22/01/2025

Bản trắc nghiệm dành cho Hành Khất Kitô

Bạn là Kitô hữu. Bạn đã tự nguyện theo Đức Kitô và nhận Đức Kitô là người bạn, người yêu và là Thiên Chúa của lòng mình. Nhưng bạn đã biết gì về Đức Kitô? Bạn có muốn học thêm để biết Người không?

Bạn là Kitô hữu. Bạn đã tự nguyện theo Đức Kitô và nhận Đức Kitô là người bạn, người yêu và là Thiên Chúa của lòng mình. Nhưng bạn đã biết gì về Đức Kitô? Bạn có muốn học thêm để biết Người không?

Bài trắc nghiệm với 40 câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn biết thêm về Đức Kitô và mời bạn học hỏi về Người.

Bạn thử trả lời bằng cách chọn câu đúng nhất và so sánh với Bản giải đáp.

Nếu bạn trả lời đúng hết 40 câu, bạn có quyền tự hào rằng mình đã biết phần nào về Người yêu và Thiên Chúa của mình. Chúng tôi chúc mừng bạn và mời bạn đến Tổng Đàn Hành Khất Kitô, tạm đặt ở văn phòng trung ương của Uỷ ban Công lý và Hoà bình – số 6 bis Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM, để nhận quà tặng đặc biệt của Người Hành Khất Kitô.

Bạn đến nhé!

Thừa lệnh Bang Chủ

Trưởng Lão Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

 


 


1.      Kitô học được định nghĩa toàn diện gồm những yếu tố nào?

a. Môn thần học trình bày các suy tư có hệ thống về Đức Giêsu Kitô.

b. Môn học lịch sử về Đức Giêsu Kitô.

c. Môn học trình bày về Đức Giêsu Kitô thế nào để người học có thể cảm nghiệm, hành động, dấn thân cho Đức Giêsu Kitô và trình bày được niềm tin của mình cho người khác.

d. Gồm tất cả những yếu tố trên.

2.       Trong đời sống thực tế của người tín hữu hiện nay, điều gì khiến chúng ta phải quan tâm hơn cả về mặt Kitô học?

a. Khoảng cách quá lớn giữa điều người ta hiểu và cách người ta sống.

b. Đời sống đạo tập trung quá nhiều vào hoạt động bên ngoài.

c. Số người lớn trở lại Kitô giáo rất ít.

d. Số người Kitô hữu bỏ đạo hằng năm khá cao.

3.      Kitô học là một khoa học quan trọng nhất đối với người Kitô hữu vì:

a. Kitô giáo chỉ tồn tại và phát triển nếu người tín hữu hiểu biết rõ về Đức Kitô và sống theo Người.

b. Đây là một thần học trình bày về Đức Kitô.

c. Đây là một môn thần học đặt nền tảng trên Thánh Kinh và Thánh Truyền.

d. Đây là một khoa học về Đức Giêsu Kitô dựa trên những sự kiện có thật trong lịch sử.

4.       Tại sao Kitô học là một khoa học về Đức Kitô nhưng chưa được chính các nhà thần học quan tâm?

a. Vì nhiều nhà thần học vẫn chỉ coi đó là một bộ môn thần học đơn thuần giống như các bộ môn khác.

b. Vì có quá nhiều khuynh hướng nói về Đức Kitô trong lịch sử vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay.

c. Vì nhiều nhà thần học chưa dám nghĩ, dám viết về Đức Kitô trong hàng chục thế kỷ vì sợ bị coi là cấp tiến hay lạc giáo.

d. Vì tất cả các lý do trên đây.

5.       Điều gì quan trọng nhất đã khiến nhiều người thời nay hiểu sai hay chưa chính xác về Đức Kitô?

a. Kitô học chỉ hoàn toàn dựa vào Thánh Kinh.

b. Kitô học chỉ hoàn toàn dựa vào thế giá của các giáo phụ.

c. Kitô học chỉ hoàn toàn dựa vào lập trường của thánh Tôma Aquinô trình bày trong Tổng luận Thần học.

d. Kitô học chỉ hoàn toàn dựa vào các khoa học xã hội nhân văn mới khám phá.

