Rau muống trên sông ô nhiễm

Về nguyên lý, nước sông bị ô nhiễm chất gì, trong rau muống trồng trên đoạn sông đó cũng sẽ có chất ấy

 

Rau muống trên sông ô nhiễm

 

Trên hành trình dọc theo sông Nhuệ, điều ám ảnh chúng tôi không phải là dòng nước đen ngòm xộc mùi hôi thối đến chóng mặt mà là những “bè” rau muống.

Đưa xe tải về mua rau

Sông Nhuệ lâu nay vẫn được xếp vào nhóm những dòng sông ô nhiễm nhất VN. Thời điểm này, mực nước sông Hồng tại cống Liên Mạc (H.Từ Liêm), nguồn nước chủ yếu “nuôi” sông Nhuệ đang ở mức rất thấp khiến dòng sông này gần như đã mất hết khả năng tự làm sạch. Nước thải từ một loạt làng nghề, khu công nghiệp, nước thải sinh hoạt và cả nước thải bệnh viện ngày ngày vẫn chảy xuống sông Nhuệ.

Trên hành trình dọc theo sông Nhuệ, điều ám ảnh chúng tôi không phải là dòng nước đen ngòm xộc mùi hôi thối đến nhức đầu, chóng mặt mà là những luống rau trồng sát mép nước, những “bè” rau muống có khi choán hết cả dòng sông. Chưa hết, tuy không nhiều và quy mô cũng không lớn nhưng đây đó hai bên bờ sông, đoạn chảy qua địa phận phố Nhuệ Giang, Yết Kiêu (Q.Hà Đông, Hà Nội), xã Nguyễn Trãi (H.Thường Tín, Hà Nội) và xã Văn Hoàng (H.Phú Xuyên, tỉnh Hà Nam)…, người dân đã “khai hoang” những khoảnh đất ngay sát mép nước đen ngòm để trồng các loại rau cải, xà lách, tía tô… Những luống rau này gần như chắc chắn được chăm bẵm chủ yếu bằng nước từ dòng sông đen ngòm và bốc mùi kinh khủng.

 

Về nguyên lý, nước sông bị ô nhiễm chất gì, trong rau muống trồng trên đoạn sông đó cũng sẽ có chất ấy

Ông Nguyễn Viết Thi

 

 

Trên dòng nước sông Nhuệ đoạn từ cầu Hòa Mục (Tả Thanh Oai, H.Thanh Trì) ngược lên phía Hà Đông, chi chít những bè rau muống, kéo dài ước chừng 2 km. Mặt nước đen ngòm, có chỗ chất bẩn chưa phân hủy dồn lại, đặc quánh hoặc rác rưởi nổi lều bều, đã trở thành nguồn dinh dưỡng chính để “thổi” những bè rau muống mau lớn, xanh tươi.

Vựa rau muống lớn nhất trên sông Nhuệ chính là đoạn sông chảy qua địa phận các huyện Kim Bảng, Duy Tiên và TX Phủ Lý (đều thuộc tỉnh Hà Nam). Dọc hai bên bờ sông, những bè rau muống trải dài tít tắp, chắc không dưới 7 – 8 km, xanh tươi mơn mởn. Anh Kiều Quang Đô (xã Nhật Tựu, H.Kim Bảng), nhà ở gần sông, cho biết: “Nhà tôi cũng làm bè trồng rau muống trên sông, nhưng chỉ để cho lợn, gà và mấy chục con thỏ ăn. Nước sông bẩn thế, nhà tôi chẳng dám ăn rau muống trồng trên đó”.

Cách nhà anh Đô không xa, một người phụ nữ ngoài 60 tuổi đang cặm cụi chăm sóc đám rau muống trồng trên đám đất ngay sát mép sông. Trò chuyện, bà cho biết mình tên là Hà, nhà ở gần đấy. “Mấy hôm trước người ta đánh cả xe tải về mua rau đấy. Tầm 4 giờ 30 chiều là họ đến, mua mua bán bán một lát rồi lại đi ngay. Cũng chẳng biết họ đem đi tiêu thụ ở đâu nữa”, bà Hà cho biết.

Ngoài sông Nhuệ, nhiều người dân cũng thả bè rau muống trên sông Tô Lịch, nhiều nhất là đoạn chảy qua các xã Nhị Khê, Khánh Hà và một vài xã khác đều thuộc H.Thường Tín (Hà Nội). Rau muống được trồng dọc hai bên bờ sông, trải dài chừng 4 – 5 km. Nhiều đoạn, rau mọc kín cả dòng sông, xanh tốt, trông rất ngon. Trong khi, nguồn nước thải từ các chợ, từ hai bên bờ đều đổ thẳng xuống sông.

Nước sông có chất gì, rau muống có chất ấy

Hiện chưa có một kết luận chính thức nào từ các nhà khoa học và cơ quan quản lý về chất lượng của những bó rau muống hái từ những bè rau được trồng trên sông Nhuệ và sông Tô Lịch. Tuy nhiên, tất cả những nhà khoa học và nhà quản lý mà chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định rằng, tưới rau bằng nước bẩn, trồng rau trên nước sông ô nhiễm là không an toàn.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, một trong những điều kiện để sản xuất rau an toàn là nguồn nước tưới phải sạch, việc tưới rau bằng nước thải, trồng rau trên sông ô nhiễm chắc chắn là không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Như Tiệp cũng lưu ý: “Rau muống trồng trong nước, rễ rau sẽ hút dưỡng chất từ nước sông đó. Nếu nước tồn dư hóa chất và kim loại nặng thì các chất ô nhiễm này sẽ xâm nhập vào tế bào mô và tồn tại trong đó. Cây rau trồng trên nước bẩn càng lâu thì mức hấp thụ chất bẩn càng lớn”.

Theo ông Nguyễn Viết Thi, Viện phó Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN-PTNT): “Về nguyên lý, nước sông bị ô nhiễm chất gì, trong rau muống trồng trên đoạn sông đó cũng sẽ có chất ấy”.

Các nhà khoa học đều cho rằng, cần phải tiến hành phân tích xác định các thành phần ô nhiễm trong nước sông trên đoạn trồng rau muống và lấy mẫu rau muống truy tìm tồn dư các chất ô nhiễm mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác và thuyết phục nhất về chất lượng rau muống trồng trên sông.

TP.HCM: Rau muống vẫn tiếp tục “ký sinh” trên kênh nước đen

 

Thu hoạch rau muống trồng trên kênh nước đen cạnh chung cư Mỹ Phước (P.2, Q.Bình Thạnh) – ảnh: Minh Nam

Sau gần 1 năm thực hiện loạt bài Rau ký sinh trên kênh nước đen, ngày 1.5, trở lại những con kênh nước đen trên địa bàn TP.HCM vốn được người dân có “sáng kiến” tận dụng để trồng rau muống, chúng tôi nhận thấy tình hình vẫn chưa được cải thiện.   

Nhiều hộ dân ở vùng trồng rau muống cạnh chung cư Mỹ Phước (P.2, Q.Bình Thạnh), bờ rạch Vàm Thuật (Q.Gò Vấp), khu vực kênh Ba Bò (Q.Thủ Đức)… vẫn tiếp tục trồng và đưa ra tiêu thụ tại các chợ.

Đáng chú ý, tại vùng sản xuất rau muống có quy mô lớn lên đến vài ha, nằm dọc hai bên dòng kênh thối Ba Bò (P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức) – nơi có dòng nước được xem là ô nhiễm khủng khiếp nhất của TP.HCM, người dân vẫn sử dụng nguồn nước của kênh để tưới tiêu cho rau trồng trong khu vực.

Minh Nam