23/11/2024

Nỗi lo chiến tranh mạng

Công nghệ mạng phát triển như vũ bão khiến người ta có cảm giác vượt tầm kiểm soát. Nhiều tập đoàn lớn dù rành rẽ trong lĩnh vực viễn thông cũng đầy sơ hở

 Nỗi lo chiến tranh mạng

Đột nhiên các sàn chứng khoán, ngân hàng, các hệ thống giao thông công cộng bị tê liệt. Điện, nước, điện thoại bị cắt. Dân tình hỗn loạn.

Đó không phải là kịch bản phim viễn tưởng của Hollywood mà là một viễn cảnh rất thực. Viễn cảnh của chiến tranh mạng khi thế giới này ngày càng phụ thuộc vào Internet.

Thậm chí đến giờ không cường quốc nào trên thế giới dám vỗ ngực khoe rằng mình có thể tránh được một cuộc tấn công có khả năng làm sụp đổ cả nền kinh tế như thế. Những sự vụ gần đây nhất liên quan đến Sony, Google, Lockheed Martin… buộc những người lạc quan nhất cũng phải e ngại.

Mỹ hiệu triệu

Theo AFP, ngày 4-6, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates khi đến tham dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore đã phải đề cập vấn đề tấn công mạng như một thông điệp muốn chia sẻ cùng các đồng nghiệp châu Á – Thái Bình Dương. “Chúng tôi xem các đe doạ trên mạng là chuyện nghiêm trọng và chúng tôi thấy các mối đe doạ xuất hiện từ nhiều nguồn khác nhau chứ không phải từ một nước cụ thể nào”.

Ông Craig Mundie, lãnh đạo bộ phận nghiên cứu chiến lược của Tập đoàn Microsoft, cho biết trên thế giới có ít nhất 10 nước đạt trình độ có thể phát động các cuộc tấn công trên mạng và khoảng 20 nước đang “chạy đua vũ trang mạng”.

Vào thời điểm này, rất nhiều người đề cập mối nghi ngờ “tin tặc Trung Quốc” tấn công các tập đoàn kinh tế và quốc phòng Mỹ nhưng trong thế giới mạng, nghi ngờ vẫn cứ mãi là nghi ngờ vì khó có thể truy gốc để “điểm mặt chỉ tên” những con người cụ thể là tác giả các vụ tấn công từ máy tính.

Vì lẽ đó, dù báo chí Mỹ có suy luận đến khả năng tin tặc Trung Quốc nhưng Bộ trưởng Gates chỉ dám đề cập chuyện hợp tác quốc tế. “Tôi nghĩ mọi quốc gia phải nên xem các mối đe doạ trên mạng là vấn đề có thể xảy ra với mình. Chúng ta có thể tránh những căng thẳng quốc tế nghiêm trọng trong tương lai nếu chúng ta sớm xây dựng bộ quy tắc ứng xử mạng chỉ rõ loại hành vi nào (trên mạng) là chấp nhận được, loại nào không và loại nào có thể bị xem là hành động chiến tranh”.

Bộ trưởng Gates như vậy đã lặp lại quan điểm gần đây của Lầu Năm Góc cho rằng “Washington có thể sử dụng vũ lực đáp trả các cuộc tấn công trên mạng” (Tuổi Trẻ ngày 1-6-2011). Quan điểm đó, một phần nào, như ông Gates thừa nhận: “Mỹ thường xuyên bị tin tặc tấn công”. Nhưng ông cũng biện giải thêm: “Điều đó không có nghĩa hệ thống quốc phòng của chúng tôi bị tấn công mọi lúc, thực tế thì khá thường xuyên và chúng tôi đã tiến hành một số bước để tự bảo vệ mình”.

Mọi nghi ngờ suy về một điểm

Có một điều lạ là những cuộc tấn công mạng quy mô gần đây nhắm vào các tập đoàn kinh tế có tên tuổi hoặc các cơ quan chính phủ các nước, nhất là Mỹ, thường được suy diễn là do tin tặc Trung Quốc. Đặc biệt là Tập đoàn Google không ngần ngại cho rằng các vụ tấn công mạng nhắm vào mình là từ Trung Quốc. Tháng 1-2010 rồi đến vụ tấn công hôm 1-6, Google đều chỉ tay thẳng về phía Bắc Kinh.

