Mở cửa cho đánh bắt xa bờ
Việt Nam cần có chính sách tốt để thu gọn việc đánh bắt thuỷ sản ven bờ, đầu tư nhiều hơn cho đánh bắt xa bờ
Mở cửa cho đánh bắt xa bờ
Việt Nam cần có chính sách tốt để thu gọn việc đánh bắt thuỷ sản ven bờ, đầu tư nhiều hơn cho đánh bắt xa bờ. Nhà nước nên có những thoả thuận về nghề cá với các nước trong khu vực để giúp ngư dân yên tâm đi biển.
“Với trình độ của chúng ta hiện nay mà cứ đóng cửa thì rất khó thay đổi được công nghệ” Bà Nguyễn Thị Hồng Minh |
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh (nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản, trưởng nhóm tư vấn xây dựng chương trình xuất khẩu thuỷ sản đến năm 2015, định hướng 2020) cho biết như trên trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 14-6. Bà Hồng Minh nói:
– Trong ba trụ cột là khai thác, nuôi trồng và chế biến thì nhiều năm nay khai thác vẫn yếu nhất. Đánh bắt xa bờ chỉ đóng góp khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản hằng năm. Có thể nói lực lượng, trình độ và năng lực đánh bắt xa bờ của ta thua thế giới, thua ngay cả các nước trong khu vực.
Cụ thể các điều kiện cơ sở hạ tầng như cảng cá, chợ cá, tàu thuyền, nơi tránh trú bão… đều hạn chế. Trong khi việc đánh bắt xa bờ của các nước đã bỏ qua tàu gỗ, thay bằng tàu sắt, tàu bằng vật liệu composite cùng với thiết bị hiện đại để vươn ra đại dương thì chúng ta vẫn ra khơi bằng tàu gỗ rất nhiều và công nghệ đánh bắt chậm thay đổi.
* Nghĩa là vừa qua số lượng tàu đánh bắt xa bờ có thể nhiều lên nhưng chất lượng chưa được cải thiện tương ứng?
– Đúng vậy. Việc đánh bắt xa bờ cần được tổ chức chặt chẽ, đòi hỏi đầu tư công nghệ cao, thiết bị cải tiến liên tục, vốn nhiều, nhưng ở nước ta đánh bắt xa bờ vẫn là “nghề cá nhân dân”, tức là dựa vào kinh nghiệm, truyền thống, thói quen của người dân là chính. Chúng ta đã có chiến lược phát triển thuỷ sản nhưng thiếu các chính sách cụ thể. Thật ra chúng ta từng có chương trình cho vay để đóng tàu đánh bắt xa bờ, nhưng cách quản lý không đáp ứng được yêu cầu.
* Từ sự không thành công của chương trình cho vay để đóng tàu đánh bắt xa bờ, theo bà, cần làm gì để Việt Nam có được những đội tàu đánh bắt xa bờ ngang tầm khu vực và thế giới?
– Trước đây chúng ta đã mở cửa cho một số quốc gia trong khu vực đầu tư vào lĩnh vực đánh bắt xa bờ, nhưng về sau nảy sinh vấn đề không hay nên đã có rút kinh nghiệm theo hướng hạn chế lại. Quan điểm của tôi là nên mở cửa có chọn lọc, đơn giản vì nếu không mở cửa thì chúng ta sẽ không thu hút được vốn đầu tư, không tiếp thu được công nghệ hiện đại của nước ngoài.
Lĩnh vực đánh bắt xa bờ đòi hỏi đầu tư rất lớn, lại thêm rủi ro, làm sao người dân có vốn để đáp ứng được. Không chỉ có đánh bắt xa bờ mà nuôi trên biển cũng là ngành rất lớn, đi nhiều nước tôi thấy có những lồng nuôi cá trên biển vốn đầu tư lên đến vài chục triệu USD. Vừa rồi có đối tác từ Đan Mạch viết thư cho tôi, nói rằng họ muốn vào Việt Nam đầu tư lồng nuôi cá trên biển ngoài khơi xa (vùng nước sâu), nhưng chưa rõ chính sách trong lĩnh vực này như thế nào.
Hỗ trợ gia đình 6 ngư dân bị nạn ở Hoàng Sa Sáng 14-6, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã đến thăm hỏi, trao quà cho sáu gia đình của sáu ngư dân đi trên tàu của ông Lê Minh Tân (xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) bị mất tích khi đi khai thác rau chân vịt tại vùng biển Hoàng Sa hôm 23-1. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã trao mỗi suất quà trị giá 2 triệu đồng tiền mặt cho sáu ngư dân mất tích và trao tặng thêm 10 triệu đồng cho gia đình bà Ngô Thị Việt – vợ ông Lê Minh Tân. Số tiền trên được trích từ quỹ cứu trợ tỉnh Quảng Ngãi. VÕ MINH |
* Trong bối cảnh hiện nay trên biển Đông, nếu chúng ta mở cửa có chọn lọc như bà nói, liệu có thật sự thu hút được đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đánh bắt xa bờ?
