“Ba Khải” của trẻ mồ côi

Ông là Lê Hoàng Khải, một đứa trẻ mồ côi năm xưa ở cô nhi viện Phú Hoà, xã Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), giờ là cha của đàn con thơ không máu mủ, ruột rà…

“Ba Khải” của trẻ mồ côi

Không có gia đình nhưng ông có đến 17 đứa con. Hằng ngày ông cần mẫn làm việc chỉ để nuôi sống những số phận mồ côi. Đáp trả lại tấm lòng bao la của ông là những điểm 10 tròn trịa, là tiếng gọi ba trong giây phút bập bẹ đầu đời. Ông bảo đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đời mình, ông là người giàu nhất thế gian.

Ông là Lê Hoàng Khải, một đứa trẻ mồ côi năm xưa ở cô nhi viện Phú Hoà, xã Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), giờ là cha của đàn con thơ không máu mủ, ruột rà…

Ký ức đứa trẻ mồ côi

Tôi gặp ông ở cánh đồng đậu phộng đang trong giai đoạn sắp thu hoạch. Người đàn ông có nước da ngăm đen, khuôn mặt phúc hậu và nụ cười hiền đang làm cỏ đậu. Gặp tôi, chưa kịp hỏi han gì, ông Khải đã nói như mếu: “Vậy là coi như mất trắng”! Hỏi ra mới biết thời tiết nắng nóng khiến nguồn nước tưới tiêu không đảm bảo cho hơn 3 sào đậu phộng đang trong giai đoạn tượng hạt bị sâu bệnh phá hoại.

“Điều tôi mong nhất là làm sao trên cõi đời này không có những đứa trẻ phải vào cô nhi viện nữa”

Lê Hoàng Khải

Ngừng cuốc, ông Khải kéo vạt áo quệt đi những giọt mồ hôi trên khuôn mặt rám nắng, rót ly nước trà đậm uống một hơi rồi men theo những hàng đậu lá đã úa vàng. Vừa đi ông Khải kể về tuổi thơ, quê hương qua trí nhớ mỏng manh…

Ngày đó chiến tranh ác liệt, cả làng chạy loạn để tránh tên bay đạn lạc. Ông cũng chạy. Chạy lạc cả gia đình rồi dạt về Quảng Ngãi. “Chắc là ai đó mang mình theo chứ lúc đó biết gì đâu mà chạy, chỉ nhớ là một thời gian dài xin ăn ở chợ… đến khi được các xơ dẫn về cô nhi viện khi đang ngất lịm bên sân ga Quảng Ngãi vì đói” – ông Khải nhớ lại. Ông trở thành đứa trẻ mồ côi từ đó. Vào năm 1968…

Tuổi thơ Khải lớn lên ở cô nhi viện. Không tên, không họ nên cậu bé mồ côi được đặt cho một cái tên: Lê Hoàng Khải. Sau khi đất nước thống nhất, nhiều lần Khải quyết tâm đi tìm gốc tích gia đình trong trí nhớ mơ hồ. Nhưng sau nhiều lần ra đi, Khải trở về trong thất vọng.

Ông Khải cần mẫn cày cuốc trên cánh đồng đậu phộng để nuôi những đứa con mồ côi Ảnh: Dung QuấtÔng Khải cần mẫn cày cuốc trên cánh đồng đậu phộng để nuôi những đứa con mồ côi  – Ảnh: Dung Quất

Dâng mật cho đời

“Ban đầu ở cô nhi viện có 40 trẻ mồ côi, để tạo tính đoàn kết trong anh em, các xơ lấy tuổi đời của những đứa trẻ và gọi theo thứ, tui có tuổi lớn thứ hai nên được gọi là Ba Khải. Rồi dần dà những đứa trẻ mồ côi ở cô nhi viện lớn lên, tiếng bập bẹ đầu đời thường gọi là ba, ba… và Khải lại có thêm tên đệm ba theo nghĩa khác” – ông Khải giải thích.

Suốt 50 năm qua, ông Khải lặng lẽ làm việc như con ong dâng mật cho đời. Một mình ông quần quật ngoài đồng với hơn 10 sào đất, hết trồng mía ông lại làm lúa, trồng mì, trồng đậu… Xong công việc đồng áng, ông xuống ngã ba Sơn Tịnh chạy xe thồ, xe ba gác chở hàng… Mỗi năm ông làm ra cả trăm triệu đồng và tất cả ông dành cho bầy con thơ.

Người hiếm thấy

– ”Trên đời này thật hiếm thấy được người tốt như ông Khải. Ông ấy là một công dân tốt, giúp đỡ rất nhiều số phận nghèo khó, những em bé mồ côi và nuôi nấng các em trở thành người có ích cho xã hội” – ông Trần Công Thành (phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Sơn Tịnh).

– ”Anh Khải đã gắn cả đời mình với những số phận kém may mắn trong xã hội. Dù làm nông cực khổ nhưng ông đã nỗ lực hết mình để chăm cho các cháu mồ côi. Tôi nhớ mãi hình ảnh hằng ngày anh đạp xe ba gác chở các cháu đến trường. Hỏi thì anh bảo sợ các cháu đi ngoài đường rất dễ xảy ra tai nạn. Anh Khải là một công dân điển hình của xã” – ông Nguyễn Văn Giáo (chủ tịch uỷ ban mặt trận Tổ quốc xã Tịnh Ấn Tây).