6.       Đức Giêsu Kitô vừa là Ngôi Lời Thiên Chúa vừa là con người nên Kitô học phải dựa trên:

a. Thánh Kinh và Thánh Truyền như nền tảng quan trọng nhất.

b. Các khoa học xã hội nhân văn như lịch sử, văn hoá, tâm lý, xã hội… để giải thích những dữ liệu do Thánh Kinh đem lại.

c. Các giáo huấn của Giáo Hội và suy tư thần học để phối hợp và tìm được lời giải đúng đắn về các sự kiện liên quan đến cuộc đời Đức Giêsu Kitô.

d. Tất cả các điểm trên đây.

7.       Rất nhiều điểm mới lạ đã được sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, xuất bản năm 1997, trình bày để sửa lại những thiếu sót hoặc sai lầm của các nhà thần học về Đức Giêsu Kitô. Nhưng tại sao cho đến nay nhiều linh mục, tu sĩ ở Việt Nam và cả trên thế giới chưa được học hỏi?

a. Vì thiếu các giáo sư giảng dạy bộ môn này trong các chủng viện hay dòng tu.

b. Vì bản dịch chính thức của sách này mới được xuất bản trong quý I-2010 ở Việt Nam nên nhiều người chưa biết đến.

c. Vì số giờ dành cho bộ môn này còn quá ít trong các chương trình đào tạo linh mục, tu sĩ.

d. Vì tất cả các lý do trên đây.

8.       Để bộ môn Kitô học với những điểm cơ bản đến được người tín hữu giáo dân, Giáo Hội hay cụ thể là những người có trách nhiệm cần hay nên làm gì?

a. Chính họ phải quan tâm, học hỏi và phổ biến cho những người khác.

b. Tổ chức những khoá thường huấn chuyên đề về Kitô học cho tín hữu giáo dân.

c. Yêu cầu các linh mục, các tu sĩ và giáo lý viên trình bày về các điểm Kitô học trong các bài giảng, bài giáo lý cho giáo dân.

d. Tất cả các điểm trên đây.

9.       So sánh cách trình bày Kitô học mới với Kitô học cũ, điểm nào quan trọng nhất để hiểu thật sự về Đức Kitô?

a. Kitô học cũ cung cấp thông tin trong khi Kitô học mới trình bày một con người sống động.

b. Kitô học cũ bắt đầu bằng Tân Ước trong khi Kitô học mới bắt đầu bằng Cựu Ước.

c. Kitô học cũ ít nói đến vai trò của Chúa Thánh Thần giúp ta nhận biết Đức Kitô trong khi Kitô học mới nhấn mạnh vai trò này.

d. Kitô học cũ không dám đối mặt với các vấn đề thế giới đặt ra còn Kitô học mới sẵn sàng đối thoại với thế giới và tìm hướng giải quyết.

10.  Trong các nguồn cung cấp dữ liệu suy tư cho Kitô học, nguồn nào dồi dào và căn bản nhất?

a. Kinh nghiệm của các Tông đồ và các thánh nhân.

b. Lịch sử và phương pháp phê bình lịch sử.

c. Thánh Kinh và Thánh Truyền.

d. Giáo huấn của Giáo Hội với hàng trăm công đồng lớn nhỏ.

11.  Trong các cách thức mạc khải của Chúa cho con người, cách thức nào phổ biến nhất?

a. Qua các thụ tạo trong vũ trụ.

b. Qua lịch sử của dân tộc Do Thái.

c. Qua tiếng lương tâm ngay chính trong mỗi con người.

d. Qua Đức Giêsu là Con Thiên Chúa xuống thế làm người.

12.  Khi dựng nên con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa ban cho con người tinh thần biết suy tư để đón nhận mạc khải, mở ra cho Đấng Tuyệt Đối, vô biên. Điều gì sau đây là quan trọng và cao cả nhất?

a. Ngài muốn hiệp thông với con người.

b. Ngài muốn cứu độ con người.

c. Ngài muốn cộng tác với con người.

d. Ngài chẳng muốn gì hết ở nơi con người.