– Theo tôi được biết có những đối tác từ Nga, Tây Ban Nha… đã bày tỏ sự quan tâm. Trước đây cũng từng có đối tác từ Nga vào, nhưng về sau gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc cảng của ta thu phí như đối với tàu nước ngoài nên họ không chịu nổi mức phí đó và rút ra.
Chúng ta không thể chỉ nói mở cửa có chọn lọc là xong, kèm theo đó phải là những chính sách hết sức cụ thể để bảo vệ lợi ích thiết thực của đối tác, phải trên cơ sở đôi bên cùng có lợi thì mới làm ăn lâu dài được.
* Việc hỗ trợ ngư dân để họ yên tâm bám biển cũng rất cần thiết, thưa bà?
– Trước hết, Nhà nước nên tiếp tục có những thoả thuận về nghề cá với các nước trong khu vực để giúp ngư dân yên tâm đi biển. Việc tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thuỷ sản nói chung, nghề cá nói riêng cũng hết sức quan trọng. Tôi thấy quản lý nhà nước hiện nay còn chồng chéo và không đảm bảo quản lý theo chuỗi một cách có hiệu quả, kinh phí đầu tư còn dàn trải.
Lực lượng kiểm ngư của chúng ta hiện nay còn yếu, cho nên kiểm soát tàu cá trong nước đã khó chứ chưa nói đến tàu cá nước ngoài. Cần thiết tăng cường năng lực của kiểm ngư và tổ chức lực lượng này theo vùng (mỗi vùng có nhiều tỉnh), tuy nhiên việc cấp phép, giải quyết giấy tờ thủ tục cho bà con ngư dân thì phải là cấp tỉnh, nghĩa là tạo thuận lợi nhất có thể cho bà con hoạt động nghề cá. Để tổ chức lại ngành thuỷ sản phải có sự nghiên cứu sâu hơn, không nên thấy các nước xung quanh làm thế nào thì mình bê nguyên mô hình như vậy, mà phải dựa trên thực tế của nước ta.
Tiếp theo là các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân. Theo tôi, sự hỗ trợ này nên có định hướng hạn chế đánh bắt gần bờ, ưu tiên cho đánh bắt xa bờ. Các nước thường áp dụng chính sách hỗ trợ ngư dân thông qua tổ chức cộng đồng nghề cá. Tổ chức này tiếp nhận, quản lý và phân phối rất chặt chẽ các khoản hỗ trợ nên ít khi có tiêu cực. Chẳng hạn như
* Bà có đề xuất cụ thể nào về việc hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ?
– Nói chung Nhà nước không nên và không thể làm thay người dân, cái chính là Nhà nước ra chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển và giúp họ tổ chức lại. Ví dụ như khuyến khích thành lập các hội nghề nghiệp tương tự như hiệp hội khai thác cá ngừ, hiệp hội khai thác cá cơm. Nhà nước giúp hình thành tổ chức, giúp ngư dân xây dựng đội ngũ quản lý là người của họ chứ không phải quan chức nhà nước đứng ra làm, rồi giúp xây dựng thương hiệu… sao cho không chỉ người tiêu dùng Việt Nam mà cả thế giới biết đến các hiệp hội này.
Tôi đi sang cảng cá bên Pháp, thấy có những loại cá như nhau, nhưng chỗ này cá có vẻ tươi ngon hơn thì trên đó có dán một cái nhãn hiệu riêng, còn cá chỗ khác không có nhãn hiệu. Đó là cách làm của hiệp hội ngư dân, họ tiêu chuẩn hoá sản phẩm của mình để gia tăng giá trị.
Việc tổ chức cộng đồng là rất quan trọng đối với nghề cá, thông qua tổ chức cộng đồng mới có thể thực hiện tốt nhất các hoạt động về tiêu chuẩn hoá, về quản lý, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi… Vấn đề ở đây tổ chức cộng đồng không phải là hợp tác xã, vì hợp tác xã có thể chung tài sản, còn tổ chức cộng đồng không chung tài sản mà xây dựng những giá trị mềm chung. Đó là thương hiệu chung, hệ thống quản lý chung, tiêu chuẩn chung…