24/12/2024

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản

Thực tiễn cho thấy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản sau gần 40 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao được xây dựng trên nền tảng vững chắc

 Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản

Ông Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư vừa có chuyến thăm chính thức Nhật Bản. Thanh Niên xin giới thiệu bài viết của TTXVN về chuyến đi này.

Tình cảm biết ơn và trân trọng sự cảm thông, chia sẻ đầy tình người và tình cảm đoàn kết hữu nghị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Chính phủ và nhân dân Nhật Bản trong lúc khó khăn bởi thảm nạn động đất, sóng thần và mong muốn tăng cường sâu sắc quan hệ “đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á” giữa Việt Nam và Nhật Bản là thông điệp được Chính phủ, chính giới, cộng đồng doanh nghiệp, các phương tiện truyền thông đại chúng và đông đảo nhân dân Nhật Bản bày tỏ đồng tình cao với ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản những ngày đầu tháng 6.

 

Ông Trương Tấn Sang thăm các nạn nhân động đất và sóng thần – Ảnh: TTXVN 

“Bạn lúc hoạn nạn là người bạn đích thực”

Đó là câu ngạn ngữ của Nhật Bản mà Thủ tướng Naoto Kan nhắc đến trong một tuyên bố ngay tuần đầu tiên sau trận động đất và sóng thần để bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với các nước và bạn bè quốc tế đã giúp đỡ Nhật Bản trong thời khắc khó khăn. Suy nghĩ và tình cảm đó được tất cả các nhà lãnh đạo Chính phủ, Thượng viện, Hạ viện, chính giới, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Nhật Bản liên tục nhắc lại trong các cuộc tiếp xúc với đoàn. Lãnh đạo Nhật Bản đánh giá Việt Nam là một trong những nước đầu tiên gửi điện thăm hỏi, tổ chức quyên góp và gửi tặng hàng hóa thiết yếu cho nạn nhân động đất và sóng thần; nhấn mạnh những túi hàng cứu trợ đúng lúc của Việt Nam đã làm ấm lòng người dân Nhật Bản.

Chủ tịch Hạ viện Takahiro Yokomichi và nhiều nhà lãnh đạo khác cho rằng tinh thần đối tác chiến lược càng thể hiện rõ nét, quan trọng hơn bao giờ hết trong lúc này; bày tỏ cảm ơn và đánh giá rất cao việc Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dù chương trình làm việc rất bận rộn đã quyết định thăm các nạn nhân động đất sóng thần đang sinh sống trong trung tâm tạm cư tại thành phố Asahi, tỉnh Chiba, một trong các địa phương chịu tàn phá trực tiếp của trận động đất và sóng thần vừa qua.

Tại trung tâm tạm cư ở thành phố Asahi, ông Trương Tấn Sang và đoàn đã mặc niệm các nạn nhân, nói chuyện, tặng quà và thăm hỏi về tình hình cuộc sống của người dân. Thông báo về phong trào quyên góp, ủng hộ của người dân Việt Nam hướng về các nạn nhân động đất, sóng thần, ông Trương Tấn Sang khẳng định tuy Việt Nam còn nghèo, giá trị quyên góp được còn khiêm tốn, nhưng đó là tình cảm nồng ấm, thể hiện nghĩa tình của nhân dân Việt Nam. Ông bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng với ý chí dũng cảm, nghị lực kiên cường, trí thông minh và sự ủng hộ của bạn bè thế giới, nhân dân Nhật Bản chắc chắn sẽ sớm vượt qua khó khăn, công cuộc tái thiết sẽ thành công, đất nước Nhật Bản tiếp tục phát triển phồn vinh. Nhiều người dân địa phương, chủ yếu là người già, đã thực sự xúc động, bật khóc trước tình cảm nồng ấm thể hiện trong chuyến thăm của ông Trương Tấn Sang và đoàn, bởi họ biết trong những thời khắc khó khăn này, họ không cô đơn, nhân dân Việt Nam luôn ở bên cạnh nhân dân Nhật Bản.

Phát triển sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược

Thực tiễn cho thấy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản sau gần 40 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao được xây dựng trên nền tảng vững chắc, có sự đồng thuận và mức độ tin cậy chính trị ngày càng tăng, phát triển nhanh chóng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Mối quan hệ đó đã phát triển lên một tầm cao mới vào năm 2009 khi lãnh đạo cấp cao hai nước xác định khuôn khổ “quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á” và gần đây nhất, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 10.2010 của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản đã cùng nhau tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và đạt nhiều thỏa thuận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, tạo cơ sở để tăng cường thực chất, toàn diện quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa nền kinh tế hai nước trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng.

