24/01/2025

Thu bạc tỉ từ bán carbon

Thu hồi khí thải từ các dự án biogas để phát điện là một trong những lĩnh vực được các nhà đầu tư CDM nhắm tới

Thu bạc tỉ từ bán carbon

Rất nhiều lĩnh vực có thể phát triển theo cơ chế phát triển sạch (CDM) để bán chứng chỉ giảm phát thải (CERs) với khả năng thu lợi lớn.

Như Thanh Niên đã thông tin, dự án CDM không chỉ có trồng rừng mà còn là các dự án ở nhiều lĩnh vực khác được đầu tư sản xuất theo công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường, có kết quả giám sát khí thải nhà kính được Ban Chấp hành quốc tế về CDM (là tổ chức được các nước tham gia Công ước khí hậu thành lập và uỷ quyền giám sát các dự án CDM) chấp thuận và cấp chứng chỉ CERs.

Tại VN, các lĩnh vực có thể mang lại kết quả giảm phát thải khí nhà kính đều có thể đầu tư thực hiện dự án CDM như tiết kiệm năng lượng; năng lượng tái tạo; thu hồi, tận dụng các loại khí đồng hành từ các mỏ dầu làm khí đốt cho các nhà máy nhiệt điện…

Những kết quả từ An Giang

Thu hồi khí thải từ các dự án biogas để phát điện là một trong những lĩnh vực được các nhà đầu tư CDM nhắm tới. Chẳng hạn dự án CDM xây dựng hệ thống xử lý nước thải thuỷ sản thu hồi biogas phát điện (Công ty TNHH Hoài Nam Hoài Bắc – TP.HCM là chủ đầu tư) đã được khởi công vào ngày 24.12.2010 tại Xí nghiệp chế biến thuỷ sản Thuận An 1, H.Châu Phú, tỉnh An Giang.

Đây là dự án CDM đầu tiên trong lĩnh vực này ở ĐBSCL, cũng là dự án khởi đầu cho 9 dự án xử lý nước thải nhà máy thuỷ sản thu hồi khí biogas phát điện trên địa bàn tỉnh An Giang trong giai đoạn 1 (năm 2011-2012); sau đó triển khai giai đoạn 2 cho 12 dự án tương tự cho các nhà máy chế biến thuỷ sản còn lại ở tỉnh này. Dự toán tổng công suất phát điện từ 21 dự án CDM của các nhà máy thuỷ sản tỉnh An Giang đạt khoảng 25 MW, tương đương 1.177.900 tấn carbon (CO2)/năm. Giá đấu thầu mỗi tấn CO2 trên thị trường quốc tế hiện nay từ 5-20 USD tuỳ thời điểm. Tập đoàn điện lực quốc gia Đức đã cam kết mua toàn bộ chứng chỉ CERs đối với các dự án CDM thuỷ sản của tỉnh An Giang ngay sau khi các nhà máy phát điện đi vào hoạt động.

Cũng tại An Giang còn có dự án CDM trong lĩnh vực xử lý nước thải trang trại chăn nuôi heo (quy mô mỗi trang trại từ 50 con heo trở lên), tổng cộng 37 trang trại, tổng đàn heo gần 6.000 con. Mỗi trang trại là một tiểu dự án, thu hồi khí gas từ chất thải chăn nuôi heo để làm chất đốt và phát điện, phục vụ cho chính trang trại đó. Viện Năng lượng Thuỵ Điển tham gia dự án này và phía Thuỵ Điển cam kết mua chứng chỉ CERs từ dự án với giá khởi điểm 10 USD/tấn CO2. Nguồn vốn cho dự án khoảng 150 tỉ đồng từ UBND tỉnh An Giang, Công ty TNHH Hoài Nam Hoài Bắc và Viện Năng lượng Thuỵ Điển. Năng lượng tạo ra là khí biogas làm chất đốt sẽ cung cấp miễn phí cho chủ trang trại, riêng lượng điện phát từ biogas sẽ bán lại cho chủ trang trại với giá rẻ hơn giá điện của EVN. Ước tính toàn bộ dự án sẽ giảm phát thải được 37.000 tấn CO2/năm và sản lượng điện là 14.500 kWh/ngày.

