm thi năm nay khá cao.

Chẳng hạn tại Kiên Giang, tỉ lệ điểm từ trung bình trở lên tăng khoảng 30% so với năm 2010, từ trên 60% của năm trước lên hơn 90% trong năm nay. Vị cán bộ này cho biết điểm thi của địa phương không do 11 sở này chấm thấp hơn. So với các tỉnh ĐBSCL, tỉ lệ điểm trung bình hai môn văn và địa lý của Long An thấp hơn vì bài thi của tỉnh này do TP.HCM chấm.

Với môn văn THPT, nhiều giáo viên công nhận biên bản thống nhất phương án chấm của các tỉnh ĐBSCL có rộng hơn hướng dẫn chấm lần đầu của bộ (đặc biệt ở câu 1). Các tỉnh đều triển khai chấm theo phương án này. Nhờ áp dụng phương án chấm rộng ngay từ đầu nên sau khi Bộ GD-ĐT có văn bản điều chỉnh hướng dẫn chấm thi, các tỉnh khu vực này không phải chấm lại những bài đã chấm trước đó.

Ở môn địa lý, một giáo viên của tỉnh Tây Ninh, cán bộ thanh tra chấm thi ở tỉnh An Giang, cho rằng phương án chấm của các tỉnh ĐBSCL rộng hơn so với đáp án của bộ ở phần biểu đồ. Điều này có thể giúp giám khảo chấm rộng hơn khoảng 0,5 điểm nếu so với những nơi chấm chặt. Khi chấm, giám khảo bám sát hướng dẫn chấm từ hội nghị ở Cần Thơ. Học sinh các tỉnh trong vùng có thể hưởng điểm rộng hơn chút ít nếu so với khu vực khác (như các tỉnh miền Đông Nam bộ chẳng hạn).

Từ góc độ khác, một giáo viên của TP.HCM làm nhiệm vụ thanh tra chấm thi tại hội đồng chấm thi tỉnh Hậu Giang (đơn vị chấm cho học sinh tỉnh Cà Mau) cho biết ngay sau khi tiếp cận văn bản thống nhất phương án chấm của các tỉnh ĐBSCL, đoàn thanh tra có hỏi ý kiến bộ và được biết việc các tỉnh này họp, thảo luận phương án chấm bài tự luận (ngày 5-6 tại Cần Thơ) đã được sự chấp thuận của bộ. Một trưởng đoàn thanh tra chấm thi tại ĐBSCL bộc bạch: “Chúng tôi đã không có ý kiến gì trước một bản “công ước” từ trước bởi lẽ ý kiến của chúng tôi sẽ gây thiệt thòi cho thí sinh một tỉnh, không thể làm thay đổi kết quả của cả cụm tỉnh và rộng hơn của cả nước. Mong rằng sau kỳ thi, bộ sẽ có một cuộc họp nghiêm túc để chúng tôi có tiếng nói về những việc này nhằm rút kinh nghiệm cho kỳ thi năm sau”.