Nhưng vụ việc công bố ngày 1-6 được Chính phủ Mỹ xem là nghiêm trọng hơn cả. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lập tức tuyên bố FBI đang điều tra vụ việc. Còn theo AFP, ngày 3-6 Chính phủ Mỹ đã lên tiếng đối với Chính phủ Trung Quốc về “mối quan ngại” tấn công mạng nhắm vào Google.

“Một trong những điều mà tôi tìm cách thúc đẩy trong bốn năm, bốn năm rưỡi qua là tìm hiểu thế giới mạng trong khuôn khổ trách nhiệm quốc phòng, và một chính phủ có thể có hành động phản ứng như thế nào.

Tôi nghĩ rằng một trong những điều thuận lợi là ta có thể có nhiều cuộc đối thoại mở hơn giữa các nước về những mối đe doạ trên mạng để có thể thiết lập một số bước đi” - Bộ trưởng Robert Gates phát biểu tại Singapore ngày 4-6.

Giới chuyên gia công nghệ thông tin Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng bác bỏ các cáo buộc và cho rằng Google đang có “ác ý” với Trung Quốc.

 “Những cáo buộc của Google không nghiêm túc mà cũng không đáng tin cậy khi họ không đưa ra được bất kỳ chứng cứ nào cho thấy những tin tặc có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cả mục đích và thời gian cáo buộc của Google đều rất mơ hồ” – ông Đới Nhất Kỳ, chuyên gia an ninh mạng của Đại học Thanh Hoa, phản ứng.

Còn ông Lý Thuỷ Sinh – nhà nghiên cứu khoa học quân sự hàng đầu của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc – cho rằng Trung Quốc cũng đang là nạn nhân hàng đầu của tin tặc. Ông giải thích hiện Trung Quốc có số máy tính lớn nhất thế giới nhiễm phần mềm độc hại, một loại phần mềm cho phép các tin tặc chiếm quyền kiểm soát máy và từ đó thực hiện các cuộc tấn công. “Khoảng 13% máy tính trên thế giới nhiễm các phần mềm độc hại này là ở Trung Quốc” – ông Lý nói.

Phải tự bảo vệ mình

Đây không phải là lần đầu tiên tin tặc Trung Quốc bị cáo buộc. Hồi tháng 2-2011, tin tặc Trung Quốc cũng bị cho là tiến hành nhiều vụ tấn công mạng vào Bộ Kinh tế Canada. Mặc dù giới chức Canada cho biết đã bảo vệ thành công những thông tin nhạy cảm, nhưng Chính phủ Canada lo ngại bọn tin tặc đang nhắm vào dữ liệu tài chính của nước này.

Hàn Quốc cũng là nạn nhân của những vụ tấn công mạng vào hồi tháng 3 năm nay. Chính phủ Hàn Quốc nghi ngờ tin tặc từ Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên tấn công vào nhiều hệ thống máy chủ và hệ thống ngân hàng của Chính phủ Hàn Quốc nhưng không có chứng cứ rõ ràng và chưa thể xác định rõ động cơ đứng sau những vụ tấn công này.

Quả thực công nghệ mạng phát triển như vũ bão khiến người ta có cảm giác vượt tầm kiểm soát. Nhiều tập đoàn lớn dù rành rẽ trong lĩnh vực viễn thông cũng đầy sơ hở. Ông John Bumgarner, giám đốc công nghệ của Tổ chức US Cyber Consequences Unit đồng thời cũng là cựu nhân viên cao cấp về an ninh mạng của Cục An ninh quốc gia (NSA) và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), khẳng định hệ thống mạng của Sony không hề được bảo mật chắc chắn. Dù ông đã cảnh báo tình trạng đó từ tháng trước nhưng tình hình vẫn kéo dài suốt đến tuần vừa qua để cuối cùng Sony phải thừa nhận bị tấn công hôm 2-6.

Tự bảo vệ, phát biểu thì dễ nhưng thực thi không đơn giản chút nào. Chống tin tặc chẳng khác cuộc rượt đuổi những bóng ma. Cơ quan NSA của Mỹ tuyên bố sẽ đầu tư đến 30 tỉ USD trong năm năm tới để chuẩn bị cho cuộc phòng vệ trên mạng. Nhưng để chống ai? Tin tặc có thể tạo ra những virut độc với phí tổn chẳng là bao…