 

13.  Trong tinh thần đối thoại với các tôn giáo khác, chúng ta nên dựa vào nguyên tắc thần học nền tảng nào?

a. Thiên Chúa là Cha chung hết mọi loài.

b. Chúa Giêsu Kitô là đấng hiện diện trong muôn loài vì tất cả được dựng nên nhờ Người và cho Người.

c. Chúa Thánh Thần luôn tác động trong muôn loài.

d. Các tôn giáo lớn đều quy hướng về Thiên Chúa và Đức Kitô như là nguồn chân thiện mỹ và sử dụng các nghi thức phụng tự như là những dấu chỉ của lòng tin và tình bác ái.

14.  Tại sao người thời nay không mong đợi Đức Kitô của Kitô giáo? Trong mấy chục năm qua, tỷ lệ dân số Công giáo không tăng trưởng mà còn sút giảm (18,2% giảm xuống còn 17,2% dân số toàn cầu).

a. Vì người Kitô hữu chưa giới thiệu cho họ một Đức Giêsu Kitô sống động, bình an với những giá trị thăng hoa của con người.

b. Vì người Kitô hữu quá chú tâm đến Thiên Chúa, đến những gì thuộc về Chúa mà bỏ quên con người và những gì thuộc về con người.

c. Vì người Kitô hữu coi “ma quỷ, thế gian, xác thịt là 3 kẻ thù” mà không phân biệt ý nghĩa đích thực của tình bác ái Kitô giáo.

d. Vì tất cả các lý do trên đây.

15.  Vào thời Chúa Giêsu, phong trào thiên sai nào mạnh nhất?

a. Thiên sai vương giả.

b. Thiên sai ngôn sứ.

c. Thiên sai khải huyền.

d. Thiên sai có Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ.

16.  Trong cách trình bày về Đức Giêsu Kitô trong Kitô học mới, ưu điểm nào quan trọng nhất so với Kitô học cũ?

a. Đơn giản, không lặp lại các giai đoạn cuộc đời Đức Giêsu theo từng tác giả Tin Mừng.

b. Giúp người đọc có cái nhìn bao quát, toàn diện về Đức Giêsu với những biến cố chính trong cuộc đời của Người.

c. Giúp khám phá ra những quan điểm khác biệt về thần học của các tác giả Tin Mừng.

d. Giúp khám phá những điểm khác biệt về sự kiện của đời Đức Giêsu cần phải giải thích khi so sánh các bản văn Tin Mừng với nhau. Thí dụ như: các phép lạ, các lần xức dầu cho xác Chúa Giêsu, các lần hiện ra…

17.  Sự sống lại của Đức Giêsu là tâm điểm cho mọi kinh nghiệm của các Tông đồ vì:

a. Từ cuộc sống lại này, các ông nhìn ngược lại những hành động và lời nói của Đức Giêsu để khám phá ra những ý nghĩa mới.

b. Từ cuộc sống lại này, các ông khám phá ra mầu nhiệm sâu thẳm về con người Đức Giêsu là Đấng Kitô, là Đức Chúa.

c. Từ cuộc sống lại này, các ông giải thích được cái chết nhục nhã và những thất bại trong cuộc đời Chúa Giêsu.

d. Vì tất cả những điểm trên đây.

 

18.  Trong hành trình theo Đức Giêsu, người Kitô hữu không cần phải làm gì để cảm nghiệm được Đấng Phục Sinh như các Tông đồ xưa?

a. Học hỏi thật nhiều Kinh Thánh để biết Đức Kitô là ai.

b. Thao thức vì được thúc đẩy bởi tình yêu đối với Đức Giêsu bị bỏ rơi.

c. Chạy tới để hành động tuỳ theo khả năng và ân sủng Chúa ban.

d. Dừng lại để nhường bước cho anh chị em mà không đòi quyền ưu tiên cho mình.