– “Ở xã này không ai tốt bằng anh Khải. Anh chịu khó, chịu khổ hi sinh bản thân cho bầy con thơ. Anh sống ai cũng yêu thương, đối xử với mọi người rất tuyệt vời, anh sống không mất lòng bất cứ một ai, từ người lớn cho đến trẻ con. Lòng tốt của anh rõ như ban ngày rồi…” – ông Bùi Văn Nhân (một người dân ở thôn Cộng Hoà 2, xã Tịnh Ấn Tây).

“Nhiều lúc tưởng chừng làm không nổi, rồi nhìn thấy người ta vợ chồng hạnh phúc mình cũng bùi ngùi trong lòng lắm, nhưng mỗi lần như vậy nghĩ đến những đứa con là nỗi buồn tan biến ngay. Mình cũng là một đứa trẻ mồ côi được cô nhi viện nuôi thành người, giờ mình sẽ sống vì những đứa trẻ mồ côi, sẽ giúp các con hạnh phúc hơn mình” – ông Khải tâm sự.

Ba Khải bảo ông là một đứa trẻ mồ côi không tiền của, không gia đình nhưng là người giàu nhất thế gian này, vì không ai trên đời có nhiều con như ông, không ai có thể hiểu được nỗi lòng con trẻ như ông và không ai có được hạnh phúc lớn như ông khi mỗi đứa trẻ ở viện bập bẹ tiếng nói đầu đời đều gọi ông bằng ba.

Tôi được chứng kiến cảnh ông vừa đi làm đồng về, bọn trẻ đang vui chơi đã đồng loạt bỏ hết để sà vào lòng ông gọi ba, ba. Đứa thì khoe con học được chữ a, đứa thì hôm nay con được điểm 10… Ông Khải cười hiền xoa đầu các con rồi dẫn cả đàn con thơ ra giếng, tự tay tắm cho từng đứa. Đêm đến người ta nghe tiếng trẻ con học bài ê a, lâu lâu lại gọi: “Ba ơi bài tập này giải thế nào? Ba ơi, chữ này con đọc không được…”. Thật cảm động và hạnh phúc.

Ba Khải một đời lặng lẽ cống hiến, một đời đi tìm, nâng niu hạnh phúc cho những đứa trẻ mồ côi. Mỗi lần có một đứa trẻ nào bị ốm là ông lại thức thâu đêm chăm từng muỗng cháo, canh từng giấc ngủ. Ông luôn tâm niệm: không để đứa nào trong đàn con mồ côi của mình bị thiếu tình thương yêu.

Gạt tình riêng…

50 năm qua, lớp lớp những đứa trẻ mồ côi được cô nhi viện Phú Hoà nuôi lớn thành người ra đi tìm hạnh phúc mới cho riêng mình, chỉ duy ông Khải ở lại nơi này. Ngôi nhà chung của đại gia đình bên dòng sông Trà có gì đó đã níu kéo bước chân ông. “Mình lớn lên từ đây, cũng đã một lần đi tìm hạnh phúc nhưng thất bại. Từ ngày cô ấy bỏ đi đến giờ, mình đã quyết định không bao giờ rời xa nơi này một lần nào nữa” – ông Khải tâm sự.

Số là hai tháng sau ngày lập gia đình, người vợ trẻ thủ thỉ vào tai chồng: “Anh ơi, mình ra ở riêng đi, ở đây em không sống được”. Ba Khải im lặng không nói gì. Dù rất thương vợ nhưng ông không đành lòng bỏ những đứa con mồ côi. Thế rồi vài ngày sau người vợ đã rơi nước mắt nói: “Em rất yêu anh, nhưng xin lỗi anh em phải ra đi”. Khải im lặng nhìn người vợ từng đầu gối tay ấp ra đi mà nước mắt chảy tràn trên má. Không ai biết nguyên nhân vì sao họ chia tay, Khải giấu kín chuyện vì sao mình ở lại nơi này mà không ra đi tìm chân trời mới như bao đứa trẻ mồ côi khác đến rồi lại đi. “Mình mà đi ai nuôi mấy đứa?” – câu hỏi tự đặt ra với lòng đó đã níu chân ông ở lại.

Trong tất cả 17 đứa con hiện tại, ba Khải nhớ nhất trường hợp của bé Na. Một buổi sáng mùa đông 13 năm về trước, khi sương sớm còn rơi dày, vậy mà mọi người nghe tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt ngoài cổng. Chạy ra và thấy một đứa trẻ còn đỏ hỏn được đặt trước cổng bị kiến cắn hai mí mắt sưng vù, ông Khải vội bồng lấy đứa bé và chăm sóc từng li từng tí. Ông đặt tên cho bé là Lê Thị Ry Na. Cô bé mồ côi ngày nào giờ đã là nữ sinh lớp 7. “Ba là người thân duy nhất trên đời này của em, ba đã nâng đỡ từng bước chân em từ thuở lọt lòng. Em sẽ không bao giờ quên công ơn ba, em chỉ mong mình học thật giỏi sau này đi làm có nhiều tiền về phụng dưỡng ba tuổi già, giúp đỡ nhiều em nhỏ mồ côi như em để tất cả chúng em đều hạnh phúc” – Ry Na tâm sự.