“Hóng chuyện” trong công sở

Việc dừng và nhìn lại luôn là điều cần thiết để thấy rõ bản thân mình hơn

 

“Hóng chuyện” trong công sở

 

Qua thời gian khá dài làm việc với người lao động Việt Nam, tôi thấy ở họ có những phẩm chất đáng quý sau:

Họ khá chăm chỉ, thân thiện, biết sống theo kỷ luật và có tài về các khía cạnh kỹ thuật, tính toán. Tôi được biết hầu như hơn phân nửa số nhân viên Việt trong công ty tôi đều đi học thêm sau giờ làm để nâng cao nghiệp vụ, dẫu tôi biết ai cũng rất mệt mỏi và bận bịu với công việc gia đình. Điều này không phổ biến ở đất nước chúng tôi.

Tôi rất cảm động khi biết nhiều nhân viên trong công ty thường rủ nhau đi thăm những đồng nghiệp có gia đình hay bản thân gặp chuyện không may. Điều này là một điểm cộng lớn bởi ở Mỹ chúng tôi hiếm khi làm được như vậy trừ khi mối quan hệ giữa hai bên rất thân.

Người lao động Việt Nam biết sống theo kỷ luật bởi tôi chưa từng gặp nhân viên nào hút thuốc, chát chít trong giờ làm việc… dẫu mạng công ty không hề chặn việc tải các phần mềm trên mạng xuống máy. Tôi cũng rất vui khi thấy họ dần đã chịu “hết mình” ở các sân chơi giải trí được tổ chức trong công ty, điều mà trước đây tôi nghĩ người châu Á khó thể bằng người phương Tây.

Tuy nhiên, ở người lao động Việt cũng còn nhiều điều khiến tôi băn khoăn.

Cụ thể, nhiều người chưa xác định hướng đi lâu dài trong đời, phần lớn chỉ làm theo quán tính với các mục tiêu nhỏ lẻ. Tôi thấy một số nhân viên cứ đi học ngoại ngữ, vi tính một thời gian ngắn rồi lười và… nghỉ, sau đó thấy thích thì đi học lại với trình độ “căn bản” như trước đó. Điều này khá phí phạm công sức lẫn thời gian.

Mức độ “hóng chuyện” của nhân viên ở Việt Nam cũng vượt xa các nước. Tôi không nhớ mình đã giận dữ bao nhiêu lần khi biết được chuyện họ tranh thủ những giờ nghỉ trưa để bàn tán những tin đồn về một ai đó khiến sự nghi ngờ, khó chịu cứ lan ra nhanh chóng trong công ty. Sau đó, người này nhìn người kia bằng cặp mắt nghi ngại, thương hại. Người kia nhìn ánh mắt, hành động của người này với một dấu hỏi lớn trong đầu và hậu quả là sự lo lắng khiến họ không thể tập trung trong công việc được nữa.

Người phương Tây cũng có nói to nhỏ sau lưng người khác, nhưng cuối cùng họ thường cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề bằng những trao đổi thẳng thắn.

Một chuyện không hay nữa là người Việt thường lấy thành viên trong gia đình mình ra làm tấm bình phong để giải thích cho những sai phạm, bê trễ trong công việc.

Đến giờ tôi vẫn còn bị sốc khi nhớ lại chuyện một nhân viên quản lý nói dối. Một lần anh này nói với tôi rằng con anh bị sốt nặng phải nhập viện nên chưa thể hoàn thành công việc tôi giao. Một tháng sau đó, tôi tình cờ nói chuyện với vợ anh ta ở một bữa tiệc được tổ chức trong công ty và được biết họ chỉ có một đứa con và đứa con đó đang du học ở Singapore, mỗi năm chỉ về một lần trong hè!

Viết những dòng này, tôi hi vọng nhân Ngày Quốc tế Lao động 1-5, mọi người không chỉ vui chơi mà còn coi ngày này như dịp nhìn lại thành quả lao động trong năm qua để vạch ra hướng đi mới, hoàn thiện bản thân mình hơn nữa. Theo tôi, việc dừng và nhìn lại luôn là điều cần thiết để thấy rõ bản thân mình hơn.

ROBERT M. (người Mỹ, quản lý một công ty nước ngoài tại Việt Nam)