19.  Điều khám phá quan trọng nhất của các Tông đồ về cái chết của Đức Giêsu là gì?

a. Đó là sự vâng phục tuyệt đối của Đức Giêsu theo kế hoạch cứu độ của Chúa Cha đúng như lời Thánh Kinh.

b. Đó là sự thất bại nặng nề mà Đức Giêsu phải chịu trước sự chống đối của con người.

c. Đó là hành động tuyệt vời nhất diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người và của con người dành cho Thiên Chúa để đền bù tội lỗi và chứng tỏ sự vâng phục Thiên Chúa.

d. Đó là sự hèn nhát của quan Philatô và sự thù ghét của các thượng tế và người Pharisêu.

20.      Trong toàn bộ nội dung sứ điệp của Giáo Hội về sự sống lại của Đức Giêsu, điều nào quan trọng hơn cả?

a. Sự sống lại đó không phải là cuộc hồi sinh như các người khác đã được Đức Giêsu cho sống lại.

b. Sự sống lại là cuộc tôn vinh Đức Giêsu: đặt Người làm Đấng Kitô, làm Thủ Lãnh, làm Vị Cứu Tinh, làm Thẩm Phán kẻ sống và kẻ chết, làm Đức Chúa.

c. Sự sống lại là cuộc tạo dựng mới với Trời mới, Đất mới và con người mới.

d. Sự sống lại là cuộc chiến thắng sự dữ và cái chết để đưa nhân loại và vũ trụ vào giai đoạn quyết định của thời cuối cùng.

21.  Trong việc an táng Đức Giêsu, có một vấn đề mà các nhà thần học thời trước khó lòng giải đáp, nếu không được khoa lịch sử và văn hoá trợ giúp, đó là vấn đề nào?

a. Ngày chết thật của Đức Giêsu.

b. Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh.

c. Việc xức dầu cho xác Đức Giêsu vào các ngày khác nhau nếu so sánh giữa 4 Phúc Âm.

d. Thánh giá mà Đức Giêsu bị đóng đinh.

22.  Trong việc giải thích về ngôi mộ trống, nếu không biết về lịch sử và văn hoá của người Do Thái, người ta sẽ gặp những khó khăn nào sau đây?

a. Không biết tại sao có hai lần xức thuốc thơm: một lần vào chiều thứ Sáu theo Tin Mừng thánh Gioan và một lần vào ngày Chủ Nhật theo Tin Mừng Nhất Lãm.

b. Việc nhìn thấy 1 hoặc 2 thiên thần ở trong mộ.

c. Việc lăn tảng đá sang một bên nếu chôn táng theo kiểu đào sâu xuống đất.

d. Tất cả những khó khăn trên.

23.  Việc Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra đầu tiên với các phụ nữ cũng gây nên thắc mắc vì lời làm chứng của các phụ nữ không có giá trị pháp lý. Tại sao các thánh sử không thay đổi để Đức Giêsu hiện ra sớm nhất với các tông đồ nam giới?

a. Vì sự kiện xảy ra thế nào thì thánh sử kể như vậy.

b. Vì thánh sử quan tâm đến sự bình đẳng giới trong Giáo Hội sơ khai.

c. Vì các phụ nữ này là những người thế giá vào thời Giáo Hội sơ khai.

d. Vì các phụ nữ này được Đức Giêsu yêu mến.

 

24.  Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với bao nhiêu phụ nữ là hợp lý nhất?

a. Với một mình bà Maria Madalena, theo Tin Mừng Gioan và Marcô.

b. Với hai bà Maria, theo Tin Mừng Matthêu.

c. Với nhiều phụ nữ, theo Tin Mừng Luca.

d. Với Đức Maria, theo truyền thống các giáo phụ.

25.  Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với rất nhiều người ngay trong ngày đầu tiên ở những nơi chốn và vào những thời điểm khác nhau khiến cho nhiều nhà thần học và khoa học khó tin đó là chuyện có thật – Họ cho đó là huyền thoại (Bultmann) hay chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Lý do chính yếu của họ là gì?

a. Vì muốn cho người thời nay dễ tin vào Tin Mừng hơn.

b. Vì họ không thể hiểu được bản chất của sự phục sinh nơi Đức Giêsu Kitô: đó là một cuộc sáng tạo mới, vượt ra ngoài vật chất, không gian và thời gian.

c. Vì họ chối bỏ ngay từ đầu là không thể có sự sống lại và hiện ra của Đấng Phục Sinh.

d. Vì họ muốn vận dụng lý trí để giải đáp các khó khăn trong thời biểu các lần hiện ra.

