Người bệnh hen nên điều trị dự phòng

Bệnh lý mãn tính này có thể kiểm soát được, nhưng việc dự phòng quá hạn chế khiến phần lớn trường hợp tử vong là… chết oan!

 Người bệnh hen nên điều trị dự phòng

Theo đánh giá của các chuyên gia dị ứng – miễn dịch lâm sàng, hen (suyễn) là nguyên nhân chủ yếu buộc người bệnh phải đến khám và điều trị nhiều lần ở các cơ sở y tế.

Bệnh lý mãn tính này có thể kiểm soát được, nhưng việc dự phòng quá hạn chế khiến phần lớn trường hợp tử vong là… chết oan!

85% bệnh nhân tử vong do hen có thể cứu sống

PGS.TS Trần Thúy Hạnh – nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp tham gia dự án phòng chống hen phế quản của Bộ Y tế (2004-2010) – cho hay kết quả sơ bộ đề tài nghiên cứu thực trạng hen phế quản ở Việt Nam năm 2010 chỉ rõ tỉ lệ bệnh nhân chưa điều trị dự phòng còn rất cao, chiếm đến 70% bệnh nhân hen phế quản. Đây là lý do khiến bệnh nhân liên tục gặp những cơn khó thở kịch phát bất ngờ, phải nghỉ học, nghỉ làm, nhập viện điều trị dài ngày, thậm chí dẫn đến tử vong không đáng có.

“Trong bảy vùng sinh thái đã nghiên cứu, tỉ lệ tử vong do hen cao nhất ở Nghệ An (16,72%), kế đến là Tuyên Quang (5,45%), Nam Định (4,18%). Nguyên nhân nằm ở mức độ trầm trọng của bệnh tật một phần, còn phần lớn do sự lơ là điều trị dự phòng hen trong cộng đồng. Thực tế 85% trường hợp tử vong do hen có thể tránh được”, PGS Hạnh nhấn mạnh.

Theo GS.TSKH Nguyễn Năng An, chủ tịch Hội Hen, dị ứng – miễn dịch lâm sàng Việt Nam, mỗi năm cả nước có đến trên 3.000 người tử vong do hen. Song hiện nay chỉ có 1% bệnh nhân hen tại nước ta được kiểm soát bệnh tật, 51% không kiểm soát được, số còn lại chỉ kiểm soát được một phần. Đặc biệt có đến gần 90% người bệnh không hề biết rằng hen có thể kiểm soát được và hơn 1/3 bệnh nhân không chịu đến cơ sở y tế để được tư vấn điều trị hiệu quả. Kết quả, vì mắc hen trẻ phải nghỉ học trung bình 40 ngày/người, người lớn phải nghỉ việc trung bình hơn một tháng/người.

Việc dự phòng hen rất đơn giản, chủ yếu dùng thuốc xịt, sau 3-6 tháng tái khám, bác sĩ đánh giá bậc điều trị xem có giảm liều được không. Song vấn đề nguy hiểm là người bệnh quen dùng và “tín nhiệm” thuốc uống, thuốc tiêm, thuốc kháng sinh vì nghĩ tác dụng của chúng mạnh hơn, nhanh hơn. Quan niệm sai lầm phổ biến trong cư dân vẫn xem thuốc xịt là dạng thuốc quá nhẹ, điều trị dài ngày, tốn thời gian!

Điều tra tại Trung tâm Dị ứng – miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2008-2010 cho thấy việc điều trị dự phòng giúp bệnh nhân hen phế quản giảm được đau đớn, giảm các nguy cơ của bệnh, đồng thời giảm đáng kể chi phí điều trị hằng năm.

Trong hơn 400 bệnh nhân điều trị tại trung tâm, có đến 56,4% có nhu cầu dùng thuốc cắt cơn, nhưng khi đã điều trị dự phòng một năm thì nhu cầu thuốc cắt cơn chỉ còn ở 6,7% bệnh nhân nặng. Có gần 1/2 số bệnh nhân hen phế quản chịu những cơn kịch phát nguy hiểm buộc phải chuyển viện cấp cứu, điều trị nội trú dài ngày, khi dùng thuốc dự phòng thì tỉ lệ này giảm xuống còn chưa đầy 5%.

Thuốc điều trị dự phòng cần được bảo hiểm chi trả

TS Đào Minh Tuấn – trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi trung ương – cho rằng khó khăn lớn nhất trong dự phòng hen cho trẻ em là thuốc phòng hen vẫn nằm ngoài danh mục được bảo hiểm chi trả.

“Thuốc dự phòng hen ở trẻ còn đắt, chưa phù hợp với mức sống của đa số người dân lao động. Trẻ lên cơn hen kịch phát buộc phải vào viện, gia đình chạy đôn chạy đáo đủ nơi để con em điều trị nội trú tốn kém, chứ không dành dụm để dự phòng cho con tại nhà là chuyện phổ biến” – TS Tuấn nói.

Thống kê tại Bệnh viện Nhi trung ương cho thấy mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khám cho 271.000 trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp trong tổng số 418.000 lượt bệnh nhân. Trong đó, có đến hàng chục nghìn bệnh nhi được chẩn đoán mắc hen phế quản. Song tỉ lệ kiểm soát hen từ những bệnh nhi được chẩn đoán này còn rất thấp. Chỉ có 12% bệnh nhi 6-12 tháng, 74% bệnh nhi 1-5 tuổi, 48% bệnh nhi trên 5 tuổi được theo dõi kiểm soát hen.

Mỗi năm, Bệnh viện Nhi trung ương phải cấp cứu cho khoảng 355 bệnh nhân (chiếm hơn 10% bệnh nhi hen được chẩn đoán tại viện), đều nhập viện trong tình trạng lên cơn kịch phát hen phế quản quá nặng.

TS Tuấn cũng khuyến cáo cha mẹ khi thấy con thường ho từng cơn, nhất là lúc nửa đêm về sáng, sau ho bị khó thở, có tiền sử về bệnh dị ứng (nổi mề đay, chàm…), gia đình có người bị hen hoặc các bệnh dị ứng thì cần đến cơ sở chuyên khoa hô hấp nhi để được chẩn đoán sàng lọc hen phế quản.

Hiện nay đã có thuốc dự phòng hen cho trẻ dưới 4 tuổi, giúp trẻ nhỏ dù mắc bệnh cũng sẽ có được chất lượng cuộc sống tốt hơn nếu được chẩn đoán sớm.