Bên cạnh các dự án CDM trong lĩnh vực thuỷ sản, ở An Giang còn một dự án CDM khác trong lĩnh vực xử lý rác theo công nghệ LTC (Low Temperature Converrstion – đốt rác thải thành điện ở nhiệt độ thấp). Nhà máy phát điện có công suất 25 MW, nguyên liệu là rác thải sinh hoạt khoảng 300 tấn mỗi ngày, với lượng CO2 tương đương các dự án CDM thuỷ sản của tỉnh. Dự kiến năm 2012, dự án này sẽ được khởi công, thời gian thi công trong 2 năm, khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết triệt để bài toán xử lý rác thải của khu vực Châu Đốc, Châu Phú, Tịnh Biên của tỉnh An Giang. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD, tương đương 3.926 tỉ đồng. Nguồn vốn do Tập đoàn tài chính MBM của Đức và vốn đối ứng của Công ty TNHH Hoài Nam Hoài Bắc (TP.HCM), đồng thời là chủ đầu tư. Tập đoàn điện lực quốc gia Đức cũng cam kết mua toàn bộ chứng chỉ CERs từ dự án này.

Nhiều dự án CDM được triển khai

Trong lĩnh vực thu hồi, tận dụng các loại khí đồng hành từ các mỏ dầu, TCT tài chính cổ phần dầu khí (PVFC) đã 2 lần bán đấu giá thành công CERs của mỏ Rạng Đông (Bà Rịa – Vũng Tàu) thu được 10,5 triệu euro. Tập đoàn dầu khí năng lượng Mercuria (Thuỵ Sĩ) đã mua chứng chỉ CERs từ dự án này. PVFC cũng đang tư vấn phát triển CDM cho các doanh nghiệp trong ngành năng lượng như Công ty CP hoá dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), Công ty CP nhiên liệu sinh học dầu khí Miền Trung (PCB), Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) và Tổng công ty khí VN (PV Gas). PVFC còn hợp tác với Tập đoàn khí đốt Gazprom (Nga) khảo sát cơ hội phát triển CDM cho các dự án trong ngành dầu khí.

Thu hồi khí từ rác để phát điện cũng là lĩnh vực đầy tiềm năng có thể phát triển thành dự án CDM bán chứng chỉ CERs. Đề tài nghiên cứu về công nghệ lên men mê-tan kết hợp với phát điện – giải pháp xử lý rác cho các đô thị lớn, góp phần kìm hãm biến đổi khí hậu của PGS-TS Nguyễn Văn Phước (Viện Môi trường – Tài nguyên – Đại học Quốc gia TP.HCM) và các cộng sự đã cho thấy sự ưu việt của công nghệ này, trong đó hiệu quả kinh tế mang lại là thu hồi khí mê-tan phát điện, giảm phát thải CO2.

Với công nghệ này, 1 tấn chất thải hữu cơ có khả năng thu hồi 100m3 khí sinh học, tương đương năng lượng điện là 224 kWh, giảm thiểu được khoảng 1 tấn CO2/tấn hữu cơ. Nếu lấy trung bình giá bán là 10 USD/tấn CO2, tức là 10 USD/tấn hữu cơ, theo tính toán, với lượng chất thải rắn phát sinh tại các đô thị lớn hiện nay khoảng 21.500 tấn/ngày, trong đó phần hữu cơ chiếm 70 – 85%, áp dụng công nghệ lên men mê-tan sẽ thu được khoảng 3,6 triệu kWh điện/ngày và lợi nhuận từ dự án giảm phát thải CO2 là 160.000 USD/ngày, tương đương 1.000 tỉ đồng/năm.

Tại TP.HCM khí gas được thu hồi từ khu chôn lấp của bãi rác Gò Cát (Q.Bình Tân) đã được sử dụng để phát điện. Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (H.Bình Chánh) cũng có nhà máy phát điện có công suất 12 MW, dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong năm nay và đi vào hoạt động vào năm 2012. Đây là lĩnh vực có thể phát triển thành dự án CDM bán chứng chỉ CERs.