26. Để có thể hiểu được toàn bộ nội dung việc Chúa Giêsu sống lại, người ta cần có những điều kiện căn bản nào?

a. Vì sự phục sinh là một sự kiện nên cần phải khảo sát tường tận các dữ liệu lịch sử và ý nghĩa của chúng.

b. Vì sự phục sinh còn là một mầu nhiệm nên cần có một lòng tin mạnh mẽ để nhận ra được hành động cứu độ của Thiên Chúa.

c. Cần phải mở lòng cho Chúa Thánh Thần để Ngài soi sáng tâm trí cho ta hiểu được sự kiện mầu nhiệm này.

d. Cả ba điều kiện trên đây.

27. Việc Chúa sống lại gắn liền với Chúa Thánh Thần ở những điểm cơ bản nào?

a. Đức Giêsu sống lại trao ban Thần Khí cho các môn đệ để họ am hiểu Thánh Kinh nói về Người.

b. Cuộc sáng tạo mới này có sự xuất hiện của Thần Khí khi Đức Giêsu gục đầu chết trên thánh giá

c. Việc Chúa Thánh Thần hiện xuống ban dồi dào ân sủng cho các môn đệ để họ làm chứng cho Đấng Phục Sinh

d. Tất cả các điểm trên đây.

28. Muốn cảm nhận được Đức Giêsu Phục Sinh, điều nào cần thiết hơn cả cho con người thời nay?

a. Mở trí mở lòng để đón nhận tất cả sự soi sáng, mạc khải về Đức Giêsu trong Tân Ước.

b. Ý thức rằng Đức Giêsu Phục Sinh đang sống và Người sẵn sàng hiện ra cho những ai muốn làm chứng cho Người.

c. Nhận thức vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu và trong cuộc đời của mỗi người.

d. Đi lại con đường tình yêu của Đức Giêsu: khởi đầu bằng cuộc tự xoá bỏ chính mình, chiến thắng tội lỗi, chấp nhận đau khổ và cái chết, cảm nhận được sự sống lại và ơn biến đổi của Thánh Thần.

29.  Trong những năm sống ở trần gian, nhất là trong 3 năm rao giảng, Đức Giêsu nói rất nhiều lời, vậy mà tất cả những lời Đức Giêsu được ghi lại trong Tin Mừng chỉ đọc trong khoảng 1 giờ. Sự việc này muốn dạy ta điều gì quan trọng nhất?

a. Đức Giêsu chính là Ngôi Lời mà ta cần gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe để Người trực tiếp nói với ta bằng ngôn ngữ của Thánh Thần.

b. Đức Giêsu còn “nói” qua các hành động ghi trong Tin Mừng.

c. Những lời ghi lại đó chỉ là rất nhỏ so với những lời không được ghi.

d. Đức Giêsu không muốn người ta ghi lại lời Người.

30.  Nếu so sánh những lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng, người ta thấy nhiều lời rất giống nhau và có một vài chi tiết khác nhau. Thí dụ: “Vác thánh giá theo Ta” (x. Mt) hay “Vác thánh giá hằng ngày theo Ta” (x. Lc) hoặc hai kinh Lạy Cha hay Tám Mối Phúc… Điểm nào sau đây là sai?

a. Đức Giêsu nói những lời đó trong các trường hợp, hoàn cảnh khác nhau.

b. Các thánh sử đã thêm thắt vào lời Chúa Giêsu theo ý hướng thần học riêng tư của mình.

c. Đức Giêsu hay lặp lại lời giảng của mình cho các loại thính giả khác nhau.

d. Các thánh sử Tin Mừng ghi đúng lời của Chúa Giêsu.