Qua chuyến thăm Nhật Bản lần này của ông Trương Tấn Sang, hai bên đã đạt được sự nhất trí cao về phương hướng và biện pháp lớn nhằm tăng cường toàn diện quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới, tập trung ở một số điểm chính sau:

Thứ nhất, khẳng định việc phát triển sâu sắc quan hệ Việt Nam – Nhật Bản là phù hợp với lợi ích của hai nước và có lợi cho khu vực; cần tích cực triển khai thực hiện có kết quả các thỏa thuận giữa hai thủ tướng tháng 10.2010.

Thứ hai, nhất trí lấy năm 2013 là “Năm hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản” nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; hai bên mở rộng giao lưu các cấp, các ngành, các địa phương và trên tất cả các kênh; sẽ phối hợp chặt chẽ, có các hoạt động phong phú, thiết thực và sâu rộng để kỷ niệm.

Thứ ba, nhất trí phấn đấu tăng ít nhất gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều trong vòng 10 năm tới; nhấn mạnh mục tiêu đó có tính khả thi và hai nước còn nhiều tiềm năng để tăng nhanh hơn nữa. Hai bên sẽ nỗ lực tăng cường hiệu quả hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản và các cơ chế hợp tác với sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, mở cửa thị trường cho nhau và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hai nước mở rộng hoạt động. Nhật Bản sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Thứ tư, hai bên khuyến khích và có chính sách hỗ trợ thích đáng các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư vào Việt Nam, tham gia tích cực quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam; hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu ở Việt Nam, góp phần tích cực thúc đẩy công nghiệp hóa hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam. Trong các cuộc tiếp xúc, trao đổi ý kiến, lãnh đạo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN), Hiệp hội Xúc tiến ngoại giao nhân dân (FEC), Liên đoàn Kinh tế vùng Kansai (KANKEIREN), Hiệp hội Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp vùng Osaka (OCCI), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC)…, nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản thông báo đang có kế hoạch mở rộng đầu tư và hợp tác với Việt Nam và rất quan tâm các dự án lớn trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ chế biến; cam kết đầu tư và chuyển giao các công nghệ tiên tiến nhất cho phát triển kinh tế Việt Nam và cho sự hợp tác cùng có lợi giữa hai nước. Hai bên đánh giá thời điểm hiện nay là cơ hội lý tưởng để tận dụng tiềm năng hợp tác to lớn, có tính bổ sung cao giữa hai nền kinh tế, vì sự phát triển bền vững của hai dân tộc.

Thứ năm, các lãnh đạo Chính phủ, Nghị viện Nhật Bản khẳng định dù còn nhiều khó khăn về tài chính, nhưng chính sách cung cấp ODA của Nhật Bản đối với Việt Nam không có gì thay đổi, sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam và yêu cầu hợp tác giữa hai nước, trong đó ưu tiên cao cho các dự án hạ tầng có quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng như: đường bộ cao tốc Bắc – Nam; cảng Lạch Huyện, Hải Phòng; nhà ga T2 sân bay Nội Bài; sân bay quốc tế Long Thành; các tuyến tàu điện ngầm tại Hà Nội và TP.HCM; nhà máy điện hạt nhân; khai thác và chế biến đất hiếm và một số dự án mới quan trọng khác. Trong bối cảnh đang phải khắc phục sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima, Chính phủ Nhật Bản khẳng định sẽ chia sẻ kinh nghiệm và áp dụng giải pháp công nghệ hiện đại nhất, đảm bảo an toàn cao nhất cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2 tại tỉnh Ninh Thuận.

Thứ sáu, mở rộng hơn nữa hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực; thông qua tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc trong lĩnh vực nông – ngư nghiệp và chế biến nông – hải sản là những lĩnh vực Nhật Bản sẽ ưu tiên phát triển trong thời gian tới. Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản khẳng định sẽ ưu tiên cho việc tăng cường tiếp nhận tu nghiệp sinh, lao động Việt Nam với số lượng lớn hơn để tham gia vào quá trình tái thiết và phát triển kinh tế. Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tỏ ý sẽ hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện để phát triển bền vững.

Thứ bảy, hai bên cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu; Nhật Bản sẽ hỗ trợ về kỹ thuật và vốn cho các dự án phòng chống nước biển dâng, cũng như dự án Trung tâm Vũ trụ Hoà Lạc, công trình rất có ý nghĩa đối với phòng chống thiên tai.