31. Khi hiểu biết Thiên Chúa là thầy của các người thầy vì đã ban tinh thần hiểu biết cho ta, đồng thời là nguồn của mọi hiểu biết, chúng ta được mời gọi để có thái độ nào đối với nhau?

a. Tôn trọng tất cả những suy tư tích cực, cao thượng, tốt lành của con người, dù họ khác biệt ta về ngôn ngữ, chủng tộc, màu da, tôn giáo, ý thức hệ hay giai cấp xã hội.

b. Chia sẻ cách quảng đại và vô vị lợi những gì mình khám phá được cho mọi người thành tâm, thiện chí.

c. Bảo vệ, gìn giữ và phát triển kho tàng kiến thức chung của gia đình nhân loại bằng sự cố gắng học tập và nghiên cứu, phát minh.

d. Tất cả thái độ trên đây.

32.  Tại sao các tín hữu Kitô lại chọn Đức Giêsu là người thầy tuyệt vời khi Người không viết sách, không nói nhiều, không để lại công trình nghiên cứu nào?

a. Vì Người biết hết mọi sự.

b. Vì Người nói những lời quyền năng và phi thường.

c. Vì Người đã sống và dám chết cho lời của mình.

d. Vì Người là Lời yêu thương của Thiên Chúa Cha nói với muôn loài để cứu độ tất cả.

33.  Kitô giáo là con đường Giêsu hiểu theo nghĩa nào đúng nhất?

a. Con đường tâm linh mà Đức Giêsu Kitô giới thiệu cho muôn vật, muôn loài để giải thoát và đưa tất cả đạt được nguồn chân thiện mỹ và sự sống vĩnh hằng.

b. Là tổng hợp những giáo lý, tín điều, phụng tự, nghi thức như các tôn giáo khác để giúp họ ăn ngay, ở lành và được sống vĩnh hằng.

c. Là chính Đức Giêsu, như Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, do Thiên Chúa Cha sai đến để giúp mọi người sống theo Người và đạt được ơn giải thoát là trở thành con cái Thiên Chúa.

d. Là con người sống động và cũng là con Thiên Chúa.

34.  Thái độ nào của Kitô hữu đáng phàn nàn nhất trong đời sống đạo của họ?

a. Hiểu lầm con đường Giêsu cũng giống như các con đường khác vì đạo nào cũng tốt.

b. Tách biệt Đức Giêsu với con đường của Người: họ chỉ giữ nghi lễ, luật lệ, giáo lý mà coi thường sự hiện diện của Người.

c. Tách biệt Đức Giêsu với con người trong xã hội: họ chỉ giữ đạo một mình và cho mình, trong khi Đức Giêsu “sống cho người, chết cho đời”.

d. Tách biệt Đức Giêsu với chính con người họ: họ chỉ giữ đạo trong nhà thờ, trong tu viện, còn ra ngoài xã hội họ không còn hành động và yêu thương như Đức Giêsu.

 

35.  Trong dòng lịch sử, cho đến đầu thế kỷ XX, nhiều người trong Giáo hội Công giáo vẫn còn cho rằng giáo sĩ, tu sĩ chỉ nên biết khoa học đạo (như triết học, thần học), không nên biết khoa học đời. Thái độ này bắt nguồn từ lý do nào thâm sâu hơn cả?

a. Từ quan niệm nhị nguyên: cho xác và những gì liên hệ đến vật chất là xấu xa, chỉ có tinh thần và những gì liên hệ đến tinh thần mới tốt đẹp, từ đó dẫn đến việc hiểu sai về sự thật.

b. Từ quan niệm sai lầm về sự thật: sự thật theo quan niệm thần học kinh viện dựa trên các suy tư trừu tượng, xa rời thực tế.

c. Từ quan niệm sai lầm về con người: không tìm được nền nhân bản toàn diện mà chỉ nhìn con người theo từng khía cạnh, lĩnh vực.

d. Từ quan niệm sai lầm về Thiên Chúa: Thiên Chúa chỉ quan tâm đến những gì tốt đẹp, cao thượng, thuộc về tinh thần.

36.  Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, dạy cho con người con đường sự thật và sự sống, ta hiểu sự thật như thế nào?

a. Là tất cả những điểm dưới đây.

b. Đó là sự thật tuyệt đối vô biên của Thiên Chúa để muôn loài có thể đón nhận, kết hợp và đạt được sự giải thoát.

c. Đó là Đức Giêsu, Người là lời chân lý của Chúa Cha ban tặng cho muôn loài.

d. Đó là Thánh Thần chân lý sẽ dạy cho muôn loài những gì Đức Giêsu đã nói.