Thứ tám, tăng cường và mở rộng phạm vi phối hợp giữa hai nước trong xử lý các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm thông qua việc nâng cao hiệu quả cơ chế đối thoại chiến lược hằng năm Việt Nam – Nhật Bản và khi có nhu cầu.

Củng cố sự đồng thuận chính trị

Phát triển toàn diện, thực chất “quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á” giữa Việt Nam và Nhật Bản từ lâu luôn giành được sự ủng hộ, đồng thuận cao của lãnh đạo, chính giới, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân hai nước. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Trương Tấn Sang đã có nhiều cuộc gặp gỡ với lãnh đạo đảng Dân chủ cầm quyền, lãnh đạo các chính đảng đối lập lớn ở Nhật Bản như đảng Dân chủ Tự do, đảng Của mọi người, đảng Cộng sản Nhật Bản; trao đổi ý kiến với lãnh đạo hai Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam (đa đảng và đảng Dân chủ), cùng một số chính trị gia có thiện cảm với Việt Nam và có ảnh hưởng lớn trên chính trường Nhật Bản. Lãnh đạo các chính đảng, các tổ chức của Nhật Bản đều khẳng định rất coi trọng quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam (đa đảng) Takebe Tchutomu khẳng định tuy các chính đảng Nhật Bản có thể có khác biệt nhau, nhưng luôn đồng thuận và hợp tác tốt với nhau trong thúc đẩy quan hệ với Việt Nam; đề nghị mở rộng hơn nữa giao lưu giữa quốc hội/nghị viện và các nghị sĩ hai nước, không ngừng nâng cao vai trò để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ với Việt Nam.

mở rộng quan hệ giữa các địa phương

Mở rộng hợp tác giữa các địa phương hai nước là một nội dung quan trọng được ông Trương Tấn Sang và các nhà lãnh đạo cấp cao Nhật Bản hết sức quan tâm. Hai bên đã đạt được sự nhất trí cao trong việc khuyến khích và hỗ trợ các địa phương tăng cường hoạt động hợp tác, giao lưu hữu nghị trên các lĩnh vực, không chỉ về văn hóa, giáo dục, giao lưu nghệ thuật mà cả trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; nhấn mạnh việc mở rộng quan hệ hợp tác trực tiếp giữa các địa phương chính là góp phần thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ đoàn kết hữu nghị tốt đẹp sẵn có và là một biện pháp đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.

Trong thời gian thăm thành phố Osaka và vùng Kansai, ông Trương Tấn Sang đã có nhiều cuộc gặp gỡ và trao đổi ý kiến với lãnh đạo chính quyền các tỉnh vùng Kansai – trung tâm lớn về văn hóa, kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ, giáo dục – đào tạo của Nhật Bản, nơi có mối giao thương lâu đời với Hội An. Ông khuyến khích và đề nghị các tỉnh, thành phố, cộng đồng doanh nghiệp vùng Kansai mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác, giao lưu với các địa phương của Việt Nam, trong đó có TP.HCM – địa phương kết nghĩa với thành phố Osaka, Đà Nẵng – địa phương kết nghĩa với thành phố Sakai, Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu – hai cửa ngõ giao lưu quốc tế ở hai miền Việt Nam…

Nhân dịp này, ông Trương Tấn Sang đã tiếp các đoàn đại biểu của Hiệp hội Giao lưu quốc tế với Việt Nam thành phố Sakai, Hội Hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam vùng Kansai. Ông đánh giá cao hoạt động hữu nghị có ý nghĩa, liên tục của hai tổ chức, coi đó là cầu nối hữu nghị quan trọng của vùng Kansai với Việt Nam; cảm ơn và đề nghị các tổ chức tích cực hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam, trong đó có hàng nghìn sinh viên và tu nghiệp sinh Việt Nam đang sinh sống và học tập tại vùng Kansai; hoan nghênh các tổ chức hữu nghị không ngừng kiện toàn tổ chức, có nhiều hoạt động hữu nghị phong phú với Việt Nam, đặc biệt trong năm 2013, để thiết thực kỷ niệm Năm hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản.

Báo giới và các phương tiện truyền thông đại chúng Nhật Bản đã dành sự quan tâm đặc biệt và đưa tin rộng rãi về chuyến thăm và các hoạt động quan trọng của đoàn. Báo Nikkei đã đăng bài phỏng vấn ông Trương Tấn Sang.

Với những kết quả quan trọng đạt được, chuyến thăm của ông Trương Tấn Sang, một sự kiện quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong năm 2011, đã thành công tốt đẹp. Đây chính là bước triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển của Đại hội XI, đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản vào chiều sâu, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của dân tộc ta.