37.  Niềm tin của Giáo Hội vào Đức Maria đồng trinh sinh Đức Giêsu Kitô phát sinh từ đâu?

a. Từ sự mạc khải của Thiên Chúa, dựa trên các bản văn của hai Thánh Matthêu và Luca.

b. Từ sự tuyên tín của các Công đồng Nicea – Constanstinople.

c. Từ truyền thống của các Giáo phụ và của Phụng vụ tán tụng Đức Maria đồng trinh.

d. Từ chính mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời: nói lên sự tự do và nhưng không của ơn cứu độ, nêu rõ đặc tính Đức Giêsu trong quan hệ với Thiên Chúa, và trong tính cách là con người.

38. Bultmann và nhiều người thời  nay đã chối bỏ tất cả các phép lạ của Đức Giêsu và giải thích bằng những suy tư của lý luận tự nhiên như do lòng tin mù quáng, thiếu khoa học của dân Do Thái thời đó, do sự phóng đại của văn chương truyền khẩu. Vậy các phép lạ của Đức Giêsu có thật trong lịch sử không? Minh chứng nào có giá trị hơn cả?

a. Các chứng nhân tận mắt đã nhìn thấy và kể lại rồi được ghi nhận dưới tác động linh hứng của Chúa Thánh Thần và uy thế tối cao của Đức Giêsu nên lời ghi đó trung thực, đáng người ta tin.

b. Các bản văn không có tính cách khoa trương, quảng cáo mà chỉ là những bài giáo lý kêu gọi niềm tin.

c. Các phép lạ vừa là sự kiện lịch sử vừa là hành động siêu việt của Thiên Chúa mà Đức Giêsu thật sự đã làm nên mới có nhiều người theo Người đến thế.

d. Nhiều nguồn sử liệu khác nhau cùng nói đến sự kiện Đức Giêsu làm phép lạ: từ phía người Do Thái chống đối, từ phía dân chúng, các sử gia ngoại giáo…

39.  Điểm sai lầm lớn nhất của các học giả chối bỏ phép lạ của Đức Giêsu dựa trên các văn bản Tân Ước là gì?

a. Các tác giả Tin Mừng đã không đồng nhất khi kể lại các phép lạ: họ phóng đại các con số, thêm thắt các chi tiết.

b. Đức Giêsu chỉ làm khoảng 30-40 phép lạ được kể chi tiết trong các sách Tin Mừng rồi họ so sánh chúng với nhau.

c. Các thánh sử ghi lại từ các câu chuyện truyền khẩu nên có sự khác biệt, thêm thắt chi tiết.

d. Các học giả không hiểu động lực thúc đẩy Đức Giêsu làm phép lạ là tình yêu của Thiên Chúa.

40.  Những điều quả quyết quá đáng về con người Đức Giêsu của các nhà thần học thời Trung Cổ đã được sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo sửa sai nhiều điểm. Vậy điểm nào đáng ta lưu ý nhất?

a. Tri thức nhân loại của Đức Giêsu không vô hạn, nó được hình thành trong các điều kiện lịch sử của cuộc sống, trong không gian và thời gian (GLHTCG, số 472).

b. Đức Giêsu “càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan” nên có những lúc sai lầm như mọi người vì sai lầm chỉ là thiếu sót trong bản tính con người sa ngã (x. Dt 4,15) chứ không phải là tội.

c. Thân xác của Đức Giêsu có những nét xác định rõ ràng theo con người lịch sử của dân tộc Do Thái (GLHTCG, số 476) chứ không thể giống mọi dân tộc theo hình tượng trong các nghệ thuật tạo hình thời nay.

d. Đức Giêsu không thể vừa là lữ khách vừa là phúc nhân vì đã được xác định trong đời sống ở trần gian với không gian và thời gian rõ rệt (GLHTCG, số 461-463).

 

 


  

Vui lòng click vào đây để xem đáp án